Bức tranh Việt Bắc tái hiện trong nỗi nhớ của nhà thơ – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu:

 

“Nhớ gì như nhớ người yêu

… … … … … … …

Chày đêm nện cối đều đều suối xa… ”

 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề: 

  • Nội dung: Phân tích đoạn trích để thấy rõ: Trong hoài niệm của nhà thơ, Việt Bắc tiếp tục được tái hiện nỗi nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những ngày sống và hoạt động ở Việt Bắc biết bao gian khó nhưng thật nghĩa tình và thơ mộng.

Đoạn thơ dài, cần xác lập ý theo sự phát triển cảm xúc của nhà thơ. Cụ thể như sau:

+ Nhớ thiên nhiên thanh bình, yên ả và thơ mộng.

+ Nhớ con người Việt Bắc nghèo nhưng nghĩa tình sâu nặng.

+ Nhớ cuộc sống của đồng bào và cán bộ chiến sĩ đầy khó khăn gian khổ nhưng tinh thần rất lạc quan, yêu đời, gắn bó bên nhau.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn thơ.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Giới thiệu tác giả tác phẩm (xem gợi ý đề 7)
  • Giới thiệu đoạn trích: Đoạn được phân tích trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Trong hoài niệm của nhà thơ, Việt Bắc tiếp tục được tái hiện nỗi nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những ngày sống và hoạt động ở Việt Bắc biết bao gian khó nhưng thật nghĩa tình và thơ mộng.

Thân bài

  • Trong cuộc đời, có mảnh đất nào ta đã đi qua, đã từng gắn bó mà khi ra đi lại không để thương để nhớ cho lòng người? Trong hoài niệm của nhà thơ, Việt Bắc không chỉ là những ngày mưa rừng sương núi mà còn là một vùng đất thơ mộng, thanh bình, yên ả gợi bao nỗi nhớ niềm thương:

“Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy…

  • Tố Hữu diễn tả nỗi nhớ về Việt Bắc như nhớ người yêu: Nhớ gì như nhớ người yêu… ”, tình yêu là nỗi nhớ, nhất là phải xa nhau thì nỗi nhớ càng cồn cào, da diết khôn nguôi. Dường như nỗi nhớ của ngươi cách mạng với đồng bào, với thiên nhiên Việt Bắc có lẽ cũng không kém phần tha thiết như thế. Vì vậy, cảnh và người phút chốc lại trở về vơi đầy trong tâm trí người đi.
  • Nhớ những đêm trăng sáng yên ả, thanh bình, những buổi chiều nắng trải vàng ấm áp trên nương. Nhớ cảnh núi đèo, bản làng chìm trong sương khói, cảnh bếp lửa bập bùng trong mỗi đêm đông và hình ảnh con người thân thương, tảo tần đi về hôm sớm. Nhớ cảnh rừng nứa bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy… hoà trong âm thanh của núi rừng “tiếng mõ rừng chiều”, “chày đêm nện cối đều đều suối xa”... ở đoạn này, bức tranh thiên nhiên Việt Bắc không còn ảm đạm “những mây cùng mù” mà rộn ràng, ấm áp, tươi vui. Hình ảnh, âm thanh quyện hòa trong từng nét vẽ.

=> Thiên nhiên, cuộc sống hiện lên vừa thực vừa mộng, vừa đơn sơ vừa thi vị, gợi rõ nét riêng biệt, độc đáo của Việt Bắc, khác hẳn với bao miền quê đất Việt. Chỉ có những người đã từng sống, gắn bó máu thịt với Việt Bắc mới có cái nhìn toàn diện, có nỗi nhố da diết và cảm nhận sâu sắc, thấm thía đến như thế:

 

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

                                               (Chế Lan Viên)

 
  • Nhớ con người Việt Bắc nghèo nhưng nghĩa tình sâu nặng:
 

“Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”

 

“Ta – mình” tuy hai mà một, là sự phân đôi của “cái tôi” trữ tình khi chuyển hoá khi hoà nhập, tất cả đều diễn tả cảm xúc nhớ thương của người ra đi đối với người ở lại. Những người cùng gánh trên vai mối thù đế quốc, đắng cay, ngọt bùi, bát cơm, manh áo chia sẻ có nhau. Cuộc sống những ngày ấy tình quân dân như cá với nước, thân tình như trong đại gia đình dân tộc. Đặc biệt Tố Hữu không thể quên hình ảnh những người mẹ:

 

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”

 

Hình ảnh những bà mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó cõng con, cõng cả nắng trời cháy lưng trên rẫy bẻ từng bắp ngô, nuôi giấu cán bộ cứ trở đi trở lại trong nhiều thi phẩm của nhà thơ. Mẹ là một nhân vật lịch sử góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của dân tộc.

  • Cuộc sống của đồng bào và cán bộ chiến sĩ ở Việt Bắc đầy khó khăn gian khổ nhưng tinh thần lại rất lạc quan, yêu đời, gắn bó bên nhau:

“Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”

Lạc quan là truyền thống tinh thần cửa dân tộc Việt Nam dù khó khăn gian khổ, dù ngay cả khi cận kề cái chết, người Việt Nam không cho phép mình gục ngã. Ở đây các chiến sĩ, đồng bào dù còn nhiều thiếu thốn, còn phải đánh giặc ngoại xâm nhưng không thể không đánh cả giặc dốt. Vì vậy các lớp bình dân học vụ vẫn được mọc lên cùng tiếng hát yêu đời, vẫn bay cao vang xa vắt vẻo núi đồi…

Kết bài

Vẫn phong cách trữ tình đầy xúc cảm của cái tôi thi sĩ, vẫn thể thơ lục bát giàu nhạc điệu và đậm sắc màu dân tộc, kết hợp với cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh giàu chất gợi cảm, nhà thơ đã gợi ra trước mắt người đọc bức tranh thiên nhiên, con người, cuộc sống Việt Bắc vừa thực vừa thi vị, thơ mộng. Diễn tả hoài niệm da diết, đằm sâu trong tâm hồn thi sĩ cũng như trong bao người kháng chiến buổi chia tay…

» Xem thêm : Bình giảng vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, con người Việt Bắc tại đây.

 

 

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận