Nam Quốc Sơn Hà – Những Bài Giảng Văn Chọn Lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng Nam quốc sơn hà (Lí Thường Kiệt) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học

NAM QUỐC SƠN HÀ

LÍ THƯỜNG KIỆT

                                                                Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

                                                                Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

                                                                Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

                                                                Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

             1. Cuối năm 1076 mấy chục vạn quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm đầu sang xâm lược nước ta. Quân ta dưới quyền chỉ huy của Lí Thường Kiệt đã chặn chúng lại ở phòng tuyến sông Cầu, một công trình phòng thủ kiên cố được xây dựng từ trước. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Truyền thuyết kể: Một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền thờ Trương Hống và Trương Hát (tướng của Triệu Quang Phục, hi sinh vì nước) có tiếng ngâm bài thơ này, ý nói thần linh muốn phù hộ quân ta. Bài thơ đã góp phần khích lệ tinh thần quân sĩ đánh tan quân Tống, buộc chúng phải rút lui nhục nhã tháng 3 năm 1077.

             Về xuất xứ của bài này, có nơi cũng chép khác. Linh Nam chích quái và Thiên Nam vân lục liệt truyện ghi: thần đọc bài thơ này trong dịp Lê Hoàn đánh quân Tống (981). Trương tôn thần sự tích thì lại ghi: thần đọc bài thơ này hai lần: một lần giúp Lê Hoàn (981), một lần giúp Lí Thường Kiệt (1076).

             Nhưng xét tư tưởng, khí phách trong bài thơ thì lại nhất quán với các bài Văn lộ bố đánh Tống, Xin cầm quân đánh Lí Giác của Lí Thường Kiệt và phải đến đời Lí mới có được, ở đây theo dư luận chung coi bài thơ này là của Lí Thường Kiệt.

             Bài thơ lưu lại không có đầu đề. Có người dựa vào chuyện thần đọc thơ đặt nhan đề là Thơ thần, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam của nhà xuất bản Văn học gọi là bài Nam quốc sơn hà, lấy ngay chữ trong bài, như vậy tiện hơn.

             Về văn bản, mỗi nơi chép mỗi khác, có khi một vài chữ trong câu, có khi khác cả câu. Nhưng xét ra thì văn bản thường thấy là hợp lí nhất và cũng hay nhất.

             2. Có một vấn đề chưa được chú ý, vấn đề đối tượng kêu gọi của bài thơ. Xưa nay, ai cũng nghĩ đó là lời chủ tướng nhằm vào binh sĩ của mình để khích động tinh thần. Người nghe thơ để thêm sức mạnh là quân đội nước nhà. Điều đó dĩ nhiên là vậy. Nhưng tại sao câu thứ tư rõ ràng là nói trực tiếp với quân giặc ở ngôi thứ hai? Cho dù có thể hiểu bài thơ nhằm truyền tới binh sĩ một văn bản địch vận để binh sĩ nói thẳng với quân tướng giặc, thì đối tượng nghe thơ không chỉ là binh sĩ nước nhà mà còn có binh tướng địch.

             Bia chùa Linh Xứng của sư Pháp Bảo chép như sau: “Chẳng bao lâu (quân giặc) ồ ạt kéo đến. Thề trả thù cho chúa, thái uý lại cầm quân chống giặc… Thái uý lấy tư cách biện sĩ mà phân tích cho giặc, không vất vả mà bọn đầu sỏ rã rời vì nhụt chí. Thế là giữ được an ninh cho xã tắc”. Đành rằng Lí Thường Kiệt sau khi giáng những đòn trừng phạt đích đáng, dùng thương lượng để mở lối thoát cho giặc, và đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Nhưng ở bài thơ này cũng đã thấy bắt đầu dùng đến “tư cách biện sĩ” ấy, và cả bài thơ là lời biện thuyết hùng hồn, sắc bén cho chúng nó nghe.

             Vừa nói với quân sĩ nhà vừa nói với binh tướng địch, bằng cách nêu cao chân lí quốc gia dân tộc độc lập với tư thế vô cùng tự hào ở chính nghĩa, ở sức mạnh của quốc gia dân tộc, ở sự tất thắng, tác giả khẳng định một cách sắt thép cái chân lí độc lập ấy, cũng như cái chân lí tất thắng ấy; đồng thời vạch ra tính chất phi nghĩa, phi đạo của hành động xâm lược, và sự bại vong tất yếu và tuyệt đối của kẻ dám vi phạm cái chân lí đó.

             Cuộc sống đã đúc lại thành những chân lí sáng ngời; ngôn từ đã cô lại thành những mảng rắn rỏi, và tất cả dựng lên thành một tinh thần khẳng định quyết liệt như rựa chém đất, như dao chém cột.

             Thể thất ngôn tuyệt cú ngắn gọn, cô đọng, chừng nào cũng góp phần làm cho sức khẳng định của bài thơ được kết tinh hơn và từ đó toả ra một sức vang ngân không bờ bến.

             Nam quốc sơn hà Nam đế cư

             Quốc là nước, nhưng trong quan niệm thời đó, nhất là của phong kiến phương Bắc, quốc chỉ dùng gọi nước của “thiên tử” là Trung Quốc, còn đối với nước ta. Tuy ta đã đánh đuổi chúng nó từ 938 đến hồi này, kể đã gần 150 năm, nhưng chúng đâu có công nhận là một nước, mà cứ tiếp tục coi là một quận như thời còn dưới quyền đô hộ của chúng. Chúng phong cho Đinh Bộ Lĩnh tước Giao Chỉ quận vương là theo quan điểm ấy. Ngay sau khi đại bại trong chuyến xâm lược này, chúng vẫn kéo dài cách nhìn đó cho đến gần 100 năm sau, năm 1164, đời Lí Anh Tông, chúng mới gọi ta là một nước và phong tước cho vua là An Nam quốc vương. Vậy, xưng nước ta là Nam quốc, điều đó rất có ý nghĩa.

             Đế là vua, đế gắn với hoàng đế, danh hiệu dành riêng cho “thiên tử”, tức vua của Trung Quốc, vua của các vị vua. Còn vua các nước chư hầu chỉ được có danh hiệu cao nhất là vương. Các triều đại phương Bắc ngày xưa đều dành cho mình tước hoàng đế, còn phong cho vua các nước nhỏ chung quanh thì chỉ dùng đến tước vương. Nay xưng vua nước ta là Nam đế, điều đó cũng rất có ý nghĩa.

             Ý nghĩa gì? Bờ cõi nước Nam vua Nam ở. Chân lí ấy quá ư hiển nhiên, vô cùng đơn giản. Lẽ ra nói dân Nam ở thỉ đúng hơn. Nhưng nhận thức của thời đại mới đến đó: Vua còn là tiêu biểu cho dân tộc, cho nhân dân. Cái chân lí đơn sơ ấy, trong cõi trời đất này, dân tộc nào thì chưa nói, riêng dân tộc ta đã phải trả giá bằng 11 thế kỷ đấu tranh và xương máu mới giành nó được về cho mình. Và từ cái mốc vinh quang, cái mốc sinh lại lần thứ hai là năm 938 ấy, dân tộc ta nào ngớt lo khẳng định cái chân lí ấy bằng sức mạnh ngày càng củng cố của bản thân mình, và cũng từng có phen chứng tỏ cho chúng thấy lưỡi gươm của ta cũng đã đủ sắc để ta giữ vững chân lí đó. Ấy mà lũ bành trướng phương Bắc quen thói trịnh thượng chủ quan, và không hề chừa nết tham lam tiếc rẻ mảnh đất người mà chúng đã từng chiếm đoạt, chúng nào chịu công nhận chân lí hiển nhiên và đơn giản đó. Trường hợp này cũng vậy.

             “Lập công ở biên cương là một chủ trương chúng nó thường dùng để giải quyết những gì đó ở bên trong: bấy giờ nhà Tống đang có khó khăn, Vương An Thạch chủ trương như vậy. Huống chúng nó vừa bị vố đau ở ba châu Ung, Khâm, Liêm, nó trả thù”. Chúng nó tính toán: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng và các nước Liêu Hạ sẽ phải kiêng nể… Lúc quân ta diệt được Giao Chỉ, uy ta sẽ có. Rồi ta bá cáo cho Thiểm Tây biết, quân dân Thiểm Tây sẽ có thắng khí. Với thắng khí ấy, ta sẽ nuốt tươi nước Hạ. Và nếu nuốt được nước Hạ thì ai dám quấy nhiễu Trung Quốc nữa”

             Ngày ấy lũ vua quan nhà Tống lấy cớ ta dám quấy nhiễu, nên phải dấy binh “hỏi tội”. Cho nên chủ tướng họ Lí một mặt nhắc lại cho con dân Nam quốc đang chiến đấu để họ nắm chắc thêm lưỡi gươm, nhưng mặt khác phải nêu lại cho chúng cái chân lí sơ đẳng ấy, để lột trần bộ mặt xâm lược, phi nghĩa của chúng, đánh một đòn trầm trọng vào tinh thần binh lính chúng: Đất đai người ta, người ta ở, không chuyện gì bén mảng tới.

             Chân lý cố bấy nhiêu nhưng cách nêu lại không phải chỉ bấy nhiêu. Xưng Nam quốc là hất đi cái mồ ma quận huyện trong đầu óc lũ bành trướng, là coi mình là một quốc, Nam quốc ngang hàng với Bắc quốc. Xưng Nam đế là bác bỏ cái trịch thượng thiên tử của tên vua phương Bắc, là sắp mình bằng vai với Bắc đế, với hoàng đế phương Bắc. Chân lý lịch sử ấy có thêm chiều sâu. Nó hàm ngụ ý bình đẳng dân tộc, một nhận thức mà còn lâu về sau loài người mới mơ tưởng đến. Quan trọng hơn, nó có hậu thuẫn, có cơ sở vật chất làm cho nó không chỉ có sức nặng lí thuyết mà còn có sức mạnh vật chất của một quốc gia đàng hoàng, bề thế. Câu thơ không trực tiếp nói ra điều đó, nhưng đằng sau cách nói là một tư thế tự hào, hiên ngang, mình làm chủ đất nước mình một cách tuyệt đối. Và đó không phải là lời nói suông. Chiến dịch đánh ngay vào căn cứ chuẩn bị xâm lược của chúng mấy tháng trước là một bằng chứng.

             Sức mạnh câu thơ không dừng ở đó. Cái rắn chắc, bền vững còn thể hiện ngay ở từ vựng và ngữ pháp. Có phải câu thơ xếp thành mấy khối sừng sững không nào? Có thể đối chiếu với các tổ hợp nam gia, nam thổ, nam thành để thấy tổ hợp Nam quốc là một kết cấu tương đối bền chặt hơn, hầu như thành một từ; so với nước Nam trong câu thơ dịch thì nước Nam lỏng lẻo hơn nhiều. Cũng vậy, đem so với câu dịch thì sơn hà rõ ràng là một từ, kết cấu bền vững chứ không lỏng lẻo như sông núi, Nam đế cũng gần giống như Nam quốc, chứ không phải như vua Nam là một kết cấu gần như ngẫu nhiên. Cư đứng một mình cũng thành một khối. Cái bền vững của kết cấu từ vựng làm nên cái rắn chắc của chân lí, chân lí như đúc lại thành khối. Sức khẳng định của câu thơ tăng lên gấp bội.

             Về ngữ pháp thì dù Nam quốc sơn hà là một nhóm danh làm bổ ngữ cho cư, hay tách ra chỉ sơn hà làm bổ ngữ, còn Nam quốc đứng riêng làm trạng ngữ nơi chốn, thì cách đặt bổ ngữ hoặc trạng ngữ và bổ ngữ ra trước, còn Nam dế cư là C-V đặt ra sau, là một cách nhấn mạnh ý nghĩa của câu trong nghệ thuật cú pháp, đây là nhấn mạnh tính khẳng định của chân lí. Và theo tinh thần ấy, nếu dùng âm điệu để diễn đạt sức khẳng định mãnh liệt của câu thơ, thì trái với nhịp điệu thông thường 4/3, liên kết hai mặt từ vựng và ngữ pháp, phải dùng đến 2 hoặc 3 ngắt hơi: 4/2/1 hay 2/2/2/1, đọc câu thơ thành 3 hoặc 4 mảng với ngữ điệu mạnh mẽ, nghiêm nghị, dứt khoát, vị ngữ cư tách riêng ra một mình để kết tinh thể hiện đầy đủ, tổng hợp bằng hành động vật chất cái chân lí bất di bất dịch của chủ quyền đất nước.

             Đã hiểu câu thơ đến như thế, đem so với câu dịch: Sông núi nước Nam vua Nam ở, thì ý nghĩa chừng nào hãy còn đó, nhưng tinh thần, sức khẳng định của câu thơ coi như không còn gì, một bên là sức nặng nghìn cân còn một bên thì nhẹ bỗng.

             Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,

             Tiệt: cắt ra, chặt ra.

             Tiệt nhiên: là rõ rệt, rành rành (như được cắt ra).

             Định phận: là định phần, phần nào ra phần nấy.

             Thiên thư: sách trời. Cả câu: Việc chủ quyền của nước Nam như câu trên nói là việc có ghi trên sách trời. Sách trời đã định phần rành rành cho nước Nam có bờ cõi của nó.

             Thời Lí, Đạo, Phật, Nho đều được trọng vọng. Đạo gia có sách trời của mình. Không rõ trong đố có chỗ nào nói việc phân chia này không. Nhưng trong vũ trụ quan của thuở ấy thì đất đai dưới mặt địa cầu này đều ứng với các vùng sao trên trời.

             Sao trên trời đã chia vùng thì dưới mặt đất này, cũng cõi nào nước ấy, tựa như đã chia phần từ trên trời, điều đó là trời định, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ý nghĩa câu thơ ở chỗ đó.

             Ở trên đặt mạnh Nam quốc sơn hà, đặt mạnh Nam đế cư là nhấn mạnh vào một chân lí của con  người, do con người làm ra. Nó vững chắc thật đấy, nhưng nó vẫn nằm trong phạm vi con người, lè tè dưới mặt đất với nhau. Nó chưa đủ sức khuất phục mọi sự ương ngạnh vi phạm. Chi bằng nhờ thêm sức thiêng liêng của thần linh, của trời. Thế giới quan binh sĩ ta, quân tướng địch đang còn sắp đặt cho họ cái tâm lí ngửa mặt lên trời mà đón một niềm tin. Quân ta đánh thắng mấy trận, đó là tại của người, nhưng cũng là do “thiên thư định phận”. Quân địch thất bại mấy keo, đó là do phi nghĩa của chúng, nhưng cũng là do “sách trời đã định”. Cuối cùng là chân lí Nam quốc của Nam đế ấy được thêm một màu sác thiêng liêng, khiến nó càng vững chắc. Sức khẳng định của bài thơ lại tăng thêm một bậc nữa.

             Xét về từ vựng và ngữ pháp thì cũng như ở câu trên. Tiệt nhiên là một khối, định phận là một khối, thiên thư cũng là một khối. Trạng ngữ tiệt nhiên đặt ra trước vị ngữ định phận là nhấn mạnh vào nội dung trạng ngữ ấy. Âm điệu lột tả tinh thần câu thơ sẽ là nhịp 2/2/3 hoặc 2/2/1/2. Tất cả đều tập trung lại làm cho sức khẳng định của câu thơ rắn chắc thêm bội phần.

             Câu dịch “Định phần rành rành ở sách trời” tuy đã giữ được chừng nào các khối ở mặt từ nhưng lại đảo đi trật tự ngữ pháp, nên cũng không truyền được đầy đủ tinh thần câu nguyên tắc.

             Như hà nghịch lố lai xâm phạm?

             Đây là một câu hỏi. Hỏi quân giặc trực tiếp. Sở dĩ có câu hỏi này là do hai câu trên. Chân lý độc lập chủ quyền của nước Nam hiển nhiên, đơn giản, không chỉ là chuyện khẳng định của con người mà còn là chuyện rành rành trên sách trời, là chuyện thiêng liêng. Ai cũng phải biết, ai cũng phải tôn trọng. Vậy sao quân giặc kia lại dám tới xâm phạm? Câu hỏi bao hàm một thái độ vừa ngạc nhiên vừa khinh bỉ. Ngạc nhiên sao bọn quân lính thiên triều này, tức bọn vua quan nước con trời này sao lại dám trái lệnh trời, ngu xuẩn tới mức cả gan phạm thượng đến như vậy. Khinh bỉ cái ngu xuẩn ấy và hạ cái uy danh binh tướng thiên triều xuống chỉ còn là nghịch lỗ tức là quân cướp (lỗ) phản nghịch (nghịch). Gọi chúng là cướp là nghịch, chứ không phải là giặc chung chung nữa, tức đã coi mình là chủ nhà, hoàn toàn đứng trên đầu chúng nó, tư thế cao vòi vọi. Tức đã coi mình hoàn toàn nắm lẽ phải, nắm pháp luật. Cho nên không những chúng là cướp mà còn là nghịch, là dám xâm phạm vào lẽ phải, pháp luật ấy, – xâm phạm chứ không phải xâm lược, xâm lăng. Tức đã tin mình có đủ sức mạnh để bảo vệ lẽ phải, pháp luật ấy. Thái độ ngạc nhiên và khinh bỉ đó biểu hiện một lòng tự hào mãnh liệt.

             Tự hào càng mãnh liệt khi nghĩ rằng lũ binh tướng thiên triều này, lúc xuất quân, chắc là triều đình nhà nó đã khoác cho một thứ danh nghĩa bịp bợm. Chẳng hạn: “Bọn man di – chúng thường gọi ta là “Nam man” – phía Nam này vốn ở một quận của đất đai thiên tử, nay lại ho he xưng nước xưng vua, lại cả gan đem quân xâm phạm cả lãnh thổ thiên triều, nên phải sang trừng phạt, bắt thần phục và dâng đất đai”. Cố nhiên, mọi âm mưu đen tối của tên tể tướng thủ phạm Vương An Thạch, chúng nó giữ kín. Thế mà nay dám vạch trần dã tâm và hạ đoàn binh tướng hùng dũng, hiên ngang của nước con trời kia xuống còn là một thứ nghịch lỗ dám xâm phạm vào một nơi bất khả xâm phạm, chắc trong lòng chủ tướng cũng như trong thâm tâm binh sĩ không những không chút lo ngại nào mà chỉ toàn một khối tin tưởng và tự hào.

             Câu thơ là một câu hỏi. Nó là hệ luận của hai câu trên. Có cái khẳng định trên thì mới cò nghi vấn này. Cho nên nghi vấn này cũng nhằm tăng sức khẳng định cho chân lý ở trên. Các khối nghịch lỗ và xâm phạm đặt vào vị trí nhấn mạnh theo nhịp 4/3 của câu thơ là nhằm thể hiện về mặt âm điệu sự tăng cường đó. Tăng cường bằng đối lập, đối lập cái phi nghĩa xâm phạm của bọn nghịch lỗ với cái chính nghĩa Nam quốc của Nam đế và định phận tại thiên thư. Khẳng định bằng khẳng định đã đành, mà cũng còn khẳng định bằng nghi vấn là như vậy.

             Câu dịch: Lũ giặc có sao xâm phạm tới không giữ được vị trí âm điệu của những từ có ý nghĩa nhãn tự như vậy nên đã giảm đi sức đối lập và từ đó giảm đi sức khẳng định.

             Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

             Trên hỏi thì đây đáp. Có điều không đáp trực tiếp. Để cho chúng đáp. Còn ta thì dứt khoát là không có cớ nào, và không thể có cớ nào để chúng hành động như vậy. Cho nên đáp không đáp. Chỉ báo trước cho chúng biết số phận sẽ dành cho chúng: Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

             Vẫn tiếp tục thái độ khinh bỉ, tự hào. Trên còn giữ ít nhiều khái quát, chỉ chúng bằng tính chất của chúng là nghịch lỗ, đây gọi đích danh như có chúng trước mặt: Nhữ đẳng, không khác gì kẻ trên gọi con cháu, thuộc hạ ở dưới mà không màu sắc thân mật. Lại bảo chúng: rồi xem. Y như là sự việc đã sắp đặt đâu có đó rồi, chỉ kéo màn là thấy. Mà sự việc đó không những là bại mà bại hư, một thất bại hoàn toàn, thua không còn chút gì, thua sạch trơn. Đối với một đội quân mười vạn, có hai tướng giỏi chỉ huy, đâu phải dễ đánh bại? Huống chi phen này đánh phương nam còn là “lập công” để có đà xâm lược phương bắc, vậy ý chí đâu phải dễ đè bẹp? Liên hệ ra vậy để thấy sự khẳng định của câu thơ là một sự tiên đoán thần kỳ. Nó không những có căn cứ thực tiễn mà còn bộc một niềm tin ở mọi sức mạnh của nước nhà, một lòng tự hào cao vút.

             Nhưng tại sao không nói luôn là “chúng bay sẽ bị đánh bời” hoặc “Rồi bay thất bại đến tơi bời” như có lời đã dịch? Bộ Trương tôn thần sự tích chép câu này là: “nhất trận phong tận tảo trừ”, nghĩa là: một trận phong ba quét trừ sạch. Đó lại nói: lũ bay tự rước lấy (thủ bại). Không nói bị đánh chỉ nói rước lấy cái thua. Không nói ai đánh mà lại nói nó tự mình gây ra cho mình. Chẳng cần có phong ba nào mà giờ cứ bị quét sạch không. Thế chẳng phải cao tay hơn sao? Chẳng phải nhân sức mạnh mình lên đến sức thần linh sao?. Chẳng phải khẳng định ở mức độ cao thẳm sự thất bại của địch, sự chiến thắng của mình sao? Chẳng phải nhấn mạnh rằng thua bại như vậy là thất bại không còn mảy nào, một sự thất bại tất yếu và xứng đáng với kẻ cướp dám xâm phạm cả quyền người và nghịch với lệnh trời sao? Cái cao tay ấy không câu dịch nào đạt nổi.

             Nếu chú ý thêm đến ngữ pháp và âm điệu thì sẽ thấy câu thơ có kết cấu C – V, và C để ở đầu câu, đặc biệt trạng ngữ hư đặt riêng ra ở cuối, đều dường như gây nên âm hưởng khẳng định của một “lời phán xét cuối cùng”, bao hàm không những sự “tiền định” thiêng liêng mà cả sự tất yếu khách quan của quy luật, không hể lay chuyển: quân cướp phản nghịch nhất định phải thất bại. Một lần nữa, chân lí chủ quyền chính nghĩa, thuận với lòng người, hợp với ý trời của nước Nam được khẳng định bằng tất cả sức mạnh của lời phán quyết ấy.

             3. Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh cụ thể và nhằm một mục đích cụ thể. Cuộc chiến đấu giữa quân ta và quân địch đối diện nhau trước phòng tuyến sông Cầu trong mùa đông xuân năm ấy đang gay go ác liệt. Hai lần chúng tràn sang sông, một lần chọc thủng phòng tuyến của ta, nhưng đều bị tiêu diệt. Để tạo cơ hội cho đại quân phản công, hai hoàng tử chỉ huy thuỷ quân đã đổ bộ đánh vào cánh trái của giặc, hút chúng về phía đó và hi sinh cả hai… Để tạo thêm khí thế cho quân ta, đánh một đòn vào tinh thần địch, bài thơ này vang lên, lan truyền khắp hàng quân, sang cả phía địch. Nó tiếp thêm sức mạnh cho quân nhà, nó lung lay tinh thần lũ giặc. Nó không thèm mưu mẹo gợi nhớ gợi thương bằng tình quê có tác dụng nhưng vô nghĩa như tiếng sáo của Trương Lương – Hạng Vũ hay Liêu Bang đều là những tay tham tàn cả. Tiếp theo lời văn lộ bố đã từng thấm nhuần trong quân ngũ những tháng chinh chiến trước đây, bài thơ lại réo rắt nhạc điệu oai hùng của một bài đoản ca, đoản ca nhưng lại là hùng khúc. Có thể tưởng tượng rằng bấy giờ hàng quân như được hun đúc thêm trong một ánh lửa thiêng, tim người sôi lên và thanh gươm nóng     lòng chiến đấu, khí thế ngùn ngụt, tận mây xanh.

             Tác dụng bài thơ hẳn là thế, nhưng không chỉ khuông khổ trong hoàn cảnh bấy giờ. Nó còn kéo dài vô tận. Cái chất của nó không chỉ thuộc một thời. Bởi trước sau nó là một lời khẳng định. Khẳng định mãi một điều: độc lập chủ quyền của nước Nam là một chân lí bất khả xâm phạm. Chân lí ấy hơn mười một thế kỉ lũ bành trướng phong kiến phương Bắc cố tình thủ tiêu kỳ được, hơn 150 năm rồi ta đã đánh đuổi chúng nó đi 1 giành lại được, nhưng chúng một mực rắp tâm cướp lại nước ta để xoá đi. Về sau, không đừng được, chúng phải công nhận nước ta là một quốc gia riêng biệt, tuy vẫn coi ta như một thứ chư hầu phụ thuộc. Nhưng còn bao nhiêu phen chúng lại lặp lại dã tâm thôn tính. Cho nên khẳng định lại độc lập chủ quyền của dân tộc ta luôn luôn là cần thiết. “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Vì lẽ đó mà gần đây mới có ý kiến cho bài thơ này là bài tuyên ngôn độc lập thành văn thứ nhất của dân tộc.

             Một bản tuyên ngôn độc lập bằng thơ. Kể ra trong lịch sử loài người cũng hiếm có. Không chỉ lịch sử thơ Đường mà còn lịch sử thơ Đường luật nói chung chắc cũng lấy làm lạ sao thể thơ hiền lành, phong nhã này lại sản sinh ra một bài thơ có giá trị có thể xem là kì lạ như vậy. Nó có thể nói tình nói chí gì đấy, nhưng làm sao có thể ngờ nó nói cả chính trị? Lại là chính trị trọng đại bậc nhất? Và kì lạ hơn là nói chính trị mà đầy sắc thái tình cảm. Tất cả trái tim khối đó của người làm thơ đã trút vào đây, tất cả trí tuệ, kinh nghiệm, ngạc nhiên, khinh bỉ, tin tưởng, tự hào, đều đúc lại thành những lời, những điệu, thông qua bao kết cấu từ vựng, ngữ pháp, cú pháp, cấu trúc toàn bài, nên tập trung lại thể hiện thành một sức khẳng định mãnh liệt, khẳng định sắt thép, khẳng định vĩnh viễn, vượt lên trên mọi thử thách, vượt qua mọi thời gian, cái chân lí thiên thân nhất ấy đối với dân tộc: chân lí độc lập tự do.

>> Xem thêm: Đề Thi Ngữ Văn 9 Hay Mới Nhất (Có Gợi Ý Đáp Án) – Đề 6

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận