Đôi điều về nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo ở Việt Nam hiện nay – Triết học Tôn giáo – Những trường hợp cụ thể. Một số vấn đề nghiên cứu và giảng dạy triết học tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Đang tải...

Nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo

PGS.TS. Hoàng Thị Thơ

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Mối quan hệ triết học tôn giáo và triết học về tôn giáo là một vấn đề không mới, song không đơn giản. Có thể thấy điều đó qua bốn câu hỏi mà Tọa đàm này đã nêu ra trong đề dẫn. Chuyên ngành của tôi là nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo nên tôi cũng rất quan tâm vấn đề mối quan hệ triết học – tôn giáo và có đôi điều suy ngẫm xin được trao đổi:

– Quan hệ triết học – tôn giáo từ góc độ nhận thức luận chung.

– Quan hệ triết học – tôn giáo trong nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo.

1. Quan hệ triết học – tôn giáo từ góc độ lý luận chung

Thứ nhất, về bản chất của tư duy, với vai trò nhận thức (phản ánh) thế giới thì, tôn giáo và triết học không hoàn toàn khác biệt nhau, đặc biệt là ở trình độ tư duy sơ khởi của loài người, trong cố gắng nắm bắt một cách khái quát và lôgíc những vấn đề có tính hệ thống về toàn bộ thế giới tự nhiên, về con người và cả về tư duy của con người. Hầu hết các tôn giáo nguyên thuỷ đều ít nhiều chứa đựng những triết lý đầu tiên của loài người khi phản ánh về bản thể cũng như quy luật vận động và phát triển của vũ trụ và con người. Trong một tôn giáo, tự thân tư duy không không phải ngay từ đầu đã phân định một cách rõ ràng chức năng tôn giáo hay triết học trong nó, mà nó cứ hoạt động vì những mục đích khác nhau của con người: bởi tôn giáo, vì tôn giáo và với tôn 

giáo… Nhưng một khi tư duy trong tôn giáo, bởi tôn giáo, vì tôn giáo… trở thành đối tượng của nghiên cứu và giảng dạy thì tôn giáo và triết học mới được đặt trong mối quan hệ chung-riêng, mới cần phân định ranh giới giữa chúng. Nói cách khác, nếu lấy tiêu chuẩn niềm tin hay khoa học như là những đặc trưng đối lập giữa triết học (là khoa học) và tôn giáo (là phi khoa học) thì sự phân định vẫn chỉ là tương đối, vì không có tôn giáo nào (dù tự xưng là tuyệt đối duy tâm) không chứa đựng trong nó các triết lý và tư tưởng triết học có tính khoa học, và ngược lại, không có triết học nào là thuần tuý khoa học, không chứa đựng trong nó niềm tin (hay tính lý tưởng) dù là của lập trường khoa học. Có thể mạnh dạn nói là quan hệ giữa triết học và tôn giáo là quan hệ đan xen và không có ranh giới tuyệt đối, kể cả các triết học tự cho hoặc được cho là duy vật nhất, khoa học nhất, đối lập triệt để nhất với tôn giáo vẫn có yếu tố niềm tin trong nó. Tuy nhiên sự phân biệt ranh giới là cần thiết khi tư duy triết học phát triển đến trình độ phản tư về chính triết học (ngoài hoặc trong tôn giáo), và triết học trở thành đối tượng độc lập của tư duy triết học. Tới trình độ này cũng bắt đầu xuất hiện nhu cầu phân biệt giữa triết học về tôn giáo và triết học tôn giáo.

Thứ hai, sự phân ranh (chia phạm vi đối tượng) giữa triết học tôn giáo và triết học về tôn giáo như là đối tượng nghiên cứu và giảng dạy là một trình độ cao của tư duy lý luận, đã đạt tới trình độ khách quan hóa khỏi bản thân tư duy, coi tư duy triết học của tôn giáo như là một đối tượng bên ngoài. Đó là sự phản ánh chính lịch sử tư duy triết học về tôn giáo và của tôn giáo:

+ Triết học về tôn giáo là sự phản tư trên những vấn đề cơ bản của triết học (có thể triết học ngoài tôn giáo hoặc trong tôn giáo) về tôn giáo nói chung hay một tôn giáo cụ thể. Ở mức độ này, tôn giáo là đối tượng của 

triết học nhưng chưa tách khỏi các nội dung triết học khác như đạo đức, giáo dục, chính trị v,v…

Triết học về tôn giáo có thể là từ một hệ thống triết học để nghiên cứu và giải thích tôn giáo như đối tượng bên ngoài nó. Ví dụ như triết học Mác nghiên cứu và giải thích Kitô giáo, Nho giáo, Đạo giáo hoặc Phật giáo (trước đây có tên gọi là CHỦ NGHĨA VÔ THẨN KHOA HỌC; hoặc triết học Hiện sinh giải thích về Kitô giáo hay Phật giáo. Song cũng có thể là triết học của tôn giáo này nghiên cứu và giải thích tư tưởng triết học của tôn giáo khác, ví dụ như: triết học của Kitô giáo giải thích tư tưởng triết học của Phật giáo hay Đạo giáo, hoặc ngược lại. Nói cách khác, triết học về tôn giáo là mức độ chưa tách khỏi triết học chung để trở thành một ngành độc lập như triết học chính trị, triết học văn hóa, v.v.

+ Triết học tôn giáo là sự phản tư triết học trên những vấn đề cơ bản (có tính triết học) của chính tôn giáo (nào) đó. Đó là tư tưởng triết học của bản thân một tôn giáo làm nền tảng tư tưởng cơ bản cho toàn bộ giáo lý, và sự phát triển của tôn giáo đó với những nhánh phái, tông phái, trường phái, chi phái, … của nó trong suốt chiều dài lịch sử và trong sự đa dạng của các hình thức lễ nghi, tín ngưỡng, và cả lối sống… để chúng đa dạng nhưng vẫn là tôn giáo đó chứ không trở thành tôn giáo khác. Ví dụ như tư tưởng Tính Không, Duyên khởi, vô ngã, Khổ, Niết Bàn... của Phật giáo là nền tảng tư tưởng cho toàn bộ giáo lý Phật giáo từ góc độ thế giới quan, nhân sinh quan (giải thoát luận, đạo đức luận) đối với cả Tiểu thừa, Đại thừa, cũng như các tông phái (Trung quán, Duy Thức, hay Thiền, Tịnh, Mật…) với các loại hình tín ngưỡng đa dạng của Phật giáo (xuất gia, tại gia, ăn chay, dưỡng sinh, tu tập, tụng kinh, hành hương, lễ hội,…) song chúng vẫn thể hiện được bản sắc đặc 

riêng của Phật giáo như một tôn giáo.

Vậy, triết học tôn giáo của Phật giáo (tức triết học Phật giáo) chính là phần triết học nằm trong Phật học (tức tôn giáo học của Phật giáo). Tương tự như vậy, có lẽ triết học tôn giáo của Kitô giáo là phần triết học nằm trong Thần học (tức tôn giáo học của Kitô giáo). Đó là sự phản tư triết học về cốt lõi hay nền tảng tư tưởng của chính tôn giáo đó, và cũng chính là sức sống của tôn giáo đó trong lịch sử phát triển của nó. Chẳng hạn, triết học Phật giáo là một hệ thống tư tưởng triết học hoàn chỉnh của đạo Phật (như một tôn giáo). Triết học Phật giáo làm công tác hệ thống, tổng hợp những vấn đề cơ bản của Phật giáo từ góc độ triết học của riêng Phật giáo. Ví dụ như, từ nền tảng tư tưởng triết học Tính Không, Duyên Khởi, Vô Ngã… các nhà tư tưởng Đại thừa đã phát triển tiếp và xây dựng thành thuyết Đốn Ngộ trên cơ sở hệ thống kinh điển Bát Nhã về Tính Không góp phần tạo điều kiện cần và đủ về tư tưởng triết học cho sự ra đời phương thức tôn giáo mới – Thiền tông Đại thừa – của Phật giáo ở Trung Quốc.

Từ góc độ nghiên cứu lịch sử triết học tôn giáo ta sẽ thấy được sự hình thành, phát triển và vận động của mỗi tôn giáo như một chỉnh thể hệ thống, và thậm chí có thể phần nào dự đoán được khả năng tồn tại và phát triển của nó. Do vậy trong lĩnh vực lý luận chung về tôn giáo, triết học tôn giáo rất cần để có một cái nhìn (tương đối) toàn diện về tôn giáo.

Triết học tôn giáo chính là nền tảng tư tưởng triết học cho sự phát triển của toàn bộ một tôn giáo, đồng thời còn là cơ sở phát triển tư tưởng để tạo nên những khuynh hướng mới, giai đoạn mới trong lịch sử của tôn giáo đó. Chẳng hạn, tư tưởng triết học của các trường phái Trung Quán, Duy Thức, hay Thiền tông đều dựa trên quá

trình phát triển những nguyên lý có tính tư tưởng nền tảng của Phật giáo. Phật giáo càng phát triển hệ thống tư tưởng triết học (với tư cách triết học tôn giáo) hoàn thiện bao nhiêu thi sự phát triển tôn giáo của nó càng phong phú và thịnh vượng bây nhiêu, và khả năng thích ứng, nhập thế của nó càng mạnh bấy nhiêu.

Liên hệ sang vấn đề nhập thếthế tục hoá, mỗi lần tôn giáo thực hiện chấn hưng hay canh tân đệ thích ứng với bối cảnh thời đại mới, thì đều cần có sự thống nhất về tư tưởng cơ bản (từ nền tảng triết học của mỗi tôn giáo) để tránh khỏi bị tha hoá thành cái khác, không còn là tôn giáo đó nữa; khi triết học tôn giáo càng có tính hệ thống cao thì sức nhập thế của tôn giáo càng linh hoạt, thậm chí không nhất thiết phải thế tục hoá.

Tóm lại, sự phân ranh giữa triết học tôn giáotriết học về tôn giáo là ở chỗ: hệ thống nguyên lý, phạm trù, khái niệm triết học là độc lập của tôn giáo đó hay chúng chỉ là đối tượng nghiên cứu của một triết học khác. Tuy nhiên, cần ý thức rằng từ góc độ lịch sử tư tưởng, triết học về tôn giáo và triết học tôn giáo chính là hai trình độ phát triển tư tưởng của nhân loại trên những vấn đề cơ bản có tính triết họctôn giáo học, song không phải ngay từ đầu đã có, mà đó là các trình độ cao của quá trình phát triển tư duy triết học.

2. Quan hệ triết học – tôn giáo trong nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo

Thực ra, ở Việt Nam, đến nay việc nghiên cứu và giảng dạy triết học Phật giáo, như một hệ thống tư tưởng triết học, mới phần nào ý thức về sự phân biệt giữa triết học về Phật giáo, và triết học Phật giáo. Thực trạng này có lẽ do nhiều nguyên nhân, và qua kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy tôi thấy có một số nguyên nhân sau:

–  Thứ nhất, do đặc trưng tư duy người Việt nói riêng và tư duy phương Đông nói chung vốn có truyền thống bất phân văn-sử-triết- tôn giáo, cho nên một cách tự phát thì, triết học tôn giáo (religious philosophy) hầu như chưa tách ra độc lập, mà chúng vẫn được gộp chung trong môn Lịch sử triết học Phật giáo (History of Buddhist philosophy) hay Lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo (History of Buddhist philosophical thoughts). Chẳng hạn, bản thân tôi đang dạy mấy chuyên đề có liên quan tới triết học về Phật giáo là: Lịch sử triết học Ấn Độ cổ trung đại (History of Indian Ancient and Mediaeval Philosophy), Triết học phương Đông – một số tác phẩm tiêu biểu (Oriental Philosophies – Some Typical Works), và Lịch sử (tư tưởng) triết học Phật giáo (History of Buddhist Philosophical Thoughts). Về thực chất chúng đều được triển khai từ góc độ lịch sử triết học trên cơ sở khảo sát, phân tích các kinh điển tôn giáo chứ không phải trên các tác phẩm triết học tôn giáo độc lập. Tức là tôi đang dạy lịch sử (tư tưởng) triết học tôn giáo, với nội dung là triết học về tôn giáo chứ chưa phải dạy triết học Phật giáo (như là triết học tôn giáo).

–  Thứ hai, do định hướng lập trường triết học duy vật Mác trong toàn ngành triết học Việt Nam, cho nên triết học Phật giáo (với tư cách triết học tôn giáo) không được chú trọng như một chuyên ngành độc lập. Do vậy những nội dung triết học Phật giáo thường chưa tách khỏi tôn giáo và tôn giáo học để trở thành một chuyên ngành độc lập. Ví dụ như ở Viện Triết học, khi hoàn thành và xuất bản cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam, do GS.TS. Nguyễn Tài Thư chủ biên (Nxb. KHXH, Hà Nội) vào năm 1998 nhưng lúc đó Viện Triết học vẫn chưa có nhóm chuyên môn hoặc chuyên gia nghiên cứu về lịch sử triết học Phật giáo. Hầu hết các tác giả tham gia

viết cuốn sách này đều là cộng tác viên ngoài Viện Triết học, hay chính xác hơn là ngoài ngành triết học. Tuy nhiên, đến nay có hai tác giả với hai cuốn sách được coi là chuyên khảo ở trình độ triết học về Lịch sử tư tưởng triết học Phật giáo Việt Nam là:

– Nguyễn Hùng Hậu, Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, t. 1, NXB KHXH, Hà Nội, 2002.

– Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giảo Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006.

Cho đến nay, đối với nghiên cứu và giảng dạy triết học về Phật giáo còn bất cập như vậy, thì tình trạng của triết học Phật giáo (như là triết học tôn giáo) còn khó khăn và chậm chạp hơn. Ở trình độ triết học tôn giáo, các sách, giáo trình hoặc luận văn, luận án về Phật giáo vẫn còn mỏng về vấn đề cũng như về số lượng. Nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu ngày càng tăng của xã hội cũng như của đào tạo chuyên ngành triết học Phật giáo. Hay nói cách khác là tính độc lập của một ngành triết học Phật giáo trong lĩnh vực triết học chưa rõ. Nói như vậy không nghĩa là trong lĩnh vực Phật giáo các nội dung triết học tôn giáo không được bàn và nghiên cứu đến ở Việt Nam, mà là triết học Phật giáo (như là triết học tôn giáo) vẫn được bàn đến, thậm chí có những vấn đề rất sâu sắc và độc đáo, song vẫn chưa phát triển thành một chuyên ngành triết học Phật giáo độc lập và khác với triết học về Phật giáo.

Thứ ba, do quy định chung về khung liên ngành và phân ngành của hệ thống nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam. Đến nay mã số tôn giáo học vừa mới tách khỏi mã ngành triết học, vậy không biết bao lâu nữa triết học tôn giáo (religious philosophy) mới có mã số ngành độc lập. Triết học về tôn giáo nhiều khi còn bị

coi là xa xỉ phẩm; triết học tôn giáo còn phải xếp hàng xa đằng sau!

Thực trạng về vấn đề triết học tôn giáotriết học về tôn giáo nói chung và của lĩnh vực triết học về Phật giáo triết học Phật giáo nói riêng ở Việt Nam cũng là sự phản ánh trình độ phát triển chung của ngôi nhà triết học Việt Nam. Cuộc Tọa đàm này thực chất đang phản tư về trình độ tư duy của triết học Việt Nam trên/ về mối quan hệ triết học và/với tôn giáo. Mong rằng mấy ý kiến nhỏ của tôi từ góc độ chuyên ngành triết học Phật giáo sẽ được các đồng nghiệp chia sẻ, góp ý thêm để có thể có được ý nghĩa tích cực đối với ngành triết học tôn giáo cũng như triết học về tôn giáo của Việt Nam hiện nay.

Xem thêm  Việc dạy triết học tôn giáo

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận