Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Hình tượng rừng xà nu được nhà văn Nguyễn Trung Thành xây dựng trong tác phẩm cùng tên như một biểu tượng của cuộc sống đau thương nhưng kiên cường, bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên.

Anh, chị hãy phân tích để làm sáng tỏ điều đó.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Trung Thành. Hình tượng được nhà văn xây dựng như một biểu tượng của cuộc sống đau thương nhưng kiên cường, bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên.

Học sinh có thể xây dựng luận điểm như sau:

+ Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu thể hiện kết cấu của tác phẩm.

+ Hình tượng rừng xà nu đau thương nhưng vô cùng đẹp đẽ.

+ Hình tượng cây xà nu được xây dựng như một nhân vật anh hùng, biểu tượng cho vẻ đẹp, sức sống kiên cường, bất khuất của người Tây Nguyên.

+ Hình tượng cây xà nu còn gắn bó với đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên.

=> Rút ra ý nghĩa của hình tượng.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành được viết năm 1965 và in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Đây là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất thời kì kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm khắng định vị trí của Nguyễn Trung Thành trong nền văn chương hiện đại — vị trí đầu tiên trong vùng đất Tây Nguyên đi vào văn xuôi. Và cho tới nay, ông vẫn là cây bút văn xuôi viết hay nhất về miền đất ấy.
  • Nguyễn Trung Thành đặt tên cho tác phẩm của mình là Rừng xà nu đây không phải là một sự ngẫu nhiên, rừng xà nu là hình ảnh gắn bó máu thịt với ông, ông yêu mến, khâm phục và viết về nó như một biểu tượng của cuộc sống đau thương, về vẻ đẹp phẩm chất kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà cụ thể là hình ảnh những người con của làng Xô Man.

Thân bài

*Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu thể hiện kết cấu của tác phẩm

Mở đầu là cảnh rừng xà nu nối nhau chạy tít tắp tận chân trời và kết thúc vẫn “bằng một cảnh rừng xà nu, như một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận”. Cây xà nu rải kín từ đầu đến cuối tác phẩm, rải kín toàn câu chuyện. Người ta gọi đó là kết cấu đầu cuối hô ứng, hình tượng ấy vừa có ý nghĩa cụ thể gợi lên đặc trưng của miền đất Tây Nguyên, vừa có ý nghĩa biểu tượng của cuộc sống đau thương nhưng kiên cường và bất diệt của con người Tây Nguyên.

*Hình tượng rừng xà nu đau thương nhưng vô cùng đẹp đẽ

  • Mở đầu trang viết, nhà văn dùng ngôn ngữ nghệ thuật để chạm khắc hình tượng cây xà nu từ hình khối, màu sắc, hương vị nổi bật lên trong đau thương của lửa đạn chiến tranh: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Những dòng văn đẹp lạ lùng, gây ấn tượng mạnh cho người đọc cảm nhận về sự khốc liệt của chiến tranh…
  • Nhưng sức sống của cây xà nu thật mạnh mẽ, kì diệu: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy thứ ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lấp lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Những câu văn thật hào hứng, tha thiết, nhà văn đã giành cả bút lực cho loài cây mà ông yêu quý. Một loài xà nu khao khát sống, háo hức phóng mạnh lên bầu trồi lớn rộng, không gì ngăn cản nổi như để thoả mãn tình yêu tự do và ánh sáng.

*Hình tượng cây xà nu được xây dựng như một nhân vật anh hùng, biểu tượng về vẻ đẹp, sức sống kiên cường, bất diệt của con người Tây Nguyên

  • Nhà văn đã dùng thủ pháp nghệ thuật tượng trưng và nhân hóa để xây dựng cây xà nu, rừng xà nu như một nhân vật anh hùng.

+ Ngay mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trung Thành đã đặt hình tượng rừng xà nu trong thế đối lập giữa sự sống và cái chết, sự sinh tồn đang đứng trước thảm hoạ diệt vong, cả rừng xà nu đặt trong tầm đại bác của giặc, ngày nào chúng cũng bắn hai lần, rừng xà nu đầy mình thương tích, đổ ào ào như một trận bão. Chỗ vết thương nhựa ứa ra… đọng thành cục máu lớn. Nỗi xót xa đau thương hiện trong muôn hình muôn vẻ.

+ Những cây non tựa như những đứa trẻ thơ “nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết”.

+ Lại có cái đau dữ dội của những cây như đang tuổi thanh xuân bỗng bị chặt đứt ngang mình, đổ ào ào như bão.

+ Nhưng có những cây cường tráng “vết thương của chúng chóng lành” đạn đại bác không giết nổi. Đó chính là ấn tượng sâu đậm đọng lại trong lòng người đọc về hình tượng rừng xà nu không bao giờ, không thể nào hủy diệt được, dù đạn đại bác của kẻ thù có thể gây ra hàng ngàn vạn nỗi đau thương mỗi ngày.

+ Một loài cây khao khát sống, hào hứng phóng lên bầu trời rộng lớn đón ánh sáng mặt trời.

+ Một loài cây có sức sống bền bỉ, dẻo dai, mãnh liệt, không gì ngăn cản nổi: “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy”, cây này ngã xuống, cây khác đứng lên, ngọn xanh ròn, hình nhọn mũi tên láo thẳng lên bầu trời để tiếp nắng mặt trời… đẹp và dũng mãnh, đạn đại bác không giết nổi chúng.

=> Quả thực trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, sự sống vẫn mạnh hơn cái chết, sự sống luôn bất diệt ngay cả trong sự hủy diệt. Nhà văn đã dành cho loài cây này những câu văn, những trang viết đầy hào hứng và tha thiết. Ấn tượng về rừng xà nu như một điệp khúc xanh, ngân mãi trong lòng người đọc về một sức sống man dại, mênh mông bất tận.

*Chất biểu tượng ấy được thể hiện qua các thế hệ làng Xô Man.

+ Hình tượng rừng xà nu cũng giống như các thế hệ làng Xô Man sống dưới tầm đại bác của giặc. Sự đàn áp dã man của giặc khiến trái tim họ mang đầy thương tích, chết chóc. Nhưng họ vẫn khao khát sống, ham sống mãnh liệt. Người này ngã xuống, người kia đứng lên, thế hệ này đi qua có thế hệ khác kế tiếp. Họ không chỉ sống mà còn sống để đánh giặc, diệt trừ cái ác, bảo vệ quê hương, đất nưốc khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

+ Anh Quyết hi sinh có Tnú thay thế.

+ Mai ngã xuống có Dit và bé Heng lớn lên.

=> Phẩm chất của họ trong sạch như nhựa cây xà nu; sức sống của họ bền bỉ, dẻo dai, kiên cường, mãnh liệt như rừng xà nu. Họ yêu Đảng, yêu nước như cây xà nu vươn lên tìm ánh sáng, ánh nắng mặt tròi. Hình tượng cây xà nu hay cũng chính là biểu tượng của con người Tây Nguyên tha thiết về sự sống. Nhà văn đã giành hết bút lực của mình để ngợi ca sự sống, vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất của cả thiên nhiên và con người nơi đây. Đó là điều chủ yếu làm nên chất văn sâu đậm trong thiên truyện ngắn này.

*Hình tượng rừng xà nu còn gắn bó với đời sống và chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên

  • Rừng xà nu gắn bó với đời sống của người Tây Nguyên.

+ Ngọn lửa xà nu giữ lửa, giữ ấm trong bếp mỗi nhà.

+ Đuốc xà nu soi sáng con đường đi và trong nhà ưng tập hợp dân làng.

+ Khói xà nu làm lem luốc mặt mũi, chân tay lũ trẻ; gỗ xà nu làm bảng cho lũ trẻ học bài.

  • Cây xà nu, rừng xà nu còn là nhân chứng cuộc đấu tranh khốc liệt của dân làng Xô Man.

+ Không chỉ là một chứng nhân lịch sử đấu tranh của làng Xô Man mà cây xà nu còn tham gia trực tiếp vào các sự kiện trọng đại của dân làng trong cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước: ngọn đuốc xà nu soi sáng cho dân làng mài gươm giáo chuẩn bị khởi nghĩa; ngọn đuốc xà nu soi sáng cho cụ Mết và thanh niên vào rừng lấy vũ khí giết giặc; nhựa xà nu bị giặc lấy đốt cháy mười đầu ngón tay Tnú; ánh đuốc xà nu bừng bừng trong đêm đồng khởi…

+ Hình tượng rừng xà nu như ngưòi cha khổng lồ che chở cho con người chiến đấu: “Cứ thế hai, ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình che chở cho dân làng”.

=> Nói về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong các cuộc kháng chiến, nhà thơ Tố” Hữu cũng viết: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, “Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây”(Việt Bắc). Rừng ở đâu cũng vậy, ở Việt Bắc, ở Tây Nguyên hay bất cứ nơi đâu trên mảnh đất đầy đạn bom này, đều trở thành nhân vật anh hùng, thành luỹ thép che chở cho con ngưòi và cùng con người đánh giặc bảo vệ quê hương, đất nước.

Kết bài

Mở đầu là hình ảnh cánh rừng xà nu bị đạn đại bác của giặc tàn phá đau thương, nhưng kết thúc tác phẩm là một cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy tít tắp tới tận chân trời. Một hình ảnh rộng lớn, hùng tráng và thơ mộng tượng trưng cho phẩm chất, sức sống, cho tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên và cả dân tộc Việt Nam. Bức tranh thiên nhiên hay những hình tượng anh hùng trong tác phẩm, chung quy đều là sự kết tinh những lí tưởng cao quý nhất của cả cộng đồng. Đó là lí do nhà văn chọn đề tài Rừng xà nu — “Một loại cây hùng vĩ, cao thượng, man dại và trong sạch” mang đậm nét sử thi mà nhà văn yêu quý.

» Xem thêm : Cảm nhận về nhân vật Tnú trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) tại đây.

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận