Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9: Đoạn trích “Lặng lẽ Sa Pa”

Đang tải...

Tìm hiểu đoạn trích “LẶNG LẼ SA PA”

(Trích – Nguyễn Thành Long)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Cốt truyện của Lặng lẽ Sa Pa rất đơn giản, tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường với người thanh niên làm công tác khí tượng tại nơi ở và làm việc của anh trên đỉnh núi cao. Qua tình huống gặp gỡ và câu chuyện giữa các nhân vật, tác giả khắc hoạ chân dung nhân vật chính – anh thanh niên – cùng với những nhận xét, suy nghĩ của các nhân vật về ý nghĩa của công việc, về những cống hiến thầm lặng của những người lao động bình thường và cả về cuộc sống, về nghệ thuật.

– Chất thơ – một nét đặc sắc của Lặng lẽ Sa Pa: Chất thơ thấm vào mọi yếu tố từ cốt truyện, tình huống đến mối quan hệ giữa các nhân vật cùng vẻ đẹp trong tình cảm và suy nghĩ của họ. Đặc biệt, chất thơ in đậm trong bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa mĩ lệ của Sa Pa được hiện ra như dưới cái nhìn của một hoạ sĩ.

– Đặc điểm nghệ thuật:

+ Tạo tình huống truyện tự nhiên và hấp dẫn: tình huống cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của ông hoạ sĩ, cô kĩ sư với người thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao, từ đó miêu tả chân dung nhân vật chính qua cái nhìn của các nhân vật khác.

+ Chọn điểm nhìn trần thuật từ nhân vật ông hoạ sĩ để dễ dàng quan sát, miêu tả các nhân vật khác và bộc lộ nhũng rihận xét, suy nghĩ qua độc thoại nội tâm.

+ Nghệ thuật miêu tả khung cảnh thiên nhiên với những bức tranh phong cảnh Sa Pa hùng vĩ, mĩ lệ.

+ Miêu tả nhân vật từ điểm nhìn của những nhân vật khác: anh thanh niên được giới thiệu qua lời bác lái xe, được miêu tả qua cái nhìn và suy nghĩ của ông hoạ sĩ, cô kĩ sư.

+ Kết hợp miêu tả, tự sự và bình luận trong truyện; mở đầu và kết thúc truyện là những bức tranh thiên nhiên đẹp; miêu tả nhân vật xen với thuật, kể các sự việc trong cuộc gặp gỡ; đan xen giữa miêu tả nhân vật anh thanh niên với những suy nghĩ, bình luận của các nhân vật khác.

II – LUYỆN TẬP

1. Tình huống cơ bản của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là gì? Vai trò của tình huống đó đối với việc thể hiện nhân vật và chủ đề của truyện.

2. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện.

3. Các nhân vật ông hoạ sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe có vai trò như thế nào trong việc phác hoạ hình tượng nhân vật anh thanh niên và chủ đề của tác phẩm?

4. Chất thơ là một nét đặc sắc của truyện Lặng lể Sa Pa. Hãy làm rõ nhận định ấy.

Gợi ý

2. Chân dung anh thanh niên được thể hiện ở một số nét chính dưới đây:

– Hoàn cảnh sống và làm việc: Điểu mà tác giả muốn làm nổi bật trong hoàn cảnh của nhân vật này không phải là những công việc khó khăn, nặng nề, mà là một hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt – một mình trên đỉnh núi cao Yên Sơn quanh năm suốt tháng giữa cái lặng lẽ của cỏ cây, mây núi. Thách thức lớn nhất với anh chính là sự cô độc. Chi tiết hồi đầu mới lên trạm khí tượng thèm được gặp người nên có lần anh đã đẩy một thân cây chắn ngang đường để xe phải dừng lại, nhân đó mà được gặp và trò chuyện với mọi người đã nói lên cảnh sống cô độc và niềm khao khát được giao tiếp với người khác. Còn bác lái xe thì gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Sự cô độc ấy càng nổi bật trong cái im lặng lạ lùng mà anh cảm nhận được khi phải ra ngoài trời vào giờ “ốp” lúc một giờ đêm, nhất là những đêm mùa đông có gió tuyết.

– Những nét đẹp trong bức chân dung nhân vật:

+ Nét đẹp dễ nhận thấy trước hết ở anh là ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác và niềm say mê trong công việc thầm lặng của mình. Anh hiểu rõ công việc hằng ngày của mình: “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu“. Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người, nó gắn liền với mọi người và cuộc sống chung của đất nước. Anh yêu công việc của mình: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

+ Anh sắp xếp, tổ chức cuộc sống một mình trên trạm khí tượng một cách ngăn nắp, ổn định lâu dài: nào trồng rau, trồng hoa, nuôi gà, lúc rảnh rỗi thì đọc sách. Anh là người cởi mở, hiếu khách, hơn nữa còn chu đáo, tế nhị (chi tiết anh vội lên trước hai người khách để vào vườn cắt một bó hoa tặng họ, căn phòng ở gọn gàng ngăn nắp, khi tiễn hai người khách còn tặng họ một làn trứng để ăn dọc đường).

+ Suy nghĩ sâu sắc về công việc và cuộc sống, vể sự cô độc, anh đã nghĩ: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu tròi đen kịt, nhìn kĩ mới . thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đổng chí dưới kia”. Anh còn là người khiêm tốn, coi những công việc và cống hiến của mình là rất nhỏ bé so với những đóng góp và hi sinh thầm lặng của bao nhiêu người khác. Khi thấy người hoạ sĩ kí hoạ mình trong sổ tay, anh thành thực thấy mình chưa xứng đáng và giới thiệu với ông hoạ sĩ những người khác có những cống hiến đáng khâm phục như ông kĩ sư vườn rau ở Sa Pa, anh cán bộ khoa học mười mấy năm theo đuổi công trình lập bản đồ sét.

Dù chỉ xuất hiện trong một chốc lát của cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật, và cũng mới chỉ hiện ra như một bức phác thảo chân dung, nhưng nhân vật anh thanh niên trong truyện đã để lại những ấn tượng và cảm xúc đẹp cho các nhân vật khác và cho người đọc. Đó là một vẻ đẹp trong sáng, mang chất lí tưởng mà gần gũi, bình dị, có thể gặp được ở nhiều con người bình thường trong cuộc đời.

3. Trong truyện, ngoài nhân vật anh thanh niên, ba nhân vật: ông hoạ sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe cũng góp phần quan trọng vào việc thể hiện chủ đề của tác phẩm và tạo nên không khí của truyện, đồng thời lại soi sáng, làm rõ thêm cho nhân vật chính – anh thanh niên.

– Tuy không dùng cách trần thuật ở ngôi thứ nhất, nhưng hầu như tác giả đã lựa chọn điểm nhìn từ nhân vật ông hoạ sĩ để quan sát, miêu tả, suy nghĩ, bình luận. Đó là một hoạ sĩ già, nhiểu từng trải trong cuộc đời, nghệ thuật nhưng vẫn rất nặng lòng, tha thiết với cuộc sống, với cái đẹp, có những suy nghĩ sâu sắc về đời sống và về nghệ thuật. Như trong lời kể của Nguyễn Thành Long, ông đã hoá thân vào nhân vật hoạ sĩ để kể và gửi gắm những suy ngẫm về cuộc sống, về nghệ thuật.

– Đưa vào truyện nhân vật cô kĩ sư, tác giả tạo cho câu chuyện về cuộc gặp gỡ của các nhân vật có thêm chất trữ tình, cái mơ mộng, những rung cảm nhẹ nhàng, e ấp của những tâm hồn trẻ trong một cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị, cảm xúc.

– Nhân vật bác lái xe có chức năng giới thiệu và kết nối nhân vật chính với hai nhân vật ông hoạ sĩ và cô kĩ sư, chuẩn bị cho sự xuất hiện của anh thanh niên. Những lời giới thiệu của bác lái xe đã khơi gợi sự chú ý của ông hoạ sĩ và cô kĩ sư, cũng như của người đọc, chuẩn bị tâm thế cho họ khi gặp người thanh niên. Mối quan hệ thân thiết và sự quan tâm chân thành của anh thanh niên với bác lái xe cũng góp thêm một nét đẹp của anh.

Vì sao cả bốn nhân vật trong truyện đểu không được tác giả đặt tên, mà chỉ gọi họ bằng nghề nghiệp, lứa tuổi? Chắc hẳn đây là một dụng ý của tác giả. Nhà văn muốn thể hiện họ là những con người bình thường, bình dị trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên hành trình của một chuyến xe khách, như chúng ta có thể gặp những con người như thế ở nhiều nơi trên đất nước, trong nhiều nghề nghiệp.

4. – Sự thành công và cũng là sức hấp dẫn của Lặng lẽ Sa Pa không chỉ ở nhân vật, tình huống truyện và các chi tiết nghệ thuật được chọn lọc của tác giả, mà chủ yếu còn ở cái không khí riêng đậm chất thơ của truyện được đan dệt tổng hợp từ nhiều yếu tố nghệ thuật – từ tình huống, cốt truyện đến vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật, các chi tiết nghệ thuật, nhất là từ những bức tranh thiên nhiên. Truyện ngắn này có gì đó gần như một bài thơ, với cái tứ là cuộc gặp gỡ tình cờ để lại nhiều dư vang trong lòng các nhân vật và cả trong tâm trí người đọc. Chất thơ ấy còn ở nhiều chi tiết đặc sắc được tác giả dụng công sáng tạo: anh thanh niên đẩy cây gỗ chắn ngang đường xe chạy để có cớ được gặp và trò chuyện với mọi người; cảnh vườn hoa rực rỡ bất ngờ hiện ra trước hai vị khách; chi tiết chiếc khăn tay cô gái cố ý bỏ quên trong cuốn sách, anh thanh niên lại không hiểu ý, chạy theo trả lại,…

– Chất thơ không chỉ ở những chi tiết bên ngoài mà còn ở bế sâu trong tâm hồn, cảm xúc và suy nghĩ của các nhân vật. Không chỉ anh thanh niên mà tất cả các nhân vật trong truyện đều đẹp trong những suy nghĩ, cảm xúc, trong các mối quan hệ và cách sống. Đặc biệt, chất thơ toát lên từ những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Sa Pa, vừa hùng vĩ vừa mĩ lệ hiện ra dưới cái nhìn của một hoạ sĩ. Hai bức tranh đầy ánh sáng được đặt ở đoạn đầu và đoạn cuối truyện đã tạo một cái nền không gian thật tươi sáng, trong trẻo cho câu chuyện về cuộc gặp gỡ tình cờ của ba nhân vật.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận