Bình giảng vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, con người Việt Bắc – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết:

Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu:

 

“Ta về, mình có nhớ ta

… … … … … … …

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung ”

 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề: 

  • Nội dung: Bình giảng đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, con người Việt Bắc. Đây là đoạn được đánh giá là đẹp nhất về Việt Bắc trong nỗi nhớ của nhà thơ.

Đoạn thơ có mười câu, có thể bình giảng theo nhiều cách nhưng phải làm nổi bật được các ý sau:

+ Nhớ cảnh qua các câu sáu.

+ Nhớ người qua các câu tám.

+ Nét đặc sắc về phong cách nghệ thuật.

  • Phương pháp lập luận: Bình giảng kết hợp với phân tích, chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn trong đoạn thơ, có thể viện dẫn một số tư liệu thơ khác để so sánh cho bài viết thêm sinh động.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm (tham khảo đề 7)
  • Giới thiệu đoạn trích: Đoạn thơ bình được trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Đây là đoạn được đánh giá như một bức tranh đẹp nhất về Việt Bắc trong nỗi nhớ của nhà thơ, là sự hoà quyện thắm thiết giữa cảnh và người, là ấn tượng không thể phai mờ về con người Việt Bắc cần cù lao động, thuỷ chung tình nghĩa:

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hoà bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Thân bài

  • Nhớ về Việt Bắc, nhà thơ không chỉ nhớ về một Việt Bắc trong gian khó đã cưu mang, nuôi dưỡng, che chở cán bộ, chiến sĩ. Việt Bắc còn là một vùng đất thơ mộng. Đoạn thơ như bức tranh tươi sáng về cảnh và người quyện hoà thắm thiết.
  • Kết cấu đoạn thơ vẫn tiếp tục theo hình thức đối đáp của hai nhân vật trữ tình ‘‘ta – mình” tưởng như rất riêng nhưng lại là vấn đề lớn – vấn đề đạo lí của dân tộc.
  • Sử dụng hai từ “ta – mình” là thủ pháp độc đáo, tài hoa của nhà thơ. Đó là sự phân đôi và thống nhất của chủ thể trữ tình.
  • Mở đầu đoạn thơ là câu hỏi của người ra đi với người ở lại: “Mình về, mình có nhớ ta”, không đợi câu trả lời, người ra đi tiếp nối luôn: “Ta về ta nhớ những hoa cùng người”.

+ Nhớ hoa, nhớ người chẳng qua chỉ là cách nói của người ra đi về nỗi nhớ cảnh, nhớ người Việt Bắc.

+ Cảnh – người hoà quyện qua mỗi cặp câu. Câu sáu dùng cho nhớ cảnh, câu tám dùng cho nhớ người, cảnh và người đan cài nhưng trong mỗi cặp lại có đặc điểm và sắc thái riêng. Trước hết, cảnh trong các câu sau:

 
  • Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
  • Ngày xuân mơ nở trắng rừng
  • Ve kêu rừng phách đổ vàng
  • Rừng thu trăng rọi hòa bình
 

=> Thiên nhiên Việt Bắc hiện ra như một bức tranh thơ mộng, độc đáo có đủ bốn mùa xuân – hạ – thu – đông. Mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.

  • Mùa đông hoa chuối đỏ tươi nổi bật trên nền thảm, xanh bát ngát của núi rừng…
  • Mùa xuân phủ trắng không gian bao la một màu trắng hoa mơ…
  • Mùa hạ tiếng ve râm ran rừng núi tưởng như tiếng ve làm hực lên sắc nắng, sắc vàng của rừng phách, cảnh rực rỡ khác thường, câu thơ có sự liên tưởng lạ lùng… Cách diễn tả cũng thật độc đáo, nửa hư nửa thực, gợi vẻ đẹp rất riêng của Việt Bắc. Nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng có câu thơ tài hoa như thê khi tả bình minh lên qua phép ảo hóa của tiếng chim: “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng’’. Người nghe tiếng ve kêu mà ngỡ tiếng ve làm đổ vàng cả rừng phách. Người nghe tiếng chim kêu mà ngỡ tiếng chim làm bừng sáng cả không gian núi rừng. Những câu thơ như thế thật là tuyệt bút.
  • Cuối cùng là mùa thu – mùa thu của năm đầu tiên miền Bắc giành được độc lập dường như trăng cũng sáng, đẹp, êm dịu hơn trong cuộc sống hoà bình…

=> Bức tranh thiên nhiên thật đặc biệt, không chỉ trải rộng bốn mùa mà còn có cả ngày và đêm, trăng và hoa, màu sắc và âm thanh sống động. Có người đã đánh giá: thiên nhiên Việt Bắc trong đoạn thơ hiện ra như bức tranh tứ bình của hội hoạ phương Đông. Mùa nào cũng đẹp cũng đáng yêu. Mỗi mùa là một bức tranh cổ điển mà rất hiện đại.

  • Từ cổ chí kim, trong bức tranh thơ, thiên nhiên bao giờ cũng là phông cảnh mà con người là tâm điểm. Nếu câu sáu là nền thì câu tám làm nổi bật lên hình ảnh con người cần cù lao động.
 
  • Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng…
  • Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang…
  • Nhớ cô em gái hái măng một mình
  • Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung
 

Con người Việt Bắc không chỉ cần cù, chất phác mà điểm nhấn của nhà thơ là hình ảnh con người “ân tình thuỷ chung”, có ân tình ân nghĩa mới chung một mối thù nặng vai, “Thương nhau chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Tấm lòng thuỷ chung son sắt của đồng bào với cách mạng, kháng chiến, với Đảng và Bác Hồ luôn là điều đáng nhớ, đáng trân trọng, khắc ghi nhất.

=> Cảnh, người hiện ra rất thực, rất đặc trưng, thiên nhiên và con người hoà quyện, tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh thiên nhiên bớt hoang vu, hiu quạnh mà trở nên gần gũi, ấm áp. Đặc biệt trong nỗi nhớ của người ra đi, sâu sắc nhất, đậm đà nhất là kỉ niệm về con người Việt Bắc cần cù, thương khó, thuỷ chung, nghĩa tình. Đó là nỗi nhớ tri ân mang tính nhân văn cao cả.

  • Về nghệ thuật, đoạn thơ thể hiện rất rõ phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình sâu lắng, tha thiết, ân tình và đậm đà tính dân tộc.

+ Thể thơ lục bát quen thuộc vừa dân dã vừa cổ điển vừa hiện đại.

+ Nhịp điệu cân đối, cô đúc, ngân nga dìu dặt, vừa thắt buộc lại mới mẻ lạ lùng.

+ Sử dụng các đại từ “ta – mình” vừa truyền thống vừa hiện đại.

+ Đặc biệt từ “nhớ” được điệp lại nhiều lần, mỗi lần mang sắc thái khác nhau theo cấp độ tăng tiến, thể hiện những rung động chân thật, mặn mà, thắm thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên, con người Việt Bắc.

Kết bài

Đoạn thơ nằm trong tổng thể chung của bài thơ lại vừa có tính độc lập tương đối, mang âm hưởng trữ tình vang vọng khúc ca ngọt ngào, đằm thắm của tình đồng chí, đồng bào; của tình yêu quê hương, đất nước, con người. Nó không chỉ là cảm xúc riêng của nhà thơ mà còn là cảm xúc chung của bao người. Đó là đạo lí truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

» Xem thêm : Cảm hứng sử thi và lãng mạn của cái tôi thi sĩ trong “Việt Bắc” tại đây.

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận