Tìm hiểu quan niệm hạnh hiếu và hạnh Phật – Một số vấn đề triết học Phương Đông

Đang tải...

Hạnh hiếu và hạnh Phật

Th s. TRẦN THUÝ NGỌC

Khái niệm Hiếu là một khái niệm thường xuyên được đề cập tới trong nhiều triết thuyết phương Đông, dùng để chỉ phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của con cái trong cách ứng xử đối với cha mẹ mình. Phật giáo – một tôn giáo vốn được coi là xuất thế cũng rất coi trọng Hiếu, quan niệm luân lý đạo đức mang nhiều tính chất thế gian này. Trong kinh Liên Tông bảo giám có đưa ra khẳng định, “Hiếu hạnh tức Phật hạnh” (hạnh Hiếu chính là hạnh Phật). Vì sao một phẩm chất đạo đức có tính chất thế gian lại được Phật giáo cho rằng đó cũng chính là phẩm chất đạo đức của một biểu tượng có tính chất siêu vượt thế gian? Bài viết này muốn bước đầu tìm tòi lý giải cho quan điểm trên, và muốn qua sự phân tích này để thấy rõ hơn tính chất biện chứng và tinh thần nhân văn sâu sắc của Phật giáo.

1. “Hiếu” qua luật nhân quả

Trước hết, xin nêu một cách hiểu chung nhất về Hiếu. Hiếu là một quy phạm đạo đức dựa trên cơ sở huyết thống

dùng để chỉ tình cảm yêu kính và bổn phận báo đáp ơn nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng của con cái đối với cha mẹ, tổ tiên. Hiếu nói chung gồm ba nội dung, Hiếu tâm (lòng hiếu), Hiếu hành (hành vi hiếu) và Hiếu tư (suy nghĩ hiếu). Hiếu tâm là chỉ sự yêu kính và tuỳ thuận về mặt tinh thần của con cái đối với cha mẹ, làm cơ sở cho Hiếu hành và Hiếu tư. Hiếu hành là Hiếu tâm được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi, cử chỉ. Hiếu tư là suy nghĩ tới ơn đức của cha mẹ, tổ tiên với mình. Như vậy, Hiếu là một quy phạm đạo đức đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện bằng cả tình cảm, lý trí và thực tiễn hành vi của ngươi làm con với cha mẹ của mình. Chữ Hiếu, do vậy mà luôn là khái niệm quan trọng trong các học thuyết quan tâm tới các mối quan hệ gia đình.

Vì sao đức Cồ Đàm lại đề cao chữ Hiếu? Phật giáo quan niệm rằng, con người sinh ra ở đời theo ý nghĩa tích cực là một phương tiện để cải biến nghiệp quả và truyền bá đạo pháp. Trong sáu cõi Ta bà thì thế giới con người là một bước trung chuyển trong lục đạo, là một phân giới giữa phàm và thánh. Vì thế, nếu tu dưỡng Tứ đế Thập nhị nhân duyên và Tứ nhiếp Lục độ thì có thể lên cõi tròi, thành chính quả, còn tạo nghiệp tà dâm trộm cắp giết người thì sẽ đọa vào ác đạo. Thế tôn từng nói, những người giữ được thân mình chỉ như nắm đất trong lòng bàn tay, còn những kẻ đánh mất thân mình thì nhiều như đất trong đại địa, nhằm nhấn mạnh tới sự khó khăn của việc giữ gìn lấy thân trong sạch để tạo nghiệp trong sạch. Cha mẹ là cái gốc sinh ra hình thể chúng ta, là tăng thượng duyên cho sự cảm biết đời người của ta, cho nên, có được thân này, cần phải ghi nhớ ân đức của mẹ cha đã tạo sinh ra ta. Một quan niệm về nguồn gốc của Hiếu của Phật giáo như vậy cho thấy nó chịu sự chi phôi của quy luật nhân quả: gieo nhân nào, gặt quả ấy.

Song, đức Phật không thừa nhận ân đức của cha mẹ với con cái chỉ dừng ở việc sinh tạo ra thân thể hình hài, mà hơn thế, việc nuôi nấng, chăm lo, và tình thương dành cho con cái mới là cái ơn vô cùng lớn lao mà kẻ làm con nhận

lấy từ cha mẹ không bao giờ có thể đền đáp cho hết được. Đức Phật trong kinh Phụ mẫu ân trọng nan báo dạy rằng ân đức cha mẹ có 10 điều: ân giữ gìn mang thai chín tháng, ân sinh sản khổ sở, ân sinh rồi quên lo, ân nuốt đắng nhả ngọt, ân nhường khô nằm ướt, ân bú mớm nuôi nấng, ân tắm rửa chăm sóc, ân xa cách thương nhớ, ân cho thân thể hình hài, ân thương yêu hết lòng. Trong kinh này đức Phật cũng đã chỉ ra, những ân lớn đó của cha mẹ khó lòng mà trả hết, cho dù con cái có tự nguyện làm những việc khó khăn đến mức nào cho cha mẹ: “Giả sử có người, vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, rách da lóc thịt, thấu đến xương tuỷ, vòng quanh núi Tu Di, hết trăm ngàn kiếp, máu chảy đầy chân, cũng không sao báo đáp hết thâm ân cha mẹ”. Trong Tăng Chi Bộ, đức Phật một lần nữa khẳng định lại điều này: “Có hai hạng người, này các Tỳkhưu, Ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất này cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn, và dẫn dắt chúng vào trong đòi này”.

Như trên có thể hiểu rằng, đức Phật đã rất đề cao nhân tính, đề cao giá trị làm người, đề cao những tình cảm đạo đức tốt đẹp của con người. Phật giáo cho rằng cuộc đời con người là khổ, không đồng nghĩa với một thái độ phủ nhận sạch trơn, tiêu cực và dẫn con người tới chỗ huỷ diệt cuộc sống như một số tôn giáo khác. Trái lại, Phật giáo dạy cho

chúng ta một cách nhìn trân trọng giá trị sự sống của tất cả mọi sinh linh, trong đó có con người. Phật giáo chỉ phủ nhận một cuộc sống bị bủa vây bởi dục vọng và sự ngu tối. Hay nói khác đi, đạo Phât thừa nhận chính cuộc sống trần thế này – theo ý nghĩa lý tưởng và nhân bản nhất có thể quan niệm – như một bước khởi đầu trên con đường giải thoát. Điều đó tương đương với một yêu cầu, trước khi muốn thành Phật thì con người phải là Con Người theo nghĩa cao thượng nhất của từ này, và đạo Hiếu, giống như phẩm chất mở đầu quan trọng và quyết định cho mọi khởi đầu khác của con người. Vì cái nhân duyên tạo tác và ghi nhận cuộc sống làm người của chúng ta đầu tiên không ai khác chính là cha và mẹ.

Vì coi trọng chữ Hiếu như vậy, Phật giáo còn vận dụng triệt để luật nhân quả như một khích lệ cho việc thi hành Hiếu đạo. Trong Tăng Chi Bộ, đức Phật giảng rằng gia đình nào có con cái biết hiếu dưỡng cha mẹ, thì gia đình ấy có phước báu, đáng được tôn trọng và cung kính, đáng được xem như ngang hàng với Phạm Thiên. Phạm Thiên là những chư Thiên cao nhất ở Dục giới và sắc giới. Ngài giảng: “Này các Tỳ khưu, những gia đình nào có con cái kính lễ cha mẹ trong nhà, thì những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận như ngang bằng với gia đình các bậc Đạo sư, đáng được kính trọng và cúng dường. Phạm Thiên là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc Đạo sư là đồng nghĩa với cha mẹ. Các bậc đáng cúng dường là đồng nghĩa với cha mẹ. Vì sao thế? Vì cha mẹ giúp đỡ con cái rất nhiều, vì cha mẹ nuôi dưỡng con cái đến ngày chúng lớn khôn, đào tạo chúng để đưa chúng vào cuộc đời”.

Trong kinh Tăng nhất A hàm, đức Phật có hai khẳng định: thứ nhất, yêu cầu người xuất gia phải phụng dưỡng cha mẹ; thứ hai, đức Phật đã đặt địa vị của cha mẹ cao ngang với Nhất sinh bổ xứ Bồ tát. Ngài muốn nhấn mạnh tới việc hiếu thuận cha mẹ có thể có được quả báo như khi cung dưỡng Nhất sinh bổ xứ Bồ tát, từ đó mà chứng đắc Niết bàn. Trong Hiền ngu kinh, đức Phật thêm một bước nữa khẳng định với Anan: “Người xuất gia hay tại gia, từ tâm hiếu thuận, cung dưỡng cha mẹ, thậm chí bỏ cả thân thê đê cứu cha mẹ lúc nguy cấp, với công đức đó, trên thì làm Thiên đế, dưới làm Thánh chủ, cho đến thành Phật, tam giới tôn quý đều là do phúc đó cả”. Cho rằng hiếu thuận sẽ có được phúc báo và nhân duyên thành Phật, trong đó đã chứa đựng tư tưởng muốn thành Phật, thì trước hết phải thi hành đạo Hiếu.

Trong các truyền thuyết Phật giáo kể lại rằng, Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật đã từng lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ là Ma Da phu nhân. Đức Phật cũng như người thường, tận đạo Hiếu của người con ở bên an ủi khi cha của ngài là vua Tịnh Phạn sắp lâm chung, hoảng sợ và đau khổ trước cái chết. Hiếu hạnh của Thế tôn đã mở ra trong Phật môn một bộ Hiếu kinh – Địa tạng vương Bồ tát bản nguyện kinh. Kinh này cho thấy những nguyện hạnh của đức Địa tạng Bồ tát, trong đó điều gây cảm động lòng người nhất đó là việc Bồ tát cứu thoát mẹ đang đọa trong địa ngục. Bởi hạnh hiếu đó mà Địa tạng Bồ tát được coi là Bồ tát hiếu thuận nhất. Từ đây có thể thấy, Hiếu tâm và Hiếu hành là những gì quán xuyến cả quá trình từ lúc phát tâm Bồ tát tới khi thành Phật, đồng thời, tới lúc thành Phật rồi vẫn không xa rời hạnh Hiếu.

Xét trong góc độ này, thì quan niệm của Phật giáo về chữ Hiếu không có gì mâu thuẫn với Nho giáo – một học thuyết đầu tiên đã coi Hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng cho xã hội. Hiếu kinh đưa ra định nghĩa đầu tiên có hệ thống về Hiếu: “Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là tận cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thò vua, sau rốt là lập thân” (Hiếu kinh. Khai tông minh nghĩa).

Khổng Tử đã có rất nhiều câu nói có tính chất tuyên ngôn cho đạo Hiếu của nhà Nho: “Những người con hiếu thời nay được cho là nuôi dưỡng được cha mẹ. Đến như chó ngựa đều có thể nuôi được, nếu không có Kính thì có gì khác biệt (giữa nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa) đâu” (Luận ngữ. Vi chính). Mạnh Tử nói: “Cao nhất của Hiếu, không gì bằng tôn thân” (Mạnh Tử. Vạn chương thượng). Khẳng định việc phải giữ gìn, tôn trọng thân thể cha mẹ ban cho, phải hiếu kính cha mẹ từ tình cảm xuất phát chân thật trong lòng cho thấy, tại đây, Nho giáo và Phật giáo đã có điểm gặp gỡ khi cùng khẳng định Hiếu như một tiêu chí để đánh giá chất Người của con người. Quan niệm đó tương đối khác với quan niệm Hiếu đơn thuần là “đem lại lợi cho người thân mình” của Mặc gia hay “nhà nghèo thì làm cho giàu lên” như Pháp gia hình dung.

Song, sự khác biệt giữa Nho giáo và Phật giáo là ở chỗ, nếu như Phật giáo tiếp cận Hiếu từ góc độ nhân sinh giải thoát, thì Nho giáo lại coi Hiếu chính là phẩm chất đầu tiên để con người tiến nhập vào xã hội. Trong Luận ngữ thiên Học nhi nói: “Người hiếu để mà thích xúc phạm bề trên thì hiếm lắm, đã không thích xúc phạm bề trên mà lại thích làm loạn, thì chưa từng có ai như thế cả”. Lúc khác, Khổng Tử lại khẳng định: “Hiếu là hiếu kính cha mẹ, hữu ái với anh 

em. Đem Hiếu đễ ra thi hành trong chính sự, thì cũng tức là làm chính sự, chứ thế nào mới gọi là làm chính sự đây?” (Luận ngữ. Vi chính). Khổng tử nói: “Thương cha mẹ mình thì không dám làm ác với cha mẹ người. Kính cha mẹ mình thì không dám khinh nhờn cha mẹ người. Trọn niềm yêu kính cha mẹ thì cái đức có thể trải rộng ra dạy dỗ trăm họ, thành luật định khắp bôn bể” (Hiếu kinh. Thiên tử). Những dẫn chứng trên đây cũng giúp ta phần nào hình dung được quan niệm chính trị, xã hội của Nho gia được xây dựng hoàn toàn trên nền tảng đạo đức. Việc một cá nhân tu dưỡng đạo đức cũng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định cả cộng đoàn xã hội, sức ảnh hưởng đó thậm chí có thể dẫn xã hội tiến lên hoặc suy vong nếu cá nhân đó lại là người đứng đầu nhà nước. Điều này sẽ được lý giải khi ta nhìn vào cái xã hội mà Nho giáo được sản sinh và muôn duy trì là xã hội Tông pháp truyền thống, được đảm bảo ổn định chủ yếu bằng các quan hệ huyết thống, thân tộc. Để ràng buộc chắc mối quan hệ theo họ hàng ấy, cần phải gia cố thêm bằng những tự luật đạo đức. Bởi thế mà dẫu rằng Hiếu với nhà Nho được dùng để đo phẩm tính người, thì nó cũng là thước đo cho trách nhiệm của công dân trong xã hội; đạo Hiếu này dẫu xuất phát từ thực tâm của kẻ làm con, thì tấm lòng chân thực đó cũng vẫn đang bị ràng buộc và hạn chế bởi những trách nhiệm xã hội chứ không chỉ đơn thuần là một bản tính người tự nhiên sinh ra là đã có.

Từ đó, chúng ta nhận ra, thì Phật giáo và Nho giáo đều coi “Hiếu là đứng đầu của trăm hạnh” thì hai bên vẫn rẽ theo 

 những hướng đi trái ngược nhau. Nếu như Hiếu được Nho giáo cho là phẩm chất mở đầu để trở thành con người xã hội, đê thành Thánh nhân; thì Hiếu cũng là phẩm chất mở đầu để giải thoát, để thành quả Phật với Phật giáo. Sự khác biệt đó nhiều lúc sẽ dẫn đôi bên tới chỗ không thể dung hoà khi ta xem xét chữ Hiếu bằng một trong hai quy luật bản thể quan trọng nhất của Phật giáo – thuyết luân hồi.

2. “Hiếu” qua thuyết luân hồi

Chữ Hiếu mà chúng ta vừa tìm hiểu dưới góc nhìn của luật nhân quả, đặc biệt với một nội dung quan trọng là phải nhớ ơn, báo ơn cha mẹ, mới dừng việc báo hiếu ở hiện thế, ở cha mẹ của đời này, kiếp này, và sự phụng dưỡng cũng chỉ là chăm lo về vật chất và tinh thần cho cha mẹ khi còn sông. Song, Phật giáo không để chữ Hiếu bó gọn trong một không gian, thòi gian và nội dung hẹp như vậy.

Những ngưòi mang nặng tư tưởng Nho giáo thường quy kết cho những ai cắt tóc, nhuộm áo nâu sồng đi tu là bất hiếu. Bởi cha mẹ của họ, về mặt vật chất đã chẳng được những đứa con xuất gia chăm lo, mà về mặt tinh thần lại còn phải luôn lo lắng, nhớ thương con cái, đó là một trong những điều bất hiếu. Thứ đến, người xuất gia tu theo phạm hạnh, xa lìa dâm dục, mà đoạn dục lại tạo thành một hậu quả trực tiếp là “vô hậu”, trong khi Nho gia cho rằng “Bất hiếu có ba thứ, không có người nổi dõi là lớn nhất” (Mạnh Tử. Ly lâu thượng). Sự khác biệt này đã từng dẫn tới những xung đột và tranh luận kịch liệt tại Trung Quốc khi Phật giáo được du nhập vào vùng đất vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm các quan niệm luân lý Nho gia này.

Những quy kết kiểu đó đã bộc lộ ra không ít những thiên kiến và hiểu biết phiến diện đối với Phật giáo. Trong Ngũ phần luật quyển 20 có ghi lại câu chuyện: “Khi ấy, cha mẹ của Tỳ lăng gia bà sa nghèo khốn, muốn đem quần áo tới cho cha mẹ mà không dám, bèn tới thưa với Phật. Phật dạy rằng: “Có người vai phải cõng mẹ, vai trái cõng cha 

trong vòng trăm năm đi đại tiểu tiện, đem những đồ trân quý nhất ra phụng dưỡng hầu hạ mẹ cha vẫn còn chưa báo hết công ơn, từ nay các Tỳ kheo phải tận tậm tận thọ cung dưỡng cha mẹ, nếu không cung dưỡng là có tội”. Có thể thấy, cho dù là người xuất gia, cũng không thể vứt bỏ hoàn toàn sự chăm lo và nuôi dưỡng mẹ cha. Tuy rằng đời sông xuất gia là dựa vào bố thí của người khác để nuôi dưỡng sắc thân, thì cũng vẫn có thể san sẻ bớt đồ dùng của mình để phụng dưỡng cho cha mẹ. ý kiến cho rằng, người xuất gia vứt bỏ người thân, không ngó ngàng đến, quyết tâm đi tu, khiến mẹ cha mất chỗ tựa nương khi về già, là đại bất hiếu cũng là quan niệm không chính xác. Trong Tứ phần luật quyển 34 có chép lại chuyện đức Phật để cho La hầu la xuất gia, vua Tịnh Phạn đã khóc xin đức Phật từ nay nếu con cái chưa được sự đồng ý của cha mẹ thì không được phép thụ giới. Đức Phật đã đồng ý. Điều này cũng có nghĩa rằng khi một người đã xuất gia được, nghĩa là giữa họ và cha mẹ đã phải có sự trao đổi trước và được cha mẹ chấp thuận. Còn nếu cha mẹ chỉ có một người con, lo lắng sau này không có người chăm sóc, kiên quyết không cho xuất gia thì phận làm con phải chấp thuận vâng theo cha mẹ. Như vậy, không phải người muôn đi tu có thể dứt bỏ cha mẹ thế nào cũng được.

Quan niệm “vô hậu” của Nho gia chỉ mới dừng trên bình diện thừa tự, nối dõi về mặt sinh học (kèm theo nó là của cải, địa vị) và chỉ hạn hẹp trong một đòi sống. Phật giáo cho rằng có một sự nối dõi quan trọng hơn và đáng giá hơn, đó chính là sự thừa tự Đạo pháp và sự siêu vượt khỏi sinh tử, khi đó thì việc tạo tác ra một sinh linh nữa để chịu tác động của luân hồi, sông chết sẽ là một hành động tạo nghiệp cản trở sự giải thoát.

Dưòng như những quy kết sai lạc về Phật giáo luôn xuất phát từ một hệ quy chiếu nằm ngoài triết thuyết Phật giáo.

Bản lai diện mục vấn đề Hiếu trong triết học Phật giáo ra sao, thì cần phải xuất phát từ chính nền tảng triết học bản thể của Phật giáo với hai quy luật trọng yếu nhất là luật nhân quả và thuyết luân hồi thì ta mới có thể nhìn nhận cho đúng đắn.

Tuy không báo ơn cha mẹ theo những quy chuẩn đời thường, nhưng tới khi tu hành, những người con Phật vẫn có thể báo hiếu cha mẹ mình theo cách riêng. Đức Mục Kiền Liên, sau khi cứu mẹ ra khỏi địa ngục nhò sự trợ duyên tụng niệm của các chư tăng ngày tự tứ, đã xin đức Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu Lan (còn gọi là Vu lan bồn) để báo đáp ân cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống của Phật giáo.

Xét một góc độ khác, tuy người tu hành không còn ngày đêm ở bên cạnh chăm sóc mẹ cha, nhưng nếu thanh tịnh tu tập thì có thể đem công đức tu hành xuất thế ra mà tận hiếu với đấng thân của mình. Trưởng lão ni kệ nói: “Anh em, cha mẹ của người xuất gia có thể hưởng sự sướng vui bất tận trên cõi tròi”, Trưởng lão kệ cũng khẳng định: “Nếu có ngưòi có trí tuệ đầy đủ sinh ra trong gia đình, thì bảy đòi cha mẹ của người tu hành ấy đều được tịnh nghiệp”. Muôn làm sáng tỏ được ý nghĩa của những khẳng định ấy, thì chúng ta cần phải nhìn lại quan niệm Hiếu của Phật giáo dưới góc độ thuyết luân hồi.

Kinh Báo ân cha mẹ kể lại rằng, đức Phật trong lúc du hành gặp một đông xương khô, Ngài liền đảnh lễ sát đất. Đệ tử của Phật là ngài Anan ngạc nhiên hỏi Phật vì lý do gì mà lễ bái đông xương khô ấy. Đức Phật dạy rằng, đống xương khô này hoặc tổ tông kiếp trước, hoặc là cha mẹ nhiều đời của ta nên ta chí thành kính lễ. Trong kinh Như thị ngữ

(Itivuttaka) có một luận điểm giải thích được cho hành động trên của đức Phật: “Phật nói rằng đông xương tàn của một ngươi trải qua nhiều kiếp chất chồng cao hơn núi Tu Di, sữa họ được uống nhiều hơn nước trong bốn bể, trong cuộc lưu chuyển sinh tử, không có cõi nào là chưa từng đi qua, không có chúng sinh nào không phải là mẹ cha của mình”.

Phật giáo là tôn giáo đã sử dụng rất nhất quán tư tưởng luân hồi vào trong triết học của mình để giải quyết triệt để vấn đề sông chết, về đời người, về cõi người. Tư tưởng luân hồi vừa có tính chất bản thể luận, vừa có tính chất thế giới quan. Phật giáo hình dung về vũ trụ như một Tam thiên Đại thiên thế giới, trong đó thế giới người trên trái đất này chỉ như một hạt cát nhỏ. Đời người không có một sự bắt đầu nào là nguyên sơ cả, trước khi được giải thoát, đòi người giống như một vòng xoắn luân chuyển không ngừng giữa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người, tròi. Sau khi sinh mệnh này kết thúc, À lại da thức ròi khỏi thân thể, theo sự thúc đẩy của nghiệp lực, sự dẫn dắt của nghiệp duyên mà thụ cảm một sinh mệnh khác. Do vậy mà trong dòng chảy của các sinh mệnh không có điểm khởi đầu ấy, bất cứ chúng sinh nào cũng có thể từng, đang hoặc sẽ là cha là mẹ của ta, chỉ do trong mỗi vòng luân hồi, chúng ta đều hiện ra dưới những hình dạng khác nhau trong lục đạo, khiến ta không còn có thể nhận ra người thân của mình. Chính vì thế mà Phật giáo đi tối một khẳng định, xét từ vòng quay của bánh xe luân hồi, thì tất cả chúng sinh đều là cha mẹ của nhau, và vì thế đều đáng được tôn kính và cư xử theo Hiếu đạo. Kinh Phạn Võng Bồ tát giới ghi: “Tất cả người nam là cha của ta, tất cả ngươi nữ là mẹ của ta. Những đòi luân chuyển của ta không đâu không sinh ra từ đó, cho nên chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta”.

Nhờ tư tưởng luân hồi này mà khái niệm sinh tử được mang một ý nghĩa mới. Chết không giông như một ngọn lửa

bị dập tắt, mà chết là khởi đầu cho một sự sống khác. Cũng qua tư tưởng luân hồi này mà chủ trương tất cả chúng sinh đều bình đẳng được tỏ lộ, con người vối con kiến, tuy hình dáng khác nhau, nhưng giá trị sinh mệnh của hai bên đều là bình đẳng. Đây là lý do chính yếu để Phạt giáo đưa ra giới luật cấm sát sinh, mà dưới góc độ Hiếu, thì nó thể hiện ra là: “Người thọ giới Bồ tát nên xem chúng sinh trong sáu cõi như cha mẹ mình, nếu ta giết mà ăn thịt thì khác nào ăn thịt cha mẹ ta” (Giới Bồ tát thứ 20).

Trong quan niệm của các tín đồ đạo Phật, thì sinh mệnh ở trong trạng thái sinh tử luân hồi không bao giờ dứt, chỉ có nhổ tận gốc nỗi khổ đau sinh tử cho cha mẹ thì mới được coi là tận hiếu triệt để với cha mẹ hiện tiền. Với những người mà trong hiện tại có khi chẳng liên quan gì tới ta, có thể đã từng nhiều đời nhiều kiếp là cha mẹ, con cái người thân của ta, nên con người với chúng sinh trong lục đạo luôn luôn có tương quan liên hệ. Bởi thế, khi nhìn thấy một sinh linh đau khổ, chúng ta cần đồng cảm như đồng cảm với chính người thân của mình, để tìm cách trừ khổ và đem lại an vui cho họ. Đem tinh thần bạt khổ dữ lạc ấy (gạt khổ đem vui) mở rộng ra với tất cả chúng sinh trong lục đạo sẽ đưa tới trạng thái quan tâm và đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh của tinh thần đại từ, đại bi vô điều kiện, không đợi báo đáp của Bồ tát. Đây chính là nguyên tắc cơ bản cho quan niệm của Phật giáo về mối quan hệ giữa người với người, giữa người với chúng sinh.

Khái niệm mẹ cha từ chỗ chỉ hạn hẹp trong mẹ cha của đòi này, kiếp này, đã chuyển thành mẹ cha là chúng sinh trong lục đạo. Khái niệm sinh tử từ chỗ phân cực tuyệt đối đã liên kết biện chứng với nhau và là chỗ tựa nương cho

sự biến chuyển luân hồi. Vậy thì quan niệm Hiếu cũng sẽ phải chuyển từ chuyện cung phụng một cách tạm thời và giản đơn về vật chất, tinh thần trong đời này kiếp này với riêng cha mẹ mình, sang giúp đỡ cha mẹ và tất cả chúng sinh thoát ra khỏi sáu đường, dứt bỏ vòng xoáy sinh tử luân hồi. Tại đây chúng ta lại thấy quan niệm Hiếu đã thấm nhuần tinh thần Bồ tát đạo, trên thì cầu thành Phật, dưới thì cứu độ khắp chúng sinh. Điểm này có thể coi như một đặc trưng quan trọng nhất cho tinh thần Hiếu của Phật giáo.

Nếu nhìn sang Nho giáo, ta sẽ thấy Nho giáo để Hiếu có vẻ như chiếm giữ vai trò bản thể luận. Trong Hiếu kinh có nói: “Xét ra Hiếu là gốc của đức, là nguồn sinh ra giáo hoá” thậm chí còn hơn thế: “Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất”. Song một luận điểm như thế này vẫn cho chúng ta thấy xuất phát điểm đầu tiên của Nho giáo về Hiếu vẫn là từ nhu cầu chính trị, xã hội, tôn cao Hiếu không phải để Hiếu được soi chiếu bởi một lý thuyết siêu hình học mà ngược lại, để hình dung toàn bộ vũ trụ đều bị quy thuộc về các quy luật, phạm trù luân lý. Khổng Tử với thái độ chỉ tập trung vào hiện thực trực tiếp, không quan tâm tới những triết thuyết cao xa “việc sống còn chưa biết hết, biết sao được việc sau khi chết”, hay “kính quỷ thần nhưng hãy tránh xa” đã cho thấy đạo Hiếu của Nho gia sẽ chỉ dừng ở tầm mức một quy phạm đạo đức xã hội, chứ không có tính chất nền tảng bản thể luận như Phật giáo. 

Hiếu dưới góc nhìn của luật nhân quả, đã chuyển hoá thành thực tiễn tu hành, cha mẹ đã chuyển hoá thành tất cả chúng sinh. Chính vì vậy mà hạnh Hiếu cũng là hạnh Bồ tát, là hạnh Phật. Hiếu được quán xuyến trong cả quá trình từ người phàm phát tâm nguyện tu hành cho tới khi thành Phật, đây là một quá trình biện chứng thống nhất. Đạo Hiếu khi được mở rộng sẽ chính là tư tưởng đạo Bồ tát đại thừa, còn học hỏi Phật pháp cũng chính là học cách làm Người. Tư tưởng “Hiếu hạnh tức Phật hạnh” do đó mà chứa đựng những giá trị triết lý và nhân bản sâu sắc. 

Xem thêm Tết, không gian, thời gian và nhịp sinh học

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận