Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Tràng là nhân vật trung tâm, khi phân tích học sinh cần làm nổi bật phẩm chất, tình cảm, tâm trạng của nhân vật để từ đó rút ra giá trị tư tưởng của tác phẩm. Có thể xây dựng các luận điểm như sau:

+ Giới thiệu nhân vật Tràng: từ ngoại hình, ngôn ngữ đến phẩm chất, tính cách.

+ Tâm trạng của Tràng khi quyết định đưa người đàn bà về làm vợ (luận điếm này tách ra nhiều luận điếm nhỏ tương đương với mỗi đoạn văn).

  • Tâm trạng Tràng lần đầu tiên được đi bên một người đàn bà.
  • Tâm trạng Tràng khi giới thiệu nàng dâu mới với mẹ.
  • Tâm trạng Tràng trong buổi sáng đầu tiên anh có vợ.
  • Nhận thức của Tràng bắt đầu có sự đổi thay qua hình ảnh “Lá cờ đỏ bay phấp phới” trên con đê Sộp cùng đoàn người đói khát đi phá kho thóc của Nhật.

=> Rút ra giá trị tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích và chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Văn ông chân thật, xúc động khi viết về cuộc sống, cảnh ngộ và đời sống tâm lí của họ.
  • Truyện ngắn Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962). Truyện gây xúc động lòng người qua lối viết chân thực, dựng lại tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, ngay cả khi cận kề bên cái chết, họ vẫn yêu thương đùm bọc, cưu mang lẫn nhau, vẫn khao khát hạnh phúc và có niềm tin bất diệt vào tương lai. Những phẩm chất tốt đẹp ấy được nhà văn thể hiện rất tiêu biểu qua nhân vật Tràng.

Thân bài

*Giới thiệu nhân vật Tràng

Nhà văn xây dựng nhân vật Tràng có ngoại hình thật xấu xí, người thô, to lớn, đôi mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, khi cười ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch, lại thêm cái tật vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ. Đáng buồn hơn Tràng lại rất nghèo, dân ngụ cư, ế vợ.

  • Ngôn ngữ của Tràng được thể hiện cũng suồng sã, thô kệch: “rích bố cu”, “làm đếch gì có vợ’…
  • Phẩm chất của Tràng hiền lành, nhân hậu, tốt bụng.

+ Thấy người đàn bà đói rách, anh không chê mà cho ăn.

+ Thấy cách cư xử cong cớn, bốp chát, suồng sã của chị, anh không coi thường mà chấp nhận đưa về nhà làm vợ.

  • Tràng đưa ngươi đàn bà lạ về nhà làm vợ là một tình huống bất ngờ. Bất ngờ cho cả xóm ngụ cư, cho người mẹ già của anh và ngay chính cả anh cũng không ngờ tới. Tình huống ấy với mọi người thì buồn nhiều hơn vui, còn với anh có lẽ đó là hạnh phúc.

*Tâm trạng của Tràng khi quyết định đưa người đàn bà về làm vợ

  • Tâm trạng của Tràng từ khi quyết định đưa người đàn bà về làm vợ được nhà văn miêu tả rất mộc mạc mà tinh tế, sâu sắc.

Trên đường về nhà, lúc đầu tâm trạng của Tràng cũng thấy “chợn”. Vì thời buổi đói khát, thóc cao gạo kém, đến cái thân mình còn không lo nổi, lại còn đèo bòng. Nhưng rồi anh: “Chặc, kệ!”. Cái tặc lưỡi không phải là sự phó mặc liều lĩnh, dễ dãi mà đó là tình thương yêu của anh với người cùng khổ. Anh chấp nhận đương đầu với những khó khăn hiện tại và cả sắp tới. Hơn nữa, đó là niềm khát khao hạnh phúc gia đình. Niềm khát khao ấy mạnh hơn tất cả, nhà văn đã diễn tả thật chính xác và cảm động niềm hạnh phúc đang diễn ra trong tâm lí của Tràng: “Trong một lúc, Tràng quên tất cả cuộc sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói, cái khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn giờ chỉ còn tình nghĩa giữa người đàn bà đi bên, một cái gì đó lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, nó mơn man khắp da thịt Tràng…”

=> Những câu văn thật tha thiết, Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc niềm cảm xúc sâu xa. Phải chăng sự đói khát đã làm giảm đi giá trị tình người? Không! Dù thế nào thì cái được hạnh phúc, được yêu thương là quý hơn tất cả, ngay cả khi người ta tưởng cuộc sống không còn gì ngoài bát cơm manh áo…

  • Kim Lân miêu tả tình cảm, cảm xúc của Tràng lần đầu tiên được đi bên một người đàn bà mà trong cuộc đời nghèo khó của anh chưa bao giờ dám mơ ước thật xúc động.

+ Vốn là người thô kệch, vụng về, Tràng lại càng vụng về, ngượng nghịu hơn, tay nọ xoa vào vai kia lúng ta lúng túng.

+ Tràng muốn nói một câu gì đó với người đàn bà nơi vắng vẻ mà chịu không sao nói nổi. Cuộc đối thoại giữa hai người thật rời rạc, nhát gừng, cộc lốc, Tràng ngây thơ đến ngờ nghệch. Người đàn bà hỏi: “Sắp đến nhà chưa? — Sắp. Nhà có ai không? — Có một mình tôi mấy u. Đã một mình lại còn mấy u. Bé lắm đấy! – À nhỉ !”.

+ Tràng khoe với người đàn bà chai dầu thắp (hai hào), Tràng muốn cho đêm tân hôn của mình sáng lên một chút trong cái thảm cảnh tối tăm ấy, và phần nào để người đàn bà đêm đầu tiên về nhà chồng đỡ tủi. Điều đó thể hiện dù chỉ theo nhau về thành vợ thành chồng không có mâm cao cỗ đầy, nhưng cái hạnh phúc đời thường tối thiểu nhất là chút ánh sáng trong đêm tân hôn cũng phải có và được trân trọng.

+ Niềm hạnh phúc tuy đơn sơ, nhưng đã làm cho tâm hồn anh lâng lâng vui sướng, xúc động đến ngỡ ngàng. Nhìn người đàn bà ngồi ngay giữa nhà mà anh vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế: “Hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Việc xảy ra nhanh quá, chính người trong cuộc cũng chưa ngờ tới, khiến người đàn ông thô vụng thành đứa trẻ hiền lành, ngờ nghệch,

-Tràng giới thiệu với mẹ về nàng dâu mới: “Kìa! Nhà tôi nó chào u!” một lời tưởng giản đơn nhưng đầy yêu thương và trân trọng. Đón một người đàn bà về làm vợ không có rước dâu, không cỗ bàn đình đám. Cô dâu không có lấy cả bộ quần áo lành lặn, ngược lại rách như tổ đỉa. Vậy mà mấy tiếng “Nhà tôi nó chào u” ,“Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… chẳng qua nó cũng là cái số cả…” nghe mà gần gũi thân thương. Thế là họ đã nên vợ nên chồng. Kim Lân chẳng nhiều lời gọt giũa, chỉ vài câu đơn giản, mộc mạc mà vẫn giới thiệu được một cuộc đại lễ trịnh trọng, nghiêm túc của những con người khốn khổ về với nhau trong ngày đói.

  • Tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên khi anh có vợ được tác giả miêu tả thật tinh tế mà chân thực.

+ Một cảm giác lạ chưa từng thấy tràn ngập trong anh, anh thấy trong người êm ái, lơ lửng như người ở trong giấc mơ đi ra, việc có vợ vẫn hình như không phải.

+ Tràng chợt nhận ra xung quanh mình “có cái gì vừa thay đổi mới lạ”. Nhà cửa, sân vườn, lối đi được quét dọn sạch quang. Những chiếc quần áo rách như tổ đỉa khươm mươi niên vắt trong góc nhà nay đã được đem phơi phóng. Hai cái ang nước mọi ngày há miệng khô khốc giờ đây đã ăm ắp nước.

+ Bà mẹ lúi húi giẫy cỏ; nàng dâu quét tước, nấu nướng, cảnh tượng diễn ra thật bình thường mà đối với Tràng, nó cảm động và thấm thía, ấm áp biết bao.

+ Có lẽ giờ đây Tràng mới thực sự hiểu được giá trị của một gia đình đầy đủ, hạnh phúc. Niềm vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập tâm hồn anh, anh bỗng thấy yêu và gắn bó với ngôi nhà dù còn bao thương khó. Nhưng nó là nơi che mưa che nắng cho cả gia đình anh. Tràng thấy mình phải có trách nhiệm với người mẹ già cả cuộc đời dằng dặc khổ đau, với người vợ mới dù nghèo nhưng chăm chỉ hiền thục.

=> Trong khung cảnh đói khát chết chóc thê thảm của đất nước những năm bốn nhăm ấy, người nông dân khôn khổ như Tràng đã biết vượt lên hoàn cảnh, tìm đến hạnh phúc trong niềm vui nương tựa đùm bọc lẫn nhau. Chỉ có tấm tình chân thực mới giúp họ có sức mạnh vượt qua sự thật nghiệt ngã của cuộc đời. Và không có gì ngăn nổi niềm tin, hi vọng của họ vào tương lai, đó chính là giá trị nhân văn đầy cảm động của truyện ngắn này.

  • Để nhân vật của mình thực sự sẽ vượt lên hoàn cảnh và được sống hạnh phúc, nhà văn đã để cái đầu “ngờ nghệch” của Tràng phút chốc vụt đên trong ý nghĩ: “Cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên con đê Sộp”, cùng hình ảnh “lá cờ đỏ bay phấp phới’’ đi phá kho thóc của Nhật như dẫn mở Tràng vào một bước ngoặt mới trong cả nhận thức và con đường đi lên. Đó là tín hiệu của sự đổi đời, nhất định anh và bao người nông dân đói khổ khác sẽ được sống trong hạnh phúc nếu biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh. Đó không phải là một mơ ước viển vông mà thực tế đã chứng minh ở cuộc Cách mạng tháng Tám của dân tộc.

Kết bài

Kim Lân sinh ra từ một miền quê, ông rất hiểu đời sống vật chất cũng như tinh thần của người nông dân. Viết về nhân vật Tràng, đặt nhân vật vào một tình huống vừa kì quặc, vừa oái oăm, vừa bi hài, nhưng nhà văn đã cảm thông, sẻ chia, đồng điệu cùng nhân vật để cất lên bài ca nhân bản mạnh mẽ, làm thiết tha lòng người về cái hạnh phúc đời thường. Con người dù có nghèo khổ đến đâu, họ vẫn có quyền mơ ước một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Có lẽ thiên truyện hấp dẫn người đọc bởi những trang phân tích và diễn tả tâm lí sắc sảo, tinh tế mà đầy hóm hỉnh này của Kim Lân.

» Xem thêm : Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) tại đây.



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận