Kể lại truyện Thánh Gióng bằng lời văn của em – Văn 6

Đang tải...

Bài làm

Ta là một phụ nữ sống ở vùng quê Gióng, vào thời vua Hùng Vương thứ sáu. Đất nước khi đó rất thanh bình. Nhà vua anh minh, thương dân nên nhà nhà đều được hưởng ấm no, hạnh phúc. Vợ chồng ta sống trong một ngôi nhà nhỏ, chăm chỉ làm ăn, vui vầy với xóm làng, chẳng bao giờ phải lo đến cái đói. Nhưng cả hai luôn cảm thấy phiền lòng vì gian nhà vắng tiếng trẻ thơ. Hai vợ chồng cứ côi cút mãi trong nỗi mòn mỏi mong ngóng một đứa con cho khuây khoả tuổi già.

Một ngày nọ, ta đi ra đồng làm ruộng nhừ bao ngày khác. Bỗng ta nhìn thấy trên đường đi một dấu chân to kì lạ. Ta chưa bao giờ thấy một dấu chân nào to như thế và băn khoăn không hiểu đó là dấu chân của loài nào. Ta quay xung quanh tìm kiếm xem có ai không nhưng trời còn sớm, đường làng vắng hoe. Nỗi tò mò thôi thúc ta đặt chân ướm thử. Thật không ngờ sau đó, ta về nhà và thụ thai.

Hai vợ chồng mừng rỡ khôn xiết, ngày đêm trông ngóng đến ngày sinh nở. Nhưng hết chín tháng mười ngày rồi mà ta vẫn không lâm bồn. Cái thai vẫn nằm yên trong bụng. Chúng ta lo lắng quá mà không biết phải làm sao. Nhưng rồi đến tháng thứ mười hai thì vợ chồng đã được đón chào một cậu bé con. Chao ôi! Đứa bé mới đáng yêu làm sao: bụ bẫm, kháu khỉnh, khôi ngô như một tiên đổng nhỏ. Hai vợ chồng vui mừng khôn xiết, bà con trong làng cũng chia vui với niềm hạnh phúc.

Tuy nhiên, niềm vui nhanh chóng qua đi khi chúng ta chăm chút, nâng niu mãi mà thằng bé vẫn cứ như lúc lọt lòng. Không nản lòng, hai vợ chồng vẫn cố gắng chăm lo cho nó. Ngày tháng vẫn trôi qua trong vô vọng… Đã lên ba mà thằng bé vẫn không biết đi, không biết nói, biết cười, cứ đặt đâu nằm đấy. Không biết bao đêm ta nằm khóc thầm, phần vì thương con, phần vì tủi phận.

Rồi một hôm loa sứ giả truyền tin giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi, vua Hùng muốn chiêu mộ người tài giỏi để giết giặc bảo vệ đất nước. Đang lo lắng vì thông tin giặc giã, chúng ta vô cùng sửng sốt khi nghe thấy tiếng con:

“Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Ta không tin nổi vào mắt và vào tai mình. Con ta đang nói đấy ư? Vẫn còn bàng hoàng, ta vội vàng chạy ra mời sứ giả, trong lòng vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng. Khi sứ giả vào nhà, đứa con vốn hằng ngày chẳng nói chẳng cười bỗng dưng cất tiếng dõng dạc: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả tỏ ra vô cùng kinh ngạc nhưng cũng không giấu được sự mừng rỡ, vội vã chào chúng ta rồi ra về. Hai vợ chồng mừng vui khôn xiết ôm chầm lấy con.

Kì lạ thay, từ sau hôm đó, thằng bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã đứt chỉ. Hai vợ chồng vô cùng vui mừng, cật lực làm lụng để nuôi con nhưng làm ra bao nhiêu cũng không đủ, đành phải chạy nhờ bà con, lối xóm. Bà con biết chuyện đều hết lòng giúp đỡ, góp gạo nấu cơm, đội cà, dệt vải may áo, mong cho thằng bé mau lớn để giết giặc giúp dân.

Giặc đã đến chân núi Trâu. Mọi người hết sức lo lắng. Vừa lúc đó, sứ giả của nhà vua mang ngựa sắt, áo giáp sắt và roi sắt tới. Cậu bé trông thấy liền vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Cả dân làng đều hết sức kinh ngạc. Kì lạ hơn khi nó đến vỗ vào mông con ngựa thì ngựa sắt cũng hí lên vang dội khắp cả vùng. Nó mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt rồi nhảy lên lưng ngựa. Dân làng hò reo vang dội. Con ngựa hí vang, phun lửa đỏ rực, chói cả một góc trời. Con trai ta thúc ngựa, phi thẳng đến nơi có giặc. Nó đi đến đâu, quân giặc chết như ngả rạ đến đấy, hết lớp này đến lớp khác. Đang thế thắng như chẻ tre, bỗng roi sắt gãy, con ta bèn nhổ các bụi tre bên đường quật vào lũ giặc. Quân giặc tan tác. Những tên còn sống sót chạy tán loạn. Con ta đuổi theo chúng đến tận chân núi Sóc. Rồi tại đây, nó cởi áo giáp sắt, để ngay ngắn trên một tảng đá, quay lại nhìn quê nhà như gửi lời chào tạm biệt rồi cùng ngựa sắt bay về trời.

Vợ chồng ta cùng bà con lối xóm vừa mừng vì giặc tan, vừa buồn vì phải xa con. Nhưng biết sao được, con ta là người nhà trời, được Ngọc Hoàng phái xuống để dẹp giặc yên dân, xong việc rồi phải về trời thôi.

Vua Hùng đã sắc phong cho con trai ta là Phù Đổng Thiên Vương. Dân làng cũng lập đền thờ ngay trong làng để tưởng nhớ người anh hùng cứu dân. Tháng tư hằng năm dân làng đều mở hội rất to để ghi nhớ công ơn của con trai ta và để nhắc nhở cho con cháu đời sau nhớ về Phù Đổng Thiên Vương.

Thời gian thấm thoắt như thoi đưa. Thằng bé đã về tròi được lâu lắm rồi. Vợ chồng ta ngày đêm mong nhớ con, nhưng vô cùng tự hào khi nghĩ rằng con mình đang đi khắp mọi nơi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho bà con, cho mọi nhà.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận