Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) – Bài tập Ngữ văn 12 nâng cao

Đang tải...

 Chiếc thuyền ngoài xa

(Nguyễn Minh Châu)  

 

I – BÀI TẬP

          1. Phân tích tính cách người đàn bà hàng chài trong tác phẩm.

          2. Chi tiết người đàn bà mếu máo gọi tên Phác, ôm lấy con, vái con, còn cậu bé “lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt” gợi cho anh (chị) cảm nghĩ gì ?

          3. Phân tích tình huống truyện.

          4. Hãy chỉ ra tư tưởng nhân đạo của tác giả khi đề cập tình trạng bạo lực trong gia đình cậu bé Phác.

          5. Từ nội dung câu chuyện, anh (chị) có suy nghĩ gì về nhan đề của truyện : Chiếc thuyền ngoài xa ?

          6. Chọn và phân tích một đoạn nào đó trong tác phẩm để chỉ ra vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.

          7. Câu hỏi 5, sách giáo khoa, trang 99.

 

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

          1. Tính cách người đàn bà hàng chài trong tác phẩm cần được nhận diện từ các mối quan hệ sau :

          – Với chồng : cam chịu, nhẫn nhục nhưng không phải mù quáng mà thấu hiểu và thương xót.

          – Với con : tận tâm, bao bọc, che chở, cố tránh cho con khỏi bị tổn thương, luôn mang mặc cảm có lỗi với con.

          – Với cán bộ toà án : lúc đầu sợ sệt, khúm núm, hoàn toàn xa lạ với luật pháp và không gian công sở, sau đó tỏ ra tự tin hơn và thành thật bộc bạch suy nghĩ của mình.

          Nói chung đấy là tính cách của một người lao động chất phác, lam lũ, sống nhẫn nhục nhưng giàu tấm lòng của người mẹ và sống bằng kinh nghiệm thực tiễn. Bà là hiện thân cho cái đẹp khiêm nhường, thầm lặng, cái bí ẩn sâu xa của tâm hồn con người. Giống như tính cách Liên (Bến quê), Thai (Cỏ lau) và nhiều nhân vật khác của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài này là một bằng chứng về hành trình “kiếm tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” mà nhà văn trọn đời tâm niệm.

          2. So với thái độ câm lặng nhẫn nhục lúc bị chồng hành hạ thì hành động của người đàn bà với đứa con trai gây cảm giác bất ngờ đến ngỡ ngàng cho người đọc. Nó quá bất thường. Nhưng chính sự bất thường ấy hé mở chiều sâu nội tâm nhân vật. Có lẽ phải đau đớn, hoảng sợ lắm, một người mẹ mới chắp tay “vái lấy vái để”’ đứa con mình. Còn đứa con thương xót mẹ nhưng nhỏ bé, bất lực. Nó không ngờ muốn bảo vệ mẹ lại làm mẹ khổ hơn nên chỉ biết an ủi mẹ bằng những ngón tay vụng về. Tình mẫu tử làm chúng ta cảm động bao nhiêu thì cũng khơi dậy trong ta nỗi phẫn nộ trước tình trạng những con người yếu đuối bị biến thành nạn nhân của đói nghèo, tăm tối và thói vũ phu.

          3. Tình huống truyện là tình huống tự nhận thức. Giống như hai vòng tròn đồng tâm, cả người thợ ảnh lẫn anh thẩm phán đều trải qua một hành trình quanh co để “vỡ ra” chân lí:

          – Người thợ ảnh gặp được một cảnh “đắt” trời cho, một vẻ đẹp “đơn giản và toàn bích” nơi vùng đầm phá miền Trung đã “tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, nhưng rồi anh đã nhận ra sự “trật khớp” giữa cái đẹp ngoại cảnh với số phận cực nhọc, tăm tối của con người nơi đó. Anh biết rằng trong bức ảnh lịch không thể thiếu hình ảnh con người.

          – Vị thẩm phán tin luật pháp công bằng và thiện chí của cá nhân anh sẽ giúp thay đổi số phận người đàn bà hàng chài. Anh đã răn đe, giáo dục chồng bà ta nhiều lần nhưng không mấy kết quả. Anh đành khuyên bà ta bỏ chồng để khỏi bị hành hạ. Nhung anh lại không đủ khả năng bác bỏ lí lẽ của bà ta : “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Trong đầu vị thẩm phán có “Một cái gì mới vừa vỡ ra…”, anh đã có thể hiểu được những nghịch lí của đời sống mà con người phải chấp nhận.

          4. Đề cập tình trạng bạo lực trong gia đình cậu bé Phác, Nguyễn Minh Châu đã làm dấy lên trong người đọc nỗi xót thương pha lẫn lo âu về tình trạng phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, về nguy cơ trẻ em sẽ sớm nhiễm thói vũ phu, thô bạo do bị tổn thương tâm hồn, đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Nhà văn không chỉ lên án bạo lực, phê phán sự ngu muội, không chỉ bày tỏ tình thương yêu với những con người nhỏ bé, bất hạnh, lam lũ mà còn chỉ ra một nguy cơ đáng sợ : nếu không giải phóng con người khỏi đói nghèo, tăm tối thì không thể tiêu diệt được cái ác. Đó là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.

          5. Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa rõ ràng hàm chứa một ẩn ý của nhà văn. Qua nội dung câu chuyện, nhất là qua sự “vỡ lẽ” của người phóng viên nhiếp ảnh và vị thẩm phán, ta thấy hình ảnh con thuyền nhìn từ xa rất khác với lúc nhìn gần. Hình ảnh con thuyền trong những bức ảnh chụp của người phóng viên gắn với cái đẹp “tuyệt đỉnh của ngoại cảnh”. Nhưng cuộc sống đích thực của gia đình dân chài kia thì chẳng có gì giống như thế cả. Nhan đề truyện là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống và là một ẩn dụ về cái nhìn nghệ thuật (Nguyễn Minh Châu hay có những nhan đề truyện như vậy. Ví dụ : Bức tranh, Bến quê, Mành trăng cuối rừng, cỏ lau, v.v.).

          6. Có thể chọn một đoạn tâm đắc (ngắn hay dài tuỳ ý) nào đó trong truyện để phân tích và khái quát vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn Minh Châu như :

          – Hình ảnh, chi tiết vừa chân thật vừa giàu ý nghĩa biểu tượng.

          – Lời văn giản dị, giọng văn nhỏ nhẹ mà thấm thía, triết lí tự nó toát ra từ đời sống, từ trải nghiệm.

          – Những quan sát tinh tế, những rung cảm giàu chất thơ của một tâm hổn mẫn cảm, nhân hậu.

          7. Có những quan niệm khác nhau về mục đích của nghệ thuật đã được phát biểu qua tuyên ngôn của nhiều trào lưu, trường phái, nhung suy cho cùng nghệ thuật (trong đó có văn chương) chỉ thực sự cần cho con người, có ích cho tiến bộ xã hội khi nó chứa đựng tính nhân văn, nghĩa là nó không thể xa lạ với số phận con người. Bằng sự đối lập giữa “cái đẹp tuyệt đỉnh” của ngoại cảnh với hiện thực nhọc nhằn mà những người dân chài đang phải chấp nhận, chắc chắn mỗi chúng ta đều mong muốn nghệ thuật có trách nhiệm can dự vào cuộc đời, phải đóng góp tiếng nói tích cực vào việc giải phóng con người khỏi sự cầm tù của nghèo đói, tăm tối và bạo lực. Muốn vậy, nó không thể nhân danh bất cứ điều gì để lảng tránh sự thật về con người. Nó đòi hỏi nghệ sĩ phải có tấm lòng yêu thương, có can đảm đối diện với cái xấu, cái ác và nhất là có khả năng thấu hiểu đời sống. Phùng đã say mê vẻ đẹp của thiên nhiên miền đầm phá ấy, đã chủ tâm chụp lấy một bức ảnh lịch “không có người. Hoàn toàn là thế giới tĩnh vật” như trưởng phòng đề nghị. Nhưng rồi Phùng hiểu ra một nghịch lí : giữa thiên nhiên thơ mộng, con người đang sống nhọc nhằn, cay cực. Anh đã day dứt, trăn trở mãi về điều đó, đến nỗi sau này mỗi khi nhìn bức ảnh chụp cảnh bình minh trên biển, anh lại thấy người đàn bà hàng chài “bước ra khỏi tấm ảnh […] hoà lẫn trong đám đông”.

 

 

—–

Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) – Bài tập Ngữ văn 12

Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) – Bài tập Ngữ Văn 12

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận