Kiến thức chuyên đề Thành ngữ – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

THÀNH NGỮ

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỂ

          a) Thành ngữ là một loại cụm từ có cấu tạo ổn định. Nghĩa của thành ngữ có tính hình tượng, biểu trưng và giàu cảm xúc.

          b) Thành ngữ có khả năng hoạt động ngữ pháp như từ, tức có thể thay thế cho từ trong câu. Ví dụ :

          – Nó nói dai.

          – Nó nói dai như đỉa.

          Sử dụng thành ngữ, người nói, viết có khả năng thể hiện thái độ, cảm xúc, cách đánh giá của mình đối với sự vật, hiện tượng v.v… So sánh :

          Mắng          mắng như tát nước vào mặt;

                             mắng vuốt mặt không kịp.

          c) Nghĩa của thành ngữ thường được suy ra từ nghĩa đen của các từ tạo nên thông qua các phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…

          Đặc biệt, tính biểu trưng hoá, tức lấy tính chất của sự vật, sự việc cụ thể để biểu thị các tính chất, đặc điểm khái quát là đặc trưng ngữ nghĩa nổi bật của thành ngữ. Ví dụ :

          – Thành ngữ Ếch ngồi đáy giếng với nghĩa đen chỉ một sự việc cụ thể (ếch sống dưới giếng, nhìn lên bầu trời qua miệng giếng, lầm tưởng bầu trời chỉ là một khoảng nhỏ như chiếc vung) được dùng để biểu thị đặc điểm khái quát: “hiểu biết ít, tầm nhìn bị hạn chế, do điều kiện tiếp xúc hạn hẹp”.

          – Thành ngữ Mèo nhỏ bắt chuột con có nghĩa đen chỉ một việc cụ thể được dùng để biểu thị việc làm vừa phải, phù hợp với khả năng và sức lực của mình:

          – Thành ngữ Mèo mù vớ cá rán được dùng để biểu thị sự may mắn bất ngờ, ngoài khả năng.

          d) Mỗi thành ngữ thường chỉ nêu một khía cạnh nào đó của đặc điểm, tính chất. Ví dụ:

          – Dai như chão – thiên về biểu thị tính chất dai vật lí, khó kéo đứt;

          – Dai như đỉa – thiên về sự bền bỉ, đeo đẳng không thôi.

          e) Thành ngữ có cấu tạo rất đa dạng.

          Thông thường, thành ngữ có cấu tạo là một cụm từ (nhưng cũng có thể có cấu tạo là một câu, ví dụ : Ma cũ bắt nạt ma mới). Ví dụ : Chậm như rùa, Yếu như sên, Một nắng hai sương, Ruộng cả ao liền v.v…

          g) Cấu tạo của thành ngữ có tính ổn định, song, trong sử dụng, một số ít thành ngữ có thể bị biến đổi chút ít. Ví dụ : học như cuốc kêu có thể bị biến đổi thành học như cuốc kêu ra rả mùa hè ; đi guốc trong bụng có thể bị biến đổi thành đi dép trong bụng, lê dép trong bụng v.v…

 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận