Trả bài viết số 5 – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

Trả bài viết số 5

 

        1. Khi làm đề cương (dàn ý) cho Đề 4 trong sách giáo khoa : “Màu sắc Nam Bộ trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi”, có học sinh nêu lên hướng viết bài như sau :

        a) Nêu cách hiểu về “màu sắc Nam Bộ”. Thế nào là “màu sắc Nam Bộ” ?

        b) Phân tích tác dụng của “màu sắc Nam Bộ” trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).

        c) Khái quát giá trị của đoạn trích Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi).

        Theo anh (chị), hướng viết bài trên đây có gì chưa được ? Nên bổ sung, điều chỉnh như thế nào để có một hướng viết hợp lí.

        2. Phát hiện lỗi của một số học sinh trong kì thi đại học 2003 – 2004 ở các đoạn văn sau đấy :

        a) “Chí Phèo là một thanh niên khoẻ mạnh, giỏi giang, ai lấy được nó như có một con trâu trong nhà”. Còn thị Nở “là một người con gái trông chẳng có gì để có thể nói là đẹp nhưng cô ấy lại là một người tốt bụng, làm công cho nhà tên thống lí”.

        b) “Chí Phèo trở thành con quái vật để không bị người ta ăn hiếp” ; “Chí Phèo đã rời khỏi tù vừa về đến làng thì Chí Phèo đã ra quán nhậu, nhậu cho say sưa, nhậu từ sáng đến tối. Đôi khi nhậu xong Chí Phèo còn đòi bật diêm chỉa vào mái tranh để tống tiền. Thật khủng khiếp, Chí sống chỉ có nhậu và làm cái nghề rạch mặt ăn vạ để kiếm tiền nhậu” ; “Có đời nào con gái con đứa (chỉ thị Nở) lại nằm thẳng ra đất mà ngủ không, lại còn dơ bụng ra nữa chứ, mà nhìn thị có khác nào một khối vuông bất động, bề ngang và chiều dài thân hình có kém gì nhau ?”,…

        c) “Đối với tôi thì tôi thấy thị Nở đẹp, tuy cô xấu đau xấu đớn nhưng mà hỏi thử có ai mà toàn mĩ không ? Thị Nở cũng vậy, cô xuất hiện như một nàng tiên mang lại bao ước mơ cho những em nghèo khổng tình thương mái ấm gia đình”.

        d) “Chí Phèo gặp thị Nở vào buổi sáng, anh buông lời trêu ghẹo, chọc phá. Thật ra anh thấy thị Nở quá xấu nên chọc cho vui và cười một cách khoái trá, còn thị Nở thì ngoe nguẩy bỏ về… Tối đó Chí Phèo mò đến chỗ thị Nở đang ngủ ở bờ sông. Chí Phèo lấy tay bịt miệng thị Nở. Thị định la lên nhưng Chí bịt miệng chặt quá, vả lại ở đây cũng thanh vắng. Thị thôi, mặc kệ nó !” ; “Và sau khi quay trở vế nhà nấu cháo cho Chí Phèo, thị Nở đã trở lại, trên tay cầm một tô cháo ngùn ngụt khói thơm ngào ngạt. Một tô cháo chỉ rắt thêm chút hành thế mà Chí Phèo ăn lại thấy ngon đến lạ lùng”.

        đ) “Đứa con của bác xẩm thì ngủ lăn ra đất trở thành bò sát quả là một cuộc sống tàn tạ”.

        e) Bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên rút ra từ tập thơ “Mặt đường khát vọng“, được in trong tập thơ “Những vùng trời khác nhau“, được trích từ tập thơ “Ánh sáng và phù du“…

(Các câu trên trích dẫn theo báo Tuổi trẻ)

        3. Khi phân tích một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi cần chú ý các yếu tố hình, thức nghệ thuật nào ?

        – Từ ngữ – hình ảnh

        – Các biện pháp tu từ

        – Ngữ âm : vần và thanh

        – Cốt truyện

        – Nhân vật

        – Nhịp điệu

        – Chi tiết

        – Không gian và thời gian

        – Thể loại

        4. Tại sao khi phân tích, cảm thụ tác phẩm văn xuôi, người viết chỉ kể lại cốt truyện thì lại bị coi là một lỗi nên tránh ?

 

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

        1. Hướng triển khai bài viết của học sinh nêu trong Bài tập 1 chưa hợp lí ở chỗ điều quan trọng nhất là “màu sắc Nam Bộ” được thể hiện ở chỗ nào và như thế nào trong tác phẩm của Nguyễn Thi, chứ không phải là cách hiểu về màu sắc Nam Bộ và vai trò, tác dụng của nó (mặc dù cũng cần nói về các ý này). Vì thế, cần điều chỉnh lại cách làm bài cho đề văn này như sau :

        a) Thế nào là “màu sắc Nam Bộ” ? (“Màu sắc Nam Bộ” thể hiện ở những yếu tố nào về nội dung và hình thức ?).

        b) “Màu sắc Nam Bộ” trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi được thể hiện ở chỗ nào, như thế nào và bằng cách nào ? (phân tích và chứng minh – phần trọng tâm của bài viết).

        c) Bình luận về vai trò và ý nghĩa của “màu sắc Nam Bộ” trong tác phẩm của Nguyễn Thi.

        2. Các câu và đoạn văn trong bài tập này sai về nhiều phương diện :

        Không nắm chắc nội dung cốt truyện; chi tiết của các tác phẩm, xuất xứ ; sai cả về chính tả, dùng từ ; diễn đạt vụng về, thô thiển, phân tích tác phẩm theo cách suy diễn, dung tục,… Học sinh dựa vào nhận xét trên để chỉ ra các biểu hiện cụ thể trong các đoạn văn nêu ở bài tập này.

        3. Cũng như đối với tác phẩm thơ, khi phân tích một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi, học sinh cần chú ý một số yếu tố hình thức nghệ thuật, các hình thức mà nhà văn hay sử dụng để tạo nên thế giới hình tượng của tác phẩm. Có một số yếu tố chung, dù phân tích thơ hay văn xuôi đều phải chú ý, nhưng có những yếu tố văn xuôi khác với thơ về mặt hình thức mà khi phân tích cần chú ý. Chẳng hạn, yếu tố vần và thanh rất quan trọng với thơ nhung không quan trọng đối với văn xuôi, ngược lại yếu tố cốt truyện, nhân vật chi tiết rất cần chú ý khi phân tích văn xuôi.

        Từ nhận xét trên, học sinh tự xác định các yếu tố hình thức cần chú ý khi phân tích tác phẩm văn xuôi.

        4. Kể lại cốt truyện là một yêu cầu, nhung không phải là yêu cầu chính, càng không phải yêu cầu bắt buộc đối với phân tích tác phẩm văn xuôi. Nếu phân tích văn xuôi mà chỉ kể lại cốt truyện thì giống như khi phân tích thơ chỉ diễn xuôi nội dung của bài thơ. (Xem thêm Bài tập 4 ở Trả bài viết số 2 trong sách Bài tập Ngữ văn 12 Nâng cao, tập một, trang 67).

 

 

—–

Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài tập Ngữ Văn 12

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận