Kiến thức chuyên đề Từ Hán Việt- Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

TỪ HÁN VIỆT

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          Ở lớp 6, chúng ta đã biết trong vốn từ tiếng Việt có các từ thuần Việt và các từ mượn. Trong số các từ mượn, từ Hán Việt chiếm một số lượng rất lớn. Muốn sử dụng tốt tiếng Việt, phải hiểu nghĩa của các từ, trong đó, hiểu nghĩa của từ Hán Việt có vai trò rất quan trọng.

          – Phần lớn các từ Hán Việt có từ hai tiếng trở lên. Các tiếng dùng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là các yếu tố Hán Việt. Có rất nhiều yếu tố Hán Việt đa nghĩa hoặc đồng âm. Do đó, cần hết sức lưu ý tìm hiểu kĩ nghĩa của yếu tố Hán Việt. Có hiểu đúng nghĩa của yếu tố Hán Việt mới nắm được nghĩa của từ Hán Việt.

          – Giống như từ ghép thuần Việt, từ ghép Hán Việt cũng có loại từ ghép đẳng lập, ví dụ : giang sơn, sơn hà, quốc gia… và từ ghép chính phụ, ví dụ : quốc kì, ái quốc, cường quốc…

          Về trật tự các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

          + Có trường hợp giống với trật tự các tiếng trong từ ghép thuần Việt (yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau), ví dụ : hữu ích, phát thanh, bảo mật, phòng hoả…

          + Có trường hợp ngược với trật tự các tiếng trong từ ghép chính phụ thuần Việt (yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau), ví dụ : thi nhân, đại thắng, tân binh…

          – Sử dụng từ ngữ Hán Việt có tác dụng tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính. Từ ngữ Hán Việt còn có tác dụng tạo sắc thái trang nhã, tránh được cảm giác thô tục, ghê sợ.

          – Nhiều từ ngữ Hán Việt có các từ ngữ thuần Việt tương đương về ý nghĩa nhưng sắc thái ý nghĩa và phạm vi sử dụng của chúng rất khác nhau. Cần lưu ý lựa chọn từ ngữ Hán Việt và từ ngữ thuần Việt đúng phạm vi giao tiếp, tránh nhầm lẫn. Ví dụ : Ngoài sân, trẻ em đang vui đùa. (không dùng nhi đồng)

          – Khi viết, nói về những sự kiện lịch sử xa xưa, cần sử dụng các từ ngữ Hán Việt tạo sắc thái cổ cho phù hợp. Ví dụ, nhà thơ Tố Hữu, khi nói về truyền thống lịch sử của dân tộc, đã dùng những từ ngữ Hán Việt để tạo sắc thái trang trọng, cổ xưa : Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình! Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa/ Kiếp nô tì vùng dậy chém nghê kình.

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận