Phân tích tình huống độc đáo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích tình huống độc đáo của truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân và rút ra ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích tình huống nhân vật Tràng nhặt được một người đàn bà giữa thời buổi đói khát về làm vợ. Đó là tình huống lạ, độc đáo và đầy cảm động. Tình huống đã mang lại hai ý nghĩa của truyện:

+ Là lời kết tội đanh thép đối với tội ác của thực dân Pháp và Nhật cùng bọn tay sai đã đẩy nhân dân ta tới thảm cảnh chết đói, khiến mạng người rẻ như cỏ rác.

+ Là bài ca về tình đời, tình người: dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, con người vẫn yêu thương, trân trọng, đùm bọc lẫn nhau, vẫn khao khát hạnh phúc gia đình và hướng về tương lai tươi sáng.

Học sinh có thể xác lập luận điểm như sau:

+ Giới thiệu tình huống truyện: Vợ nhặt là một tình huống độc đáo, éo le và đầy cảm động.

+ Tình huống được xây dựng trên thảm cảnh năm Ất Dậu (1945) của dân tộc.

+ Tình huống đã làm nổi bật lên tình cảnh thê thảm của người nông dân trước cách mạng: người đàn bà không tên, bà cụ Tứ và Tràng.

+ Nghệ thuật xây dựng tình huống của nhà văn: mở đầu và kết thúc.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích và chứng minh kết hợp bình luận.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý 

Mở bài

Sự hấp dẫn của truyện ngắn là nghệ thuật xây dựng được tình huống lạ, độc đáo, bất ngờ. Nếu coi tình huống là một sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm trong cuộc đời con người thì Tràng – nhân vật chính trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân là một nhân vật như thế. Nhà văn đã dựng lại tình cảnh thê thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám qua tình huống nhân vật Tràng “nhặt” được một người đàn bà đói khát ngoài đường về làm vợ. Sự hấp dẫn và làm xúc động lòng người của thiên truyện chính là tình huống lạ, độc đáo đó.

Thân bài

*“Vợ nhặt” là một tình huống độc đáo, éo le và đầy cảm động.

Nói đến con người, nhà văn M.Gorki đã bày tỏ niềm tự hào, niềm tin yêu, trân trọng con người đến sùng bái: “Cao cả thay chức vị làm người trên trái đất!” , “Tất cả ở trong con người, tất cả vì con người (… ). Con người! Tiếng ấy thật, tuyệt diệu! Tiếng ấy vang lên kiều hãnh và hùng tráng xiết bao!”. Ấy thế mà trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, con người chỉ là một thứ đồ vật hay cỏ rác có thể nhặt về một cách dễ dàng. Vì sao giá trị con người lại rẻ rúng, thấp hèn đến thế? Ngay từ đầu, nhan đề Vợ nhặt đã gây ấn tượng, kích thích sự hiếu kì của người đọc, buộc người đọc phải suy ngẫm về một tình huống vừa kì quặc, éo le; vừa vui vừa buồn; vừa bi thảm vừa cảm động ấy.

*Tình huống được nhà văn xây dựng trên thảm cảnh của năm Ất Dậu 1945 của dân tộc.

  • Đó là nạn đói khủng khiếp do thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng bọn tay sai phong kiến gây ra, khiến cho tình huống truyện càng trở nên độc đáo và ấn tượng. Sự thật cái bi thảm đó đã hắt bóng lên từng trang viết, ám ảnh từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhà văn đã diễn tả nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc bằng những chi tiết cụ thể, chân thật, giàu ý nghĩa nghệ thuật.

+ “Cái đói tràn vào xóm chợ” phủ lên xóm ngụ cư “không còn tiếng trẻ trêu đùa”, thay vào đó là hình ảnh lũ trẻ ngồi ủ rũ, buồn không nhúc nhích, ngay cả con đường hình như cũng “khắng khiu” ra.

+ Không gian, cảnh vật năm đói tràn qua từng “khuôn mặt hốc hác, u tối”; “những lũ người dắt díu, bồng bế nhau đi ăn xin như những bóng ma”. Thảm hại hơn “họ nằm ngổn ngang khắp lều chợ”, “người chết như ngả rạ”, “không khí vẩn lên mùi ấm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người”, “tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”.

=> Chỉ một trang văn ngắn gọn, nhà văn đã dựng lên một bức tranh chết chóc thảm đạm tối mức khủng khiếp, gây xúc động đau thương trong lòng ngưòi đọc, người dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên được tội ác của chúng.

  • Thật trớ trêu, Kim Lân đã để anh Tràng “nhặt” được vợ trong cái khung cảnh tối sầm, nghiệt ngã ấy. Cơ hồ lúc người ta chỉ còn nghĩ tới miếng ăn phàm tục để thoát khỏi cái chết đói, để được tồn tại, ai còn có thể nghĩ đến việc lấy vợ, làm đám cưới, cái thân còn chẳng lo nổi còn đèo bòng, thì anh Tràng lại đưa một người đàn bà về làm vợ, khiến tình huống trở thành sự trớ trêu, vừa bi vừa hài, vừa buồn vừa vui, làm ngạc nhiên thảng thốt cho cả xóm ngụ cư, cho cả người mẹ già của anh.

*Tình huống truyện đã làm nổi bật một sự thật thê thảm của người nông dân trước cách mạng

Sự thật không chỉ được khái quát trên nền cảnh của một đất nước, mà nó còn được hiện hữu qua từng cuộc đời, số phận mỗi con người.

  • Dưới ngòi bút của Kim Lân, chân dung người đàn bà không tên theo Tràng về làm vợ hiện lên như một con ma đói: “áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “cái ngực gầy lép nhô lên”. Thị còn không có cả một cái tên, chỉ có một chữ “thị” chung chung. Chua xót hơn, cuộc hôn nhân chỉ bắt đầu từ một vài câu trêu đùa tầm phào của Tràng mà người đàn bà quên cả nhân cách, sĩ diện, nết na để sà xuống, cắm đầu vào ăn một lúc bốn bát bánh đúc, chẳng chuyện trò gì. Rồi chấp nhận đi theo người đàn ông về làm vợ mà chưa dò cho hết ngọn nguồn lạch sông, trao cả cuộc đời không cần lễ nghi, cưới hỏi, quên cả cái chức vị cao cả làm ngưòi trên trái đất… Tất cả vì lẽ gì? Đói. Cái đói đã khiến mạng ngưòi rẻ mạt, bọt bèo thế đấy!
  • Tình huống truyện còn làm hiện lên hình ảnh bà cụ Tứ — người mẹ già của Tràng suốt đời long đong lận đận mà không có nổi chút tiền lấy vợ cho con. Thấy con trai dẫn người đàn bà lạ về nhà, bà cụ Tứ từ ngạc nhiên, thảng thốt rồi đến buồn, mừng, lo âu lẫn lộn.

+ Buồn vì: “Người ta dựng vợ gả chồng lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì…”

+ Mừng vì: “Người ta có gặp khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình… mà con mình mới lấy được vợ cũng yên bề nó”.

+ Lo vì: “Chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá!”.

Lòng người mẹ nghèo khổ rất đỗi nhân hậu ấy đã đón con dâu về trong bữa ăn thảm hại ngày đói, nhưng bà đã đem lại cho các con tình yêu thương, niềm vui, hạnh phúc và hướng các con vào tương lai tươi sáng.

-Tràng – nhân vât chính tạo ra tình huống Vợ nhặt, mãi cho tới lúc này chưa có vợ, bởi anh vốn là người xấu trai, dân ngụ cư, nghèo kiết xác, nói đến chuyện yêu và lấy một người vợ đối với anh là chuyện xa vời. Nhất lại vào năm đói chết người như thế này, ai còn nghĩ đến lấy vợ, cái thân mình không lo nổi, ai còn nghĩ đến chuyện đèo bòng? Vậy mà bất chấp tất cả, anh đã đưa người đàn bà vô gia cư ngoài đường về làm vợ. Phút chốc anh quên hết những cái đói khát đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mắt, trong lòng Tràng lúc này chỉ có người đàn bà đi bên… Phải chăng sự kiện Tràng đưa người đàn bà về làm vợ bất chấp hoàn cảnh, bấp chấp lễ nghi, bất chấp những lòi đàm tiếu là một việc làm phó mặc, liều lĩnh? Không! Đó chính là tình người, tình yêu thương trân trọng con người, là khao khát hạnh phúc của con người. Sự kiện đã bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của Tràng, đã giúp anh vượt qua sự thật nghiệt ngã của hoàn cảnh, đã tạo ra bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm và trách nhiệm của anh đối với gia đình.

=> Viết về sự thật bi thảm của người nông dân trong năm đói, nhà văn không để hoàn cảnh ấy lùa họ tới vực thẳm không cùng, mà trong đói khát, khổ đau, họ vẫn khát khao hạnh phúc. Kim Lân đã giành cho nhân vật Tràng những trang văn miêu tả tâm trạng hạnh phúc của anh thật tha thiết, cảm động về hạnh phúc con người, giá trị con người.

*Tình huống truyện được đặt vào một buổi chiều chạng vạng, trong khung cảnh tối sầm, chết chóc đe doạ hạnh phúc lứa đôi, nhưng lại được kết thúc vào một buổi sáng khi bình minh lên: Tình huống được vận động từ bóng tối ra ánh sáng, mở ra cho cả gia đình Tràng một trang đời mới.

+ Ngôi nhà được quét dọn sáng sủa, sạch quang…

+ Nàng dâu mới khác hẳn người đàn bà chỏng lỏn, trơ trẽn hôm qua, chị đã có một mái ấm, một điểm tựa và trở thành nàng dâu chăm chỉ, hiền thục, ý tứ.

+ Bà cụ Tứ thấy lòng thay đổi “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”.

 + Tràng thấy cảm động thấm thía, niềm vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập tâm hồn, anh thấy yêu và gắn bó với cái tổ ấm của mình xiết bao. Nhận thức của Tràng đã lớn lên, anh nghĩ mình phải có trách nhiệm với cái gia đình ấy.

=> Tình huống truyện lạ, độc đáo nhưng lại mang lại cho người đọc nhiều xúc động. Tình huống đã làm nổi bật lên hai ý nghĩa.

+ Vợ nhặt là lời kết tội đanh thép đối với giặc Pháp và Nhật cùng bọn phong kiến tay sai, mãi mãi người dân Việt Nam không thể quên tội ác tày trời của chúng đã đẩy người dân Việt Nam vào thảm cảnh chết đói khủng khiếp, khiến mạng người như cỏ rác.

+ Vợ nhặt còn mang một ý nghĩa nhân bản sâu xa: “Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết con người vẫn yêu thương, trân trọng, đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người.” (Kim Lân).

Kết bài

Đặt các nhân vật vào tình huống độc đáo, Kim Lân đã miêu tả thành công nhân vật với những tâm trạng khác nhau, mỗi người một vẻ; Tràng thì có vẻ phởn phơ tự đắc; ngưòi vợ nhặt thì có vẻ ngượng ngập và tủi hổ; bà cụ Tứ thì buồn lo, vui mừng, xót xa, ai oán… Nhưng trong tình cảnh đói khát, chết chóc thê thảm ấy, những con người khốn khổ vẫn biết sống lạc quan trong niềm vui của sự cưu mang, nương tựa, chăm sóc cho nhau thì thật là đáng trân trọng. Chỉ có tình mẹ con, tình vợ chồng đầm ấm, chân thực mới giúp họ vượt qua sự thật nghiệt ngã của cuộc đời. Và không có gì có thể ngăn nổi niềm tin, hi vọng của họ vào tương lai. Khép lại trang văn, dấu ấn để lại trong lòng độc giả chính là những ý nghĩa mang giá trị tình đời, tình người ấy.

» Xem thêm : Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) tại đây.

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận