Từ Hán Việt – Phần Tiếng Việt – Tư liệu Ngữ Văn 7

Đang tải...

Từ Hán Việt

TỪ HÁN VIỆT

TÌM HIỂU KHÁI NIỆM

* Các từ ngữ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt (các từ Hán Việt)

Các từ ngữ tiếp nhận của tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là bộ phận chủ yếu trong các từ ngoại lai của tiếng Việt. Nó bao gồm:

– Những từ ngữ Hán Việt được tiếp nhận từ đời Đường và các triều đại tiếp theo cho đến ngày nay

Do có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp một cách lâu dài với tiếng Hán nên tiếng Việt đã tiếp nhận có hệ thống một khối lượng lớn các từ ngữ của tiếng Hán thuộc đủ mọi lĩnh vực hoạt động. Ví dụ :

– Chính trị : thượng đế, hoàng thượng, chế độ, triều đình, giám sát, trị vì, truy bức, áp chế, bá chủ, bá quyền, bá tước, cách mạng, dân chủ xã hội chủ nghĩa,…

– Kinh tế : công nghiệp, nông nghiệp, thương mại nội thương, ngoại thương, xuất khẩu, nhập khẩu, năng suất, thặng dư, giá trị thặng dư, lợi nhuận,…

– Văn hoá – giáo dục : khoa cử, văn chương, thất ngôn, bát cú, trạng nguyên, bảng nhãn, thủ khoa, cử nhân, tú tài, âm luật,…

– Quân sự : chiến trường, anh hùng, cảnh giới, xung phong, án ngữ, xung đột, đô đốc, chỉ huy, tác chiến,…

– Tư pháp : nguyên cáo, bị cáo, cáo trạng, trạng sư, xử tử, án sát, án từ, thẩm phán, truy tầm, áp giải, ân xá,…

– Y học : viêm nhiệt, thương hàn thời khí, chướng khí, thương tích, bệnh nhân, bệnh viện,…

Chúng ta không thể liệt kê hết tất cả những từ tiếp nhận kiểu này bởi vì chúng chiếm một tỉ lệ rất lớn trong từ vựng tiếng Việt nói chung.

Đối với các từ tiếp nhận kiểu này cần phân biệt hai loại nhỏ :

a) Những từ tiếng Việt trực tiếp tiếp nhận của tiếng Hán

Loại này chiếm tuyệt đại đa số các từ Hán Việt. Nghĩa của các từ Hán Việt loại này có quan hệ với nghĩa gốc của các từ Hán tương ứng. Ví dụ : anh là chúa của loài hoa, hùng là chúa của loài thú, cho nên anh hùng có nghĩa là người hào kiệt xuất chúng ; bá là kẻ xưng hùng, cầm đầu một nước, nên bá quyền có nghĩa là quyền lực mà một nước tự cho là mình có để đi thống trị nước khác. Bản thân các kết cấu anh hùng và bá quyền là của tiếng Hán được tiếng Việt tiếp nhận nhưng đọc theo âm Hán Việt.

b) Những từ tiếng Việt tiếp nhận của các ngôn ngữ khác thông qua tiếng Hán

Ví dụ : Câu lạc bộ do tiếng Hán dịch âm từ tiếng Anh club mà thành ; Mạc-tư-khoa là do tiếng Hán dịch âm từ tiếng Nga Moskva mà thành ; Mạnh Đức Tư Cưu là tên riêng, do tiếng Hán dịch âm chữ Pháp Montesquieu mà thành ; trường, hợp, kinh, nguyên là các chữ Hán được tiếng Nhật mượn, nhưng những kết hợp trường hợp, kinh tế với nghĩa như hiện nay đều là những cấu tạo của tiếng Nhật. Tiếng Hán tiếp nhận lại của tiếng Nhật, rồi truyền sang Việt Nam. Đối với các từ Hán Việt loại này không thể dùng nghĩa gốc của các từ Hán để giải thích nghĩa chung hiện nay của chúng.

2. Những từ ngữ Hán Việt được cấu tạo ở Việt Nam

Nhiều từ Hán Việt được tiếp nhận vào Việt Nam từ lâu, chúng đã trở thành một bộ phận hữu cơ của từ vựng tiếng Việt. Người Việt đã sử dụng những từ gốc Hán đó làm chất liệu để cấu tạo nên những đơn vị từ vựng mới theo cách của Việt Nam. cần phân biệt hai loại nhỏ :

a) Những đơn vị do các yếu tố gốc Hán tạo thành. Hãy so sánh :

TIẾNG VIỆT TIẾNG HÁN
náo động tao động
tiểu đoàn doanh
đại đội liên
thiếu tá thiếu hiệu

b) Nhưng đơn vị do các yếu tố gốc Hán và thuần Việt tạo thành. Ví dụ : binh lính, kẻ địch, tàu hoả, tàu thuỷ, súng trường, cướp đoạt, đói khổ,…

Thực ra, tính ngoại lai của các đơn vị từ vựng được cấu tạo ở Việt Nam là có mức độ : chúng chỉ có tính ngoại lai ở chất liệu cấu tạo còn cách cấu tạo là của Việt Nam. Đối với những từ loại thứ hai (yếu tố Hán Việt kết hợp với yếu tố thuần Việt) thì tính ngoại lai càng ít hơn nữa.

* Các từ gốc Hán không đọc theo âm Hán Việt

Ngoài các từ ngữ Hán Việt đã nói trên, trong tiếng Việt còn có một số từ gốc Hán nhưng không đọc theo âm Hán Việt. Những từ này chiếm một số lượng ít, lẻ tẻ, không làm thành hệ thống như các từ Hán Việt. Những từ gốc Hán không đọc theo âm Hán Việt có thể gồm :

1. Những từ vào Việt Nam trước đời Đường – những từ Hán cổ

Từ đời Hán cho đến đời Đường, ngữ âm của tiếng Hán đã biến đổi và phát triển khá nhiều. Những từ Hán được tiếng Việt tiếp nhận vào trước đời Đường sẽ có cách đọc theo âm Hán cổ chứ không đọc theo cách đọc Hán Việt. Do đó, ở Việt Nam tồn tại những cặp từ ngoại lai cùng gốc, nhưng có cách đọc khác nhau. Ví dụ :

HÁN CỔ HÁN VIỆT HÁN CỔ HÁN VIỆT
keo giao buồm phàm
ngà nha buồng phòng
hẹn hạn buồn phiền
chén trản bua phụ
xét sát chè trà
chém trảm xe xa
chìm trầm kim châm
ngựa ngói ngoã
lừa hòm hàm
chúa chủ bia bi
thua thâu lìa li
mả mộ mạng mệnh

2. Những từ Hán Việt được Việt hoá

Các từ Hán Việt khi nhập vào hệ thống từ vựng tiếng Việt đã chịu sự tác động của quy luật biến đổi ngữ âm của Tiếng Việt. Vì vậy, có một số từ đã thay đổi diện mạo của mình, không giống với dạng ngữ âm Hán Việt ban đầu nữa. Dạng ngữ âm Hán Việt của từ có khi vẫn tồn tại trong tiếng Việt, tạo nên những cặp từ song song tồn tại, có khi không tồn tại nữa. Hãy so sánh :

HÁN VIỆT – HV VIỆT HOÁ HÁN VIỆT HV VIỆT HOÁ
can gan hoạch vạch
cận gần hoạ vẽ
ghi hoạ vạ
kiếm gươm kỉ ghế
phu vợ pháp phép
đao dao bảo báu
sàng giường nghi ngờ
liên sen ngoại ngoài
long rồng vị
thỉnh xin thanh xanh

3. Những từ gốc Hán tiếp nhận bằng con đường khẩu ngữ qua cách phát âm địa phương nào đó của tiếng Hán hiện đại

Những từ này không có quan hệ với các chữ Hán vuông và cách đọc Hán Việt. Ví dụ : mì chính, xì dầu, ca la thầu, mằn thắn, quẩy, xá xíu,…

Bộ phận từ vựng này chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong các từ gốc Hán.

(Theo Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt,

NXB ĐH &THCN, Hà Nội, 1985)

* Gợi dẫn

Khái niệm từ có nguồn gốc Hán không đồng nhất với từ Hán Việt. Trước hết cần phân biệt :

a) Từ gốc Hán đọc theo âm Hán Việt

b) Từ gốc Hán không đọc theo âm Hán Việt

Cách đọc Hán Việt là cách người Việt đọc các từ Hán theo ngữ âm tiếng Hán thời nhà Đường. Chỉ có những từ gốc Hán được đọc theo âm Hán Việt mới được gọi là từ Hán Việt.

Bộ phận từ gốc Hán không đọc theo âm Hán Việt thì không được gọi là từ Hán Việt. Bộ phận này gồm những từ vào Việt Nam trước thời Đường (tiếng Hán cổ), những từ Hán được Việt hoá và những từ Hán được tiếp nhận qua con đường khẩu ngữ, thông qua cách phát âm địa phương nào đó của tiếng Hán hiện đại.

Tải về file word  >>  tại đây

>> Xem thêm:

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận