Anh Đi Anh Nhớ (Ca Dao) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng “Anh đi anh nhớ” (Ca dao) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

ANH ĐI ANH NHỚ

(CA DAO)

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầu sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

        1. Bài ca này có bản chép khác. Câu đầu: Ta đi ta nhớ quê nhà, câu thứ ba: Nhớ người dãi nắng dầu sương. Truy cận nguồn, bài ca vốn là một bài phong dao của Trần Tuấn Khải (1894 – 1983) trong Bút quan hoài xuất bản năm 1927 ở Hà Nội. Nguyên văn như chép ở trên. Đặc điểm của văn học dân gian là thường biến đổi qua không gian và thời gian. Bài phong dao này được dân gian hóa, gia nhập vốn văn học dân gian. Nó biến đổi cũng là chuyện thường. Đây lấy lại bản gốc cũng xin cân nhắc một tí. Dùng anh trong câu đầu, nghĩa có hơi hẹp lại, không bằng ta, vì ta có trường nghĩa rộng hơn, nó trung tính, thay cho ai cũng được. Nhưng cấu trúc của hình thức ca dao thường dùng anh, và anh cũng mang ý nghĩa không xác định, hàm nghĩa cũng rộng có sắc thái tình cảm nhiều hơn. Ở câu thứ ba, thứ tư, để người và ai thì chắc chắn là hai đối tượng khác nhau, như vậy rõ hơn. Nhưng để hai chữ ai cũng được. Cách dùng đại từ ai của ca dao, của văn học nói chung vẫn cho phép hiểu đằng sau chữ ai là đối tượng khác nhau. Chất phong phú của câu ca không bị giảm, chính vì cái bất định, phiếm chỉ của từ.

        2. Căn cứ vào xuất xứ của nó, bài ca này có thời điểm đời cụ thể là năm 1927 (trong Bút quan hoài, ở mục Phong dao, có bài có chú năm sáng tác, có bài không, bài này và loại không có chú, nhưng nhìn chung các bài đều được viết trước năm 1927, có bài từ năm 1913. Chắc rằng khi viết theo lời gì ở đầu sách: “Linh hồn ta là linh hồn của non sông nòi giống, thân ta là của non sông nòi giống”, tác giả phải có trong lòng mình một nỗi niềm cụ thể gì đó, nhưng “bây giờ hỏi ai”? Bài ca này lại đã dân gian hóa khá sâu, theo quy luật của văn học dân gian là đã đáp ứng không những thưởng thức của nhân dân mà còn thoả mãn được nhu cầu sáng tác, nhu cầu tự thể hiện của nhân dân. Vậy nên, ở đây cứ hãy coi nó như một sáng tác dân gian và tìm hiểu nó trong tư cách ấy.

        Cứ coi bài ca không biết được làm ra lúc nào. Căn cứ và nội dung xã hội trong đó thì có thể đoán nó ra đời vào thời thực dân phong kiến, ở môi trường miền Bắc nước ta. Canh rau muống ăn với cà dầm tương là món ăn đồng bằng Bắc bộ. Bài ca là lời ai hát? Trẻ hay già? Có gia thất chưa? Và đi đâu? Đi làm gì? Đi lâu chưa? Đi xa không? Khó trả lời cho chính xác. Nhưng cứ hãy giả thiết: Một thanh niên nông dân nghề kiếm nghề làm thợ (thợ cưa, thợ mộc, thợ nề, thợ đan nón, đan thúng, thợ đóng cối xay…) hết mùa cày cấy, gặt hái ở quê ra đi các nơi tìm việc làm. Anh chưa có vợ, nhà còn mẹ già. Đi không bao lâu, nhớ quê nhà, anh hát lên bài này. Bài hát không có đầu đề. Gọi Anh đi anh nhớ là theo mấy chữ ở câu đầu.

        3. Giả thiết như trên mới là đôi điều bên ngoài. Ai có dám chắc trong tâm tư anh thanh niên ấy điều gì xảy ra. Đành là có đi thì mới có nhớ, nhưng trong lòng phải sao đó thì mới có nỗi nhớ này. Nỗi nhớ khá cụ thể. Nhớ canh, nhớ cà, nhớ nắng, nhớ sương, nhớ người tát nước bên đường… Nhưng xuyên qua cái cụ thể rất dân gian ấy lại là một cái gì rất trừu tượng khó nắm bắt: một thứ tình cảm khá tinh vi sâu sắc, hết sức điển hình mà nghệ thuật hồn nhiên, tài tình đã thể hiện một cách tuyệt vời. Đó là: thông qua niềm nhớ thương da diết, nhân vật trữ tình hát lên mối tình chất phác nhưng hết sức đằm thắm thiết tha, không sao nguôi, không giới hạn, tưởng xác định mà không xác định của lòng mình đối với quê hương.

        4.                                                 Anh đi anh nhớ quê nhà

        Bài hát này bắt đầu bằng anh, lấy anh làm chủ thể. Ca dao có kiểu như vậy, xưng anh ở ngôi thứ nhất: Tre già anh để pha nan, Lớn đan nong né, bé đan giần sàng… Gỗ kiền anh để đóng cày, Gỗ lim gỗ sến anh nay đóng bừa… Anh đi theo chúa Tây Sơn, Em về cày cấy mà thương mẹ già… Hỡi cô mà thắt bao xanh, Có về An Phú với anh thì về…  Ai làm gió tấp mưa sa, Cho cây anh đổ cho hoa anh tàn.

        Lấy anh làm chủ thể là có ý tập trung tất cả ý tình vào đó. Con người tự xưng là anh như muốn nhận lấy trách nhiệm đối với mọi biểu hiện tình cảm, như khẳng định vai trò chủ động của mình. Vậy là anh ta đã đi xa nhà và anh ta nhớ quê. Câu thơ nhìn trên bề mặt là như thế.

        Đi sâu một tí, quê nhà không còn là quê và nhà. Nó chỉ quê hương, cũng như quê, làng quê, quê mẹ, quê cha đất tổ, cố hương, quê cũ… nhưng vẫn có một sắc thái tình cảm riêng, ở đây là tình cảm đối với quê mà cũng là tình cảm đối với nhà. Ai còn không biết mối tình quê ấy? Trong xã hội nông nghiệp như nước ta thời xưa, con người gắn chặt với đất đai, với mồ mả tổ tiên ở quê nhà. Buồn vui, sướng khổ đều ở đấy. Cha mẹ vợ con, người yêu, bà con, bạn bè cũng ở đấy. Tất cả những gì mang khí vị quê hương, giếng nước, gốc đa, con kinh, bờ rạch, quả nhãn lồng, trái sầu riêng, chén mắm, vại cà, câu hát, điệu hò cũng đều ở đấy… thế giới quê nhà của con người này là vậy.

        Anh đi. Bây giờ anh ta ra đi. Đi là xa rời thế giới kia, ngược lại sự gắn bó mật thiết thường ngày. Cho nên mới nhớ: anh nhớ. Nhớ này bộc lộ khăng khít kia. Bao nhiêu cái, ở gần chẳng thấy gì, xa xôi mới hóa vấn vương. Trái tim con người vốn vậy: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tăm hồn. Do đó mới nói: Anh đi anh nhớ quê nhà. Cả một thế giới như hiện ra tha thiết, nôn nao. Nói là nhớ quê nhà, nhưng nỗi nhớ ấy hình dáng ra sao chưa rõ. Cho nên nói mà như chưa nói, Tuồng như muốn dừng nửa chừng để cho người nghe, tuỳ vốn sống tuỳ cảm xúc của mình mà lấp vào, điền vào chỗ trống.

        Đi sâu thêm chút nữa… Lấy anh làm chủ thể, câu thơ lặp lại hai lần anh: Anh đi anh nhớ. Một chủ thể hai hành vi, một đi một nhớ. Thử lắng mà nghe. Có phải anh thì chỉ có một, rõ rệt, cụ thể, xác định, có giới hạn. Còn đi và nhớ là hai, gấp đôi, gấp bội. Lại còn đi thì ai biết đi đâu? Đi xa hay đi gần? Đi bao lâu? Đi có về không? Nhớ thế nào? Qua loa hay thắm thiết? Vậy đi và nhớ đều chưa rõ rệt, chưa cụ thể, không xác định, không giới hạn. Giữa anh và quê nhà cũng vậy. Quê nhà là những gì chưa rõ, không xác định. Đem cái xác định, có giới hạn đối lập với cái không xác định, không giới hạn là tạo ra cái mênh mông, dằng dặc, rất thực trong lòng người đang dấy lên thương nhớ:

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

        Nhớ quê nhà, đây là nét cụ thể đầu tiên. Cà bát, cà dĩa cắt ra làm năm làm sáu, phơi se lại rồi dầm vào tương. Cà dầm tương ăn với canh rau muống nấu chút tôm, chút cua đồng, là món ăn nghèo, thanh đạm nhưng mặn mà. Như tấm lòng dịu hiền, trung hậu của người nông dân.

        Tình quê trong văn học, có bao nhiêu lời nồng đậm. Thuý Kiều nhớ quê, Nguyễn Du viết: “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”. Thúc Sinh mong về, nhà thơ nói “Thú quê thuần hức bén mùi”. Tình người đằm thắm nhưng lời thơ trí thức. Thôi Hiệu trong Lầu Hoàng Hạc, (qua lời dịch của Tản Đà) gần gũi hơn: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Tình người gửi vào khói nước trên sông buổi chiều hôm, lúc ai về nhà, mà mình chơ vơ nơi đất khách. Có khi lại xiết mạnh vào một câu hò, một tiếng hát, một mảnh đất, một cành đa: “Thanh Lương quê mẹ câu hò còn không?”, “Tiếng hát sao mà nghe nhớ thương”, “Làng ta giặc đốt mấy lần qua, Mà đất Phù Lai văn tốt cà” (Tố Hữu), ”Mơ Tết mơ xuân mơ tiếng pháo, Nhớ nhà nhớ của nhớ cành da” (Nguyễn Văn Năng). Nói mùi vị đất nước chắc không ai bằng Tản Đà: “Hà tươi cửa bể Turan (Đà Nẵng), Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà, Sài Gòn có vị cá tra”… Đó là mùi vị quê hương nói chung.

        Còn đây là mùi vị quê hương của người nông dân lao động. Cứ gì canh rau muống với cà dầm tương? Có những thứ còn mộc mạc hơn biết bao nhiêu lần: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, Nhớ nồi cơm nguội nhớ niêu nước chè”. Giữa buổi cày, đói bụng, khát nước, có ai mang cho con cơm nguội và nước chè uống, ngon còn hơn bữa giỗ. Ấy vị quê có muôn vàn cái tầm thường như thế nhưng vẫn khiến người ta nhớ. Chắc phải có những liên tưởng gì sâu kín nên trong niềm nhớ của con người mới nói lên cái này hoặc cái kia. Khó đoán được ở con người này có những liên tưởng gì. Nhưng chắc chắn sự lựa chọn này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Canh muống, cà tương, trước hết gắn liền với sự lao động, nó là kết quả sản xuất trong vườn nhà: rau muống trên ao, cà dĩa bên vườn, tương phơi trong vại trước cửa. Và người làm ra món ăn ấy là người thân trong nhà. Nó cũng mang ý nghĩa điển hình nhất định. Muốn có cái nghèo, cái đạm bạc, cái thanh, cái mặn mà, hồn hậu, nói canh muống, cà tương là phải.

        Ở câu trên mới nêu ra một nỗi nhớ mông lung. Trong cái mông lung ấy, đây gợi lên một trong muôn vàn mùi vị của quê hương. Gợi lên một mùi vị nhưng không thể không kéo theo sự nhớ nhung cả cái thế giới mùi vị ấy. Cho nên hiệu lực của câu thơ là nhân một cái hữu hạn mà thức dậy cả một trời vô hạn, gợi lên một cảm giác mênh mông, dằng dặc trong lòng người:

Nhớ ai dãi nắng dầu sương

        Dãi nắng dầu sương cũng như một nắng hai sương, là nói cuộc đời lao động khổ nhọc ở nông thôn. Ai là người nào? Có thể là tất cả bà con ở quê hương. Có thể là người gần mình nhất: cha mẹ, anh em. Cũng có thể là người yêu, người mình mơ tưởng. Hiểu là người mình yêu thì hợp với tâm lý con người mới ra đi, nhưng lại hơi trùng với ý ở câu sau. cho nên hiểu là cha mẹ, và rộng hơn là người thân, bà con ở quê nhà. Như vậy là không xác định. Lựa chọn tuỳ mình. Đây chọn cách hiểu thứ hai. Bởi tình cảm có logic của nó. Hai câu từ cái nhớ rất chung: nhớ quê nhà, đến cái nhớ cụ thể: nhớ canh, nhớ cà là nhớ các vật loại, nhưng cũng là các vật loại biến thành thứ ăn nuôi sống mình về thể xác. Nay cái nhớ mới lan đến người và đương là người nói rộng, nói chung của quê hương. Sau mới rút lại ở câu cuối là con người nói hẹp, con người cụ thể, một người, mà tài ba của tiếng nói cho phép gọi bằng ai. Sau thể xác đến tinh thần, tình cảm là như vậy.

        Dãi nắng dầu sương là lao động khó nhọc cả cuộc đời người nông dân, điều ấy đã đành. Con người này vốn sống cuộc đời như thế. Nhưng nắng sương còn tiêu biểu cho một cái gì cao hơn: quê hương. Cũng là mùi vị quê hương, nhưng sương nắng mới thật sự thắm đượm cuộc đời nghèo khổ nơi thôn dã. Đó không phải khó một thuở mà hàng nghìn đời: “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, “Sương buốt tận xương, nắng sém chân mày”, ngôn ngữ văn chương rành rành còn in dấu. Đó là cảnh đời ở quê. Làm sao không nhớ được? Trần Đăng Khoa, khi miêu tả nếp nhà của bà mẹ anh hùng Mạc Thị Bưởi, có một câu thấm thía: “Mái tranh ơi hỡi mái tranh, Thấm bao sương nắng mà thành quê hương”. Mái tranh nghèo, ấy là nhà cha mẹ ta, ông bà ta, là nơi ta sinh ra và lớn lên. No đã bao lần thấm nắng và ướt sương, cũng như cuộc đời của ông bà, cha mẹ ta biết bao tháng năm tắm sương đội nắng để kiếm cho ta miếng cơm manh áo, để làm nên cho ta thể xác và tâm hồn. Mái tranh sương nắng ấy làm sao không ghi đậm tình ta với quê hương!

        Cho nên con người này nhớ quê nhất định phải nhớ tới mẹ mình, cha mình trong cảnh đời cơ cực đó.

        Lại kiểu tách nắng sương ra đan chéo vào dãi và dầu cũng bị xé ra, kết quả là tăng thêm sức biểu đạt của các từ, tô đậm thêm cái khó nhọc của cuộc đời. Kiểu đó khiến cho nỗi nhớ trong lòng người đi càng thêm thiết tha, đầm thắm. Đằm thắm thiết tha thì rất rõ. Nhưng vì lời thơ có chỗ mông lung mà nỗi nhớ vẫn như không xác định, nên vẫn kèm theo một cảm giác mênh mông.

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

        Ai ở câu trên có thể là người này kẻ nọ, chữ ai ở câu này thì chỉ có một người: hoặc là người yêu hoặc là người thân yêu, thế thôi: Từ ai trong tiếng Việt có một công dụng lạ lùng, nó là một đại từ phiếm chỉ, nó có thể chỉ bất cứ người nào miễn kèm theo một ngữ điệu thích hợp. Thông thường nó được dùng vào trường hợp người muốn nói tỏ bày niềm thân thương âu yếm của mình: “Ngày xưa ai biết ai đâu, vì chưng điếu thuốc miếng trầu nên duyên” (ca dao). Ai vừa chỉ người vừa chỉ mình; “Biết ai có nhớ ai không, Trời mưa một mảnh áo bông che đầu, Nào ai có tiếc ai đâu, Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô” (Tú Xương), ai vừa chỉ người này vừa chỉ người nọ. Không biết có nguyên nhân xã hội lịch sử gì, mà hình thành sự trộn lẫn độc đáo ấy. Tưởng như có một cái khung tình cảm thân thương, âu yếm, rồi ai thấy thích hợp thì khép mình vào đó, ta cũng đó mà mình cũng đó, ta với mình tuy hai mà một, dù trên thực tế hãy còn là hai, nhưng trong tình cảm thì đã hòa chung làm một. Đây không nói đến từ ai được dùng với ý nghĩa và ngữ điệu khác.

        Vậy nên mới có sự xác định trên kia. Đã là vợ thì khi âu yếm nhau cũng có thể gọi bằng ai cho thêm dịu ngọt. Nhưng khi gọi bằng ai thì thường là đang còn tình trạng yêu nhau hoặc mới thầm yêu. Đây là mới “để ý” nhưng – tình đã khá sâu. Không sâu sao lại nhớ người ta đến nước đó?

        Người ta tát nước thì có gì mà anh nhớ? Té ra tát nước cũng có duyên với văn học. Ai còn không nhớ ánh trăng vàng bị múc đổ đi khiến người ta trách thương người tát nước dưới trăng? Kì thực, tát nước cũng chỉ là một động tác lao động nông thôn như bao nhiêu lao động khác. Có điều trong bao nhiêu động tác ấy, cắt cỏ, hái dâu, cấy gặt, không có động tác nào mềm mại, uyển chuyển con người như tát nước. Lại còn có âm thanh, nhịp điệu, màu sắc đi liền. Cái trong lành của lao động, cái hài hòa trong cử động nhịp nhàng, cái tươi trẻ trên nét mặt và trên thân người một buổi sớm mai hồng… làm sao không khiến người ta bỗng dưng xúc động. Xúc động một chút nhưng ghi nhớ trăm năm.

        Anh còn nhớ rõ là người kia tát nước bên đường. Vậy anh ở đâu mà anh thấy? Người ta tát nước dưới ruộng, còn anh đi qua trên đường, sát một bên. Đường là cái gì chảy trôi, đi qua không dừng. Chân anh cũng ngẫu nhiên đi qua và thoáng thấy người ta. Cũng có thể chẳng ai xa lạ, xóm trên xóm dưới thôi. Cũng có thể anh chưa lần nào để ý. Nhưng lần này thì trời trong gió mát, cái gầu, đám ruộng và nước đổ ì ầm đã mở đường cho lòng nọ đi tới lòng kia.

        Anh cũng không quên sự tình ấy đã xảy ra ngày nọ. Nhưng cái ngày nọ ấy đã quyện với tình thương nên đã biến thành hôm nao, nghe rất xốn xang, rạo rực. Ừ, anh nhớ làm gì cho chính xác. Trong kí ức tình cảm của anh, anh ghi là ngày hôm đó, cái hôm anh thấy người ta tát nước bên đường và anh thấy bỗng dưng sao anh thương người ta. Còn cái ngày mồng bốn, mồng ba, mười bảy, mười sáu, cái ngày của trời ấy, anh cần nhớ làm gì “Tích niên kim nhật thử môn trung” (Thôi Hộ), kim nhật đã ghi vào lịch tình cảm rồi, thì ngày nào kể chi!

        Ấy, tát nước, bên đường và hôm nao y như đã làm môi giới cho tình yêu. Khi Phràng xoa kể phút ban đầu của mình với Pôn, tác giả thiên tài của Thần khúc cũng chỉ nói đến thế: “Cuốn sách và nhà thơ dã đóng vai trò mối lái”.

        Có một thoáng như vậy mà bây giờ anh đi anh nhớ. Nhớ quê nhà, rồi nhớ canh muống, cà tương, nhớ cha nhớ mẹ dãi nắng dầu sương là một kiểu nhớ. Đó là nhớ vì quý vì thương, nhớ vì biết ơn biết nghĩa. Cà tương, canh muống đâu chỉ là cà tương, canh muống, nó còn là tình người ngụ trong sự chăm sóc của mẹ, của chị, đối với miếng ăn sau bữa làm đồng mệt nhọc. Nỗi nhớ ấy thường tình. Còn nỗi nhớ này là nỗi nhớ của tình yêu. Nhớ như bâng quơ, viển vông có vẻ vô duyên vô cớ, như của Kim Trọng khi về phòng trọ, của Thuý Kiêu trong đêm trăng, của Thôi Hộ đối với mặt người và hoa đào, của Đantê với Bêatơrit, của mọi tình yêu trai gái trên đời, nhưng đây là của người lao động.

        Bốn câu ca, câu nào cũng nhớ và nhớ cũng tha thiết, cũng đằm thám yêu thương. Nhưng hình như da diết, xôn xang, bứt rứt gần như dày vò lại là câu thơ thứ tư. Lại cũng cái gì mênh mông, bát ngát, không dứt, không nguôi. Nào gọi ai là đã rõ ra một con người cụ thể, con người đó, nhưng hãy còn là ai, chưa gọi ra được thành mình, thành em. Nào mới là câu chuyện bên dường, một thoáng qua, tuy rằng có đậm nhưng mới là đậm phía mình, còn người ta đã biết ra sao, cái thương của mình chưa có cái thương của người đáp lại. Rồi hôm nao. Hôm nào biến thành hôm nao thì âm điệu như bị cắt cụt, sựng lại giữa chừng, bứt rứt, xốn xang, không sao giải được. Tất cả đều mang một ý nghĩa không xác định và từ ý nghĩa không xác định ấy đưa đến một âm điệu lửng lơ khiến nỗi nhớ càng thêm mênh mông, vô tận.

        Nhưng có phải vì thế mà bài ca này thành một bài ca tình yêu trai gái? Kể ra khó mà ghép lại hai câu ba bốn vào một đối tượng duy nhất, dù đều cùng một chữ ai. Không lý gì cùng một đối tượng mà trên đã miêu tả bằng một cái nét khái quát là dãi nắng dầu sương, dưới lại đặt vào một trường hợp hầu như ngẫu nhiên, cá biệt là tát nước bên đường hôm nao. Lôgic tình cảm sáng tác không cho phép làm như vậy. Rút cục, bài thơ là một bài ca tình yêu quê hương. Còn trong đó có phần của tình yêu nam nữ thì lại càng có lý. Giang Nam đã chẳng nói thành một lời máu xương: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất, Có một phần xương thịt của em tôi” là gì?

        5. Yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng vào loại sâu nhất trong lòng người. Xưa nay văn học khắp Đông Tây có biết bao lời tha thiết. Ngọn khói lam chiêu trong, Người biệt xứ của Lamenne, giọng nói quê nhà trong Đantê, cái háo hức “về đi” của Quy khứ lai từ trong Đào Tiềm, của Quy hứng trong Nguyễn Trung. Ngạn, cái thương cảm u hoài của Có hương trong Lỗ Tấn, niềm nhớ thương ngôi mộ mẹ của Nguyễn Trãi trong Quy Côn Sơn, nỗi xót đau trước cảnh quê hương bị giày xéo dưới gót giặc của Nguyễn Khuyến, cửa Nguyễn Đình Chiểu… Bài ca này cũng là một thiên tình quê tuyệt diệu.

        Bài ca bày ra cái thế là lạ. Mở đầu đưa ra cái chủ thể anh làm trung tâm. Từ cái chủ thể ấy mở ra thành một bầu trời là nỗi nhớ niềm thương. Thương cái rau, cái trái làm lên cái thể xác của mình. Thương những người thân bồi đắp cho tâm hồn của mình. Cuối cùng là nhớ một người dưng nhưng lại quý hơn núm ruột của mình, nhớ một người mình đã đem lòng yêu. Cái nhớ quê như vậy là trọn vẹn, tròn trình, tình có, nghĩa có, gần có, xa có, vật chất và tinh thần, xưa và nay. Chủ thể thì có một mà lòng nhớ thì mênh mông. Chủ thể thì xác định mà nỗi nhớ thì không xác định, xác định là hữu hạn, không xác định là vô hạn. Đem cái hữu hạn đặt bên cái vô hạn, tạo ra một không gian bao la cho nỗi nhớ thương vốn không bao giờ có giới hạn. Ngẫu nhiên mà bài ca dao lại gặp nghệ thuật thơ Đường. Cái cảm giác mênh mông, dằng dặc từ bài này do đó mà ra.

        Cũng không nên quên sự lựa chọn những chi tiết điển hình, từ bát canh quả cà, một nắng hai sương, đến cảnh tát nước bên đường hôm nọ, từ cái tất yếu đến cái ngẫu nhiên, ngẫu nhiên mà tiêu biểu. Tất cả đều hợp vào dựng lên tâm trạng người đi thành một cái gì da diết không nguôi, có khả năng thấm vào lòng người và lan rộng bao la, không bến không bờ. Lòng yêu quê hương như vậy khó có thể thắm thiết hơn.

        Bài phong dao vốn là của một tác giả, khi gia nhập vào thế giới tình cảm dân gian, nội dung trở nên phong phú thật không ngờ. Điều đó làm vinh dự thêm cho tác giả.

>> Xem thêm: Thương Vợ (Trần Tế Xương) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận