Đọc – hiểu văn bản: Mẹ tôi – Tư liệu Ngữ Văn 7

Đang tải...

Đọc – hiểu văn bản: Mẹ tôi

BÀI 1

MẸ TÔI

ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

Về hình thức, chiếm gần toàn bộ văn bản là bức thư của một người bố gửi cho con nhưng đọc kĩ ta sẽ thấy tiêu điểm mà các nhân vật và chi tiết hướng tới lại là người mẹ. Người bố viết thư cho con vì thấy con cư xử không đúng với mẹ. Đứa con đọc bức thư sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình và có cách cư xử đúng đắn, lễ phép hơn. Rõ ràng là người mẹ tuy không xuất hiện trực tiếp nhưng lại có vị trí vô cùng quan trọng trong bài văn. Bởi vậy, tên bài Mẹ tôi do tác giả đặt là hoàn toàn chính xác.

Khi thấy En-ri-cô nói ra những lời thiếu lễ độ, người bố đã hết sức tức giận. Ông đã viết thư cho con với những lời lẽ trách cứ gay gắt. Ông nói thắng cảm xúc của mình khi thấy En-ri-cô mắc lỗi : “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy !”. Để thêm sức thuyết phục, ông còn tưởng tượng ra cảnh En-ri-cô mất mẹ và giúp En-ri-cô hình dung nếu điều đó thực sự xảy ra thì sẽ khủng khiếp đến mức nào. Thậm chí, ông còn nói rằng : “thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ”. Tuy những lời như vậy có hơi quá nặng nề nhưng hẳn đã tác động manh vào tâm trí En-ri-cô.

Thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của người bố, với một giọng điệu hết sức chân tình và sâu sắc đã khiến En-ri-cô cảm thấy xấu hổ nhưng đồng thời cũng thấy “xúc động vô cùng”.

Để En-ri-cô hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của người mẹ đối với đứa con, người bố đã kể lại những sự việc chứng tỏ người mẹ đã yêu thương, đã hết lòng vì con (En-ri-cô) như thế nào. Từ cảnh người mẹ “thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con…” cho đến “sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn,… có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”, điều đó cho thấy En-ri-cô có một người mẹ yêu con mãnh liệt. Bà không chỉ chăm lo cho con từng li từng tí mà sẵn sàng hi sinh cả hạnh phúc, cả tính mạng của mình vì con.

Trong những trường hợp tương tự, một ông bố khác có lẽ đã quát mắng, thậm chí đánh đòn cậu con trai. Nhưng bố của En-ri-cô đã chọn một cách thức mềm dẻo mà hiệu quả nhất. Bằng cách viết thư, ông thể hiện cặn kẽ những suy nghĩ của mình, đồng thời giúp cậu con trai không phải xấu hổ trước mặt người khác (vì bị ăn đòn hay bị mắng) mà lại có thời gian suy nghĩ, nhận thức được vấn đề một cách sâu sắc hơn. Đó là cách góp ý vừa tế nhị, kín đáo vừa hiệu quả.

VĂN BẢN ĐỌC THÊM

TỪ MẸ TRONG TIẾNG NÓI LOÀI NGƯỜI

Người mẹ trong lịch sử tiến hoá loài người có một thiên chức thiêng liêng – đó là sự sinh sản để bảo vệ nòi giống. Chính vì chức năng thiên bẩm ấy mà đại văn hào M. Go-rơ-ki đã viết :

      Đời hiếu mẹ hiền không ánh sáng

Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu ?

Trong buổi ấu thơ của tuổi xuân nhân loại, người mẹ đã từng giữ vai trò mẫu hệ. Trong tín ngưỡng tôn giáo, người mẹ được suy tôn là Đức mẹ (Thiên Chúa giáo : Đức mẹ Ma-ri-a ; Phật giáo : Đức Phật bà Quan Thế Âm Bồ Tát) và được phong thần, phong thánh,… Trong gia đình, người mẹ là linh hồn hội tụ mọi nguồn tình cảm. Mẹ là niềm vui, nỗi buồn của con cái và người chồng. Mẹ là “bà nội trợ vĩ đại” trong nữ công gia chánh. Mẹ cũng là người bạn – người thầy đầu tiên dạy con mình mọi hành vi, cử chỉ và tiếng nói ban đầu từ khi còn trong nôi. Mẹ còn là nguồn cung cấp năng lượng vật chất, bồi đắp thế giới tâm hồn cho trẻ thơ. Ngoài xã hội và thế giới tự nhiên, người phụ nữ nói chung và người mẹ nói riêng giữ vai trò cân bằng sinh thái, điều hoà sự sinh tồn của nhân loại. Trên trái đất, phái Đẹp – trong đó có người mẹ, chiếm tới 52% tổng số nhân loại. Và trong số đó, nhiều người đã trở thành nguyên thủ quốc gia, nhà ngoại giao, chính khách, nhà thơ, nhà văn, nhà bác học và những nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc. Đặc biệt, có những bà mẹ đã sinh ra cho nhân loại các bậc vĩ nhân. Thế giới của những bà mẹ và phái đẹp còn là nguồn rung động, cảm hứng và là đề tài vô tận cho biết bao tác phẩm nghệ thuật : tiểu thuyết, thi ca, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, hội hoạ, vũ đạo, điện ảnh,… ngợi ca. Họ là chủ thể muôn đời của nguồn cảm hứng nhân bản cho các thế hệ nối tiếp nhau sáng tác, miêu tả. Đó là những bông hoa tuyệt vời của trái đất mà nhân loại đã phải trải qua hàng triệu năm tiến hoá mới có được. Từ mẹ vang lên trong cách phát âm của các ngôn ngữ trên trái đất rất đỗi diệu kì. Từ dùng để gọi người mẹ rất đa dạng và phong phú nhưng dường như phần lớn đều bắt đầu tư phụ âm “m” : Người Mường gọi là Mế; người Tày gọi là Mé ; người Kinh gọi là Mẹ, Má, Mợ, Me,… ; người Trung Quốc gọi là Mủ xin (mẫu thân) ; người Nga gọi là MaMa (má-ma), MaTb (mát) ; người Anh gọi là Mother (ma-dơ)/ Mummy (măm-my) ; người Pháp gọi là Mère (me-rơ), Maman (má- măng) ; người Bồ Đào Nha gọi là Maê (may-e) ; người Đức gọi là Mutter (mút-tơ) ; người Ba Lan gọi là Matka (mát-ca) ; người Tiệp Khắc gọi là Matka (mát-ca), Mamicka (ma-mích-ca)

Sự trùng hợp nhìn bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên song thực ra đó là do chi phối của quy luật ngữ âm. Khi trẻ bập bẹ nói, thường các phụ âm môi như “m”, “b” là dễ bật ra nhất. Nếu có nhu cầu là bé cất tiếng gọi. Và tiếng gọi ấy thường là từ chỉ mẹ. Phải chăng các từ mẹ, má, mát-ca, ma-dơ/ me-rơ,… ra đời từ đó ? Người mẹ là người gắn bó và thân thiết nhất đối với trẻ thơ. Khuôn mặt mẹ là khuôn mặt khó quên nhất trong tâm hồn của bé. Tiếng gọi đầu là tiếng mẹ và khuôn mặt đầu tiên xuất hiện trước mặt bé cũng là khuôn mặt mẹ với các bộ phận thường cũng bắt đầu bằng âm “m” : mắt, mi, mí, má, mày, mũi, miệng,…

Tóm lại, từ mẹ là một danh từ thiêng liêng trong ngôn ngữ nhân loại. Người mẹ, nơi chứa đựng tình thương yêu, lòng nhân ái, độ lượng bao dung.

Và cũng chính từ người mẹ, đứa con biết thế nào là lòng căm giận, hận thù,… Người mẹ là cả một kho tàng vật chất và tinh thần vô cùng phong phú của trẻ thơ, nguồn động lực thúc đẩy cho nhân loại phát triển. Đó cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật chân chính mọi thời. Và đúng như một nhà văn đã từng viết : “Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có người mẹ thì không có anh hùng và không có cả nhà thơ”.

( Theo Hoàng Điệp, Người mẹ và phái đẹp, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1990)

* Gợi dẫn

Hãy tìm một câu văn trong bài nói lên tầm quan trọng to lớn của người mẹ đối với cuộc đời mỗi con người.

Tải về file word  >>  tại đây

>> Xem thêm:

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận