Ôn Tập Kiến Thức Cơ Bản Về Ca Dao – Dân Ca

Đang tải...

ÔN TẬP KIẾN THỨC CƠ BẢN

TÌM HIỂU THÊM VỀ CA DAO – DÂN CA

I. Khái niệm:

– Ca dao dân ca là tên gọi chung của các loại trữ tình dân gian, kết hợp phần lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.

– Dân ca: là sáng tác dân gian kết hợp lời và nhạc.

– Ca dao: là lời thơ dân ca và những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ dân ca.

II. Nội dung:

Khái quát: Ca dao – dân ca diễn tả sinh động, sâu sắc đời sống tâm hồn, tư tưởng tình cảm của người lao động ( trữ tình). Có ý kiến cho rằng: Ca dao là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng trẻ thơ qua lời hát ru, là hình thức trò chuyện tâm tình của các chàng trai cô gái, là tiếng nói biết ơn, tự hào về công đức của tổ tiên và anh linh của những người đã khuất, là phương tiện bộc lộ nỗi tức giận hay lòng hân hoan của người lao động, trong gia đình, xã hội.

1. Những câu hát yêu thương – tình nghĩa

* Nội dung: Là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa, ca dao bộc lộ tình sâu nghĩa nặng đối với xóm làng, quê hương, đất nước, đối với cha mẹ, ông bà, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè và dạt dào nhất là tình cảm lứa đôi.

* Những câu hát về tình cảm gia đình

– Coi trọng công ơn và tình nghĩa trong các mối quan hệ gia đình: cha mẹ, ông bà, tình cảm anh em gắn bó

– Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất, cội nguồn để hình thành nên những tình cảm cao đẹp khác

=> Những người lao động sống rất ân tình, ân nghĩa  

 Ví dụ: Đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên:

Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Con người có tổ có tông

Như cây có cội như sông có nguồn.

* Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước.

– Ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước, bày tỏ niềm tự hào, mến yêu về những vùng đất, miền quê tươi đẹp. Đó là nghĩa nặng tình sâu của người lao động với  quê hương đất nước

– Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm sâu nặng trong tim mỗi người, là nguồn cảm hướng vô tận, là đề tài không bao giờ cũ.

2. Những câu hát than thân

* Nội dung ca dao than thân: là những tiếng hát than thở về cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay. Đồng thời, bày tỏ thái độ phản kháng xã hội, phản kháng những điều ngang trái ẩn chứa rất sâu trong đó.

* Hoàn cảnh ra đời: Ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả, cực nhọc và bị áp bức nặng nề của người dân trong xã hội cũ. Ca dao than cho cảnh đè nén, áp bức:

    Thương thay thân phận con rùa,

Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.

– Đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ chịu nhiều bất công do chế độ nam quyền và lễ giáo phong kiến gây ra:

Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi.

– Cảnh tảo hôn, đa thê, gả bán, ….

Vợ lẽ như giẻ chùi chân,

Chùi xong lại vứt ra sân

Gọi ông hàng xóm có chùi chân thì chùi.

Bồng bồng cõng chồng đi chơi,

Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng.

Chị em ơi, cho tôi mượn gàu sòng

Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.

– Than mà phản kháng, người dân lao động khi khổ thì cất tiếng than nhưng không bao giờ để mất niềm tin:

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

Bao giờ dân nổi can qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa.

* Nội dung các bài ca dao đã học

– Những bài ca dao kể về nỗi thống khổ, cuộc đời trăm đắng ngàn cay của người dân lao động dưới xã hội phong kiến.

– Qua đó bày tỏ thái độ phản kháng, tố cáo xã hội.   

3. Những câu hát châm biếm

– Chủ yếu tập trung phơi bày các sự việc, hiện tượng mâu thuẫn ngược đời, phê phán những thói hư tật xấu của các hạng người và những sự việc đáng cười trong xã hội như: phê phán thói lười biếng, siêng ăn nhác làm; đả kích những người hành nghề mê tín dị đoan phản khoa học và những người đi xem bói mê tín mù quáng ít hiểu biết và nhẹ dạ cả tin.

– Cũng như truyện cười, ca dao châm biếm trào phúng là sản phẩm độc đáo của tính hài hước – một phẩm chất đáng quí của người lao động.

III. Nhân vật trữ tình: Thường là người mẹ, vợ, chồng, con, chàng trai, cô gái, người phụ nữ, người dân cày

IV. Đối tượng trữ tình: con người, cảnh vật, sự vật, loài vật …

V. Nghệ thuật: Có nét đặc trưng riêng, đó là những câu thơ, câu ca rất ngắn gọn viết theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể. Ngôn ngữ, hình ảnh mộc mạc, giản dị, chân thực, hồn nhiên, và gợi cảm (vì đó là lời ăn tiếng nói của người lao động xưa)

VI. Đặc điểm thơ ca dân gian (ca dao – dân ca): vốn là một bộ phận của văn hóa dân gian nói chung cho nên nó mang đầy đủ những đặc điểm của văn hóa dân gian đó là:

– Tính nhân dân: Lời ăn, tiếng nói, tâm tư, nỗi niềm, khát vọng của quần chúng nhân dân xưa.

– Tính truyền miệng: Vì chưa có chữ viết nên ca dao chủ yếu được sáng tác theo phương thức truyền miệng. Hát lên, ngâm lên cho người khác nghe. Sau đó lưu truyền đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác.

– Tính tập thể: Vì truyền miệng nên ca dao không còn là sáng tác của một cá nhân mà trở thành sáng tác của nhiều người, nhiều thế hệ.Vì vậy cho nên những sáng tác này được đánh giá là những hòn ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam.

>> Xem thêm: Đề Tham Khảo Ôn Học Sinh Giỏi Ngữ Văn 7 Hay Có Gợi Ý

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận