Bài tập chuyên đề Các phép tu từ – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

CÁC PHÉP TU TỪ

II – BÀI TẬP CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO

          1. Tìm các hiện tượng chơi chữ trong các phần trích sau và cho biết chúng thuộc về lối chơi chữ nào.

          a) Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn.

          b) Trên trời rơi xuống mà lại mau co.

          c) Bò lang chạy vào làng Bo.

          d) “Leo thang” tất phải theo lang.

          2. Tìm các hiện tượng chơi chữ trong các phần trích sau và cho biết chúng thuộc về lối chơi chữ nào.

          a) Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.

          b) Thợ ruộm khóc chồng :

          Thiếp kể từ khi lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại, điều khôn nhờ bố đỏ.

          Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

(Nguyễn Khuyên)

          3. Tìm điệp ngữ trong những phần trích sau đây và chỉ ra các điệp ngữ đó thuộc loại nào.

a)

Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

(Ca dao)

 

b)

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?

(Đoàn Thị Điểm (?))

 

c)

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

(Ca dao)

 

          4. Tìm và phân tích giá trị diễn đạt của các điệp ngữ trong các phần trích sau :

          a) Bác là người Ông, Bác là người Cha. Bác là nhà thơ. Bác là nhà triết học. Hoà bình ta có thể vẽ Bác buông cần câu trên một dòng suối thời gian. Nhưng bây giờ dựng tượng Người, ta sẽ dựng tượng Hồ Chí Minh. Người du kích Hồ Chí Minh. Vị tướng Hồ Chí Minh. Vị tư lệnh. Người chỉ huy…

(Chế Lan Viên)

b)

Bánh xe quay trong gió bánh xe quay

Cuốn hồn ta như tỉnh như say

Như lịch sử chạy nhanh trên đường thép.

(Tố Hữu)

 

c)

Sáo kêu vi vút trên không

Sáo kêu dìu đặt bên lòng hồng quân

Sáo kêu ríu rít xa gần

Sáo kêu giục giã bước chân quân hành.

(Tố Hữu)

 

          5. Tìm hiện tượng liệt kê trong các phần trích sau :

a) Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía.

(Thạch Lam)

b) Vườn bách thảo vẫn có đủ cò, hạc, bồ nông, đường nga, đại bàng, voi, vượn, khỉ, chồn, cáo, nai, hươu, hổ, báo, gấu, sư tử.

(Nguyễn Tuân)

c) Tình yêu của Tố Hữu dịu dàng đầm ấm, chan chứa kính mến, và đượm cả xót thương, có đôi khỉ đến bùi ngùi.

(Nguyễn Đình Thi)

          6. Hãy chỉ ra hiện tượng liệt kê trong các câu dưới đây. Nhận xét về quan hệ cường độ giữa các từ ngữ trong các chuỗi liệt kê đó.

          a) Thằng bé con anh Chẩn ho rũ rượi, ho như xé phổi, ho không còn khóc được nữa.

(Nam Cao)

          b) Chao ôi / Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt.

(Nam Cao)

          c) Tồi tệ đến thế là cùng. Đối đáp bốp chát, ăn miếng trả miếng, chửi vỡ mặt nhau, đanh đá hàng tôm hàng cá, thơn thớt dựng chuyện vu khống đê tiện một cách nanh ác, trơ tráo như thế này thì thật không còn gì để đáng nói nữa.

(Ma Văn Kháng)

          d) Lí thuyết cách mạng, văn học cách mạng có hiệu lực giác ngộ ; động viên, tổ chức quần chúng nhân dân, đưa quần chúng lên hàng ngũ cách mạng, cho quần chúng một tinh thần, một tư tưởng, kêu gọi quần chúng đứng dậy làm cách mạng, đánh đổ bọn áp bức bóc lột, phá bỏ quan hệ sản xuất của chúng, giải phóng sức sản xuất và lập nên xã hội mới, thích hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mình.

(Trường Chinh)

          7. Sưu tầm một số đoạn, bài thơ, văn có hiện tượng liệt kê.

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận