Phân tích bài “Tây Tiến”- (P1) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12

Đang tải...

TÂY TIẾN

Quang Dũng

I. Tìm hiểu chung.

1. Tác giả.

– Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

– Ông học đến bậc Trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng 8, Quang Dũng tham gia quân đội. Từ sau.năm 1954, ông là biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.

– Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh và soạn nhạc. Ở lĩnh vực nào ông cũng có thành tựu xuất sắc nhưng nổi bật hơn cả là thơ ca.

– Quang Dũng là một nhà thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp, có phong cách thơ với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.

2. Tác phẩm.

a. Hoàn cảnh sáng tác. 

– Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng của Pháp ở Thượng Lào cũng như ở miền Tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào). Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong dó có nhiều học sinh, sinh viên (như Quang Dũng), chiến đấu trong những; hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dừ dội. Tuy vậy, họ chiến đấu rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại làng Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông cũ), Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ, được in trong tập Mây đầu ô.

b. Nhan đề.

– Nhan đề ban đầu của bài thơ là Nhớ Tây Tiến, khi in lại đã đổi thành Tây Tiến.

– Ý nghĩa:

+ Đảm bảo tính hàm súc của thơ, “văn hay mạch không bị lộ” => Cảm xúc chủ đạo chi phối bài thơ (nỗi nhớ) được giấu kín.

+ Làm rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm: Đoàn quân Tây Tiến.

+ Bỏ đi từ “Nhớ” => Vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến – không chỉ là một đoàn binh sống trong nỗi nhớ tha thiết của Quang Dũng mà còn trở thành một hình tượng bất tử trong thơ.

c. Bố cục.

– Đoạn 1: Sông Mã -> thơm nếp xôi => Những cuộc hành quân gian khổ và khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, dữ dội mà thơ mộng, mĩ lệ.

– Đoạn 2: Doanh trại -> hoa đong đưa => Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây Bắc thơ mộng.

– Đoạn 3: Tây Tiến đoàn binh -> khúc độc hành => Chân dung người lính Tây Tiến.

– Đoạn 4: Tây Tiến người đi -> chằng về xuôi -> Khúc vĩ thanh – lời thể gắn bó với đoàn quân Tây Tiến và miền Tây Bậc.

d. Nội dung chính.

– Bao trùm bài thơ là nỗi nhớ một thời mà Quang Dũng đã sống và chiến đấu. Đó là những kỉ niệm khó quên về thiên nhiên núi rừng và con người miền Tây Bắc, càng không thể quên được những người lính Tây Tiến “sống hào hoa, chết hào hùng”. .

e. Sơ đồ tóm tắt nội dung.

Quang Dũng => Nỗi nhớ Tây Tiến

1: Rừng núi: hùng vĩ, khắc nghiệt, hoang sơ mà thơ mộng, mĩ lệ.

2: Con người Tây Tiến: tình nghĩa, duyên dáng, tài hoa và khỏe khoắn.

3: Đoàn quân Tây Tiến: sống hào hoa, chết hào hùng.

f. Nghệ thuật.

– Bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, thế hiện qua cái tôi trữ tình giàu cảm xúc . Qua bút pháp nghệ thuật tương phản, cường điệu, tinh tế, sáng tạo từ tài hoa, hình ảnh độc đáo, giàu chất nhạc, chất họa.

– Tinh thần bi tráng xuyên suốt bài thơ: Bi là buồn đau, mất mát, gian khổ, khó khăn; tráng là hào hùng, tráng lệ.

Xem thêm: Phân tích bài “Tây Tiến”- (P2) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận