Luyện tập tạo lập văn bản – Phần Tập làm văn – Tư liệu Ngữ Văn 7

Đang tải...

LUYỆN TẬP TẠO LẬP VĂN BẢN

Đề bài : Viết thư cho một ai đó để nói về quê hương, đất nước mình.

Bài văn tham khảo

VẪN CÁI TIẾNG DỘI CÀ MAU ẤY

Gửi Anh Đức

Giữa hai chuyến đi núi, tôi viết thư cho anh. Vừa đi một chuyến Hoàng Liên Sơn về, và bây giờ lại sửa soạn ba lô túi-dết (mấy vật tuỳ thân này, tôi vẫn giữ nó từ đầu ngày toàn quốc kháng chiến cho tới bây giờ) để đi Hà Giang Phó Bảng Đồng Văn. Đồng Văn vừa hoàn thành đường ô tô, là một huyện miền núi giáp biên giới Trung Quốc, và đứng về chiều dọc của hình thể Tổ quốc, thì đó là một mảnh đất cao nhất của nước ta. Mũi Cà Mau của anh nằm ở vĩ tuyến 8 rưỡi, và huyện núi Đồng Văn nằm ở vĩ tuyến 23 rưỡi, bề dài nước chúng ta như vậy là đo đúng 15 độ địa cầu. Lí thú nhất là hai cái huyện sơn cùng và thuỷ tận Đồng Văn Cà Mau lại cùng nằm trên một vệt kinh tuyến 105, huyện Đồng Văn như một cái bờm tóc mây ngả ngả sang phía Đông, và mỏm Cà Mau như một ngón chân cái đá đá về hướng Tây.

Tôi chưa vào đến đất huyện biển Cà Mau của anh, nhưng tôi biết rằng cả vùng Bạc Liêu đó là bình sa bùn cát phẳng lì. Nói chung thì Nam Bộ là một cái thế giới của sông nước và kênh ngòi. Ngoài này thì đặc điểm là rừng dốc, núi và mây đèo. Bao giờ cút hết thằng Mĩ, tôi vô trong các anh, các anh sẽ cho tôi no nê nhiều bữa về sông vàm kênh rạch. Và các anh ra thăm miền Bắc, cái món thiên nhiên mà chúng tôi có thể chiêu đãi cung cấp suốt bốn mùa là mây cao ngũ sắc và núi dựng thành xanh. Nói chuyện với nhau về lịch sử địa lí mà cứ bị cách bức thế này, càng thấy thù ghét thằng Mĩ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. […]

Chuyến vừa rồi lên đỉnh Hoàng Liên Sơn có ngọn Phăng Si Păng (Hoa Thạch Bàn) 3142 thước cao nhất nước ta, trưởng đoàn điều tra tài nguyên là một đồng chí quê ở bờ Nam sông tuyến. Đồng chí tiến sĩ thực vật Thái Văn Trừng trưởng đoàn, trước Cách mạng có ở Cà Mau một thời gian khá lâu tham gia vào công việc trồng rừng tràm rừng đước trong đó. Vừa leo núi hái cây lạ, anh Trừng vừa kể cho tôi nghe nhiều nét về cuộc sống Cà Mau. Trong đoàn có bộ phận tìm cây thuốc, và có bác sĩ Trần Văn Luân là người gốc ở Gia Định Sài Gòn. Thành ra trong một chuyến leo núi cao nhất, càng thêm nhớ thương miền Nam và nhiều con người Nam Bộ. Trong nhớ thương da diết, có cả cái nghĩa đau đớn hữu cơ nữa. Cái điều mà anh chị em tập kết ra ngoài này mấy năm đầu có hay nhắc tới với cái hình tượng ngày Bắc đêm Nam đó thì ở chính tôi, mặc dù tôi không đi tập kết gì cả, nhưng tôi cũng sống cái cảnh một chốn đôi quê đó. Tôi nghĩ rằng tôi cũng đang là một người mới được sống một nửa mình, và chỉ có khi nào hoàn thành thống nhất Bắc Nam thì cơ thể mọi con người Việt Nam chân chính mới phát triển được toàn vẹn. Càng chiến đấu, càng thấy cái ý nghĩa bình dị và thâm thuý của sự toàn vẹn về lãnh thổ. Toàn vẹn về lãnh thổ, toàn vẹn về kinh tế chính trị, toàn vẹn về tiếng nói qua lại giữa hai miền, và toàn vẹn về sông núi.

Đoàn điều tra tài nguyên đất nước ngủ lại hai đêm trên đỉnh Hoàng Liên Sơn. Thị trấn nghỉ mát Sa Pa 1.500 thước ở dưới chân mình, trời mùa hè vẫn quang quẻ và tươi nắng nhưng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn thì mây vần gió giật và dông bão và mưa to. Lều vải tốt có lót ni lông, nhưng luôn luôn phải chạy dột và lo gió bay mất lều. cả một ngày mưa to gió lớn, ngồi hứng giọt lều lấy nước thổi nấu. Và mở tờ-răng-xi-to theo dõi tình hình chiến sư trong ta. Giữa một thế giới buốt lanh, mây trắng mịt mùng, giữa một cái điểm núi cao nhất toàn quốc, nghe cái tiếng nói phát thanh về tình hình trong Nam, nó có một cảm xúc lạ lắm. Trên một ngọn núi cao nhất tôi lắng nghe cái tiếng sóng xa nhất chỗ quê anh đang động biển. Trong mây Hoàng Liên Sơn dày dày trăng trắng cái chất màn ảnh, thấy như ẩn ẩn hiện hiện liên hồi lên những bóng người áo quần bà ba đen, nhiệt tình những cái bóng đó đánh lui cái lạnh của khí đá đỉnh cao. Chúng tôi nằm ép vào nhau, mà nghe mưa như tháo cống trên mái lều. Chật chội ướt át như một cảnh đò dọc neo lại giữa sông mưa. Trong mây cao bủa quanh lều, còn nghe như có nhiều tiếng đồng vọng bơi chèo, mái chèo các mẹ các chị lao miết trên các dòng kênh tiến về nẻo biểu tình giữa thị xã Cà Mau. Ở trên Hoàng Liên Sơn thường là không có người. Ngoài anh em trong đoàn, anh em dân công mang vác lương thực lều vải và dụng cụ làm việc và mấy anh bộ đội đi bảo vệ đoàn, thì không có một bóng ai khác trên dọc Hoàng Liên Sơn đó. Ở đây chỉ có hoa, có cây, và mây. Hoa đỗ quyên nở bạt ngàn. Giữa một cái thế giới u tịch như vậy, nổi lên cái tiếng nói của Đài phát thanh đang truyền lại những tin tức nóng hổi nhất về Liên khu Năm và miền Đông miền Tây Nam Bộ đánh Mĩ khắp nơi. […]

Lúc tôi viết thư cho anh đây, thì Hồ Gươm (ở cách căn gác tôi chừng nửa cây số chim bay) vẫn đẹp, liễu vẫn rờn xanh, nhưng thật ra tất cả Hà Nội, tất cả miền Bắc đã sẵn sàng mọi kế hoạch để phá mọi mưu mô Mĩ muốn quây nhiễu miền Bắc để gỡ bí ở miền Nam. Lúc tôi viết cho anh đây, ngồi cạnh Hồ Gươm nhưng tai vẫn đồng vọng cái tiếng mìn mở đường kinh tế trên Tây Bắc, và lại càng dội lên cái tiếng súng mở đường chính trị từ miền Nam vọng ra.

(Theo Tuyển tập Nguyễn Tuân, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)

– Gợi dẫn

Bức thư của Nguyễn Tuân gửi Anh Đức nói về những vùng đất nào? Ở đó có những gì đặc biệt ?

Tải về file word  >>  tại đây

>> Xem thêm:

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận