Phân tích bài “Việt Bắc”- (P4) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12

Đang tải...

VIỆT BẮC

Tố Hữu

2. 12 câu thơ tiếp theo: Nỗi niềm của người dân Việt Bắc.

– Nhịp thơ lục bát với âm điệu du dương, da diết đã diễn tả một thoáng ngập ngừng trong tình cảm lúc chia xa để rồi sau đó tạo nên sáu câu hỏi dồn dập trong mười hai câu thơ lục bát tiếp theo:

“Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son Mình vê, có nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?”

– Sự nối tiếp của mười hai dòng thơ nằm trong mạch cảm xúc của hoài niệm như một sự xuất hiện tất yếu. Bởi sau những băn khoăn của Việt Bắc đối với tình cảm của người về xuôi là tiếng hát đầy nghĩa tình của kẻ đi, là sự khắng định niềm thủy chung của cách mạng đối với Việt Bắc. Tiếng hát ấy đã làm cảm động người ở lại khiến bao nhiêu kỉ niệm, bao nhiêu hồi ức đầy tình nghĩa đã trào dâng mạnh mẽ trong tâm trí người tiễn đưa. Mười hai dòng thơ tiếp nối nhau tạo thành một dòng chảy của những hoài niệm cuồn cuộn, nồng nàn, tha thiết. Mỗi cặp sáu – tám lại gợi một kỉ niệm về những tháng ngày sâu nặng nghĩa tình của Việt Bắc. Những câu sáu tiếng tiếp nối nhau đều là những câu hỏi như một sự khơi gợi nỗi nhớ đối với người về xuôi. Mỗi câu sáu lại hướng tới “mình”. Những chữ “mình” nối tiếp nhau như một điệp khúc của tình cảm. Và đặc biệt hơn ở những câu sáu tiếng là chữ “mình” tha thiết luôn đi gắn với chữ “đi” đầy nhớ thương, ở đây về nghĩa là đi, đi cũng là về. Chữ “mình”, chữ “đi” bao giờ cũng kèm với chữ “nhớ”, điều đó cho thấy người ở lại lưu luyến kẻ về xuôi biết bao.

– Nếu hai câu hỏi ở phần mở đầu chỉ gợi ra hình ảnh khái quát của “mười năm năm ấy” với biết bao gắn bó thiết tha cùng “núi”, cùng “nguồn” thì những câu hỏi ở đoạn thơ này đã hướng tới những kỉ niệm thật cụ thế, gần gũi – kỉ niệm về một thời kháng chiến không thế nào quên. Hình ảnh “mưa nguồn”, “suối lũ”, “mây mù” gợi về một thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội với núi cao, rừng thẳm. Trong những ngày khó khăn, thiếu thốn, người dân Việt Bắc và cán bộ cách mạng đã cũng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Khi thì nhường nhau “miếng cơm chấm muối”, lúc lại chia sẻ những nỗi niềm “mối thù nặng vai”. Mối thù dành cho quân cướp nước không còn chung chung trừu tượng mà như có hình có khối đè trĩu nên vai thôi thức tinh thần chiến đấu của quân và dân.

– Giáo sư Nguyên Văn Hạnh đã nhận ra rằng: “Câu thơ vừa thể hiện tình đoàn kết trong gian lao chung ý chí quyết tâm, vừa là lời nhắc nhở người ra đi còn nhớ hay quên kỉ niệm của chúng ta.”

– Sáu câu hỏi của người Việt Bắc dùng tới năm từ “có nhớ” như một khúc nhạc lòng luyến láy. Họ hỏi nhưng thực ra đã biết rằng người ra đi lưu luyến nhớ thương với tất cả kỉ niệm nơi chiến khu:

“Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già.”

– “Rừng núi” dược nhân hóa để chỉ người dân Việt Bắc nơi rừng xanh núi đỏ hoang xơ. “Ai” là đại tứ nhân xưng chỉ người về xuôi, tính chất phiếm chỉ khiến người ra đi trở nên xa xôi hơn trong ánh mắt nhớ thương của người ở lại. “Trám bùi”, “măng mai” là những sản vật quen thuộc của núi rừng nhưng “mình” trở về miền xuôi thì ai sẽ là người hái trám, hái măng? Phép điệp trong cấu trúc “để rụng để già” gợi lên hình ảnh cuộc sống như ngưng đọng lại sau lưng người ra đi cùng cảm giác hẫng hụt, trống vắng, cô đơn trong lòng người ở lại. Không chỉ nhắc lại kỉ niệm khăng khít, nghĩa tình mà còn bộc lộ lòng chung thủy, sắt son qua hai câu thơ:

“Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.”

– Sự đối lập giữa cái bên ngoài “lau xám” là cái bên trong “lòng son” khiến tình cảm con người Việt Bắc cứ ngân lên ấm áp lạ thường. Lòng son ấy là gì? Nếu không phải là sự chở che, cưu mang cán bộ cách mạng? Lòng son ấy là gì? Nếu không phải là niềm tin yêu vô hạn của người dân Việt Bắc dành cho Đảng và Bác Hồ? Trong nỗi nhớ thương da diết, chiến khu Việt Bắc hiện lên vừa chân thật, gần gũi, vừa thơ mộng, trữ tình:

“Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa.”

– Hàng loạt các câu hỏi yêu thương và đòi hỏi phải được yêu thương đã dồn lại trong ba chữ “mình” đặc sắc.

– Khi xưa, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã từng viết:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.”

(Nỗi thương mình – Truyện Kiều – Nguyễn Du)

– Nếu ba chữ “mình” lặp di lặp lại để nhấn mạnh sự cô đơn, tủi nhục, bẽ bàng của nàng Kiều trong đêm vắng thì ba chữ “mình” trong thơ Tố Hữu lại gợi về tình cảm ấm áp mặn nồng giữa người đi kẻ ở bởi như một câu ca đã viết:

“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai.”

– Mình về nơi phồn hoa đô thị liệu có nhớ những địa danh Tân Trào, Hông Thái đã đi vào trang sử xanh của dân tộc? Những kỉ niệm đong đầy trong mỗi câu thơ khiến người đọc không có cảm giác về một cuộc chia li bởi nỗi nhớ thương đã thắt chặt mọi người trong kí ức chung đẹp đẽ nghĩa tinh.

– Sau câu hỏi thiết tha của người ở lại, câu thơ tám chữ khẳng định một lần nữa tấm lòng son sắt của Việt Bắc với cách mạng. Hình ảnh liệt kê “Mái đình Hồng Thái”, “Cây đa Tân Trào” chỉ hai địa danh gắn với hai sự kiện quan trọng của dân tộc trước Cách mạng Tháng 8 nhằm khẳng định Việt Bắc chính là cái nôi của cách mạng. Có thể nói, chỉ bằng vài hình ảnh đơn xơ, mộc mạc, tiêu biểu cho phong cách núi rừng Việt Bắc, Tố Hữu đã khẳng định một điều chắc chắn: Dù cuộc sống kháng chiến còn nhiều nhọc nhằn, gian khổ nhưng tấm lòng yêu thương cách mạng vẫn luôn rộng mở chân tình.

– Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nhận ra tình cảm sâu đậm ấy khi cho rằng:

“Trọn đời Tố Hữu là một chiến sĩ cách mạng làm thơ và là một nhà thơ làm cách mạng.”

Xem thêm: Phân tích bài “Việt Bắc”- (P5) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận