Kiến thức chuyên đề Các phép tu từ – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

CÁC PHÉP TU TỪ

I – HỆ THỐNG KIẾN THỨC THEO CHUYÊN ĐỀ

          Lớp 6 đã cung cấp kiến thức về một số phép tu từ từ vựng như : so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ. Các phép tu từ từ vựng và tu từ cú pháp tiếp tục được đề cập đến ở lớp 7. Cụ thể, ở lớp này, chúng ta sẽ tiếp xúc với ba phép tu từ là điệp ngữ, chơi chữ và liệt kê.

          1. Chơi chữ

          Chơi chữ là lợi dụng các đặc điểm về âm thanh, về nghĩa của từ ngữ tiếng Việt để tạo ra những cách hiểu bất ngờ, thú vị.

          Có các lối chơi chữ sau :

          – Dùng từ ngữ đồng âm : Mồm không phải mồm mà lợi là mồm bò.

          – Dùng từ ngữ gần âm : Chữ tài liền với chữ tai một vần. (Nguyễn Du)

          – Lặp âm :

 

Mênh mông muôn mẫu một màu mưa

Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ

Mộng mị mỏi mòn mai một một

Mĩ miều may mắn mây mà mơ.

 

 (Tú Mỡ)

          – Nói lái : Đại phong là gió to, gió to thì đổ chùa, đổ chùa ắt tượng lo… và tượng lolọ tương

          – Dùng các từ ngữ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa : Đi tu Phật bắt ăn

chay/ Thịt chó ăn được thịt cầy thì không. (Ca dao)

          Ngoài ra, chơi chữ còn sử dụng cách sau :

          – Dùng từ nhiều nghĩa. Ví dụ : Còn trời còn nước còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa. (Ca dao)

          – Tách các yếu tố trong từ. Ví dụ : đã nghèo thì hèn…

          – Giải thích nghĩa của từ theo lối dân gian. Ví dụ : Lách = L (lờ) + ách : Khi có người lờ, không ách lại.

          – v.v…

          Chơi chữ được dùng khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt, trong văn chương trào phúng, câu đố, câu đối.

          2. Điệp ngữ

          2.1. Khái quát về điệp ngữ

          – Để nhấn mạnh nội dung được nói đến, tạo sự chú ý cho người đọc, có thể        lặp lại một số từ ngữ quan trọng. Cách làm như vậy được gọi là phép điệp          ngữ. Những từ ngữ được lặp lại trong phép điệp ngữ được gọi lạ điệp ngữ.

          – Điệp ngữ có nhiều dạng :      

          + Điệp ngữ cách quãng : dạng điệp ngữ, trong đó những từ ngữ được lặp lại đứng xa nhau. Ví dụ :

 

Đã nghe nước chảy lên non

Đã nghe đất chuyển thành con sông dài

Đã nghe gió ngày mai thổi lại

Đã nghe hồn thời đại bay cao… (Tố Hữu)

 

 

          + Điệp ngữ nối tiếp : dạng điệp ngữ, trong đó những từ ngữ được lặp lại đứng cạnh nhau, nối tiếp nhau. Ví dụ :

                                       Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

                                       Thành công, thành công, đại thành công. (Hồ Chí Minh)

          + Điệp ngữ vòng : dạng điệp ngữ, trong đó những từ ngữ được lặp lại đứng cuối câu trước và đầu câu sau. Ví dụ : Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì ? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. (Hồ Chí Minh)

          2.2. Tác dụng của điệp ngữ

          – Điệp ngữ có tác dụng tu từ rất lớn.

          + Nhờ điệp ngữ, nội dung diễn đạt trở nên có ấn tượng, mới mẻ và có sự tăng tiến. Điệp ngữ nhấn mạnh sắc thái ý nghĩa, làm nổi bật những từ ngữ quan trọng, khiến lời nói có sức thuyết phục cao hơn.

          + Điệp ngữ còn có tác dụng tạo sự cân đối, tạo nhịp điệu, tính nhạc cho câu văn, câu thơ.

          – Điệp ngữ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như : khoa học, chính luận, nghệ thuật, lời nói sinh hoạt…

          – Cần phân biệt điệp ngữ với lỗi lặp từ. Điệp ngữ là một biện pháp tu từ nhằm đạt được hiệu quả nhất định trong diễn đạt, còn lỗi lặp từ là lỗi do hạn chế về khả năng lựa chọn từ ngữ làm cho cách diễn đạt trở nên nặng nề, đơn điệu.

          3. Liệt kê

          – Để diễn tả đầy đủ, sâu sắc các khía cạnh khác nhau của thực tế hoặc tư tưởng, tình cảm, người ta sắp đặt các từ hoặc các cụm từ cùng loại. Cách làm như vậy được gọi là liệt kê. Ví dụ :

 

Ai đi Nam – Ngãi, Bình – Phú, Khánh Hoà

Ai vô Phan Rang, Phan Thiết

Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc

Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung

Ai về với quê hương ta tha thiết

Sông Hương, Bến Hải, cửa Tùng. (Tố Hữu)

 

 

          – Cùng loại trong liệt kê được hiểu là :

          + Các từ trong chuỗi liệt kê cùng giữ chức vụ ngữ pháp như nhau.

          + Các từ trong chuỗi liệt kê cùng từ loại với nhau : cùng là danh từ hoặc cùng là động từ, tính từ… Ví dụ : Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

          Các từ trong chuỗi: liệt kê : sống, chiến đấu, lao động, học tập đều là động từ và cùng giữ chức vụ ngữ pháp như nhau.

          – Thêm vào đó, các từ trong chuỗi liệt kê còn phải cùng nhóm ý nghĩa với nhau. Nếu không như vậy sẽ mắc lỗi liệt kê không đồng loại. Ví dụ : Em rất thích thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều.

          Đặt tên tác phẩm (Truyện Kiều) bên cạnh các tên tác giả (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương) là không cùng loại.

          – Liệt kê có thể được dùng không có quan hệ từ hoặc có quan hệ từ. Liệt kê không có quan hê từ thường dụng để nêu sự phong phú, đa dạng, phức tạp của sự vật, hiện tượng.

          Các quan hệ từ trong chuỗi liệt kê là các quan hệ từ đẳng lập, có tác dụng nối các yếu tố trong chuỗi liệt kê thành từng nhóm (thường thành đôi, cặp). Ví dụ : Lòng yêu nước của Tố Hữu trước hết là lòng yêu những người của đất nước, những người nông dân chịu thương chịu khó, làm nhiều mà nói ít, hiền lành mà anh dũng, giản dị mà trung hậu ; bền gan, bền chí, rất dễ vui, ngay trong kháng chiến gian khổ. (Nguyễn Đình Thi)

          Quan hệ từ mà nối kết các yếu tố liệt kê thành cặp (ngoài ra còn chỉ ý đối chiếu, bổ sung).

          – Liệt kê được dùng rộng rãi trong các loại văn bản khác nhau. Ngoài những ví dụ về liệt kê trong văn bản văn chương nghệ thuật, chính luận, khoa học như thấy ở trên, liệt kê còn có mặt trong các văn bản hành chính. Ví dụ :

          Kính gửi :    – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,

                             – Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

          – Một dạng của liệt kê là sử dụng các từ ngữ đồng nghĩa nhằm nêu đặc trưng của đối tượng một cách đầy đủ, bởi lẽ, mỗi từ ngữ trong nhóm đồng nghĩa chỉ diễn đạt một sắc thái ý nghĩa nhất định. Ví dụ : Nhưng đúng như dự đoán của bà tôi! Cuối cùng mẹ tôi đã trở về, sau bao nhiêu ngộ nhận, lầm lạc, sau những cơn trầm uất vì ân hận, vò xé nội tâm… (Ma Văn Kháng)

          – Các yếu tố trong chuỗi liệt kê có thể được sắp xếp theo trình tự khách quan hoặc tuỳ thuộc vào ý định chủ quan của người nói (viết) theo hướng tăng dần hoặc giảm dần về mức độ, tính chất.

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận