Hướng dẫn giải bài tập làm văn biểu cảm (phần 1) – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

                                  Ngữ Văn 7 nâng cao

HƯỚNG DẪN GIẢI LÀM BÀI VĂN BIỂU CẢM

(PHẦN 1)

Giải bài tập 14.

a) D

b) Nhân hoá (tao – mày; nằm chờ; đón tao; bắt tay …)

– Việc sử dụng nghệ thuật nhân hoá khiến con chó Vàng gần gũi, như có hồn người, thân thiết với nhà thơ như người bạn tri kỉ.

– Thấy được tình yêu loài vật của trẻ thơ.

– Suy nghĩ sâu hơn nữa: Bài thơ ra đời vào năm 1967, kết hợp với câu  thơ “Nghe bom thằng Mĩ nổ”: nhen nhóm lòng căm giận kẻ thù tàn ác đã gây đau thương cho dân lành, tàn hại cả loài vật…

c) Đây là một văn bản biểu cảm.

Các câu thơ sau : biểu cảm trực tiếp :

 

+   “… Sao không về hả chó ?” (hai lần)

“… Tao chờ mày đã lâu”

(chờ đợi, lo lắng, sốt một)

“Sao không về hả chó ?

Tao nhớ mày lắm đó       

Vàng ơi là Vàng ơi !”

 

(Tha thiết – nhớ thương – nói về con chó như nói về một người bạn thân bất hạnh…)

– Còn lại các câu khác đều là biểu cảm gián tiếp (qua cảm giác về cái cổng nhà ; qua cảm giác khi thấy vắng tiếng chó sủa ; qua việc nhớ lại những cử chỉ của con chó những ngày thường khi Khoa đi học về : cái đuôi, cái mũi, cái bắt “tay” của Vàng ; qua suất cơm phần để ở cửa con chó không về ăn ; đặc biệt biểu cảm đau lòng nhất gợi về sự mất mát, vĩnh biệt “Nghe bom thằng Mĩ nổ – Mày bỏ chạy đi đâu

– Tình cảm của Khoa – người viết, một thần đồng thơ 9 tuổi – yêu thương, gần gũi với chó Vàng ; đau xót, tiếc thương chó Vàng, nhen nhóm trong lòng sự căm giận kẻ thù tàn ác đã huỷ diệt sự sống…

Giải bài tập 15.

Đoạn văn 1 :

+ Giới thiệu những nét khái quát về chiếc nón – một đồ dùng truyền thống của dân tộc Việt Nam.

+ Đoạn văn thuyết minh (sẽ học ở lớp 8).

Đoạn văn 2 :

+ Trích một câu chuyện vui về một bạn học sinh phổ thông đi nghỉ mát, tắm biển, định chụp một kiểu ảnh độc đáo khi đang vui sướng sống giữa thiên nhiên thì gặp một sự cố bất ngờ (chuyện vui).

+ Đoạn văn tự sự (đã học ở lớp 6).

Đoạn văn 3 :

+ Dù trong mùa đông lạnh giá, tình người vẫn ấm áp. Qua ngọn lửa tưởng tượng từ trong các bé yêu, qua ngọn lửa tình yêu thương của mọi người, của mẹ, đoạn văn ca ngợi tình yêu trẻ thơ, tình mẫu tử, tình cảm nhân ái giữa những con người trong cuộc đời.

+ Đoạn văn biểu cảm.

Giải bài tập 16.

a) Đoạn 1 ; Tả cảnh bình minh đang lên. Thiên nhiên thật tươi đẹp, sống động. Con người đi lại, giao tiếp, làm việc thật rộn rã. Cảnh giống như những ngày qua, không hề thay đổi.

– Đoạn 2 : Tả không gian nắng rất đẹp (vàng ươm) – khoảng thời gian giữa ngày – màu vàng của nắng bao trùm lên cảnh vật.

– Hai cảnh đều được tả qua cái nhìn từ tâm trạng của nhân vật Thành (người anh ; nhân vật xưng “tôi”) trong truyện Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài).

b) Ý kiến của em :

Em sẽ đồng ý với ý kiến bạn La nếu :

+ Bỏ câu cuối của đoạn văn 1 (câu 5).

+ Bỏ các từ “kinh ngạc”, “vẫn” trong đoạn văn 2.   

Em đồng ý với cách đánh giá của bạn An bởi vì các yếu tố miêu tả ở hai đoạn văn trên chỉ là phương tiện để nhân vật biểu lộ tình cảm mà thôi.

Nghệ thuật đối lập đã thể hiện qua hai cách diễn đạt:

+ Đoạn 1 : Cảnh vẫn không thay đổi mà cuộc sống của hai anh em đã đổi thay (đang êm ấm thì tai hoạ giáng xuống nặng nề).

+ Đoạn 2 : Hai anh em Thành, Thuỷ đang ở tình trạng đau buồn vô cùng (có đổi thay về cuộc sống) thế mà con người và thiên nhiên tươi đẹp xung quanh vẫn không thay đổi (sự kinh ngạc : tâm trạng).

– Người ta gọi cách thể hiện kiểu biểu cảm này là “tả cảnh ngụ tình”

c) Các từ láy trong đoạn văn 1 là : “rực rỡ”, “chiêm chiếp”, “ríu ran”, “nặng nề”. Các từ láy gợi tả cảnh vật, âm thanh và cảm giác của con người đã làm cho đoạn văn hay lên rất nhiều : nó gợi cảnh tươi đẹp, tràn đầy sức sống và cảm giác nặng nề khổ đau của hai anh em Thành, Thuỷ.

d) Đồng ý với nhận xét của bạn : từ “kinh ngạc” là một từ tả tâm trạng, nó đã diễn tả sâu sắc nỗi đau khổ của một đứa trẻ – tuổi học trò phổ thông. Muốn cảm nhận hết giá trị của từ này, cần kết hợp với việc dùng điệp từ “vẫn” (lặp lại hai lần). Thực ra, việc mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật là khách quan. Nhưng Thành quá đau khổ vì gia đình : bố mẹ chia tay, Thành và đứa em gái thương yêu sắp phải chia tay, hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ cũng sắp phải chia tay, mà Thành không có một giải pháp gì cứu gỡ được. Từ “kinh ngạc” trong đoạn văn thứ hai là một từ độc đáo viết về tâm trạng khổ đau của một đứa trẻ khi gia đình bị chia cắt.

Giải bài tập 17.

Tham khảo Đề số 4 – Bài viết số 2, phần Phụ lục :

Đoạn từ “… Qua thư và lời kể của đồng đội, tôi xót xa nhận ra dáng vẻ của cháu, lúc cháu ra đi…” đến hết bài.

Giải bài tập 18.

a) Cách chọn loài hoa (sự vật) theo tình cảm và vốn sống cá nhân như ba bạn đã nêu trên là hướng làm bài đúng. Điều đó chứng tỏ các bạn đã hiểu về đặc điểm của vằn biểu cảm.

b) Tuỳ học sinh trả lời và nêu loài hoa của riêng mình, gắn với tình cảm riêng…

c) Thực hiện quá trình tạo lập văn bản : bước 3 và 4.

Tham khảo các bài viết trong Đề số 6, phần Phụ lục.

Giải bài tập 19.

a) Trong dàn ý thân bài của ba bạn khác nhau về số ý (4 ý – 3 ý – 5 ý) ; đồng thời còn khác nhau cả về trình tự ý. (Đây là 3 trình tự ý riêng theo mạch tình cảm, suy nghĩ, nỗi nhớ về kỉ niệm, sự liên tưởng của riêng mỗi bạn), không có một sự áp đặt, hoặc ép buộc cứng nhắc nào.

b) Từ bố cục của dàn ý thân bài đã nêu trên, có thể khẳng định bạn đã nắm được một trong bốn điều cần ghi nhớ của bài học yề đặc điểm của văn bản biểu cảm.

Điều ghi nhớ này cũng là kết luận cho hướng khai thác ý để tạo lập văn bản của ba bạn :

“Bố cục bài văn biểu cảm được tổ chức theo mạch tình cảm, suy nghĩ, liên tưởng riêng của người viết”.

Giải bài tập 20.

Theo em, đây là đề văn biểu cảm, nhưng sử dụng phương tiện miêu tả chân dung con người trong tranh để biểu cảm. Chú ý tập hợp từ sau trong đề văn : “… nhận ra vẻ đẹp của tranh”. Con người khi ngắm tranh và nhận ra vẻ đẹp của tranh không đơn thuần chỉ vì có khả năng cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật hội hoạ, mà bao giờ vẻ đẹp của tranh cũng gắn với cảm xúc, kỉ niệm, ấn tượng, liên tưởng. Đây là căn cứ để khẳng định loại văn bản cần tạo lập của đề bài : văn biểu cảm (có yếu tố miêu tả và tự sự).

Trước khi dựng dàn ý của đề bài, em hãy chọn tranh với chân dung con người mà em thích.

Gợi ý : Em có thể chọn rất nhiều ví dụ các bức tranh sau :

– Bức tranh Bác Hồ kính yêu đang trao khăn, quàng khăn cho một bạn học sinh (tranh ở cổng trường đi vào đã trông thấy – tranh được vẽ, phóng lên rất to).

– Bức tranh do hoạ sĩ vẽ một bà cụ rất giống bà ngoại em. Tranh vẽ rất đẹp, treo ở cửa hàng bán tranh, ảnh kề bên đường hằng ngày em đi học qua.

– Bức tranh vẽ chân dung một phụ nữ rất đẹp và hồn hậu, giống mẹ của em – có thể là tranh của bà nội tặng gia đình em.

– Bức hình chụp một em bé trai (hoặc gái) rất ngộ nghĩnh, đáng yêu (đã được các nghệ sĩ chụp lại, phóng to và in bán khắp nơi). Nhà em có bức tranh ấy.

* Ta chọn bức tranh vẽ bà cụ trông giống bà ngoại của em.

c) Dàn ý :

Mở bài :

– Trên đường đi học, em hay đi qua một cửa hàng bán tranh, ảnh.

– Một lần em thấy cửa hàng bày một bức tranh – do hoạ sĩ tài hoa nào đó vẽ – một bà cụ hiền từ, tươi cười, rất giống bà ngoại em.

Thân bài : (từ 3 đến 4 ý ; có thể dùng ý cuối để kết bài).

– Miêu tả bức tranh vẽ bà cụ : ca ngợi nét vẽ tài hoa của hoạ sĩ, khiến bà cụ trong tranh sống động như người thật (tả nếp nhăn, vết đồi mồi, mái tóc bạc trắng, búi tóc đằng sau gáy, đôi,mắt, nụ cười, vẻ mặt phúc hậu… của bà cụ) được hoạ sĩ vẽ thật khéo léo, tự nhiên.

– Liên tưởng tới bà ngoại yêu quý. Nhớ kỉ niệm mẹ đi công tác xa, bà nuôi em suốt tuổi ấu thơ (nhớ đôi tay ấm áp của bà khi bế ẵm lúc em còn bé, vỗ về em lúc ngủ, lúc khóc… cảm giác có bà như có mẹ hiền của em ở bên…).

– Giờ mẹ đã về gần, em vẫn nhớ bà. Nhưng bà đã đi vào Nam ở với cậu em. Nhớ bà, có một cảm giác gần như vô lí: hay bà nhờ vẽ hình gửi ra cho cháu ?

Kết bài :

– Ý này dùng để kết bài : Sau một tuần nghỉ học vì sốt. Ngày đầu tiên đi học, qua cửa hàng tranh : không thấy bức tranh vẽ bà cụ giống bà ngoại đâu nữa… oà khóc, gọi bà…

d) Thực hiện các bước tạo lập văn bản (theo dàn ý đã làm ở trên)

Tham khảo Đề số 2 – Bài viết số 2, phần Phụ lục.

e) Có thể đưa ra một số nhận định như sau :

– Nhu cầu biểu cảm là vô cùng cần thiết với con người, nhất là đối với con người muốn phấn đấu có “một cuộc sống và lối sống đẹp”. Bởi văn biểu cảm làm cho đời sống tinh thần con người thêm phong phú và cao đẹp, trong sáng hơn lên.

– Trong đó, biểu cảm trực tiếp thì tình cảm được biểu hiện rất cụ thể, còn biểu cảm gián tiếp làm cho tình cảm con người thêm tế nhị, sâu sắc…

Giải bài tập 21.

a) Đồng ý với ý kiến của bạn Hồng : vì phần văn bạn Văn Cường viết có ba ý nhỏ. Nên tách như sau :

+ Ý 1 : là đoạn gồm lời kể kết hợp biểu cảm của bạn về câu chuyện cảm động xảy ra ở lớp để bố mẹ nghe (“… Đến giờ ra chơi… được mở nhé”).

+ Ý 2 : lời nhận xét, biểu cảm của Văn Cường về câu chuyện với bố mẹ (“Bố mẹ ạ… gia đình thứ hai”).

+ Ý 3 : thái độ của bố mẹ và cả nhà trước câu chuyện cảm động Văn Cường kể (phần còn lại).

b) Bạn Văn Cường lúc thì xưng là “con”, lúc thì xưng hô là “em”, tuy không thống nhạt nhưng vẫn hợp lí, vì đây là chuyện kể ở trong truyện gắn liền với biểu cảm.

c) Đề văn :

Kể cho bố mẹ nghe một câu chuyện lí thú (hoặc cảm động, hoặc hài hước…) mà em đã gặp ở lớp, ở trường em.

– Biểu cảm qua tự sự (vì chuyện đó không bình thường : phải là cảm động, hoặc là gây cười…).

Giải bài tập 22.

a) Tìm hiểu hai đề văn đã cho :

Đề 1 :

– Thể loại : văn biểu cảm (có từ biểu cảm).

– Phương tiện biểu cảm : Bốn mùa quê hương em (biểu cảm gián tiếp).

Đề 2 :

– Thể loại: như đề 1.

– Phương tiện biểu cảm, chọn một trong bốn mùa em thích (cũng là biểu cảm gián tiếp).

b) Thiết lập hệ thống câu hỏi

*Cho đề 1 :

– Làm cách nào em giới thiệu bốn mùa trong năm ?

– Em chọn các chi tiết nào để miêu tả thời tiết mùa xuân (hoặc mùa hè, mùa thu, mùa đông) và hướng biểu cảm về điều gì trong cuộc sống ?

– Cảm xúc chung của em về bốn mùa ở quê hương em.

*Cho đề 2 :

– Nêu lí do chọn một mùa trong bốn mùa : vì kỉ niệm gì, vì cảm xúc gì ?

– Em dự kiến chọn các dấu hiệu nào về thiên nhiên của mùa em chọn, phù hợp với việc biểu cảm về kỉ niệm hoặc con người em mến thương, ấn tượng ?

– Cảm xúc lạ lùng trong em mỗi khi mùa về.

Từ hai hệ thống câu hỏi trên, HS tự thiết lập dàn ý viết bài hoặc đoạn văn.

c) Viết thành đoạn văn hoặc bài văn hoàn chỉnh.

Tham khảo các bài viết trong Đề số 5, phần Phụ lục.

Giải bài tập 23.

a) Dàn ý của bạn Hằng sai : không đúng kiểu bài biểu cảm.

(Vì bạn không hiểu các loại quả quê hương và cảm giác thưởng thức các loai quả chỉ là phương tiện cho biểu cảm mà thôi.

– Điều quan trọng ở đây là tình cảm, thái độ của người viết qua các loại quả nêu trong bài).

b) Trước khi lập dàn ý, cần tìm hiểu đề bài, tìm ý :

*Tìm hiểu đề:

– Thể loại: văn biểu cảm.

– Phương tiện biểu cảm : các loại quả quê hương.

(Ví dụ, em chọn : quả thị – miền Bắc, quả vú sữa – miền Nam)

*Dàn ý :

Mở bài:

Quả ngon nhiệt đới rất nhiều, nhưng yêu nhất hai loại quả : thị và vú sữa.

Thân bài :

– Quả thị gợi ngày ấu thơ và truyện cổ tích.

– Quả thị gợi nhớ cô Tấm dịu dàng mà em vẫn nhìn thấy trong các làng quan họ.

– Quả thị gợi nhớ kỉ niệm mùa thu, đi chợ về, bà mua quả thị, treo ở túi lưới, treo ở góc học tập.

– Quả thi gợi nhớ bà kính yêu.

– Quả vú sữa nhớ kỉ niệm bố mẹ đi công tác phía Nam, mang quà về..

– Quả vú sữa gợi nhớ bài học hồi em còn học tiểu học : “Sự tích cây vú sữa” – truyện gợi tình mẫu tử.

– Quả vú sữa gợi ta nhớ về mẹ cha.

– Thưởng thức vú sữa thơm ngọt, mong được đi thăm miệt vườn Nam Bộ đầy hoa thơm, trái ngọt.

c) Viết bài văn hoàn chỉnh (Tham khảo Đề số 7, phần Phụ lục).

Giải bài tập 24.

*Tìm hiểu đề

– Thể loại: Văn biểu cảm.

– Nội dung : bóng dáng người thân yêu (từ “bóng dáng” gợi người đi vắng, xa nhà hoặc người thân yêu đã mất).

– Có thể chọn : (tuỳ cá nhân mỗi em)

+ Nhớ ông nội khi về quê…

+ Nhớ bố đi công tác xa…

+ Nhớ bố đã hi sinh, mẹ ở xa…

*Lập hệ thống câu hỏi

– Lí do nào gợi em nhớ bóng dáng người thân yêu ?

– Những ấn tượng, kỉ niệm, đồ vật nào gợi em nhớ tới người thân yêu đó ? (cảm xúc, thái độ của bản thân).

– Giờ đây, cảm xúc của em về người thân yêu như thế nào ? Nghĩ về người thân, em sẽ làm gì ?

* Từ việc trả lời câu hỏi trên, lập dàn ý cụ thể (HS tự làm).

* Dựa vào dàn ý, viết bài văn (hoặc đoạn văn) hoàn chỉnh.

(Tham khảo các bài viết trong Đề số 8, phần Phụ lục)

Giải bài tập 25.

a) D

b) E

c) Hình ảnh đối lập : Mùa đông >< ngọn lửa ấm.

d) Bài văn rất mạch lạc :

– Đoạn 1 : Giới thiệu mùa đông, bé ngồi ngắm ngọn lửa. Ngọn lửa đã nấu chín cơm và thức ăn. Ngọn lửa thật có ích (ngọn lửa : nghĩa chính).

– Đoạn 2 : Vẫn trong hoàn cảnh mùa đông, bé ngồi trong lòng mẹ rất ấm. Trong mẹ có một ngọn lửa sưởi ấm cho bé (ngọn lửa : nghĩa chuyển).

– Đoạn 3 : Vẫn trong hoàn cảnh mùa đông lạnh, người bé rất ấm, vì trong bé cũng có ngọn lửa. Ngọn lửa trong bé sưởi ấm cho mẹ (ngọn lửa : nghĩa chuyển).

– Đoạn 4 : Kết luận về sự thú vị của ngọn lửa.

* Hình ảnh mùa đông và ngọn lửa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bài, bài văn rất mạch lạc.

e) Viết đoạn văn : HS tự làm.

Giải bài tập 26.

*Tìm hiểu đề :

– Thể loại : văn biểu cảm.

– Phương tiện biểu cảm : loại cây em yêu.

* Dự kiến chọn (có thể) :

+ Cây bàng em yêu vì gắn với tình bạn.

+ Cây đa em yêu vì gắn với tình quê hương.

+ Cây roi em yêu vì gắn với bà và gia đình.

+ Cây hoàng lan em yêu vì gắn với kỉ niệm về bà nội và gia đình.

* Dàn ý : Phát biểu cảm nghĩ về cây hoàng lan.

Mở bài :

– Giới thiệu vị trí, cành, lá, hoa của cây hoàng lan.

– Cây gắn bó với tuổi thơ và gia đình.

Thân bài :

– Bà nội là người trồng cây hoàng lan từ khi gia đình tôi mua miếng đất phố cổ trước năm 1930.

– Nhà tôi hai lần đổ nát, hai lần làm lại ; hoàng lan vẫn xanh tươi, vươn lên giữ lại sự sống.

– Kỉ niệm bạn bè tuổi thơ với cây hoàng lan.

– Kỉ niệm thời cắp sách đến trường của ba anh em với cây hoàng lan.

– Kỉ niệm về mẹ tôi với cây hoàng lan.

– Người ta chặt cây hoàng lan : lí do chống bão.

– Cố gắng giữ hoàng lan lại, nhưng không được —> thương tiếc cây.

Kết bài :       ‘

– Tình cảm của tôi với cây hoàng lan : mãi mãi là thân thương.

– Chồi non mọc lên trên vết cưa cây – hi vọng tương lai tốt đẹp.

* Viết bài hoàn chỉnh, dựa vào dàn ý vừa lập.

(Tham khảo các bài viết trong Đề số 10, phần Phụ lục)

Giải bài tập 27.

a) Hướng khơi nguồn cảm xúc của đề văn này rõ ràng phải đi theo hồi tưởng kỉ niệm quá khứ.

b) Công việc làm để chuẩn bị thảo luận ở tổ : phân công đề tài cho từng tổ. Ví dụ có ba tổ :

-Tổ 1 :

+ Chuyện vui – đi biểu diễn văn nghệ – toàn đội giải nhất.

+ Đừợc khao bún chả – rất sung sướng !

+ Nhưng đang hè nóng nực, rất khát nước !

+ Uống nhầm chai nước để cạnh mâm bún chả – tưởng là nước lạnh, hoá ra chai dấm…

-Tổ 2 :

+ Chuyện vui (nhưng hơi buồn).

+ Chuyện sợ ma lúc còn nhỏ.

+ Bị anh doạ ma – để răn đe.

Tổ 3 :

+ Chuyện vui – đau răng và đi nhổ răng.

+ Qua một lần diễn vở kịch đau răng rất ấn tượng (của các thầy, cô giáo).

+ Thực ra : nhổ răng không đau, nếu gặp bác sĩ giỏi.

Mỗi HS trong lớp viết thành một bài hoàn chỉnh và tự kiểm tra lại.

Giải bài tập 28.

*Tìm hiểu đề.

– Thể loại : văn biểu cảm.

– Nội dung biểu cảm : tình cảm của em đối với một con vật nuôi (chim, gà,

mèo, chó, thỏ,…)

– Ví dụ : có thể chọn con chim cu gáy.

* Hướng khơi nguồn cảm xúc của đề trên :

Vừa hồi tưởng những kỉ niệm quá khứ…

-Vừa tưởng tượng những tình huống gợi cảm…

-Vừa quan sát và suy ngẫm…

* Lập dàn ý cụ thể

Mở bài :

– Hiểu biết và thích chim cu gáy nhờ ông ngoại kính yêu.

– Thích loài chim này cũng vì ấn tượng tốt đẹp không phai mờ hồi còn học ở tiểu học : có một bài văn có nhắc đến con chim cu gáy khi mùa gặt đến.

Thân bài :

– Miêu tả hình dáng, màu sắc, hoạt động, … của con chim.

– Chất giọng và giai điệu hót của chim cu gáy (nhiều người mê – câu chuyện về vua Thành Thái mê chim cu gáy…).

-Tiếng chim hót mang đầy tâm trạng (học được ở ông ngoại) – vô cùng thích thú.

Kết bài :

Ông đã vào Sài Gòn ; ông tặng lại cháu chim cu gáy khi chia tay ; cháu yêu chim cu gáy một phần lớn là vì niềm kính yêu ông ngoại.

d) Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.

(Tham khảo các bài viết trong Đề số 12, phần Phụ lục)

Giải bài tập 29.

a) Dòng tình cảm của nhân vật trong đoạn văn xuất phát từ vấn đề bảo vệ và làm đẹp môi trường sống của nhân loại.

b) Những sự việc đan xen trong đoạn văn đều thể hiện niềm mơ ước về tương lai, nhân vật chưa thực hiện được.

c) Vậy, cách lập ý trong đoạn văn biểu cảm trên là : từ hiện tại hướng về tương lai (mơ ước).

Câu văn biểu cảm trực tiếp : “Lòng mình đang náo nức vô cùng. Chào Giu-li-an-na thân mến của mình !”.

Đoạn văn biểu cảm trên được trích từ một bức thư.

Giải bài tập 30.

Đoạn văn biểu cảm được lập ý theo hướng : hồi tưởng về quá khứ.

Giải bài tập 31.

Viết một đoạn văn biểu cảm. Dự kiến chọn đề tài và hướng lập ý trong đoạn.

Đoạn 1 : Tôi thấy mình đang đi trên một con đường rải đầy nắng vàng rực rỡ. Từ xa, bỗng xuất hiện một bà cụ tóc đã bạc trắng, nhưng nét mặt lại rất giống bác sĩ Huyền đang chữa bệnh cho mẹ tôi. Bà cụ tươi cười đưa cho tôi một cái lẵng nhỏ và bảo : “Cháu mang thuốc về sắc cho mẹ uống, mẹ sẽ khỏi bệnh”. Tôi mừng quá cảm ơn bà cụ… Bỗng có người cầm tay tôi lắc nhẹ, chiếc lẵng rơi xuống. “Không, không, thuốc của mẹ tôi !”. “Mẹ đỡ rồi mà !”. Tôi chợt tỉnh giấc… Mẹ đang nằm bên tôi, khuôn mặt mẹ vẫn mệt mỏi, nhưng thật dịu dàng. Hình như trong mơ tôi đã khóc…

* Hướng lập ý của đoạn văn trên : tưởng tượng một tình huống.

Đoạn 2 : Lần này về quê thăm bà nội, tôi bỗng se lòng khi nhận ra tóc bà nội của tôi đã bạc nhiều, nếp nhăn trên khuôn mặt của bà như dày thêm. Nhìn dáng bà đi xuống bếp không còn thẳng như đợt trước tôi về nữa, tôi bất giác chạy theo bà. Tôi cầm lấy bàn tay gầy guộc của bà và nói : “Bà ơi ! Bà nghỉ đi. Bà để cháu nấu cơm, bà nhé !”. Bà tôi cười hiền hậu. Bà xoa đầu tôi và ân cần : “Cháu cứ nghỉ đi đã, bà làm được”. Tôi muốn nói với bà : “Bà nghỉ đi bà ơi, cháu thương bà lắm ! Bà ơi, cháu nhớ bà lắm !”. Không hiểu sao cổ tôi cứ nghèn nghẹn, không nói nên lời…

* Hướng lập ý : quan sát và suy nghĩ, văn viết có cảm xúc.

Đoạn 3 : Những ngày này, học sinh chúng tôi rất bận rộn, vì sắp thi học kì I mà ! Cả lớp đứa nào cũng lo học. Từ thằng Tiến Đức lười học, luôn bị cô phê bình, cho đến cái Hường chăm nhất lớp, đứa nào cũng mải miết ôn bài. Chương trình ôn của học kì I như cô giáo chủ nhiệm tôi đã nhắc : không có trọng tâm đâu nhé, ôn kiến thức từ đầu học kì đấy. Đứa nào cũng sợ “xanh mắt”. Thế cũng phải. Đề thi thường có cách hỏi bao quát toàn bộ chương trình mà. Nếu không học, có mà làm được bài khối ! Học ôn có vất vả, nhưng cũng thú vị ! Thỉnh thoảng, bất giác ngắm nhìn vẻ mặt bọn bạn cả lớp, nhất là mấy “tướng lười”, bây giờ cũng “nghệt” ra vì lo, tôi bật cười…

* Hướng lập ý : suy nghĩ về hiện tại.

Đoạn 4:

Chỉ còn khoảng ba tuần nữa, Tết Nguyên đán lại về. Học sinh chúng em đứa nào cũng mong Tết. Được ăn, được đi chơi và nghỉ ngơi một tuần Nghĩ đã thấy sướng ! Ngày đầu năm, ông nội em bao giờ cũng tặng cho mỗi cháu một quyển vở

đẹp và một chiếc bút, yêu cầu “khai bút” đầu năm. Thường là ông yêu cầu viết một

bài văn ngắn. Nhưng cu Minh (em trai em) đòi làm một bài toán, vì nó          “siêu” toán

mà ! Nghĩ đến Tết lại thấy náo nức, mong chờ…

* Hướng lập ý : chờ mong, hứa hẹn.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm: Hướng dẫn giải bài tập làm văn biểu cảm (phần 2) tại đây. 

 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận