Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân (sách Ngữ Văn 12 – Tập hai – NXB Giáo dục 2008)

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Trên cơ sở hiểu biết về nhà văn, tác phẩm và giá trị nhân đạo trong văn học, học sinh phân tích giá trị nhân đạo được biểu hiện cụ thể trong tác phẩm Vợ nhặt.

Dựa vào những tiêu chí của giá trị nhân đạo trong văn học, học sinh có thế xác lập ý như sau:

+ Nhà văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp – Nhật và phong kiến tay sai qua tình huống nhân vật Tràng nhặt được vợ.

+ Nhà văn bênh vực, cảm thông sâu sắc với những khổ đau, bất hạnh của nhân vật.

+ Nhà văn trân trọng khát vọng hạnh phúc gia đình và phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động nghèo khổ.

+ Hướng họ vào một tương lai tươi sáng.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm, có thể đưa thêm một số tư liệu văn khác trước đó để so sánh làm cho bài văn thêm sâu sắc.

II. Lập dàn ý

Mở bài

-Nêu chủ nghĩa nhân đạo trong văn học: Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của người Việt Nam. Chủ nghĩa nhân đạo là sợi chỉ hồng xuyên suốt quá trình lịch sử phát triển văn học, từ cội nguồn văn học dân gian đến văn học hiện đại. Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm rất phong phú, đa dạng: biểu hiện ở lòng thương người, lên án tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, về công lý, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người. 

-Kim Lân nhà văn của cảnh quê, người quê và thế giới  của hương đồng gió nội cộng với tấm lòng tha thiết, hiếm có đã tạo nên những trang viết sâu sắc, cảm động. Vợ nhặt (rút ra từ tập Con chó xấu xí — 1962) là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Cái điểm sáng làm nên ý nghĩa nhân bản sâu sắc của truyện ngắn có lẽ ở trong tâm sự này của ông: “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui, để mà hi vọng”. Vì lẽ đó, ông đã đặt các nhân vật của mình vào tình huống nghiệt ngã của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945), để từ đó làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Thân bài

*“Vợ nhặt” trước hết là thiên truyện về cái đói

  • Đó là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945), chỉ mấy chữ “cái đói đã tràn đến” đủ làm cho ngưòi dân đất Việt nhớ về một hiểm hoạ vô cùng nghiêm trọng của đất nước đã quét đi hơn hai triệu người từ Quảng Trị ra đến Lạng Sơn.

+ Cái đói tràn qua gương mặt người, tràn qua những “khuôn mặt u tối”, những khuôn mặt “xanh xám như những bóng ma”, “những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”.

+ Cái đói tràn vào không gian: ngoài đường và trên khắp các lều chợ ngổn ngang kẻ sống người chết, tiếng quạ “gào lên… từng hồi thê thiết” cùng với ”mùi gây của xác người”...

=> Kim Lân đã tái hiện một thời khắc lịch sử ghê rợn, nhập nhoà giữa cõi âm và cõi dương; giữa cái sống và cái chết; giữa người và ma chỉ mong manh như làn khói.

  • Cái đói còn hiện hữu qua chân dung của người đàn bà vợ nhặt: “Quần áo tả tơi như tô đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”,“cái ngực gầy lép nhô lên”. Thị chẳng cần nghĩ đến nhân cách, sà xuống, cắm đầu ăn một lúc bốn bát bánh đúc, chẳng chuyện trò gì rồi cắp thúng theo không người đàn ông về làm vợ. Chao ôi! Cái đói đã làm méo mó nhân cách, làm mọi sự chẳng theo một luật lệ nào: việc thiêng (cưới xin) trở nên như một trò đùa, bốn bát bánh đúc — một mối tình, một câu hò tầm phơ nên chồng vợ, một nồi cháo cám — cỗ tân hôn.

=> Ai đã làm nên nông nỗi ấy? Ngòi bút Kim Lân không phải vô tình, những dòng chữ ấy là bản cáo trạng tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ tay sai phong kiến đã đẩy con người tới thảm cảnh chết đói, khiến mạng người như cỏ rác. Đặt các nhân vật của mình vào nền cảnh đen tối nghiệt ngã ấy, Kim Lân muốn toả sáng một “chất thơ đặc biệt của hồn người”, của tình đời, tình người sáng ngời một chủ nghĩa nhân văn tha thiết, cảm động.

*Nhà văn bênh vực, cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ đau, bất hạnh của nhân vật

  • Tràng không lấy được vợ không phải vì anh xấu xí, dở hơi, dân ngụ cư mà vì cái chính anh quá nghèo. Anh nghèo vì đất nước lầm than, nhân dân cực khổ. Anh đưa người đàn bà ngoài đường ngoài chợ về làm vợ không phải anh vơ quàng vơ xiên nhân ngày đói, mà đó là tình người cao quý, là khát vọng hạnh phúc đáng trân trọng của con người.
  • Người đàn bà không tên chỉ có một chữ “thị” nhưng trong giọng điệu của nhà văn không hề có ý khinh miệt, rẻ rúng. Chị ăn nói cong cớn, chị sà xuống vục đầu vào ăn, chị theo không Tràng về làm vợ… Tất cả không phải chị không hiểu nhân cách của mình mà vì sự sống, bên bờ cái chết họ cần phải sống. Vả lại, chị cũng có tình cảm với Tràng ngay từ lần gặp đầu tiên nên lần sau chị mới mắng vào cái sự vô tâm của Tràng: “Điêu! Người thế mà điêu!”. Lúc trên đường về nhà có khi chị giễu anh: “Bé lắm đấy!”, khi mắng anh “khỉ gió”, khi phát anh đánh đét “mặt khoặm lại”… Rõ ràng chị không hề có mặc cảm thân phận vợ nhặt, vợ theo mà vẫn có vị thế của người phụ nữ trong lòng Tràng. Họ thật sự thương nhau, hướng về nhau như bất cứ đôi tình nhân nào mới yêu nhau.
  • Bà cụ Tứ, khi hiểu ra cái cơ sự của con trai, bà xót xa, ai oán cho số kiếp của mình và thương con: “Chao ôi! Người ta cưới vợ cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì…”. Sau cái chữ “thì” là cả một cuộc đời dằng dặc nghèo đói, khổ đau của bà mà nhà văn nghẹn ngào không nói hết. Ông cảm thương cùng nỗi niềm chua xót của ngưòi mẹ già đến cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn không làm tròn trách nhiệm với con. Ông nhập hoà cùng tâm trạng của bà cụ để buồn, lo, mừng vui lẫn lộn trước cơ sự đã rồi của con. Điểm sáng ngời nhất mà nhà văn nhìn thấy ở ngưòi mẹ già này là một tấm lòng. Một tấm lòng vị tha, bao dung với nàng dâu mới, không phải vì đói và sự chết chóc kề bên mà bà xua đuổi, hắt hủi nàng dâu. Ngược lại, bà suy nghĩ thật thấu tình: người ta có đói mới lấy đến con mình, mà con mình mới có vợ, bà mừng lòng cho các con nhưng vẫn không khỏi xót xa: “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!”. Tấm lòng nhân hậu của bà cụ Tứ phải chăng cũng chính là tấm lòng nhân hậu của nhà văn đối với nhân vật.

*Nhà văn không chỉ bênh vực, cảm thương mà còn trân trọng khát vọng hạnh phúc gia đình và phẩm chất tốt đẹp của họ

  • Tràng dắt díu người đàn bà đi qua xóm chợ, anh đã thổi vào cái không khí xám ngắt đầy chết chóc ấy một luồng sinh khí mới. Những đứa trẻ mấy hôm trước mặt mày còn ủ rũ, hôm nay gào lên: “Chông vợ hài!”, những khuôn mặt hốc hác u tối trong xóm bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên, “Có cái gì lạ lắm và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ”. Họ không hiểu, họ thở dài, nín lặng bởi trong họ cái khát vọng sống mạnh hơn là khát vọng hạnh phúc. Nhà văn đã để cho đôi trai gái trước một sự lựa chọn đầy thách thức, chứng tỏ nhà văn hoàn toàn đứng về phía họ, trân trọng khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc của họ.
  • Nhà văn không hề tầm thường hoá cuộc hôn nhân của nhân vật. Trái lại, ngòi bút luôn tươi vui, dí dỏm, tinh tế khi miêu tả cảm nhận hạnh phúc trong nội tâm của họ.

+ Hơn hai mươi lần nhà văn nói đến nụ cười của Tràng: khi anh phởn phơ, khi anh tủm tỉm, khi anh bật cười và hai mắt thì sáng lên lấp lánh, cái mặt thì cứ vênh lên tự đắc với mình.

+ Đi bên người đàn bà gày gò, áo quần rách như tổ đỉa… Tràng không hề gợn trong tình cảm của mình một chút gì như coi thường cô gái.

+ Trái lại nhờ cô gái mà anh “quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ…”. Anh chăm lo cho cái đêm tân hôn của anh có chút dầu đèn cho sáng sủa, hạnh phúc không thể úi sùi dù chẳng có cưới xin linh đình, sang trọng.

+ Niềm hạnh phúc đến với anh thật dễ dàng, thật bất ngờ, đùa mà hoá thật, thực mà như mơ. Nhà văn Kim Lân miêu tả cảm giác sung sưống ấy thật mộc mạc mà tinh tế, cảm động: “Một cái gi mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Hạnh phúc lớn quá và đột ngột quá khiến anh cứ ngờ ngợ không tin. Ngay cả sáng hôm sau: “Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lơ lửng như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”.

=> Những câu văn diễn tả tâm trạng hạnh phúc của Tràng thật tha thiết, Kim Lân đã gieo vào lòng ngưòi đọc niềm xúc động sâu xa về hạnh phúc con ngưòi.

*Không chỉ trân trọng khát vọng hanh phúc của họ, nhà văn Kim Lân còn đem lại cho họ một niềm tin tươi sáng vào ngày mai

  • Sự thay đổi trong mỗi nhân vật được bắt đầu từ cuộc sống mới: ngôi nhà cỏ mọc rêu phong nay đã được quét dọn sạch quang, mọi thứ trở nên ấm áp trong không khí gia đình.
  • Nàng dâu mới đã có một mái ấm, có bờ vai nương tựa.
  • Tràng biến đổi hẳn trong tâm lí và nhận thức của mình: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người”, có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này, phải chăm lo gắn bó với nhà cửa, ruộng vườn, nơi che mưa che nắng. Ý thức được bổn phận, Tràng thấy “một nguồn vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”.
  • Điểm sáng của tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm là ở nhân vật bà cụ Tứ. Nhà văn đã gửi tình yêu cuộc sống, niềm tin vào ngày mai sẽ chiến thắng hoàn cảnh là ở người mẹ già đáng kính này.

+ Trước nạn đói, bà mẹ cũng thất vọng và hoài nghi như mọi người: “Biết rằng có nuôi nhau sống được qua cơn đói khát này không?”. Nhưng trong bữa cơm ngày đói chỉ có bát cháo loãng và bát cháo cám với đĩa rau chuối thái rối, tiếng khóc hờ còn văng vẳng bên tai mà bà cụ “nói toàn những chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này”. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hắn lên”.

+ Bà dặn dò các con “liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông trời cho khác… biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?…”. “Có tiền mua đôi gà về nuôi chẳng mấy chốc mà có cả đàn”.

=> Lời nói của người mẹ già dù vẫn đan xen trong tiếng thúc thuế ngoài đình, trong không khí ảm đạm, chết chóc bao trùm xóm chợ nhưng đã đem lại cho lớp trẻ một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Nhà văn đã cho người đọc thấy phẩm chất đáng quý của những người lao động nghèo khổ này, họ nghèo mà không hèn, nghèo mà biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, ở bên bờ cái chết mà vẫn lạc quan hướng về ngày mai để tin, để sống.

*Điểm chốt giá trị nhân văn của “Vợ nhặt” là ở đoạn kết của tác phẩm

Truyện mở đầu là một buổi chiều chạng vạng, Tràng đưa vợ về trong không khí tối sầm của chết chóc, nhưng lại kết thúc bằng một buổi sáng bình minh lên.

  • Cái tương lai cuộc đời của những người nông dân này được nhà văn đặt vào nhân vật nàng dâu mới: “Ở đây mà vẫn phải đóng thuế cơ à? — Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế đâu. Người ta còn phá kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy”. Câu nói của nhân vật chẳng phải là của chính nhà văn đã “xui” người ta nổi loạn mà cứu lấy chính mình đó sao?

+ Và trong cái đầu ngờ nghệch của Tràng cũng đang ngờ đến những người phá kho thóc ấy là Việt Minh? Phút chốc vụt đến trong ý nghĩ của Tràng “cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trền đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”, “À ra họ đi phá kho thóc chia cho người đói. Tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu”. “Ngoài đình tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập… Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.

=> Một kết thúc chứa bao sức nặng về nghệ thuật và nội dung tư tưởng thiên truyện. Nhà văn đã thoát ra khỏi cái kết cấu khép của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 để bước tới phạm trù của văn học cách mạng. Nhờ thế, truyện đã đóng lại mà tương lai một số phận mới được mở ra. Hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới kia là tín hiệu của sự đổi đời. Nhân vật Tràng tiếp tục được vận động về phía trước cả về ý thức và hành động, không bị rơi vào bế tắc như anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, như chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao… Kết thúc này không phải là một mơ ước viển vông, một ảo tưởng cổ tích mà có cơ sở chắc chắn từ trong hiện thực đời sống mà nhà văn đã nhìn thấy để mở ra cho nhân vật của mình một hướng đi.

Kết bài

Thành công của nhà văn là đem lại cho người đọc một tinh thần nhân đạo. Nhà văn không chỉ thương cảm, sẻ chia với nỗi khổ đau, bất hạnh của những người nông dân nghèo khổ mà ông còn nhìn thấy ở họ những phẩm chất tốt đẹp, trân trọng và nâng đỡ họ vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống để vươn tới tương lai: “Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết con người vẫn yêu thương, trân trọng, đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào cuộc sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Thông điệp của nhà văn Kim Lân mang thông điệp của nhà văn Nga Nhicôlai Ôxtrôpxki trong Thép đã tôi thế đấy: “Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không chịu được nữa”.

» Xem thêm : Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành tại đây.

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận