Nhận thức luận trong triết học tuệ trung thượng sĩ – Triết học Tôn giáo – Những trường hợp cụ thể. Một số vấn đề nghiên cứu và giảng dạy triết học tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Đang tải...

Triết học Tuệ trung thượng sĩ

TS. Đặng Thị Lan

Đại học Quốc gia Hà Nội

Mở đầu

Thời đại Lý – Trần là thời đại hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là giai đoạn oai hùng trong lịch sử dân tộc gắn liền với những chiến công hiển hách. Một trong những ngôi sao sáng trên bầu trời thiền học của giai đoạn này là Tuệ Trung Thượng Sĩ. ông là một cư sĩ, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà quân sự, người thầy của Trúc Lâm Sơ Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược và là một nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng to lớn đến thời đại mình và đặc biệt đến phái Thiền Trúc Lâm nổi tiếng sau này. Không phải ngẫu nhiên mà vua Trần Thánh Tông cảm phục đạo học của Tuệ Trung Thượng Sĩ và tôn ông làm sư huynh, đồng thời nhờ ồng dạy Thiền học cho thái tử sau này là Trần Nhân Tông.

Sự nghiệp trước tác của Tuệ Trung chủ yếu được tâp hợp trong bộ Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục. Qua tác phẩm này, toàn bộ giá trị tư tưởng Thiền học, triết học của Tuệ Trung được thể hiện một cách thâm diệu và đặc sắc, có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật sáng tác. Sự ra đời phát triển tư tưởng triết học của ông bắt nguồn từ thực tiễn xã hội, đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử tư tưởng dân tộc. ông đã kế thừa và phát triển những vấn đề thuộc về nhận thức luận của Phật giáo một cách sáng tạo trong thời đại của mình, khai phóng một đường hướng mới trên 

con đường hành đạo tiến đến giải thoát. Những tư tưởng triết học của ông đã có đóng góp to lớn trong việc xây dựng một diện mạo mới cho Phật giáo Việt Nam, làm cho Phật giáo Việt Nam có bản sắc riêng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong bài viết này, tác giả mong muốn góp phần làm sáng tỏ hơn những quan niệm về nhận thức trong triết học của Tuệ Trung Thượng Sĩ, qua đó, chúng ta sẽ hiểu thêm về vai trò, đóng góp của Phật giáo trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc. Đồng thời, nghiên cứu nhận thức luận trong triết học Tuệ Trung còn giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc cái riêng, cái đặc thù, sự kế thừa có chọn lọc của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.

Bài viết này gồm 3 phần: 1) Quan niệm về nhận thức trong Phật giáo;

2) Quan niệm của Tuệ Trung về Giới trong nhận thức;

3) Quan niệm của Tuệ Trung về Thiền đối với nhận thức.

1.Quan niệm về nhận thức trong Phật giáo

Đối với các học thuyết triết học, vấn đề lý luận nhận thức được hình thành thông qua mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, là quá trình con người phản ánh thế giới khách quan để đạt được tri thức, tìm ra chân lý. Quá trình ấy diễn ra qua hai giai đoạn: nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Hai giai đoạn ấy có quan hệ biện chứng với nhau và bổ sung cho nhau. Con người có thể đạt được chân lý (các tri thức đúng, phù hợp với hiện thực khách quan) thông qua con đường học tập, giáo dục.

Quan niệm về nhận thức trong Phật giáo khá đặc thù. Nhận thức Phật giáo thực chất là quá trình nhận ra bản thể, chân tâm của chính mình, tức giác ngộ. Đạo Phật quan niệm vạn vật đồng nhất thể, nên bản thân vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Bởi vậy khi làm cho bản thể trong mỗi cá nhân hòa làm đồng với bản thể vũ trụ, thì ta và

thế giới hòa làm một, con người sẽ cảm nhận được tất cả những gì xảy ra trong thế giới, bởi những gì xảy ra trong thế giới cũng là đang xảy ra trong bản thân con người. Để đạt được điều đó, không phải thông qua giáo dục mà phải thông qua con đường tu học, thực nghiệm tâm linh.

Với mục đích giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người, Phật giáo đưa ra con đường TAM HỌC. Ở đây, việc đạt được tri thức, có Trí tuệ Bát Nhã (Giác ngộ) liên quan chặt chẽ đến việc giữ giới và thiền định. Giới (Sila), nghĩa là ngăn cản, phòng ngừa sự sai trái của thân và tâm; Định (Samadhi) là tập trung vào một cảnh, không để cho nó tán loạn, không thiên về lạc quan hay bi quan. Khi thân tâm thanh cao, quán suốt được mọi pháp, lập tức trí tuệ sẽ nảy sinh; Tuệ (Prajna) có được là nhờ giữ giới, thiền định, là trí tuệ sáng suốt, đoạn trừ được mọi nghiệp, tức giác ngộ bản thể. Ở đây, ta thấy ba yếu tố của Tam học: giới, định, tuệ có quan hệ biện chứng với nhau. Người tu học phải bắt đầu từ việc giữ giới và thiền định, tập trung tư tưởng, loại bỏ hết tạp niệm, khi thân tâm trong sạch thì trí tuệ sẽ bừng sáng. Trí tuệ này do tâm an mà có, nghĩa là không cần đến học tập và truyền bá tri thức mà đạt được bằng trực giác. Trí này tiềm ẩn trong mọi người, khi mây mù phiền não tan đi thì nó hiện ra, khi đó con người đạt đến trạng thái giác ngộ, thấu suốt được chân lý.

Như vậy, căn cứ vào lý luận nhận thức của Phật giáo thì chủ thể nhận thức là con người và đối tượng nhận thức chính là các pháp. Các pháp ở đây không đồng nghĩa với phương pháp mà nó “bao hàm mọi sự vật cụ thể hay trừu tượng, cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó đều gọi là pháp”

Nhận thức trong Phật giáo là để hòa tâm mình vào tâm vạn pháp chứ không phải đi đến nhận thức thế giới và cải tạo thế giới khách quan. Con người không thể nhận thức bản thể bằng tư duy khoa học, vì cái thể tính thần diệu hư vô, khó lòng tin với. Một khi tâm con người đạt đến tâm hư vô (không) thì trí tuệ Bát Nhã xuất hiện, tức con người đạt đến bản thể chân tâm của mình. Nói cách khác, tâm hư vô, con người mới hiểu được tất cả các pháp trong thế giới hiện tượng.

Theo giáo lý Phật giáo, nhận thức là một quá trình biện chứng và phức tạp. Con đường nhận thức của Phật giáo có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thuộc về Tri và giai đoạn sau thuộc về Ngộ. Giai đoạn Tri được thiết lập trên cơ sở của tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận; giai đoạn Ngộ được biểu đạt bằng sự thể hiện của tuệ giác. Một nhà nghiên cứu Phật học sau khi khảo sát Kinh Lăng Già đã cho rằng: “Có hai hình thức hiểu biết, một hình thức để nắm lẩy tuyệt đối hay thâm nhập vào cảnh giới của Tâm, và một hình thức đế hiện hữu trong khía cạnh nhị biên của nó mà trong đó, lý luận là thù thắng và là cách thức hoạt dụng. Trong Lăng Già, hình thức hiếu biết thứ nhất được định nghĩa là sự phân biệt (Vikalpa) và hình thức thứ hai gọi là trí tuệ siêu việt hay Giác trí (Prạịna). Phân biệt hai hình thức này là thiết yếu nhất trong triết học Phật giáo”.

Trí tuệ (Prajna), là một thuật ngữ Phật học, có tần số xuất hiện cao trong các kinh, luận, hay trong các tác phẩm viết về Phật giáo. Trí tuệ thường được xem như một danh từ chựng nhưng thật ra giữa Trí và Tuệ có sự khác biệt. Trí được phân ra thành nhiều loại như chính trí, tà trí, thế gian trí, xuất thế gian trí … Nghĩa thông thường của Trí, đó là

năng lực nhận thức của con người đối với tất cả những sự vật và hiện tượng trong hiện thực, là khả năng phân biệt và đoán định được phải trái, đúng sai, chính tà. Tuệ là một khái niệm trung tâm của Phật giáo, chỉ năng lực nhận thức không phải do suy luận hay khảo nghiệm mà có mà là sự nhận thức được tính không bằng trực giác, là khả năng nhận ra thực tướng của sự vật và hiện tượng. “Luận Duy thức “(quyển 9) nói rằng: “Thế nào gọi là Tuệ, quán trong cảnh được, mất đều là không thì chỉ có Tuệ mới đạt được, mới quyết định được. ” Giữa TríTuệ đôi khi được dùng cùng với nhau tùy theo ngữ cảnh, nhưng khái quát lại có thể hiểu: Phân biệt sự tướng trên phương diện Hữu vỉ thì gọi là Trí; thông đạt tính không, thực tướng của vạn hữu thì gọi là Tuê. Tuê ở đây đồng nghĩa với Bát Nhã, với Giác Ngô. Khi nói đao Phât là đao của trí tuê là nói theo nghĩa này.

Mục tiêu xuyên suốt mà giáo lý Phật giáo hướng đến là giải thoát, giác ngộ. Giác ngộ được đề cập ở đây không phải là tri thức đạt được thông qua quá trình giáo dục thông thường hoặc bằng tư duy lôgic và lý luận, vì nó vượt ra ngoài khả năng của ngôn từ, kinh nghiệm.,Muốn đạt được trí tuệ này, người ta phải dấn thân vào con đường tu học, thực hành giữ giới, thiền định để chuyển hóa thân tâm, tự mình chứng nghiệm để đạt đến bản thể.

Trên phương diện nhận thức luận, các nhà tư tưởng của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đều cho ràng, muốn đạt đến bản thể thì phải hư vô tâm, phải biển tâm mình thành không. Các thiền sư đời Trần thì cho rằng, mọi vấn đề trong thế giới trần tục, đạo đức, thiện, ác, tâm, Phật đều sinh ra từ tâm. Trong mỗi con người đã sẵn có cái tâm giác ngộ, nhưng vì trải qua bao kiếp luân hồi, bể khổ nên cái tâm ấy bị mờ đi. Bởi vậy, phải tự mình đoạn trừ

hết vô minh, phiền não, lúc đó bồ đề, giác tính, Bát Nhã, thiện căn trong mỗi con người tự nó sáng trong (tức giác ngộ). Vua Trần Thái Tông, một người uyên thâm về đạo đã rất đề cao giới, định, tuệ trên con đường nhận thức. Ồng cho rằng để trực nhận bản thể thì phải biến tâm mình thành không và giới chính là giai đoạn đầu tiên trên con đường của người tu đạo.

2. Quan niệm của Tuệ Trung về Giới trong nhận thức

Theo quan niệm của Tuệ Trung, giới là một phương tiện để nhận thức bản thể. Giới là giai đoạn đầu tiên dẫn dắt người tu hành đến với đạo, là phương tiện giúp con người vượt qua sông mê, bể khổ luân hồi, tới chốn an lạc, giải thoát. Giới như đất bằng, từ đó mọi điều thiện nảy sinh.

Đối với Tuệ Trung, để nhận thức bản thể, chân tâm, người học phải trở về với chính mình. Tuệ Trung cho rằng, giác ngộ phải vượt lên trên giới luật, vượt lên mà vẫn không thoát ly thế giới trần tục. Người học cứ mải mê trong giáo lý mà không hiểu bản chất bên trong của đạo thì không giác ngộ được. Trên tinh thần của người giác ngộ, Tuệ Trung chủ trương tu Phật không tuân theo giới luật của nhà Phật.

Trong lối hành xử của Tuệ Trung, ta thấy rõ những ý tưởng đả phá những quan niệm cố chấp, bảo thủ của người đối thoại về các hình thức, khái niệm. Trong một buổi tiệc do hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm thết đãi, thấy Tuệ Trung không ăn chay mà vẫn ăn mặn như thường, Hoàng hậu hỏi:

“Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?” Ông cười và đáp;

“Phật là Phật! Anh là anh!

Anh không cần thành Phật,

Phật không cần thành anh!

Văn Thù cứ Văn Thù,

Giải thoát cứ giải thoát.”

(Phật tự Phật, huynh tự huynh,

Huynh dã, bất yếu tố Phật

Phật dã, bất yếu tố huynh,

Văn Thù cứ Văn Thù,

Giải thoát cứ giải thoát.”

Đây là cách trả lời của những vị đã hoàn toàn giải thoát, tâm không bị mắc kẹt vào ngôn ngữ khái niệm. Đối với Tuệ Trung, vấn đề cơ bản trong giác ngộ không phải là ăn cái này, không ăn cái kia, phải vượt lên trên, không để tâm mắc vào những cái đó (không chấp). Con đường đi đến giác ngộ không nhất thiết giống nhau, Phật có con đường riêng của Phật, Tuệ Trung có con đường riêng của Tuệ Trung, ăn uống như thế nào cứ tự nhiên, cũng giống như Văn Thù và giải thoát là hai việc khác nhau. Văn Thù giác ngộ cũng không theo con đường đã vạch ra trong kinh, thậm chí Văn Thù còn truyền bá một triết lý không theo đúng tinh thần của Phật, nhưng Văn Thù vẫn được tôn sùng trong các trào lưu Phật giáo.

Giác ngộ theo phương pháp riêng đôi khi có những điều trái với kinh Phật như:

“Trì giới và nhẫn nhục,

Chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc.

Muốn biết không tội phúc,

Thì đừng trì giới nhẫn nhục.”

(Trì giới kiêm nhẫn nhục,

Chiêu tội bất chiêu phúc.

Dục tri vô tội phúc,

Phi trì giới nhẫn nhục.)

Đây là bài kệ mà Tuệ Trung đã đọc cho vua Trần Nhân Tông nghe khi vua hỏi: “Thưa Thượng Sĩ! Chúng sinh quen nghiệp ăn thịt, uống rượu làm thế nào để thoát khỏi tội báo?” Tuệ Trung nói với Trần Nhân Tông những điều trên khi Nhân Tông đã lên ngôi vua được 9 năm, còn Tuệ Trung đã 57 tuổi. Thời kỳ này, tư tưởng thiền học của ông đã đạt đến giai đoạn chín chắn, siêu việt, còn Trần Nhân Tông cũng đã uyên thâm về đạo. Đây là tư tưởng của một vị Bồ Tát, một người đã ngộ đạo. Không phải ông khuyên mọi người “Đừng trì giới nhẫn nhục” mà là khuyên không nên chấp vào giáo lý, vướng mắc vào ngồn ngữ, khái niệm, tâm không vướng mắc thì mới có thể giải thoát được.

Theo Tuệ Trung, giới của nhà Phật xét đến cùng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của giác ngộ. Trong khi “trì giới” và “nhẫn nhục” mà không biết ràng mình đang trì giới, nhẫn nhục mới là tư tưởng cần đạt đến. Trì giới mà lúc nào tâm cũng nghĩ rằng mình đang trì giới thì chỉ “chuốc tội” chứ không thêm phúc. Đó cũng là một loại chấp, chấp vào giới. Giác ngộ phải vượt lên trên giáo lý, chứ không dừng lại ở giáo lý, càng không khư khư bám vào giáo lý. Chính tư tưởng khai phóng này của Tuệ Trung đã khiến cho quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của các vị vua – thiền sư đời Trần đã anh dũng đứng lên đánh đuổi giặc Nguyên – Mông, làm nên những chiến công hiển hách. Nếu cứ khư khư chấp vào giáo lý, sợ phạm giới sát sinh, hẳn dân tộc ta đã lâm vào họa lớn.

Mặc dù xuất phát một nguồn gốc chung, nhưng đạo Phật ở Việt Nam đã có sự tiếp thu sáng tạo và đi vào cuộc sống. Sự tiếp thu sáng tạo ấy một phần do đặc điểm, điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa dân tộc quy định, song điều quan trọng là do năng lực chủ quan của mỗi cá nhân. “May mắn thay ở thế kỷ XIII, dân tộc ta đã có những cái đầu thông tuệ, biết hấp thụ những tỉnh hoa của Tam giảo, nhất là tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Thiền giáo Trung Hoa để bổ sung cho tinh hoa dãn tộc, biết tổ chức một xã hội theo pháp độ kỷ cương riêng của mình và tạo mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử: kỷ nguyên Đại Việt. ”

Đối với Tuệ Trung, giác ngộ phải tự mình chứ không dựa vào bất cứ điều gì. Trong các kinh Phật cũng ghi, văn tự kinh điển chỉ là giáo tích chứ không phải là giáo thể, giáo tích chỉ là dấu chân của giáo pháp, giáo thể mới là nguyên hình của giáo pháp. Khi chưa giác ngộ thì người học cần phải dùng đến các biện pháp như trì giới, tụng kinh, nhập thiền…những biện pháp ấy chỉ là phương tiện để ngộ đạo, nó cũng giống như người muốn qua sông phải dùng bè. Khi qua sông rồi thì phải bỏ bè đi, nếu cố giữ bè tức là chấp. Khi còn tại thế, Đức Phật đã nhiều lần giảng về vấn đề này, ngài thường sử dụng hình ảnh một người đã dùng bè qua sông, sau khi qua sông rồi vì nghĩ chiếc bè đã giúp mình qua sông nên người đó vẫn vác chiếc bè trên lưng mà đi. Người đó là người không thông minh, là chấp, và trong trường hợp này, chiếc bè sẽ là vật cản đối với anh ta trên chặng đường tiếp theo. Đạo cũng vậy, nó giúp cho người tu hành nhận ra bản thể, chân tâm của mình, khi đã giác ngộ giải thoát thì không cần đến đạo nữa. Tuệ Trung nói, Phật cũng không có, tâm cũng không có, đạo cũng không có là theo nghĩa đó. Trong Kinh A Hàm

(maịịhima – mikaya) viết: “Nếu người học đạo mắc vào thuyết này thuyết kia, nếu giữ gìn nó như một kho bảo vật, thì các người đã không hiểu giảo lý của ta, chằng khác nào chiếc bè để đưa qua sông, chứ không phải để buộc trói người vào đó. ”

Như vậy, quan niệm về vai trò của giới trên con đường nhận thức của Tuệ Trung là quan niệm của bậc thượng trí, giác ngộ, không chấp vào giới luật. Việc ông phủ nhận giữ giới ỉà phủ nhận sự mê chấp của người học chứ không phải phủ nhận giáo lý. Tư tưởng của ông đã ảnh hưởng ít nhiều đến nền văn minh Đại Việt, góp phần khẳng định bản sắc riêng của Thiền tông Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử Lý – Trần, giáo !ý Phật giáo không chỉ dừng lại trong kinh sách mà thực sự đã đi vào cuộc sống, được nhiều người ngưỡng mộ và thực hành theo.

3.  Quan niệm của Tuệ Trung về Thiền đối với nhận thức

Thiền (Dhyana) được dịch là tịch lự, trầm tư về một chân lý, một triết lý hoặc đạt đến chỗ ngộ và in sâu vào trong tâm thức. Khi nghiên cứu Thiền tông Trung Quốc, Suzuki cho ràng: “Thiền trước hết là một tôn giáo nhưng cũng là một nghệ thuật luyện khí. Nói đúng hơn, chính sự tâm chứng cực sâu nhất định khởi động một cuộc chuyển hóa trong cơ cấu tỉnh thần của cơ thể con người”. Còn theo Nguyễn Lang, tác giả Việt nam Phật giáo sử luận, “Thiền là phương pháp tự tỉnh, tự giác, tự ngộ, tự chứng. Đây là yếu tố hoàn toàn có tỉnh cá nhân, tính cô đơn, tính triết lý sầu thẳm của con người đoi với vũ trụ. Sự giác ngộ và chứng đắc được ví như người uống nước: lạnh, nóng tự biết. Cái ngộ, cải biết ấy không thể nói cho ai thấy được. ”

Có người còn quan niệm rằng, thiền là một thái độ sống, một phong cách sống của người đã thực hiện được huyền đồng giữa tiểu ngã và đại ngã. Thiền là một sự tỉnh thức của con người trước ảo mộng của trần gian. Thiền là một phương pháp tập trung toàn bộ tâm trí của mình nhằm làm sáng tỏ một vấn đề nào đó, là một phương pháp khai thác, giải phóng một khả năng tiềm ẩn trong tâm thức con người. Những nhà tư tưởng Ấn Độ cho rằng người thông minh là người cả đời biết tập trung tư tưởng, suy nghĩ vào một điều gì đó. Làm được như vậy, chắc chắn cuộc đời họ sẽ phát hiện, tìm ra được một cái gì đó hữu ích. về công năng này, Thiền Phật giáo góp phần phát triển tư duy trừu tượng của con người.

Với Tuệ Trung, thiền có vị trí đặc biệt trên con đường nhận thức bản thể. Thiền còn là một đạo sống giúp con người vươn tới hạnh phúc nơi trần thế. Với ông, thiền chính là cuộc sống. Nếp sống thiền không còn giới hạn trong khuôn viên nhà chùa với việc tu trì hay chấp tác bình thường mà ở mọi nơi, mọi lúc, thậm chí ngay giữa chiến trường bảo vệ non sông, Tổ quốc.

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã chứng ngộ rồi nên cuộc sống của ông luôn thể hiện tinh thần siêu phóng, thanh thản tự tại. Trên quan điểm giác ngộ về đạo, Thượng Sĩ cho rằng Phật tại tâm, Phật ở trong ta chứ không ngoài ta, kẻ ngu người trí tính Phật vốn không khác nhau. Việc ngồi tụng kinh gõ mõ mà không hiểu Phật tính nơi tâm mình thì việc ấy chỉ là mê chấp. Với phương châm giác ngộ phải đi từ cuộc sống, gắn đạo với đời, giác ngộ phải tự mình, không thể trông chờ vào bất cứ điều gì. Nếu cứ y nguyên giáo lý kinh điển thì không tránh khỏi mê chấp. Ông thường xuyên nói với học trò của mình rằng, giáo lý kinh điển, xét đến cùng chỉ là phương tiện, cũng như ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng. Muốn biết mặt trăng (bản thể) thì phải tự mình chứng lấy, ngộ lấy. Tuệ Trung đã bác bỏ sự mê 

chấp của người học đạo và hành đạo theo lối riêng của mình:

“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền

Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng

Khi không có ý khí thì tăng thêm ý khí

Được nơi an định hãy cứ an định”

(Hành diệc thiền, tọa diệc thiền,

Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên.

Một ý khí thì thêm ý khí,

Đắc an tiện xứ thả an tiên).

Thiền của Tuệ Trung cũng là sự trầm tư, suy ngẫm về chân lý đạo, nhưng nó được thực hiện một cách không ngừng, không nghỉ trong cuộc sống. Mục đích của thiền là nhằm đạt tới một sự bình tĩnh của nội tâm, ngày càng đi sâu vào để làm chủ bản thân, làm chủ ngoại cảnh. Mục đích này rất thực tiễn và phải được thực hành ngay trong đời sống, qua những hành động rất bình thường như đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, không cần phải sống trong rừng sâu, núi thẳm. Đây là nếp sống chính niệm tỉnh giác, năng động, giống như Bàng Long uẩn, một cư sĩ nổi tiếng ở Trung Hoa đã nói về tính thực tiễn của Thiền: “Xách nước và bửa củi; Là diệu dụng thần thông”. Còn ở Nhật Bản thì làm thơ, uống trà, múa kiếm đều là thiền. Nhờ vậy nên sức sống thiền ở Nhật Bản luôn vững mạnh chính do nó thẩm thấu vào tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Với quan điểm như vậy, ở Thượng Sĩ đã toát lên một phong cách tự do, phóng khoáng, tâm như treo giữa hư không, không hề bị ràng buộc hệ lụy.

Thiền của Tuệ Trung vừa thể hiện tâm hồn của người nghệ sĩ, vừa phản ánh tinh thần tiêu dao thoát tục mà vẫn hài hòa cùng thiên nhiên và vạn vật:

“Chẳng cần cửa son, cũng chẳng cần rừng,

Rốt cuộc chốn nào là chẳng an tâm.

Người đời hết thảy chỉ nhìn thấy nghìn non sáng sủa,

Nào ai nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm.”

(Bất yếu chu môn, bất yếu lâm,

Đáo đầu hà xứ bất an tâm?

Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu Thùy thính cô viên đề xứ thâm).

Đối với Tuệ Trung, tâm không dao động, tâm an, đó là thiền. Chẳng cần cửa son (nơi quyền quý), cũng chẳng cần ở nơi vắng lặng tách biệt với cuộc sống. Người tu hành chỉ cần thảnh thơi, tâm không dao động, “tâm tự tắt”, con mắt tuệ sẽ bừng sáng. “Tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm” là cách nói ẩn dụ mà Thiền học gọi là “bản lai diện mục”, Phật tính, chân tâm. Chỉ có ai nghe thấy được cái “bản lai diện mục” ấy mới giải thoát. Người tu Phật mà từ bỏ cuộc sống đời thường, dựa vào núi rừng, chùa chiền để hành thiền thì thiền sẽ mất đi cái tự nhiên, hồn nhiên của nó. Do đó, vấn đề quan trọng nhất khi thiền là bỏ tâm vọng, không phụ thuộc vào hình thức đi, đứng, nằm, ngồi. Theo cách nói của Tuệ Trung, ta hiểu rằng, muốn nhận thức cái bản chất thì người học phải có phương pháp. Phương pháp mà Tuệ trung đề cập đến là thiền vô chấp.

Tuệ Trung khuyến cáo mọi người hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng, con người thật của chúng ta là vô ngã, không hạn chế trong cái thân và tâm vô thường hạn hẹp này, mà đồng nhất thể với mọi người

mọi chúng sinh khác. Vì vậy ông chủ trương một cuộc sống năng động tích cực, hướng ngoại để hòa nhập với mọi người và mong muốn mọi người cùng được giác ngộ. Tuệ Trung đã góp phần làm cho triết thuyết và cách tu tập được xem là lánh đời, yếm thế của đạo Phật có khuynh hướng tích cực, đạo gắn với đời.

Trên quan điểm giác ngộ, Tuệ Trung cho rằng, cả Phật và Tâm đều là giả, hư ảo, đều do cái tâm mê vọng sinh ra. Con người khi tỉnh lại, trở về với chính mình, không dựa vào bất cứ điều gì, nhìn lại cuộc sống bằng con mắt không sai lệch, lúc ấy địa ngục và thiên đường tự nó tiêu tan hết. Nếu con người biết trở về với cái tâm ban đầu, không bị sai khiến bởi dục vọng, phiền não, bồ đề tự khắc không còn, địa ngục, thiên đường cũng không có chỗ đứng. Lúc đó con người sẽ có một sức mạnh phi thường, trước vạc dầu, lò lửa vẫn cảm thấy mát mẻ, rừng gươm, núi dao tự đổ gãy hết.

Không những khuyên người học từ bỏ cái nhìn phân đôi sự vật, Tuệ Trung còn chỉ rõ nhị kiến vừa là cơ sở vừa là nguyên nhân làm cho con người ngụp lặn sâu ở sông mê bể khổ. Vì thế, Tuệ Trung đề ra phương pháp xóa bỏ nhị kiến: mỗi người hãy thắp lên ngọn đuốc trí tuệ nơi mình, hãy trở về với chính mình. Tư tưởng thiền của ông thể hiện rất rõ khi ông trả lời câu hỏi của vua Trần Nhân Tông về thiền là gì, gốc của tôn chỉ thiền ở đâu? “Hãy quay về tự thân mà tìm thấy tông chỉ, không thể nhờ một ai khác” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất cầu tha đắc).

Đối với Tuệ Trung, muốn trực nhận bản thể, người học phải trở về với chính mình, với tâm hồn trẻ thơ, với phận sự gốc của mình. Phật giáo nói chung, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói riêng thường dùng khái niệm trẻ thơ để chỉ cái tâm 

còn trong trạng thái hồn nhiên trong trắng, vẫn giữ nguyên được Phật tính. Quan điểm giác ngộ trở về với gốc, với tâm ban đầu trong triết học Tuệ Trung cũng là quan điểm của Thiền tông nói chung. Người học chỉ nhận thức được bản thể bằng cách vượt lên hai thiên chấp không. Đạo Phật cho rằng, người ngu do phân biệt nên thấy hai, người ngộ thấy tính nó không hai. Tính không hai tức là Phật tính. Khi có trí tuệ sáng suốt thì không còn phiền não, khi còn phiền não thì không có trí tuệ.

Ngoài quan điểm giải phóng nhị kiến, Tuệ Trung còn đề cập đến “phá chấp”. Theo Phật giáo, chấp là cố chấp, không đúng mà chấp là đúng, không thật mà chấp là thật, khổ mà chấp là sướng, thiên kiến đứng vệ một phía. Phá chấp là phá bỏ tư tưởng cho ràng giáo lý kinh điển nhà Phật là hoàn toàn đúng đắn. Phá chấp là hiểu và hành vượt lên trên giáo lý, từ đó vạch ra con đường mới đi đến giác ngộ. Theo một nghĩa nào đó, phá chấp cũng là đổi mới mà trước hết là đổi mới nhận thức, hành động. Nói cách khác, phá chấp là tiếp thu tinh hoa văn hóa lịch sử trên tinh thần phê phán, không rập khuôn máy móc. Tư tưởng phá chấp xuất hiện sớm trong các kinh của Phật giáo. Đức Phật thường nói: ‘Trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, ta chưa hề nói một lời nào!” Lời nói ấy để nhắc nhở người học đạo phải nắm lấy cái tư tưởng, cái “hồn” trong kinh chứ không phải chấp vào câu chữ trong kinh. Các thiền sư dưới triều đại Lý Trần đã đặc biệt đề cao tư tưởng phá chấp trong cuộc đời hành đạo. Chính tinh thần này đã làm cho đạo đi vào đời một cách tự nhiên, không máy móc khiến các vị vua – thiền sư vẫn dũng cảm cầm quân đánh giặc cứu nước tạo nên hào khí của một thời đại oanh liệt.

Kết luận

Nhận thức luận trong triết học của Tuệ Trung cũng là của Thiền Tông, vì đều được xây dựng trên quan điểm bản thể không. Quan niệm giác ngộ không chỉ cho mình mà còn cho mọi người, Tuệ Trung góp phần làm cho Phật giáo Việt Nam có sác thái riêng so với Phật giáo Trung Quốc. Trong khi Thiền Trung Quốc tập trung sự giải thoát cho cá nhân nhiều hơn thì Thiền Việt Nam lại chú ý đến giải thoát cho mọi người. Đó cũng là đóng góp của riêng của Tuệ Trung, của Phật giáo thời Trần vào lịch sử phát triển tư tưởng của dân tộc. Đây là một thời đại mà các thiền sư, các triết gia đã hòa đạo với đời, tham gia chính trị, góp phần tạo nên ý chí kiên cường, bất khuất cho dân tộc. Những tư tưởng về nhận thức trong triết học của Tuệ Trung đã tác động nhiều đến đời sống xã hội, giúp con người rèn luyện đạo đức luân lý, hình thành một triết lý sống nhập thế đặc trưng của thời đại Lý – Trần, trong đó tinh thần từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo đã hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam viết lên những trang sử vàng son của dân tộc.

Với Tuệ Trung, trong quá trình nhận thức bản thể, phá chấp được Tuệ Trung vận dụng một cách triệt để và toàn diện, nhưng tập trung chủ yếu ở ba bước Giới, Định, Tuệ. Ba bước này được ví như các giai đoạn của quá trình nhận thức. Trí tuệ trong triết học của ông là kết quả của sự vận động tổng hợp các phương pháp cụ thể: thiền, giải phóng nhị kiến, phá chấp. Mỗi phương pháp ấy có vai trò nhất định trên con đường nhận thức, nhưng giữa chúng lại có quan hệ mật thiết với nhau.

Do yêu cầu của thời đại, Phật giáo Lý – Trần nói chung và Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ nói riêng đã được Việt hóa trong thiền đạo, phù hợp với hoàn cảnh Đại Việt lúc bấy giờ, làm nên bản sắc rất riêng của dân tộc. Ngoài tôn chỉ chung của Thiền là phá chấp, đốn ngộ, tâm truyền, thì Phật giáo thiền tông thời Lý – Trần còn có những nét

riêng như đưa Phật thiền vào cuộc sống, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, tu dưỡng nhân cách con người.

Đời sống sinh hoạt Phật giáo luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của dân tộc. Nét đặc sắc, nổi bật nhất của Tuệ Trung là tư tưởng Hòa quang đồng trần (cùng thế tục hòa ánh sáng). Có thể thấy đây là một tinh thần thiền phá chấp dũng mãnh, triệt để giàu bản sắc cá nhân. Phương pháp ấy khiến cho Tuệ Trung trở nên khác lạ trong làng thiền và cũng tạo nên sức hấp dẫn ở tư cách học giả của ông. Từ quan niệm vô nhị kiến, ông không tách đạo ra khỏi đời mà cho rằng đạo ở trong đời, trong đời có đạo, có Phật. Phật ở trong đời như hoa nở trong lò lửa vẫn mang sắc vàng tươi, như sen mọc giữa bùn lầy mà vẫn thơm ngát hương sen. Vì vậy, phải tìm đạo, tìm Phật ở trong đời. Việc giải thoát của ông tuyệt đối không có chút gì dấu vết của sự lánh đời và lối tu khổ hạnh. Tinh thần này được ông phát biểu với nhiều dạng thức khác nhau trong các tác phẩm của mình và được vận dụng vào đời sống thực tiễn, mục đích làm hưng thịnh đạo pháp và góp phần làm phồn vinh cho đất nước.

Xem thêm Hội nhập triết học Phật giáo Việt Nam

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận