Tuần 16 – Chủ đề: Thành thị và Nông thôn – Để học tốt Tiếng Việt 3

Đang tải...

Tuần 16. Chủ đề Thành thị và Nông thôn

+ Tập đọc

ĐÔI BẠN

+ Trả lời câu hỏi

1. Thành và Mến kết bạn vào dịp nào ?

Trả lời: Thành và Mến kết bạn vào dịp giặc Mĩ ném bom bắn phá hoại miền Bắc, Thành phải sơ tán từ thành phố về quê Mến ở.

2. Mến thấy thị xã có gì mới lạ ?

Trả lời: Mến thấy thị xã có nhiều điều khác với nông thôn : ở đây có nhiều phố xá, nhà ngói san sát, cái cao cái thấp, xe cộ đi lại nườm nượp trên đường, ban đêm đèn điện sáng như sao sa.

3. Mến có hành động gì đáng khen ?

Trả lời: Mến có hành động đáng khen là đã không do dự, dũng cảm nhảy ngay xuống hồ nước cứu người sắp chết đuối.

4. Em hiểu câu nói của người bố là thế nào ?

Trả lời: Người bố, qua câu nói cuối chuyện này, đã tỏ lòng khâm phục, quý trọng và biết ơn những người nông thôn vì họ luôn tốt bụng, rộng lượng, thương người và sẵn sàng xả thân cứu giúp người khác.

5. Tìm các chi tiết nói lên tình cảm thuỷ chung của gia đình Thành đối với những người đã giúp đỡ mình.

Trả lời: Tình cảm thuỷ chung của gia đình Thành đối với những người đã giúp đỡ mình thể hiện ở chỗ bố Thành đã đón Mến ra thành phố chơi, Thành dẫn bạn đi chơi nhiều nơi đông vui trong thành phố.

Nội dung: Ca ngợi hành động dũng cảm cứu người của Mến. Nhờ sự xả thân cứu người của Mến nên em bé bị rơi dưới hồ nước đã thoát nạn. 

+ Kể chuyện

Dựa vào các điểm gợi ý, kể lại toàn bộ chuyện ĐÔI BẠN.

a) Đoạn 1: Trên đường phố.

Thành và Mến kết bạn với nhau từ hồi Thành rời thành phố sơ tán về nông thôn, quê của Mến để tránh sự ném bom phá hoại của giặc Mĩ. Lúc ấy hai bạn còn nhỏ xíu. Thế mà đã hai năm trôi qua. Hôm nay bố Thành đón Mến ra thành phố chơi. Thành dẫn bạn đi thăm phố phường đông vui khiến Mến thấy ngạc nhiên và thích thú.

b) Đoạn 2 : Trong công viên.

Khi vào công viên, hai bạn cùng chơi nhiều trò chơi như ngồi cầu trượt, lên đu quay… Mến say sưa ngắm cảnh mặt hồ rộng lớn lăn tăn gợn sóng. Hồ nước gợi hai bạn nhớ lại những kỉ niệm về vùng quê : hai bạn cùng ngồi thuyền thúng ra đầm hái hoa sen. Đang nói chuyện, chợt hai em nghe thấy tiếng kêu thất thanh : “Cứu với !”. Thành còn đương ngơ ngác xem có chuyện gì xảy ra thì Mến đã nhảy ùm xuống hồ nước cứu một cậu bé vừa rớt xuống hồ. Mến bơi nhanh và giỏi nên loáng cái đã dìu được cậu bé vào bờ.

c) Đoạn 3 : Lời của bố.

Về nhà, hai bạn giấu không dám kể bố nghe chuyện trên. Nhưng rồi một thời gian, khi Mến đã trở về quê, bố cũng biết chuyện. Bố trầm ngâm bảo Thành :

– Con ạ ! Người ở làng quê là như vậy đấy. Lúc chiến tranh, họ sẵn lòng sẻ nhà sẻ cửa cho ta. Khi cứu người, họ chẳng hề chần chừ ngần ngại.

+ Chính tả : Học sinh (nghe và viết)

+ Tập đọc

VỀ QUÊ NGOẠI

+ Trả lời câu hỏi

1. Bạn nhỏ ở đâu về thăm quê ?

Trả lời : Bạn nhỏ ở thành phố về quê thăm ngoại.

2. Quê ngoại bạn ở đâu ?

Trả lời : Quê ngoại bạn ở nông thôn.

3. Bạn thấy ở quê có gì lạ ?

Trả lời : Bạn thấy ở quê có nhiều điều khác lạ. Bạn gặp đầm sen nở hoa toả ngát hương thơm. Bạn gặp lại bà ngoại đã tám mươi tuổi. Bạn gặp gió, gặp con đường phơi rơm, gặp bóng tre mát rượi đường làng. Bạn gặp vầng trăng như lá thuyền trôi và đặc biệt là gặp bà con nông dân, những người làm ra lúa gạo. Tất cả đối với bạn ấy đều là khác lạ so với quang cảnh và con người thành phố.

4. Bạn nghĩ gì về những người làm ra hạt gạo ?

Trả lời : Bạn đã biết ăn cơm gạo từ lâu nhưng bây giờ mới gặp những người nông dân làm ra lúa gạo. Bạn thấy họ đi chân đất và rất thật thà. Bạn nhỏ thấy quý mến họ như thương mến bà ngoại của mình.

Nội dung: Bạn nhỏ về thăm quê ngoại, thấy yêu thêm cảnh đẹp ở quê, yêu thêm người nông dân đã làm ra thóc lúa.

+ Luyện từ và câu

1. Hãy kể tên :

a) Một số thành phố ở nước ta : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, cần Thơ, Hải Dương, Thanh Hoá, Nam Định, Vinh, Huế, Nha Trang, Biên Hoà, Mỹ Tho, …

b) Một vùng quê mà em biết : Vùng quê thuộc xã Tân Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

2. Hãy kể tên các sự vật và công việc :

a) Thường thấy ở thành phố:

Sự vật : đường phố, đèn đường, đèn giao thông ở các ngã tư, nhà cao tầng, công viên, rạp hát, rạp xiếc, bể bơi, siêu thị, các nhà hàng, khách sạn, các trụ sở cơ quan cấp tỉnh, các loại xe như xe buýt, xe tắc-xi, xe điện, …

Công việc : buôn bán, kinh doanh, sản xuất hàng tiêu dùng bằng máy móc, chế tạo ô tô, xe đạp, nghiên cứu khoa học, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể dục thể thao,…

b) Thường thấy ở nông thôn :

Sự vật : nhà xây, nhà lá, cày, bừa, cuốc, ruộng vườn, lưỡi hái, lưỡi liềm, cây mạ, cây lúa, cây ngô, cây khoai, cây đa, giếng nước, vườn cau, ao cá, quang gánh, máy xay xát, máy gặt đập, sông máng, cống ngăn,…

Công việc : cày, cấy, chăm bón lúa, gặt lúa, trồng ngô, trồng khoai, trồng đỗ, cắt rạ, phơi rơm, xay lúa, giã gạo, tát nước đắp bờ, chăn trâu, cắt cỗ, gánh gạo, …

3. Hãy chép lại đoạn văn và đặt dấu phẩy vào chỗ thích hợp :

Đoạn văn được chép lại: Nhân dân ta luôn ghi sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đồng bào Kinh hay Tày, Nùng hay Dao, Gia-rai hay Ê-đê, Xơ-đăng hay Ba-na và các dân tộc anh em khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sông chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.

+ Tập đọc 

BA ĐIỀU ƯỚC

Cung cấm : nơi vua ở, cấm không cho người ngoài tuỳ tiện ra vào.

+ Trả lời câu hỏi

1. Nêu ba điều ước của chàng thợ rèn ?

Trả lời : ba điều ước của chàng thợ rèn : ước thành vua, ước có thật nhiều tiền, ước bay được như mây.

2. Vì sao ba điều ước không mang lại hạnh phúc cho chàng ?

Trả lời : Ba điều ước không mang lại hạnh phúc cho chàng vì làm vua ăn không ngồi rồi mãi cũng chán, nhiều tiền của thì luôn bị bọn trộm cướp rình rập và đe doạ, bay như mây ngắm cảnh mãi cũng chẳng còn thích thú.

3. Cuối cùng, chàng hiểu điều gì đáng mơ ước ?

Trả lời : Cuối cùng chàng hiểu ra sống thì phải làm việc, tạo ra những vật phẩm có ích cho xã hội và luôn được mọi người chung quanh yêu thương kính trọng. Đó chính là điều mơ ước nhất. Nó sẽ mãi mãi đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người.

3. Nếu có ba điều ước em sẽ ước những gì ?

Trả lời : Các em tự suy nghĩ và nói ra những điều ước của mình nhưng phải biết ước ao những điều tốt đẹp, giúp ích nhiều cho đất nước.

Nội dung: con người chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều có ích, được mọi người quý trọng.

+ Chính tả

1. Nghe – Viết: VỀ QUÊ NGOẠI (10 dòng thơ đầu)

2. a) Điền vào chỗ trống ch hay tr ?

Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

b) Đặt dấu hỏi hay dấu ngã trên các chữ in đậm ? Giải câu đố :

Cái gì mà lưỡi bằng gang

Xới lên mặt đất những hàng thẳng băng

Giúp nhà có gạo để ăn

Siêng làm thì lưỡi sáng bằng mặt gương

  • Giải đáp : Đó là cái cày.

Thuở bé em có hai sừng

Đến tuổi nửa chừng mặt đẹp như hoa

Ngoài hai mươi tuổi đã già

Gần ba mươi tuổi lại mọc ra hai sừng

  • Giải đáp : Đó là vầng trăng ( đầu tháng trăng khuyết, hai đầu tựa như hai sừng, giữa tháng trăng vừa tròn vừa sáng, cuối tháng trăng khuyết lại như có hai sừng).

+ Tập làm văn

1. Nghe và kể lại chuyện KÉO CÂY LÚA LÊN

Bài làm

Gieo trồng là công việc nhà nông, họ phải chăm bón cây lúa để lúa tết, lúa đem lại mùa vàng bội thu, no ấm. Thế nhưng, cấy trồng và chăm sóc lúa không có kĩ thuật thì sẽ dẫn đến kết quả xấu. Chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện Kéo cây lúa lên. Chuyện thế này:

Có một chàng ngốc ra thăm đồng. Thấy ruộng nhà mình lúa xấu hơn ruộng bên, anh ta bèn lấy tay kéo cây lúa nhà mình lên cho cao hơn cây lúa nhà người, về nhà, anh ta khoe với vợ:

– Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.

Chị vợ ra đồng xem sao thì thấy lúa nhà mình đã héo rũ. Thật là một câu chuyện khôi hài về việc làm của chàng ngốc nọ.

2. Kể những điều em biết về nông thôn (hoặc thành thị) :

Bài làm

Quê hương em là vùng nông thôn yên bình và vô cùng tươi đẹp. Nơi ấy có cây đa, giếng nước đầu làng, có lũy tre ôm ấp xóm thôn. Đi khỏi làng một đỗi là cánh đồng lúa rộng mênh mông. Trong những ngày mùa, đồng lúa như tấm thảm khổng lồ màu vàng óng ánh. Đó đây từng tốp người hăng say gặt hái. Ai cũng phấn khởi trước những mùa vàng trù phú. Thóc vàng đậy ắp, những bao, những quang gánh kĩu kịt, thóc theo chân người nông dân về làng, về sân phơi. Đâu đâu cũng nghe mùi thơm rơm rạ, mùi hương lúa mới. Đàn trâu bò vui mừng vì chúng được hưởng phút an nhàn, được ăn rơm mới no nê. Đàn gà hớn hở ăn thóc, chúng no căng diều nên chẳng muốn đi bới đất tìm mồi. Lũ chó chạy lăng xăng theo chủ ra đồng ruộng. Tất cả đều vui mừng trước cảnh ruộng nông thôn yên bình và trù phú.

Xem thêm Tuần 15. Chủ đề Anh em một nhà. Tiếng Việt 3

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận