Tuần 28 – Chủ đề Thể Thao – Để học tốt Tiếng Việt 3

Đang tải...

Tuần 28. Chủ đề Thể thao. Tiếng Việt 3

+ Tập đọc

CUỘC CHẠY ĐUA TRONG RỪNG 

1. Ngựa Con chuẩn bị dự hội thi ra sao ?

Trả lời : Để chuẩn bị dự hội thi chạy, Ngựa Con chuẩn bị cho mình bộ đồ nâu tuyệt đẹp với cái bờm dài được chải chuốt ra dáng một nhà vô địch.

2. Ngựa Cha khuyên con điều gì ?

Trả lời : Ngựa Cha khuyên con : cần phải đến bác thợ rèn để xem lại bộ móng, nó cần thiết hơn là lo sao có bộ đồ đẹp.

3. Vì sao Ngựa Con không đạt kết quả trong hội thi ?

Trả lời : Ngựa Con không đạt kết quả tốt trong hội thi vì cậu đã không nghe lời khuyên bảo của Ngựa Cha. Cậu cho là móng của mình rất chắc chắn, nên đã không đi tới bác thợ rèn. Giữa chừng cuộc đua, một chiếc móng đã rơi ra làm cậu phải bỏ cuộc.

4. Ngựa Con rút ra bài học gì ?

– Ngựa Con rút ra bài học rất quý giá : đừng báo giờ chủ quan, cho dù đó là việc nhỏ nhất.

Nội dung: Làm việc gì cũng phải cẩn thận, chu đáo. Nếu chủ quan thì sẽ thất bại.

+ Kể chuyện

KỂ CHUYỆN THEO TRANH

(bằng lời Ngựa Con)

Trước ngày các muông thú trong rừng tổ chức cuộc thi chạy, tôi đã tin chắc là mình sẽ giành được vòng nguyệt quế vì ở cánh rừng này ai là người có thể chạy giỏi hơn tôi ? Tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một bộ đồ nâu tuyệt đẹp, một chiếc bờm chải chuốt rất công phu. Ôi ! Chưa vào cuộc thi mà tôi đã có dáng vẻ của một nhà vô địch.

Thấy bộ dạng của tôi như vậy, cha tôi chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi :

– Con trai à, việc con cần làm hơn cả là phải đến bác thợ rèn nhờ bác xem lại bộ móng cho. Bộ đồ đẹp đâu có cần cho cuộc đua tài.

Tôi nghe cha nói mà không hài lòng. Tôi soi người xuống nước ngắm lại mình một lần nữa rồi ngúng nguẩy nói với cha tôi:

– Cha yên tâm đi. Móng của con rất chắc chắn. Con sẽ đạt giải nhất mà !

Cuộc thi đã đến. Sáng hôm ấy, mọi người đến đông nghẹt, nào là Hươu, Nai, Thỏ Trắng, Thỏ Xám, Hổ, Sư Tử, Lợn Rừng, Mèo Rừng và cả các chú chim rừng như Công, Quạ, Chim Gõ Kiến,… chẳng thiếu một ai.

Khi tiếng hô “Bắt đầu !” vang lên, các vận động viên rào rào tung mình về phía trước. Tôi chạy dẫn đầu đã hai vòng và thấy rất sung sức. Bỗng tôi chợt có cảm giác vương vướng ở chân, rồi tôi giật mình thấy một cái móng bị sút ra. Gai nhọn và cát sỏi đâm vào chỗ chân vừa sút móng làm tôi đau điếng. Tôi tập tễnh chạy thêm mươi bước rồi đành dừng lại bỏ cuộc. Tôi tự giận mình và đã đứng khóc. Vì không nghe lời khuyên bảo hết sức đúng đắn của cha tôi nên tôi đã thất bại.

Từ lần thất bại ấy, tôi đã có thêm được một bài học vô cùng quý giá : đừng bao giờ chủ quan, dù là việc nhỏ nhất.

+ Chính tả

1. Nghe – Viết : Cuộc chạy đua trong rừng

2. a) Điền l hay n ?

Một thiếu niên ghì cương ngựa trước cửa hàng cơm. Chàng nai nịt gọn gàng, đầu đội mũ đen, cổ quấn một cái khăn lụa trắng thắt lỏng, mối bỏ rủ sau lưng. Con ngựa của chàng sắc nâu sẫm, dáng nhỏ thon. Trời lạnh buốt căm căm mà mình nỏ ướt đẫm mồ hôi, đủ đoán biết chủ nó từ xa lại.

b) Đặt dấu hỏi hay dấu ngã ?

Hạng A Cháng đẹp người thật. Mười tám tuổi, ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân rắn như trắc gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng.

Nhưng phải nhìn A Cháng cày ruộng mới thấy hết vẻ đẹp của anh. Trông anh hùng dũng như một hiệp sĩ đeo cung ra trận.

+ Tập đọc

CÙNG VUI CHƠI

1. Bài thơ tả hoạt động gì của học sinh ?

Trả lời : Bài thơ tả học sinh cùng chơi đá cầu.

2. Học sinh chơi vui và khéo léo ra sao ?

Trả lời : Học sinh chơi rất vui nên trong sân chơi có “tiếng cười xen tiếng hét” và họ chơi rất khéo léo :

Quả cầu giấy xanh xanh

Qua chân tôi, chân anh

Bay lên rồi lộn xuống

Đi từng vòng quanh quanh

Anh nhìn cho tinh mắt

Tôi đá thật dẻo chân

Cho cầu bay trên sân

Đừng để rơi xuống đất

Với những bàn chân dẻo, họ đá liên tục làm cho quả cầu bay vòng quanh sân, từ chân này sang chân khác, không bị rơi xuống đất.

3. Vì sao nói “Chơi vui, học càng vui” ?

Trả lời : Nói chơi vui, học càng vui vì trò chơi giúp cho học sinh thêm nhanh nhẹn, khéo léo, làm tăng cường sức khoẻ và tinh thần thêm thoải mái. Chính nhờ vậy mà khi vào học họ càng phấn khởi, hăng say làm việc, học tập hơn.

Nội dung: Các bạn học sinh chơi đá cầu trong giờ ra chơi rất vui. Trò chơi giúp các bạn tinh mắt, dẻo chân, khỏe người. Bài thơ khuyên học sinh chăm chơi thể thao để có sức khỏe, để vui chơi và học tốt hơn.

+ Luyện từ và câu

1. Trong các câu thơ sau, cây cối và sự vật tự xưng là gì ? Cách xưng hô ấy có tác dụng gì ?

a) Tôi là bèo lục bình                             

Bứt khỏi sình đi dạo                                      

Dong mây trắng làm buồm                       

Mượn trăng non làm giáo                         

b) Tớ là chiếc xe lu

Người tớ to lù lù

Con đường nào mới đắp

Tớ làm bằng tăm tắp

Trả lời : Bèo lục bình tự xưng là tôi, xe lu tự xưng là tớ làm cho ta cảm thấy đó là những người bạn thân đang cùng ta trò chuyện tâm tình.

2. Tìm bộ phận câu trả lời cho câu hỏi Để làm gì ? và gạch dưới các bộ phận đó.

a) Con phải đến bác thợ rèn để xem lại bộ móng.

b) Cả một vùng sông Hồng nô nức làm lễ, mở hội để tưởng nhớ ông.

c) Ngày mai, muông thú trong rừng mở hội thi chạy để chọn con vật nhanh nhất.

3. Chọn dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than để điền vào các ô trống ?

NHÌN BÀI CỦA BẠN

Phong đi học về [.] Thấy em rất vui, mẹ hỏi :

– Hôm nay có được điểm tốt à ?

– Vâng [!] Con được điểm 9 nhưng đó là nhờ con nhìn bạn Long [.]

Nếu không bắt chước bạn ấy thì chắc con không được điểm cao như thế.

Mẹ ngạc nhiên :

– Sao con nhìn bài của bạn [?]

– Nhưng thầy giáo có cấm nhìn bạn tập đâu [!] Chúng con thi thể dục ấy mà [!]

+ Tập đọc

TIN THỂ THAO

1. Tóm tắt mỗi tin bằng một câu ngắn.

– Tóm tắt :

  • Nguyễn Thuý Hiền, Việt Nam, đoạt Huy chương vàng môn trường quyền nữ tại Giải vô địch thế giới về võ thuật.
  • Chú Trâu Vàng, tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Thái Hung, được chọn làm biểu tượng của SEA GAMES 22 (2003).
  • Am-xtơ-rông lại đoạt giải vô địch Vòng đua nước Pháp.

2. Tâm gương của Am-xtơ-rông nói lên điều gì về các nhà thể thao ?

Trả lời : Tấm gương của Am-xtơ-rông nói lên tinh thần lạc quan và ý chí phấn đấu vươn lên vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để đạt tới đích vinh quang

3. Ngoài tin thể thao, báo chí còn cho ta biết các tin gì ?

Trả lời : Ngoài tin thể thao, báo chí còn cho ta biết nhiều tin về các mặt hoạt động của xã hội loài người : tin thời sự, tin tức về kinh tế, về xây dựng, về văn hoá giáo dục, về đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tin tức về thiên tai, về thời tiết, về thuốc men, về thực phẩm, về khoa học …

+ Chính tả

1. Nghe – Viết : Cùng vui chơi (trích)

2. Tìm các từ :

a) Chứa tiếng bắt đầu bằng l hay n, có nghĩa như sau :

– Môn bóng, người chơi dùng tay ném bóng vào khung thành đối phương : bóng ném

– Môn thể thao chinh phục độ cao : leo núi

– Môn thể thao dùng vợt đánh quả cầu cắm lông chim qua lưới : cầu lông

b) Chứa tiếng có thanh ngã hay thanh hỏi, có nghĩa như sau :

– Môn thể thao dùng tay ném bóng vào rổ đối phương : bóng rổ

– Môn thể thao nhảy qua xà ngang : nhảy cao

– Môn thể thao dùng tay chân hay côn kiếm thi đấu : võ thuật

+ Tập làm văn

1. Kể lại một trận thi đấu thể thao.

a) Đó là môn thể thao nào ?

– Đó là môn bóng đá.

b) Em tham gia hay chỉ đứng xem ?

– Em chỉ đứng xem.

c) Buổi thi đấu tổ chức ở đâu ? Tổ chức khi nào ?

– Buổi thi đấu được tổ chức ở sân đình vào chiều chủ nhật.

d) Em cùng xem với những ai ?

– Em cùng xem với nhiều bạn trong trường.

e) Buổi thi đấu diễn ra thế nào ?

– Buổi thi đấu diễn ra rất sôi nổi.

g) Kết quả thi đấu ra sao ?

– Kết quả thi đấu là đội bóng lớp em đã thắng.

2. Hãy viết lại một tin thể thao em mới đọc hoặc mới nghe :

– Tin thể thao : Vào hồi 15 giờ chiều ngày thứ bảy 1-5-2004, đội bóng đá nghiệp dư của cơ quan Công An tỉnh giao đấu với đội bóng đá của Quân khu bảy. Kết quả đội bóng của Quân khu bảy đã thắng 1-0. Hàng ngàn khán giả đã tới coi và cổ vũ cho cả hai đội.

Xem thêm Tuần 27 – Ôn tập giữa học kì II

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận