Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Ngữ Văn 9 – Đề 1 (Sưu tầm)

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ Văn lớp 9 gồm phần đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đây là dạng cấu trúc đề thi chọn học sinh giỏi tiêu chuẩn, sẽ giúp các bạn luyện tập tốt kiến thức và kỹ năng để trở thành học sinh giỏi Ngữ Văn 9 thật hiệu quả.

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

Ngữ văn lớp 9

(Thời gian làm bài: 150 phút không tính thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (6,0 điểm)

Câu 1. Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

            “… Những bữa cơm độn sắn, độn khoai trong mùa giáp hạt đó là chuyện thường xuyên. Ba anh em tôi luôn được bố mẹ nhường phần cơm. Bố mẹ ăn phần sắn và khoai lang, chúng tôi cứ vô tư ăn ngon lành. Và những bữa cơm như thế, bố mẹ luôn ngồi đầu nồi, nhiều hôm tôi thấy bố mẹ thở dài. Hai đứa em tôi không để ý đến những hành động đó. Trong bữa cơm, thường có một bát mắm tôm đồng, hoặc sang hơn có thêm bát sườn lợn được mẹ bằm thật nhỏ và kho thật mặn. Một nồi canh rau tập tàng. Chỉ đơn sơ vậy thôi, là anh em tôi thấy ngon biết mấy.

            Những mùa giáp hạt, vai mẹ lại gầy đi vì những đêm thức trắng, trằn trọc với biết bao lo lắng. Tóc bố ngày một thêm bạc như thể có khói thuốc trên đầu. Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi tóc bạc của bố, lớn lên trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn. Bây giờ ngồi ôn lại những kỷ niệm, ôn lại những mùa giáp hạt, trong lòng không khỏi cảm thấy rưng rưng.”

(Nguyễn Trung Thành, Báo Giáo dục và thời đại số 100, ra ngày 26/4/2018)

a. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì? (0,5 điểm).

b. Đặt nhan đề cho văn bản trên. (0,5 điểm).

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ nổi bật trong những câu văn sau: “Anh em tôi cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn lên trên những sợi tóc bạc của bố, lớn lên trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn”. (1,0 điểm).

d. “Trong bữa cơm, thường có một bát mắm tôm đồng, hoặc sang hơn có thêm bát sườn lợn được mẹ bằm thật nhỏ và kho thật mặn. Một nồi canh rau tập tàng. Chỉ đơn sơ vậy thôi, là anh em tôi thấy ngon biết mấy”. Trong đoạn văn trên tác giả nhắc đến những món ăn nào? Tại sao những món ăn ấy lại được cảm nhận là: anh em tôi thấy ngon biết mấy. (1,0 điểm).

đ. Qua đoạn văn, tác giả thể hiện được tình cảm gì với gia đình. (1,0 điểm).

II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN (14,0 điểm):

Câu 1 (4,0 điểm): Từ ngữ liệu phần Đọc – hiểu trên, viết đoạn văn khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau của G.Welles: “Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ”.

Câu 2 (10 điểm): Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới về những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi”.

(Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Văn học, 1998)

Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ Nói với con của Y Phương. Liên hệ với truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao để chỉ ra cách nhìn mới và tình cảm mới của hai văn bản.

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

CÂU

NỘI DUNG

ĐIỂM

I.                  PHẦN ĐỌC HIỂU

6.0

1

a. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là Tự sự

0,5

b. Nhan đề văn bản: Thương nhớ mùa giáp hạt, Kỷ niệm không quên; Bữa cơm mùa giáp hạt,…

0,5

c. Biện pháp tu từ nổi bật: điệp ngữ “lớn lên”

– Tác dụng: nhấn mạnh cội nguồn nuôi dưỡng. Đó là sự hy sinh của cha mẹ, là những vất vả tảo tần bố mẹ đã gánh chịu để đem đến cho con những ấm no dù đã vào mùa giáp hạt. Không chỉ nuôi dưỡng về thể xác, “anh em tôi” còn được nuôi dưỡng về tâm hồn, được sống trong tình yêu thương đùm bọc của gia đình. Tất cả đã trở thành kỷ niệm không thể quên.

0,25

0,75

 

 

d. Những món ăn được tác giả nhắc đến là: mắm tôm đồng, sườn lợn kho mặn, canh rau tập tàng.

– Những món ăn ấy được anh em tôi thấy ngon biết mấy vì:

+ Những món ăn đạm bạc, đơn sơ luôn được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo, sự vun vén tảo tần của mẹ;

+ Chứa đựng tình yêu thương và mong muốn con ăn ngon miệng;

+ Chan chứa không khí gia đình đầm ấm sum họp;

+ Những món ăn được tái hiện qua kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo.

0,25

 

0,75

 

 

 

đ. Tác giả thể hiện tình cảm với gia đình: sự biết ơn với cha mẹ, tình cảm anh em, nỗi niềm thương nhớ gia đình sâu sắc qua những hồi tưởng về những gian khổ thời thơ ấu.

1,0

II.               PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN

14.0

Câu 1

 

4.0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ: Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một tư tưởng đạo lí: Thành công lớn cũng có thể trở thành trở ngại, rào cản đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, nghị lực thì mới vượt qua.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể:

* Mở đoạn: Dẫn ý liên quan để nêu vấn đề cần nghị luận.

0,25

* Thân đoạn:

1. Giải thích:

Thử thách: những khó khăn, cản trở do cuộc sống, công việc đặt ra trên con đường tìm kiếm thành công.

Thành công rực rỡ: thành công lớn đem lại cả tiếng vang và lợi ích, đáng để tự hào và kiêu hãnh.

=> Thành công lớn cũng có thể trở thành trở ngại, rào cản đòi hỏi con người phải có bản lĩnh, nghị lực thì mới vượt qua.

0,25

2. Phân tích, chứng minh:

Thành công rực rỡ là thử thách lớn vì:

+ Đạt được thành công, con người thường có tâm lí dễ thỏa mãn, tự đắc, kiêu ngạo.

+ Đạt được thành công, con người thường ảo tưởng về khả năng của mình.

+ Khi ấy, thành công sẽ trở thành vật cản và triệt tiêu động lực phấn đấu của bản thân trên hành trình tiếp theo. (dẫn chứng)

Thành công sẽ trở thành động lực cho mỗi người khi:

+ Con người có bản lĩnh, có tầm nhìn xa và tỉnh táo trước kết quả đã đạt được để nhận thức để nhìn rõ cơ sở dẫn đến thành công, nhìn rõ các mối quan hệ trong đời sống.

+ Đặt ra mục tiêu mới, lên kế hoạch hành động để không lãng phí thời gian và nhanh chóng thoát ra khỏi hào quang của thành công trước đó.

+ Mở rộng tầm nhìn để nhận ra thành công của mình dù rực rỡ cũng không phải là duy nhất, quan trọng nhất.

1,5

3. Bàn luận mở rộng:

– Phê phán thái độ chủ quan, kiêu căng, tự mãn trước thành công.

– Liên hệ: những trải nghiệm của chính bản thân.

0,5

4. Bài học nhận thức và hành động phù hợp:

– Thành công hay thất bại chỉ là kết quả cụ thể của một quá trình cụ thể, nó có thể xảy ra với bất kì ai, bất kì lúc nào nên cần coi nó là điều bình thường.

– Điều quan trọng nhất không phải là thành công hay thất bại mà là thái độ và cách ứng xử của con người trước những thành bại của đời mình.

0,75

* Kết đoạn: Khẳng định vấn đề, liên hệ bản thân.

0,25

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2

 

10.0

 

– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học:

+ Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận;

+ Thân bài: Triển khai được vấn đề nghị luận;

+ Kết bài: Khái quát được vấn đề

0.5

 

– Xác định đúng vấn đề nghị luận.

0.5

– Có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:

 

1. Giải thích ý kiến của Nguyễn Đình Thi:

– “Cách nhìn nhận mới” (còn gọi là cái nhìn): chỉ thái độ, lập trường của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống. Cái nhìn mới mẻ, độc đáo luôn được coi là dấu hiệu bản chất nhất của phong cách nghệ thuật.

– “Tình cảm mới” là những cảm xúc mãnh liệt, được thể hiện theo một cách riêng của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác.

=> Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh: Chỉ khi có những khám phá và thể hiện mới mẻ về con người, cuộc đời của nhà văn mới tạo nên tác phẩm lớn, làm phong phú thêm cho nền văn học và tác phẩm mới tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả.

0.5

2. Phân tích, chứng minh qua bài thơ Nói với con:

– Giới thiệu qua tác giả và tác phẩm: Nhà thơ Y Phương là một nhà thơ đặc trưng cho người dân tộc, thơ ông là tiếng nói được phát từ sâu thẳm trái tim, vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

– Bài thơ “Nói với con” là một tác phẩm hay của Y Phương nói lên tình cảm thiêng liêng giữa cha và con. Một thứ tình cảm cao quý đáng nâng niu trân trọng.

– Bài thơ giống như lời chia sẻ, trò chuyện của một người đi trước với người đi sau, của một người cha dành cho đứa con máu mủ của mình, những kỷ niệm khó quên.

+ Ngay từ những câu đầu tiên, lời thơ đã giống như một lời tự sự:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

+ Một đứa trẻ khi ngày từ khi được hình thành lên từ trong bụng mẹ đã mang rất nhiều tâm sự, yêu thương, bao bọc của những người thân yêu, của cha mẹ.

+ Hình ảnh một em bé chập chững biết đi những bước chân đầu tiên trên đường đời luôn được sự cổ vũ động viên từ những người thương yêu chính là cha mẹ.

+ Trong những câu thơ tiếp theo tác giả lại gieo vào lòng người đọc những tình cảm thân thuộc, tình cảm đồng bào, tình làng nghĩa xóm đầy quý mến, trân trọng.

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

+ Trong những câu thơ này tác giả đã kể về những kỷ niệm, những cánh rừng đầy hoa, những con đường thân thuộc gần gũi, giản dị, nhưng sâu sắc chứa đựng biết bao tình nghĩa

+ Tác giả muốn qua những câu thơ này để gợi nhớ cho con phải biết yêu thương xóm làng, yêu thương những con người gắn bó với mình, những người tuy không cùng chúng dòng máu nhưng lại thân thiết hơn cả ruột thịt.

“Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

+ Tình cảm người cha muốn gửi tới con dù cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng những con người nơi đây luôn tràn đầy nhiệt huyết. Tác giả Y Phương muốn nhắn nhủ tới con mình về những chặng đường phía trước.

“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

Những câu thơ đầy tình nghĩa tác giả răn dậy con mình không được quên gốc rễ nguồn cội.

“Người đồng mình thô sơ da thịt

Chằng mấy ai nhỏ bé đâu con”

Trong hai câu thơ này tác giả muốn truyền cho người con của mình có thêm lòng tin sức mạnh vào cuộc sống.

– Mở rộng: Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rất nhiều người đồng bào dân tộc chính là nơi nuôi quân, chiến đấu vô cùng anh dũng.

– Bài thơ “Nói với con” là một bài thơ mang những lời tâm sự, chia sẻ, gửi gắm của một người cha tới người con yêu thương của mình. Những lời dạy sâu sắc về tình nghĩa, tình người, về ý chí trên đường đời. Bài thơ nhẹ nhàng, chân thật, như chính nỗi lòng của tác giả đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó phai.

5,0

3. Liên hệ với truyện ngắn Lão Hạc:

– Nhân vật lão Hạc trong Lão Hạc là người có tình yêu thương con sâu sắc:

+ Trước tình cảnh và nỗi đau của con, lão luôn là người thấu hiểu, tìm cách chia sẻ, tìm lời lẽ an ủi, giảng giải cho con hiểu, …

+ Những ngày sống xa con, lão không nguôi nỗi nhớ thương, niềm mong mỏi tin con từ cuối phương trời. Mặc dù anh con trai đi biền biệt năm, sáu năm trời nhưng mọi kỉ niệm về con vẫn luôn thường trực trong lão. Trong câu chuyện với ông giáo, lão không quên nhắc tới đứa con trai của mình.

– Tình cảm của người cha đối với con trong truyện ngắn Lão Hạc thể hiện sự bế tác của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

1,0

4. Điểm chung và điểm riêng:

– Điểm chung: Cả hai văn bản Nói với con và Lão Hạc đều có những nét chung về nội dung tư tưởng. Hai tác phẩm đều viết về tình yêu thương sâu sắc của người cha đối với con.

– Điểm riêng: Hai tác phẩm viết về tình cha con trong hai thời kì lịch sử khác nhau:

+ Lão Hạc là truyện ngắn hiện thực trước Cách mạng tháng Tám, viết về người nông dân nghèo khổ, bế tắc, yêu thương con nhưng đành chấp nhận sự thực phũ phàng phải sống xa con, phải hi sinh để con có cuộc sống tốt đẹp hơn.

+ Nói với con viết về tình yêu thương con của một người cha dân tộc thiểu số có nhận thức mới mẻ, trong thời kì đất nước hòa bình, có nhiều đổi mới. Tình yêu thương con gắn liền với niềm tự hào về cội nguồn gia đình, quê hương, mong ước cho con tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình.

0,75

5. Đánh giá, mở rộng, nâng cao:

– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học lớn; giúp người nghệ sĩ hiểu được vai trò, sứ mệnh của họ trên con đường nghệ thuật.

– Qua ý kiến của Nguyễn Đình Thi, người đọc hiểu sâu sắc hơn về tình cảm của người cha trong bài thơ Nói với con và truyện ngắn Lão Hạc; khơi dậy và bồi đắp thêm cho người đọc những tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống: tình yêu thương con, tình cảm gia đình, tình cảm cội nguồn và tình yêu quê hương, xứ sở.

0,75

– Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng, suy nghĩ mới mẻ, phù hợp với vấn đề nghị luận.

0,5

– Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn xác chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,5

>> Xem thêm: Phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính để sáng tỏ ý kiến

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận