Khát vọng được về với nhân dân (Tiếng hát con tàu) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên:

 

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

… … … … … … … … … … …

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”.

 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích một đoạn thơ. Trên cơ sở hiểu biết về nhà thơ Chế Lan Viên và thi phẩm Tiếng hát con tàu, người viết phải làm rõ được nội dung của đoạn thơ: Khát vọng của nhà thơ được về với nhân dân, với những kỉ niệm sâu nặng nghĩa tình của nhân dân trong những năm kháng chiến gian khổ, cũng là sự tìm về nơi ngọn nguồn của hồn thơ, của cảm hứng sáng tạo thơ ca.

Đoạn thơ phân tích gồm 6 khổ, có thể xác lập ý theo mạch cảm xúc của đoạn thơ như sau:

+ Đôi chút về hồn thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng tháng Tám.

+ Khổ 1: Bộc lộ niềm khao khát mãnh liệt và niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi trở về với nhân dân.

+ 6 khổ còn lại: Những chiêm nghiệm của nhà thơ về mối quan hệ giữa con người và cuộc sống.

=> Rút ra kết luận: Đoạn thơ mang phong cách tiêu biểu của thơ Chế Lan Viên.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp với chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn trích, có thể viện dẫn một số tư liệu thơ khác của chính tác giả cho bài viết thêm sinh động, sâu sắc.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Trong bài thơ Hai câu hỏi, Chế Lan Viên đã viết:
 

“Ta là ai?”, như ngọn gió siêu hình

Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt

“Ta là ai?”, khẽ xoay chiều ngọn bấc

Bàn tay Người thắp lại triệu chồi xanh.

 

Đó là hai câu hỏi đánh dấu hai chặng đường quan trọng trong hành trình tư tưởng và sáng tạo của nhà thơ. Nếu câu hỏi thứ nhất “Ta là ai?” là thời kì cô đơn, bế tắc của nhà thơ thì câu sau “Ta là ai?” lại khẳng định hồn thơ của thi sĩ đã tìm được hướng đi, thoát khỏi cái tôi nhỏ bé trở về với cái ta rộng lớn của nhân dân, đất nước, của cội nguồn sáng tạo nghệ thuật mà Tiếng hát con tàu (Ánh sáng và phù sa – 1960) đã ghi nhận.

  • Đoạn thơ được đánh giá là hay nhất trong Tiếng hát con tàu (từ Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ đến Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương) đã ghi lại cảm xúc vô cùng hạnh phúc trong tâm hồn nhà thơ khi được về với nhân dân kháng chiến cũng là được trở về vối ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật.

Thân bài

*Đôi chút về hồn thơ Chế Lan Viên trước cách mạng:

  • Trước Cách mạng tháng Tám, Chế Lan Viên là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Nhưng đó là một hồn thơ bí hiểm, cô đơn và bế tắc không tìm thấy hướng đi. Ông đã từng “gào lên” ở cái tuổi hai mươi: “Trời hỡi trời từ nay ta chán hết / Những sắc màu hình ảnh của trần gian”, “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa…”, “Với tôi tất cả như vô nghĩa / Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”. Khi cách mạng đến, nhà thơ mới hai mươi lăm tuổi mà đã già đi vì phải mang vác cái “gia tài đồ sộ hàng triệu nỗi buồn”.
  • Cách mạng tháng Tám thành công là mùa xuân của cả dân tộc, mùa xuân đã về “trong nắng sớm” làm tan đi bao “lạnh giá băng trôi” trong bao nghệ sĩ, trong đó có Chế Lan Viên. Tâm hồn nhà thơ đã được hồi sinh, không còn cái cảm nhận của “Người Mơ”, “Người Say”, “Người Điên” nữa. Chiếc ba lô trên vai, Chế Lan Viên đã trở thành người chiến sĩ văn hoá gắn bó vối sự nghiệp cách mạng của nhân dân, đất nước: “Bàn tay người đã thắp triệu chồi non”. Tiếng hát con tàu đã ghi lại phút giây bừng tỉnh đầy náo nức, sôi nổi, mê say ấy.
  • Bốn câu thơ thể hiện niềm khát khao mãnh liệt, niềm hạnh phúc lớn lao của nhà thơ khi được trở về với nhân dân, Tổ quốc:
 

“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.

 

 

  • Để hiểu được cảm xúc tràn đầy hạnh phúc ấy, ta ngược dòng tâm sự cùng nhà thơ: “Ngày xưa, trước Cách mạng, chúng tôi có đi vào thực tế, gọi là xê dịch, giang hồ, có đi nhưng không vào. Thấy phong cảnh, núi sông, trăng gió… nhưng cái thực tế là nhân dân thì không thấy hay thấy rất mơ hồ, có khi lệch lạc. Nhưng bây giờ đi vào nhân dân thi chính là đi vào Tổ quốc… thấy rõ nhân dân đang làm ra lịch sử, thấy rõ nhân dân cứu sống sinh mạng của chính mình”.
  • Lời tâm sự ấy giúp người đọc hiểu hơn vì sao được về với nhân dân là niềm hạnh phúc to lớn như vậy đối với nhà thơ.

+ Còn gì hạnh phúc hơn khi con nai được về với suối cũ.

+ Cây cỏ giêng hai như được đón mùa xuân.

+ Như chim én được gặp mùa, như trẻ thơ đói lòng gặp sữa,… Rõ ràng trở về với nhân dân là được trở về với cội nguồn của sự sống, với những tình cảm ngọt ngào, sâu nặng làm sao không xúc động! Trở về với nhân dân là trở về với điều mong đợi, không chỉ là niềm vui mà còn là ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ.

*Từ niềm hạnh phúc cụ thể mà thiêng liêng ấy, nhà thơ chuyển sang những chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa con người và cuộc sống (dẫn 6 khổ thơ).

  • Trở về với nhân dân không phải là trở về với những khái niệm trừu tượng mà đó là những con người cụ thể đã từng gắn bó với nhà thơ, với biết bao kỉ niệm:
 

+ Con nhớ anh con, người anh du kích…

+ Con nhớ em con, thằng em liên lạc…

+ Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc…

+ Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét…

 

Nhà thơ nhớ về người anh — người đồng chí từng gắn bó đồng cam cộng khổ trong chiến đấu. Nhớ đứa em liên lạc mười năm tròn không để mất một phong thư. Nhớ người mẹ ngọn lửa hồng soi tóc bạc chăm sóc các con lúc ốm đau như con ruột của mình,… Chính sự gắn bó thân thiết đó đã dẫn đến cách xưng hô như những người thân yêu ruột thịt và làm cho giọng thơ càng trở nên tha thiết.

  • Niềm thương nỗi nhớ không chỉ thể hiện ở nhớ người mà nỗi nhớ còn lan toả, ôm trùm cả thiên nhiên cảnh vật, trong không gian bao la rộng lớn của núi rừng Tây Bắc:
 

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương?”

 

Chữ “nhớ” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không chơi vơi mà rất cụ thể: nhớ anh, em, mế; nhớ bản sương giăng, đèo mây phủ. Nếu không có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đất nước, với những mảnh đất đã từng qua, từng ở, nếu không “Để tình trang trải với muôn nơi / Để hồn tôi với bao hồn khổ” không “cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” với nhân dân thì làm sao có được nỗi niềm: “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương?”, thì làm sao đưa ra được một triết luận chí lí mang tính phổ quát của cuộc đời:

 

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”

 

+ Người nghệ sĩ phải mở hồn ra để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời, với tất cả niềm yêu thương chân thành, sâu sắc mới có được lời thơ kết đọng, trào dâng, cháy sáng đến như thế! Chính tình yêu con người, tình yêu cuộc sống đã biến cái vô tri “đất” thành “tâm hồn” và “đất lạ – hoá quê hương”.

+ Nhà thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm xúc và suy tưởng sâu sắc nhưng câu thơ không bị cứng nhắc, giáo điều mà vẫn mượt mà, nhẹ nhàng, bay bổng. Hai khổ thơ này được coi là hay nhất trong đời thơ Chế Lan Viên.

Kết bài

Đoạn thơ là dòng hoài niệm thiết tha, ngập tràn hạnh phúc khi nhà thơ được trở về với Tổ quốc, nhân dân, cuộc đời. Sự trở về không phải chỉ với những giá trị đích thực của cuộc sống con người, với Chế Lan Viên đó còn là sự trở về với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo. Nhà thơ ý thức rất sâu sắc “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”“Tây Bắc ơi, Người là mẹ của hồn thơ”. Tây Bắc là một địa danh cụ thể nhưng còn tượng trưng cho những vùng đất xa xôi, những nơi có cuộc sống gian lao mà nặng nghĩa tình. Đến với Tây Bắc là đến với hiện thực cuộc sống rộng lớn, phong phú của nhân dân, đất nước, là đến với ngọn nguồn nuôi dưỡng những hồn thơ.

» Xem thêm : Hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh tại đây.

 

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận