Đọc hiểu văn bản Kí – Bài 3 – Ngữ Văn 6 bộ Cánh Diều

Đang tải...

BÀI 3 – KÍ

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Hãy cùng sách Ngữ Văn 6 bộ Cánh Diều soạn bài đọc hiểu văn bản kí “Trong lòng mẹ” và “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” để hiểu thêm về thể loại văn bản kí. Sau bài này, các em sẽ biết cách đọc hiểu văn bản kí và vận dụng việc đọc hiểu văn bản kí vào việc viết và nói của mình.

Trong lòng mẹ

(Trích hồi kí Những ngày thơ ấu)

NGUYÊN HỒNG

1. Chuẩn bị

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

>> Xem tại đây: Soạn văn Bài 3: KÍ – sách Cánh Diều Ngữ Văn 6 mới

– Khi đọc hồi kí, các em cần chú ý:

+ Tác giả viết về ai, về sự việc gì? Viết như thế nhằm mục đích gì?

+ Những yếu tố nào của văn bản cho biết tính xác thực của điều được kể?

+ Cảm xúc, thái độ của người kể chuyện đối với sự việc và các nhân vật trong đó như thế nào?

– Đọc trước đoạn trích Trong lòng mẹ; tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nguyên Hồng và hồi kí Những ngày thơ ấu.

– Đây là nội dung cần biết để hiểu đoạn trích: Hôn nhân của bố mẹ Nguyên Hồng là cuộc hôn nhân không có tình yêu. Bất chấp mọi thành kiến độc ác của xã hội và của những người trong gia đình về mẹ, cậu bé Hồng sớm hiểu và cảm thông với nỗi đau khổ của người mẹ, hai mẹ con luôn giữ tình mẫu tử sâu sắc.

2. Đọc hiểu văn bản kí

(1) Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen. 

Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hoá vẫn chưa về. Trong đó, nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn[1] và những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa. Tôi nói “nghe đâu” vì tôi thấy người ta bắn tin rằng mẹ và em tôi xoay ra sống bằng cách đó.

(2) Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:

– Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mợ[2] mày không?

Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ủ ấp từng phen làm tôi rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là goá chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha phương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến… Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.

Tôi cũng đã cười đáp lại cô tôi:

– Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về. […]

Tỏ sự ngậm ngùi thương xót thầy tôi, cô tôi chập chừng nói tiếp:

– Mấy lại rằm tháng Tám này là giỗ đầu cậu[3] mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tài cho cậu mày, và mày cũng còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ?

(3) Nhưng đến ngày giỗ đầu thầy tôi, tôi không viết thư gọi, mẹ tôi cũng về. Mẹ tôi về một mình đem rất nhiều quà bánh cho tôi và em Quế tôi. Chiều hôm đó, tan buổi học ở trường ra, tôi chợt thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo[4] giông giống mẹ tôi. Tôi liền đuổi theo, gọi bối rối:

– Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!…

Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là một trò cười tức bụng cho lũ bạn tôi, chúng nó khua guốc inh ỏi và nô đùa ầm ĩ trên hè. Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.

Xe chạy chầm chậm… Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở.

Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:

– Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.

Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi nói. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì. Trong những phút rạo rực ấy, cái câu nói của cô tôi lại nhắc lại:

– Mày dại quá! Vào Thanh Hoá đi, tao chạy cho tiền tàu. Vào bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và bế em bé chứ.

Nhưng bên tai ù ù của tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa…

(Những ngày thơ ấu, NXB Đời nay, Hà Nội, 1940)

3. Câu hỏi đọc hiểu văn bản kí

a, Sự kiện chính mà tác giả kể lại ở đoạn trích Trong lòng mẹ là gì? Sự kiện ấy được tập trung thể hiện ở phần nào của văn bản?

b, Hình ảnh người mẹ qua lời kể của người cô và trong suy nghĩ, tình cảm của nhân vật “tôi” có gì khác nhau?

c, Dẫn ra một số câu văn thể hiện cảm xúc của nhân vật “tôi” khi gặp lại mẹ. Từ đó, hãy nêu nhận xét về nhân vật này.

d, Theo em, vì sao đoạn trích Trong lòng mẹ thuộc thể loại hồi kí?

e, Viết khoảng 4-5 dòng nêu lên tình cảm và suy nghĩ của em sau khi đọc đoạn trích Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng.

 

Đồng Tháp Mười mùa nước nổi

VĂN CÔNG HÙNG

1. Chuẩn bị

– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiếu bài du kí này.

– Khi đọc du kí, các em cần chú ý:

+ Văn bản viết về chuyến đi đến đâu? Đi bằng phương tiện gì? Thái độ và cảm xúc của người viết ra sao?

+ Cảnh sắc và con người ở đó như thế nào? Tác giả ghi lại bằng cách miêu tả, kể chuyện, phát biểu cảm nghĩ hay kết hợp các yếu tố đó?

+ Bài du kí mang lại cho em hiểu biết, thái độ và tình cảm gì?

– Tìm hiểu về loại hình du lịch mới ngày nay với tên gọi “du lịch sinh thái”, du lịch ở vùng miền Tây Nam Bộ được gọi là “du lịch miệt vườn”; về vùng Đồng Tháp Mười, Nam Bộ.

– Đọc trước văn bản Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, tìm hiếu thêm thông tin về tác giả Văn Công Hùng.

2. Đọc hiểu văn bản kí

(1) […] Nói đến Đồng Tháp Mười là phải nói đến lũ. Lũ chính là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước này. Nó mang phù sa mùa màng về, mang tôm cá về, làm nên một nền văn hoá đồng bằng. Năm ngoái, chúng tôi lại xuống Long An. Giữa mùa lũ mà đồng nứt nẻ, dân ngơ ngác hoang mang đợi lũ. Bởi nếu không có lũ, nước kiệt[5] đi thì toàn bộ vùng này sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn[6] nổi lên rất nhiều và đậm. Lúc đó, nước đọng ở các lung, trấp, đìa, bàu[7],… không dùng được, cây cỏ khô rụi, di chuyển chủ yếu là đi bộ hoặc xe trâu, toàn bộ đời sống sẽ ngưng trệ. Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ (đường) nào cũng song song một con kinh (kênh) bên cạnh, làm nên một đặc trang đồng bằng Nam Bộ. Người ta đào kênh để thông thương, để lấy nước, lấy đất đắp đường. Cứ  chằng chịt như thế, những con kênh huyết mạch nối những cù lao[8], những giồng[9],… thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.

(2) Nhà văn Hữu Nhân chạy xe rất khoẻ và lại nhớ đường, dẫu cả những con đường bé tí ở một cái xóm xa lắc lơ nào đấy. Anh chở tôi len lỏi vào những con đường mà người thường không được đi, khách du lịch lại càng không, xuyên qua mấy huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông,… để vào lõi Đồng Tháp Mười. Cái tên Tháp Mười bây giờ vẫn còn tranh cãi, người thì bảo nơi đây có 10 cái tháp, kẻ lại nói là ở đây có ngôi tháp 10 tầng,… Còn Tràm Chim thì chính Hữu Nhân đã giải thích cho tôi rằng tràm chim chỉ đơn giản là tràm và chim. Trước đó, tôi nghĩ tràm là cách gọi một vùng đất nổi lên, như một cái vườn giữa hàng ngàn héc ta nước và ở đó có nhiều chim. Giống như giồng, như cù lao, như gò[10], như rạch[11], kinh,… Thế mà nó đơn giản đến không ngờ là gồm những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn,… Tất nhiên không dễ gì để thấy chim bởi phải chiều tối thì chúng mới về, hàng vạn, chục vạn con lớn bé to nhỏ rợp cả một khoảng trời. Trong khi chúng tôi thì chỉ có một ngày cưỡi xe, mà lại muốn đi nhiều, thấy nhiều, chiêm ngưỡng nhiều,…

(3) Mùa này cá linh và bông điên điển đều bắt đầu hiếm. Bông điên điển chỉ còn lác đác, nhưng nể bạn, Hữu Nhân đã chạy lòng vòng xe để kiếm cho tôi thưởng thức. Kết quả, buổi trưa ở một quán tại huyện Tam Nông, tôi được ăn món bông điên điển xào tôm, còn buổi chiều tại quán khác ở huyện Cao Lãnh thì chứng kiến món cá linh kho ngót. Bằng nỗi khát khao và trân trọng của mình, tôi đã miệt mài ăn hai món quốc hồn quốc tuý[12] đồng bằng ấy. Lúc này, ăn không còn là ăn vật chất thông thường, ăn lấy no, mà là ăn hương ăn hoa, là thưởng thức thời trân[13] của đất trời, dẫu chỉ là món thời trân vô cùng dân dã, gắn với miên man sông nước, với cái giản dị, tiện lợi của sản vật và con người vùng đất phương Nam.

(4) Có một điều khẳng định rằng, sen Tháp Mười là một thế lực, thế lực của cái đẹp tự nhiên. Nước ta từ Bắc chí Nam đâu cũng có sen, chả thế mà người ta định lấy hoa sen làm quốc hoa, chả thế mà Vietnam Airlines[14] lại lấy hoa sen làm biểu tượng sơn trên máy bay,… về đây mới thấy, sen xứng đáng để… ngợp. Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết bung nở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác[15]. Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen. Tràm dày đặc tíu tít xung quanh như những người lính gác cần mẫn và trung thành. Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình khiến con người chợt chùng lại, bâng khuâng và ngơ ngác giữa thế giới sen; thấy rợn ngợp và cô độc giữa mênh mông Đồng Tháp Mười,…

(5) Từ thành phố Cao Lãnh, Hữu Nhân chở tôi bằng xe máy gần buổi sáng thì đến khu di tích Gò Tháp. Đây là khu gò rộng khoảng 5 000 mét vuông và cao hơn khoảng mét so với mực nước biển Hà Tiên, nằm giữa rốn Đồng Tháp Mười sàn sạt, lênh loang[16] nước nên nó trở thành của hiếm. Nơi đây, người ta vừa khai quật được một di tích nền gạch cổ là nền toà tháp có khoảng 1 500 năm trước và đã được công nhận di tích quốc gia. Đây cũng là đại bản doanh của cụ Thiên hộ Dương[17] và Đốc binh Kiều[18] – hai vị anh hùng chống thực dân Pháp. Và đây cũng là căn cứ địa chống Mỹ cứu nước của cách mạng Việt Nam. Tháp Sen được chọn để xây dựng ở đây như một cách để tôn vinh sen Đồng Tháp Mười. […]

(6) Hữu Nhân chở tôi về lại thành phố Cao Lãnh khi nước lé đé[19] ở ngay quán cà phê trước cửa khách sạn. […] Người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống,… sống chung với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng[20]; với những câu vọng cổ[21] la đà trên nước. Cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái, nhưng họ góp phần làm nên một Đồng Tháp năng động, hiện đại. Đêm ấy, tôi cùng Hữu Nhân dạo một vòng thành phố và nhận ra một đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung vừa hiện đại, rất có gu[22] kiến trúc, vừa mềm vừa xanh, cứ nao nao như một câu hò vươn trên sóng,…

(Báo Văn nghệ, số 49, tháng 12-2011)

3. Câu hỏi đọc hiểu văn bản kí

a, Tác giả của bài du kí Đồng Tháp Mười mùa nước nổi đã lựa chọn, giới thiệu những gì để làm nổi bật màu sắc riêng của Đồng Tháp Mười?

b, Tình cảm của tác giả khi viết về Đồng Tháp Mười được thể hiện như thế nào? Hãy chỉ ra một số câu văn thể hiện rõ tình cảm ấy.

c, Từ văn bản trên, theo em, bài du kí về một vùng đất mới cần chú ý giới thiệu những gì?

d, Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất trong bài du kí có tác dụng gì?

e, Nếu được đi thăm Đồng Tháp Mười, em sẽ đến nơi nào nêu trong bài du kí? Vì sao?

*Chú thích:

[1]   Bóng đèn: bóng thuỷ tinh của đèn thắp bằng dầu hoả.

[2]    Mợ (từ cũ): mẹ (dùng để xưng gọi trong một số gia đình, thường là ở thành phố).

[3]    Cậu (từ cũ): bố (dùng để xưng gọi trong một số gia đình, thường là ở thành phố).

[4]   Xe kéo: xe do người kéo, còn gọi là xe tay.

[5]    Nước kiệt (tiếng Nam Bộ): chỉ nước cạn khi thuỷ triều xuống.

[6]   Phèn: tên gọi chung các loại muối kép (muối Sulfat); nước nhiễm phèn thường chua, gây hoen ô khi giặt quần áo.

[7]    Lung, trấp, đìa, bàu: trấp: chỉ vùng đất trũng, đọng nước, nhiều cỏ lác; lung, đìa, bàu (đầm): vùng nước rộng, sâu, nằm giữa đồng.

[8]    Cù lao: đảo nhỏ nhô lên giữa biển hoặc đồi cát nổi lên giữa sông.

[9]    Giồng: dải đất phù sa nổi cao, chạy dài ven sông.

[10]  Gò: khoảng đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng.

[11]  Rạch: đường dẫn nước từ sông vào đồng ruộng, thuyền bè có thể đi lại được.

[12]  Quốc hồn quốc tuỷ: cái tinh hoa trong nền văn hoá của một dân tộc, một quốc gia.

[13]  Thời trân: đồ ăn quý theo các mùa.

[14]  Vietnam Airlines: Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

[15]  Năn lác: cỏ năn, cỏ lác.

[16]  Lênh loang: chỉ một vùng nước tràn ra trên diện rộng.

[17]  Thiên hộ Dương: Võ Duy Dương (1827 – 1866), lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười (1862 – 1866).

[18]  Đốc binh Kiều: Nguyễn Tấn Kiều (? – 1866), phó tướng của Võ Duy Dương.

[19]  Lé đé (tiếng Nam Bộ): nước xăm xắp, ở đây chỉ mức nước gần bằng nền quán cà phê được nói tới.

[20]  Nước ròng (tiếng Nam Bộ): xem nước kiệt.

[21]  Vọng cổ: điệu hát cải lương, giọng buồn và kéo dài, nghe như tiếng thở than, ai oán.

[22]  Gu (tiếng Pháp: gouty. chỉ lối sống, sở thích, thị hiếu riêng.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận