Kiến thức chuyên đề Từ phức – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỪ PHỨC

 

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          1. Khái quát về phân loại từ

          Chương trình Tiếng Việt lớp 6 đã cung cấp kiến thức về phân loại từ tiếng Việt thành từ đơn, từ ghép, từ láy. Cụ thể :

          a) Từ đơn là những từ chỉ gồm một tiếng. Ví dụ : ăn, học, bàn, xinh, ngoan…

          b) Từ phức là những từ có từ hai tiếng trở lên. Từ phức được chia thành từ ghép và từ láy.

          2. Từ phức

          2.1. Từ ghép

          – Từ ghép là những từ phức được tạo ra bằng cách ghép các tiếng có nghĩa với nhau. Ví dụ : xe đạp, học hành, ăn mặc, xinh đẹp…

          Từ ghép có hai loại chính là từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.

          – Từ ghép chính phụ :

          + Về mặt cấu tạo, từ ghép chính phụ là từ ghép có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính.

          + Về mặt ý nghĩa, từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa, tức là :

          Tiếng chính có ý nghĩa chỉ loại, tiếng phụ thu hẹp ý nghĩa của tiếng chính ; làm cho từ ghép chính phụ có nghĩa chỉ loại nhỏ trong loại mà tiếng chính biểu thị. Ví dụ : xe đạp, xe máy, xe hơi… là các loại nhỏ của xe.

          Ngoài ra, tiếng phụ còn có tác dụng làm cho từ ghép chính phụ biểu thị các sắc thái khác nhau đối với nghĩa của tiếng chính. Ví dụ : đỏ au, đỏ hỏn, đỏ tươi… là các sắc thái khác nhau của đỏ.

          – Từ ghép đẳng lập :

          + Về mặt cấu tạo, từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng với nhau (không có tiếng chính, tiếng phụ).

          + Về mặt ý nghĩa, từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa, mang tính khái quát, “nói chung”. Ví dụ : sách vở chỉ “đồ dùng học tập” nói chung. Do đó, từ ghép chính phụ không thể trực tiếp kết hợp với các số từ. Không thể nói : *Một sách vở.

          Nghĩa của từ ghép đẳng lập có thể là nghĩa của một tiếng trong nó (xét ở thời điểm hiện nay), nhưng vẫn mang tính khái quát. Chẳng hạn, chợ búa, gà qué… có nghĩa chỉ “chợ” nói chung, “gà” nói chung. Vì thế chúng cũng không dùng để nói về “chợ, gà” cụ thể được. Không thể nói : *Hà Nội lắm chợ búa quá ; * Hôm nay tôi đi hai chợ búa mà không mua được rau.

          – Các từ ghép chính phụ sau khi được tạo ra vẫn có thể được dùng để tiếp tục tạo ra các từ ghép chính phụ nữa. Ví dụ : máy khoan -> máy khoan tay, máy khoan điện v.v…

          2.2. Từ láy

          – Từ láy là những từ phức được tạo ra nhờ phép láy âm. Ví dụ : xanh xanh, long lanh, khấp khểnh…

          – Phân loại từ láy :

          – Thanh điệu của tiếng Việt (xét về âm vực cao – thấp) được chia thành 2 nhóm :

          + Các thanh cao gồm : thanh không, thanh hỏi, thanh sắc

          + Các thanh thấp gồm : thanh huyền, thanh ngã, thanh nặng

          Để tạo sự hoà phối âm thanh, thanh điệu của các tiếng trong từ láy thường cùng một nhóm âm vực (hoặc cùng cao, hoặc cùng thấp). Ví dụ : đo đỏ, trăng trắng, chầm chậm,…

          – Nghĩa của từ láy được tạo nên nhờ vào sự hoà phối âm thanh của các tiếng.

          Bản thân các từ láy tượng thanh có mặt âm thanh gần hoặc trùng với âm thanh trong tự nhiên mà nó biểu thị: gâu gâu, meo meo, ầm ầm, róc rách…

          Khuôn vần của các tiếng trong từ láy phụ âm đầu ảnh hưởng nhất định đến ý nghĩa của từ láy.

          + Li ti, ti hí… thường miêu tả tính chất “nhỏ”, “hẹp”.

          + Gập ghềnh, bập bềnh, khấp khểnh, tập tễnh, khập khễnh… thường miêu tả sự dao động theo chiều lên xuống.

          – Nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh (về cường độ) so với nghĩa của tiếng gốc :

          + Giảm nhẹ : xanh xanh, trăng trắng, đo đỏ, đèm đẹp, hiền hiền…

          + Nhấn mạnh : dửng dưng, cỏn con…

          Từ láy còn diễn tả sự lặp lại của các sự vật, các động tác kèm theo ý nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ : ngày ngày, người người, gật gật, lắc lắc…

          Cũng có những từ láy có nghĩa khái quát (nói chung) giống như các từ ghép đẳng lập (hợp nghĩa) : chim chóc (chim nói chung), máy móc (máy nói chung)… Do đó, các từ láy này không thể kết hợp được với các số từ. Không nói: *Năm con chim chóc, *Sáu cái máy móc.

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận