Ôn tập về làm văn – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Ôn tập về làm văn

(Học kì II)

I – BÀI TẬP

          1. Đọc các đoạn mở bài sau và cho biết phần thân bài sẽ bàn về vấn đề gì và cách lập luận ở phần mở bài :

          a) Kinh tế thị trường hơn bao giờ hết đòi hỏi những người có năng lực, và tất nhiên đòi hỏi những người dám cạnh tranh về năng lực, dám thể hiện năng lực của mình. Đáng tiếc là trong thanh niên nhiều bạn vẫn còn rụt rè, e ngại, không dám thử sức vào những công việc khó, đòi hỏi có nhiều tài năng.

          b) Thành công bao giờ cũng là một điều vẻ vang được mọi người hâm mộ. Nhưng có mấy ai biết đằng sau thành công có bao nhiêu vấp ngã, trả giá, chế giễu và đả kích. Những người chỉ biết hâm mộ thành công mà không biết những cuộc vật lộn để đi đến thành công, khi gặp trở ngại liền nhanh chóng suy sụp, ca thán về cuộc đời bất hạnh, dễ dàng nản chí.

          c) Con người ai cũng phải tự trọng và cần phải biết tự trọng. Tự trọng như lá cờ riêng của mỗi người được giương cao trong học tập, trong vui chơi, trong tình yêu và trong công việc. Ai vứt bỏ lá cờ ấy sẽ lập tức trở thành kẻ tầm thường, sống xu phụ, gian lận, luồn cúi, không dám ngẩng mặt nhìn đồng loại xung quanh.

          2. Đọc các đoạn kết bài sau và cho biết bài văn bàn vấn đề gì và cách kết bài theo kiểu nào :

          a) Con người ai mà chẳng có thiếu sót. Chỉ cần biết được thiếu sót và ra sức khắc phục thì dù trong học tập, đời sống, quan hệ với mọi người, bao giờ cũng đạt được tiến bộ. Chỉ có xem thiếu sót như những viên gạch lát đường, dũng cảm bước qua, nhìn về phía trước, con người mới đạt được mục đích của mình.

          b) Tự ti hay tự phụ đều không lợi cho sự trưởng thành của mỗi người. Ngày nắng đẹp cũng vẫn có thể rơi mấy giọt mưa, bãi cỏ đẹp vẫn có thể có những cây gai xen lẫn. Khi được khen vẫn biết mình còn khiếm khuyết, khi bị chê vẫn tự hiểu mình có chỗ mạnh riêng. Chỉ có không ngừng tu dưỡng, biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của mình để phát huy và khắc phục thì mới đảm bảo cho mình những thành công trong tương lai.

          c) Nói tục không chỉ là một biểu hiện thiếu văn hoá, mà còn là một hành vi thiếu tôn trọng người khác. Xét một phương diện nào đó, nói tục là biểu hiện của tri thức nghèo nàn và đạo đức thấp kém. Cùng với trình độ văn hoá chung của xã hội được nâng cao, sự tu dưỡng của mỗi người được coi trọng, chúng ta tin rằng những lời nói tục sẽ giảm dần và bầu không khí giao tiếp xung quanh ta sẽ không còn bị ô nhiễm.

          3. Nhà văn Trung Quốc Ba Kim trong bài văn ngắn Chủ yếu là nội dung tư tưởng có viết : .”Tôi cảm thấy bài viết hay hay dở chủ yếu là ở nội dung tư tưởng. Có tư tưởng đúng đắn và tư liệu phong phú thì nhất định có thể viết được bài văn hay. Ý này của tôi phải kèm theo một điều kiện. Đó là tác giả có hiểu cái điều mình viết ra hay không. Tư tưởng được trình bày trong bài phải là một tư tưởng đã được tiêu hoá, thấm nhuần, đã được hiểu thấu đáo thì anh ta mới viết ra được rõ ràng. Anh ta phải yêu tư tưởng của mình thì viết mới có cảm hứng. Anh ta lại phải nói lời nói thật của tâm hồn thì lời nói mới tha thiết. Anh ta lại phải thực sự tin vào điều mình nói thì mới có khả năng thuyết phục người khác”.

          Anh (chị) hãy chọn một trong những ý của nhà văn để trình bày thành một bài văn khoảng 300 chữ.

          4. Có người tổng kết quy tắc làm văn như sau : Điều quan trọng của việc làm văn là, sau khi đã có tư tưởng và tư liệu, cần phải biết sắp xếp thứ tự các đoạn và các ý, liên kết các đoạn, viết mỏ’ bài, kết bài cho gây ấn tượng! Anh (chị) hiểu vấn đề đó như thế nào ?

 

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

          1. Đọc kĩ các đoạn, tìm cụm từ then chốt trong đoạn là có thể nhận ra vấn đề của bài viết. Ví dụ, ở câu a), vấn đề cần bàn là dám tự thể hiện mình, dám cạnh tranh về năng lực.

          Các câu khác cũng làm theo cách đó.

          2. Học sinh tự làm.

          3. Học sinh có thể chọn một trong các ý sau :

          – Người viết phải thật sự hiểu vấn đề mình viết.

          – Người viết phải yêu tư tưởng của mình.

          – Người viết phải nói lời nói thật của lòng mình.

          – Người viết phải tin vào điều mình viết mới thuyết phục được người khác.

Làm văn kị nhất là viết ra những lời giả dối.

          4. Học sinh cần ghi ra từng vấn đề của câu hỏi và tự trả lời cho từng vấn đề, sau đó mới tỏ ý tán thành hay không.

 

 

 

—–

Ôn tập về văn học (Học kì II)

Tổng kết phần tiếng việt

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận