Đọc văn bản Cô Tô – Bài 5 – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

BÀI 5

PHẦN ĐỌC

Cô Tô là một bài kí được viết nhân một chuyến ra thăm đảo của nhà văn Nguyễn Tuân và xuất bản lần đầu năm 1976. Cùng sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức đọc hiểu văn bản này.

VĂN BẢN 1

Trước khi đọc

1. Kể tên những nơi em đã từng được đến tham quan. Chia sẻ một số điều em quan sát được từ những chuyến đi đó.

2. Tìm quần đảo Cô Tô trên bản đồ Việt Nam và nói về vị trí của quần đảo này.

Đọc văn bản

Cô Tô(1)

Trích, NGUYỄN TUÂN

       Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trận địa(2) cánh cung bãi cát, rồi mới tăng thêm hoả lực(3) của gió. Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim. Gió bắn rát từng chập(4). Chốc chốc gió ngừng trong tích tắc như để thay băng đạn(5), thì đầu cổ lại bật lên khi gió giật. Gió liên thanh quạt lia lịa vào gối vào ngang thắt lưng, đẩy cả người chạy theo luồng cát mà bạt ra phía sát bờ biển của một bãi dài ba ngàn thước(6), rộng chừng trăm thước. Sóng cát đánh ra khơi, bể đánh bọt sóng vào, trời đất trắng mù mù toàn bãi như là kẻ thù đã bắt đầu thả hơi ngạt. […] Sóng thúc lẫn nhau mà vào bờ ầm âm rền rền như vua thuỷ(7) cho các loài thuỷ tộc(8) rung thêm trống trận. […]

       Cuối canh một sang canh hai, bão thực sự bắt đầu. Gác đảo uỷ(9) nhiều khuôn cửa kính bị gió vây và dồn, bung hết. Kính bị thứ gió cấp 11(10) ép, vỡ tung. Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rú lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc(11) thần linh. […]

       Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô là một ngày trong trẻo sáng sủa. Từ khi có vịnh Bắc Bộ và từ khi quần đảo Cô Tô mang lấy dấu hiệu của sự sống con người thì, sau mỗi lần dông bão, bao giờ bầu trời Cô Tô cũng trong sáng như vậy. Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa. Và nếu cá có vắng tăm biệt tích trong ngày động bão, thì nay lưới càng thêm nặng mẻ cá giã đôi(12). Chúng tôi leo dốc lên đồn Cô Tô hỏi thăm sức khoẻ anh em bộ binh và hải quân cùng đóng sát nhau trong cái đồn khố xanh(13) cũ ấy. Trèo lên nóc đồn, nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm cả toàn cảnh đảo Cô Tô. Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.

       [… ] Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi trên đảo Thanh Luân một cách thật quá là đầy đủ. Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư(14), ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể(15), sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt giời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trình phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ(16) đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm(17) tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ(18) của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở Biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén(19). Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh. […]

       Khi mặt trời đã lên một vài con sào, tức là lúc nó trở về sự bình dị hàng ngày, thì tôi đang múc gầu nước giếng dội lên đầu lên cổ lên vai lên lưng, nghĩa là tôi cũng đang đi tắm như mọi người lao động bình thường đang tắm quanh giếng. Cái giếng nước ngọt ở ria(20) một hòn đảo giữa biển, cái sinh hoạt của nó vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền.

       Cái giếng nước ngọt đảo Thanh Luân sớm nay có không biết bao nhiêu là người đến gánh và múc. Múc nước giếng vào thùng gỗ, vào những cong(21) những ang(22) gốm màu da lươn. Lòng giếng vẫn còn rớt lại vài cái lá cam lá quýt của trận bão vừa rồi quăng vào. Chỗ bãi đá nuôi sáu mươi vạn con hải sâm(23) ngoài kia, bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp đổ nước ngọt vào. Sau trận bão, hôm nay hợp tác xã Bắc Loan Đầu cho 18 thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng(24). Anh hùng Châu Hoà Mãn(25) cùng bốn bạn xã viên đi chung một thuyền. Anh quẩy nước bên bờ giếng, tôi né ra một bên. Anh quẩy 15 gánh cho thuyền anh: “Đi ra khơi, xa lắm mà. Có khi mười ngày mới về. Nước ngọt cho vào sạp, chỉ để uống. Vo gạo thổi cơm cũng không được lấy nước ngọt. Vo gạo bằng nước biển thôi”.

       Từ đoàn thuyền sắp ra khơi đến cái giếng ngọt, thùng và cong và gánh nối tiếp đi đi về về. Trông chị Châu Hoà Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành.

(Nguyễn Tuân, Kí Nguyễn Tuân, NXB Văn học, Hà Nội, 1986, tr. 116 – 122)

Sau khi đọc

  • Nguyễn Tuân (1910 – 1987) quê ở Hà Nội. Ông là nhà văn có phong cách độc đáo, lối viết tài hoa, cách dùng từ ngữ đặc sắc. Thể loại sở trường của ông là kí, truyện ngắn. Kí của Nguyễn Tuân cho thấy tác giả có vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực đời sống. Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân: Vang hóng một thời (tập truyện ngắn), Sông Đà (tuỳ bút),…
  • Cô Tô được viết nhân một chuyến ra thăm đảo của nhà văn. Bài kí được in trong tập Kí, xuất bản lần đầu năm 1976.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Qua bài kí Cô Tô, nhà văn đã đưa người đọc đến những nơi nào và gặp gỡ những ai?

2. Tìm những từ ngữ miêu tả sự dữ dội của trận bão. Những từ ngữ nào cho thấy rõ nhất việc tác giả có chủ ý miêu tả trận bão giống như một trận chiến?

3. Biển sau bão hiện lên như thế nào (qua hình ảnh bầu trời, cây, nước biển, mặt trời,…)?

4. Theo em, để nhận ra vẻ đẹp của Cô Tô, nhà văn đã quan sát cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người trên đảo ở những thời điểm nào và từ những vị trí nào?

5. Chỉ ra một câu văn thể hiện sự yêu mến đặc biệt của tác giả đối với Cô Tô trong đoạn văn từ Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô đến theo mùa sóng ở đây.

6. Em hình dung khung cảnh Cô Tô sẽ như thế nào nếu thiếu chi tiết miêu tả giếng nước ngọt và hoạt động của con người quanh giếng?

7. Kết thúc bài kí Cô Tô là suy nghĩ của tác giả về hình ảnh chị Châu Hoà Mãn: “Trông chị Châu Hoà Mãn địu con, thấy nó dịu dàng yên tâm như cái hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành”. Cách kết thúc này cho thấy tình cảm của tác giả với biển và những con người bình dị trên đảo như thế nào?

VIẾT KẾT NÓI VỚI ĐỌC

Trong Cô Tô, mặt trời lúc bình minh được ví như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) chỉ ra ý nghĩa của hình ảnh so sánh đó (có thể liên hệ với cách miêu tả mặt trời lúc bình minh của các tác phẩm khác mà em biết).

*Chú thích:

(1) Cô Tô: một quần đảo gồm hơn 50 đảo nhỏ, thuộc tỉnh Quảng Ninh, diện tích trên 47,3 km2. Cô Tô nổi tiếng với cảnh biển đẹp và những đặc sản biển như ngọc trai, san hô, hải sâm,…

(2) Trận địa: khu vực địa hình dùng để bố trí lực lượng chiến đấu.

(3) Hoả lực: sức mạnh gây sát thương và phá hoại của bom đạn, chất nổ, chất cháy dùng trong chiến đấu; ở đây nói về sức mạnh của gió.

(4) Chập: khoảng thời gian tương đối ngắn, tương đương như lúc, hồi.

(5) Băng đạn: bộ phận dùng để kẹp đạn và tiếp đạn vào súng khi bắn.

(6) Thước: đơn vị đo độ dài cũ (một thước bằng khoảng 0,4 m).

(7) Vua thuỷ: vua dưới nước (còn gọi là vua Thuỷ Tề, theo tín ngưỡng dân gian).

(8) Thuỷ tộc: những loài sống dưới nước.

(9) Đảo uỷ: trụ sở cơ quan hành chính của đảo.

(10) Gió cấp 11: mức độ gió bão mạnh, vận tốc khoảng 103 – 117 km/h.

(11) Khốc: khóc.

(12) Giã đôi: lưới hình túi (giã) do hai tàu hoặc thuyền kéo để đánh bắt hải sản tầng đáy biển.

(13) Đồn khố xanh: vị trí đóng quân của quân đội thuộc địa dưới chế độ thực dân Pháp (lính khố xanh canh giữ các công sở, địa phương, chân quấn xà cạp màu xanh).

(14) Đá đầu sư: đá có đầu tròn, nhẵn như đầu ông sư, thường quần tụ thành bãi.

(15) Ngấn bể: đường tiếp giáp giữa mặt biển và chân trời theo tầm nhìn của mắt.

(16) Đường bệ: dáng vẻ to lớn, vững vàng, uy nghi.

(17) Lễ phẩm: lễ vật dâng biếu.

(18) Trường thọ: sống lâu.

(19) Bạc nén: bạc đúc thành từng thỏi; nén: đơn vị đo khối lượng, tương đương 375 g.

(20) Ria: rìa, ven.

(21) Cong: đồ đựng làm bằng đất nung, thành hơi phình, miệng rộng.

(22) Ang: đồ đựng làm bằng đất nung, thành hơi phình, miệng rộng.

(23) Hải sâm: một loài động vật biển, thân hình dài, da có lông, dùng làm thức ăn, rất quý.

(24) Cá hồng: một loài cá thân màu hồng, có sản lượng lớn và có giá trị kinh tế của vùng biển vịnh Bắc Bộ.

(25) Châu Hòa Mãn; Anh hùng lao động ngành ngư nghiệp những năm 60 thế kỉ XX.

>> Xem thêm: Kí và Du Kí là gì? – Bài 5 – Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận