Phân tích phần cuối của đoạn trích Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Phân tích phần cuối của đoạn trích “Đất Nước” trích trường ca “Mặt đường khát vọng”của Nguyễn Khoa Điềm (từ “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu”đến hết) đế thấy được tư tưởng cốt lõi của Đất Nước – “Đất Nước của Nhân dân”.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Phân tích phần còn lại của đoạn trích để làm nổi bật lên tư tưởng cốt lõi của toàn chương Đất Nước: Đất Nước của Nhân dân. Tư tưởng ấy được nhà thơ tiếp tục triển khai trên những phát hiện thú vị, độc đáo của các bình diện: địa lí, lịch sử, văn hoá, tinh thần, truyền thống của dân tộc. Tác giả tiếp tục lí giải: Ai làm ra đất nước?

Đoạn thơ dài, học sinh cần tách khổ, xác lập ý sao cho sát hợp với cảm xúc của nhà thơ. Cụ thể như sau:

+ Tư tưởng đất nước của nhân dân qua các thời đại.

+ 12 câu đầu: Sự hoá thân của nhân dân vào đất nước.

+ 34 câu còn lại: Dồn nén, hội tụ đỉnh cao của cảm xúc trữ tình: Đất Nước của Nhân dân — Đất Nước của ca dao, thần thoại.

(Học sinh khá giỏi, khi viết bài có thể thêm luận điểm 1, học sinh trung bình vận dụng linh hoạt hơn).

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp với chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn thơ, có thể dẫn một số tư liệu thơ khác cho bài viết thêm sâu sắc.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ mặc áo lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ Nguyễn Khoa Điềm giàu chất suy tư, trữ tình — chính luận. Trường ca Mặt đường khát vọng là một trong những thi phẩm viết về đề tài đất nước trong những năm chiến tranh. Tác phẩm đã để lại nhiều dấu ấn đặc sắc trong lòng người đọc, đặc biệt chương Đất Nước có nhiều đoạn hay và được nhiều người yêu thích. Trong đó tác giả bày tỏ cảm nhận, nhận thức của mình về đất nước: Đất Nước của Nhân dân, Nhân dân làm ra Đất Nước. Từ đó thức tỉnh nhận thức của tuổi trẻ về Đất Nước trong những năm chống Mĩ cứu nước và vai trò, trách nhiệm của mỗi công dân đối với Tổ quốc – Đất Nước.
  • Đoạn thơ được phân tích sau đây là hội tụ, là đỉnh cao của tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.

Thân bài

Quan niệm về đất nước qua mỗi thời đại.

+ Thời trung đại, đất nước gắn liền với đế vương: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”, gắn với các triều đại (Đinh, Lí, Trần, Lê…) nhưng một số tướng lĩnh, quan lại như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đã nhận thấy vai trò to lớn của nhân dân đối với đất nước. Trần Hưng Đạo đã từng dâng kế sách cho vua: muốn đánh thắng giặc phải biết khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc trong dân. Nguyễn Trãi đã thấy: “Lật thuyền mới biết sức dân như nước”. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản”.

+ Thòi cận đại, Phan Bội Châu cũng nhận định: “Dân là dân nước, nước là nước dân”, “Một lãnh thổ không thể gọi là đất nước nếu không có nhân dân”.

+ Thời đại Hồ Chí Minh: Bác luôn nhắc nhở Đảng ta lấy: “Dân là gốc”.

=> Như vậy, dù ờ thời đại nào thì các nhà tư tưởng lớn vẫn nhìn thấy vai trò, sức mạnh to lốn của nhân dân đối vối đất nước. Nhân dân gánh trên đôi vai của mình đất nước đi suốt cuộc trường chinh cũng như những cuộc khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi làm ra đất nước… Điều này cũng được các nhà văn, nhà thơ hiện đại ý thức sâu sắc hơn ai hết.

  • Khi dân tộc ta tiến hành hai cuộc trường chinh vĩ đại chống Pháp và Mĩ, tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” được ý thức rõ hơn trong các tác phẩm. Nhưng phải đến Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm tinh thần ấy mới càng được sáng rõ. Nó đem lại cho người đọc nhận thức về đất nước một cách cụ thể, sâu sắc, thấm thìa, toàn diện hơn: “Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân/ Đất Nước của ca dao, thần thoại”.
  • Nếu như các phần trước của trích đoạn Đất Nước, nhà thơ lí giải: Đất Nước có từ bao giờ? Đất Nước là gì? Đất Nước ở đâu? thì ở phần này, nhà thơ tiếp tục lí giải Ai làm ra Đất Nước?

+ Thực ra xuyên suốt mạch cảm xúc trong chương Đất Nước là tư tưởng Đất Nước của Nhân dân. Tư tưởng ấy được triển khai trên những bình diện: địa lí, lịch sử, văn hóa, truyền thông, tinh thần của dân tộc thật thú vị, độc đáo. Nét nổi bật trong phần cuối này vẫn tiếp tục trên những phát hiện ấy nhưng các yếu tố văn hóa, văn học dân gian lại được vận dụng rất sáng tạo trong tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc vừa mới mẻ.

  • Mười hai câu là sự hoá thân của nhân dân vào đất nước:
 

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cũng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn nằm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta… ”

 

+ Phát hiện mới mẻ, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm về những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc: đá Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên… không chỉ là tặng vật của thiên nhiên tạo hóa mà đã gắn với cuộc sống con người, với văn hóa, lịch sử của dân tộc qua những áng ca dao, những truyền thuyết, cổ tích; qua những cuộc vệ quốc vĩ đại của nhân dân.

  • Nếu không có những người vợ mòn mỏi chờ chồng qua những cuộc chiên tranh li tán thì làm sao có được cảm nhận về những đá Vọng Phu.
  • Nếu không có truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc thì làm sao có cảm nhận về những ao đầm để lại chính là gót ngựa của Người.
  • Nếu không có truyền thuyết Hùng Vương dựng nước thì làm sao có được cảm nhận về vẻ đẹp hùng vĩ của núi non quanh đất Phong Châu như chín mươi chín con voi chầu về đất Tổ.
  • Nét đặc sắc ở đây, cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về nhân dân. Sự hóa thân của nhân dân vào Đất Nước: những người vợ chờ chồng như đá Vọng Phu, cặp vợ chồng yêu nhau như hòn Trống Mái; những học trò nghèo nhưng hiếu học qua hình tượng núi Bút, non Nghiên; những tên đất tên làng như Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… thật bình dị nhưng họ là những người làm nên Đất Nước.

=> Nhà thơ không cảm nhận những cảnh quan kì thú đơn thuần là thắng cảnh thiên nhiên mà trong đó là chiều sâu số phận, cảnh ngộ, công lao của mỗi người đã đóng góp, hóa thân vào Đất Nước. Đất Nước thấm sâu tâm hồn, máu thịt của nhân dân.

  • Từ đó nhà thơ đưa đến một khái quát sâu sắc giàu chất suy tư và triết luận về sự hoá thân của nhân dân vào đất nước:
 

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

 

=> Thế giối nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm là thế giới vừa mộc mạc, dân dã, vừa đẹp lấp lánh những chất liệu văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian đã thấm vào ngôn ngữ và cấu trúc hình tượng trong đoạn thơ, để hình tượng nhân dân hiện diện khắp nơi trên ruộng đồng gò bãi, trong lối sống, trong ao ước, khát vọng, trong suốt dọc dài đất nước hơn 4000 năm… đã trở thành chủ nhân, linh hồn của lịch sử dân tộc, của đất nước.

  • Đoạn còn lại 34 câu: dồn nén, hội tụ đỉnh cao của cảm xúc trữ tình – Đất Nước của Nhân dân – Đất Nước của ca dao, thần thoại.

Đi suốt cuộc trường chinh đầy máu lửa của dân tộc là hình tượng nhân dân anh hùng, những con người vô danh – họ là lực lượng nòng cốt xây dựng, bảo vệ làm ra đất nước.

+ Nhìn về bốn nghìn năm lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm không ngợi ca các triều đại: Đinh, Lí, Trần như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; không nói đến những anh hùng lưu danh sử sách như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung… trong Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh, mà tập trung nói đến những con người vô danh, bình dị:

 

“Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Năm tháng nào củng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”

 

 

  • Vẫn giọng điệu tâm tình, tha thiết “Em ơi em”, Nguyễn Khoa Điềm hướng người đọc nhìn về chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước của nhân dân. Năm tháng nào cũng người người, lớp lớp , họ bằng tuổi chúng ta bây giờ, khi đất nước hòa bình, họ cần cù lao động; khi đất nước có chiến tranh, họ sẵn sàng xả thân, bất luận con trai hay con gái, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước được hòa bình. Biết bao nhà thơ đã viết về họ:
 

“Chúng con đi từng trận gió rừng

Cả thế hệ xoay trần đánh giặc”.

“Chúng tôi đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi thì làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

                                                            (Thanh Thảo)

 

 

  • Thế đấy! Họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm, họ đã trở thành anh hùng, không ai nhớ mặt đặt tên chỉ giản đơn như người ta thường gọi: chiến sĩ vô danh nhưng họ là những người bất tử, hoá thân cho dáng hình xứ sở trường tồn.

+ Không chỉ lao động, bảo vệ và xây dựng đất nước, nhân dân còn có trách nhiệm truyền lại cho con cháu mai sau những giá trị văn hoá, tinh thần, vật chất của đất nước: từ hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, tên làng, tên đất; từ việc phải biết cấy trồng, đắp đập be bờ, giữ gìn cuộc sống đến việc chống thù trong, giặc ngoài giữ yên đất nước. Từ đó, nhà thơ đưa ta đến tư tưởng ngọn nguồn của vẻ đẹp văn hóa dân gian: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân/ Đất Nước của Nhân dân, Đất nước của ca dao, thần thoại”.

  • Đây là điểm hôi tụ và cũng là đỉnh cao của cảm xúc trữ tình tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” – Cụm từ được lặp đi lặp lại như nhấn mạnh, khắc sâu vào tâm trí người đọc về tinh thần ấy. Cái mới mẻ trong cách nhìn của Nguyễn Khoa Điềm so với thơ chống Mĩ là cách nhìn rất tự nhiên, trở về với ngọn nguồn của dân tộc: “Đất Nước của Nhân dân – Đất Nước của ca dao thần thoại”.

+ Thật giản dị và độc đáo, cả kho tàng ca dao dân ca, nhà thơ chỉ chọn ba câu nói về ba phương diện quan trọng của vẻ đẹp tâm hồn, tính cách và truyền thống dân tộc:

 

“Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”.

 

 

  • Thật đắm say trong tình yêu.
  • Biết quý trọng tình nghĩa.
  • Quyết liệt trong căm thù và chiến đấu.

=> Nguyễn Khoa Điềm không lặp lại nguyên văn những câu ca dao mà chỉ sử dụng ý và hình ảnh để gợi nhớ về ca dao, để nói lên phẩm chất đẹp đẽ, anh hùng của nhân dân, đất nước mình. Thật thú vị, những nét đẹp tâm hồn ấy thấm đẫm trong thi liệu dân gian được nhà thơ vận dụng thật khéo léo, tài hoa. Phải là người thấu hiểu, trân trọng giá trị văn hóa dân tộc đến độ máu thịt, nhà thơ mới có thể có cái nhìn sâu sắc, mới mẻ đến vậy trong quan niệm “Đất Nước của Nhân dân”.

Kết bài

  • Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” cũng đã được các nhà thơ trẻ nhận thức sâu sắc về vai trò, về những đóng góp, những hi sinh to lớn của nhân dân trong các cuộc đấu tranh lâu dài, ác liệt của dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm một thành công trong dòng thơ về đất nước thời chống Mĩ, làm sâu sắc hơn về nhận thức tư tưởng ấy.
  • Với cảm xúc trữ tình – chính luận vừa sâu lắng vừa giàu chất suy tư, với hình thức trò chuyện tâm tình tha thiết của đôi trai gái, nhà thơ đã gợi ra được cả không khí, không gian nghệ thuật đầy màu sắc sử thi, có tác dụng đưa người đọc vào thế giới của truyền thuyết của ca dao, thần thoại nhưng lại mới mẻ trong cách cảm nhận và hình thức thơ tự do, phóng khoáng. Từ đó có nhận thức đúng về đất nước và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, Tổ quốc trong mọi thòi đại.

» Xem thêm : Khát vọng được về với nhân dân (Tiếng hát con tàu) tại đây.

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận