Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9: Đoạn trích “Chiếc lược ngà”

Đang tải...

Tìm hiểu đoạn trích “CHIẾC LƯỢC NGÀ”

(Trích – Nguyễn Quang Sáng)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Truyện Chiếc lược ngà cũng viết về chiến tranh, về những người cách mạng nhưng không phải về những trận đánh hay những chiến công của họ mà là về những éo le trong cảnh ngộ gia đình, về tình người, ở đây là tình cha con, tình bạn, tình đồng chí trong hoàn cảnh chiến tranh. Qua câu chuyện đầy cảm động của cha con ông Sáu, một cán bộ cách mạng, truyện ca ngợi tình cảm cha con thắm thiết, sâu xa trong hoàn cảnh éo le và đau thương của chiến tranh.

– Đoạn trích trong SGK gồm hai phần, kể về hai sự việc chính trong câu chuyện của cha con ông Sáu. Mỗi sự việc cũng là một tình huống của truyện. Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết ‘thì ông Sáu lại phải ra đi. Đây là tình huống cơ bản của truyện. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ đứa con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái. Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với đứa con.

– Đặc sắc về nghệ thuật:

+ Sáng tạo tình huống truyện bất ngờ mà,tự nhiên, hợp lí để bộc ]ộ sâu sắc tình cảm cha con và tính cách nhân vật bé Thu.

+ Truyện đã xây dựng thành công hai nhân vật chính: ông Sáu và bé Thu. Nhà văn miêu tả tâm lí nhân vật, đặc biệt là tâm lí nhân vật trẻ em, chính xác, tinh tế qua những biểu hiện sinh động về ngoại hình, cử chỉ, hành động.

+ Cách trần thuật từ ngôi thứ nhất cùng sự phối họp tự sự, miêu lả với biểu cảm làm tăng khả nãng biểu đạt của truyện.

II – LUYỆN TẬP

1. Nêu tình huống chính trong nửa đầu của đoạn trích (kể về lần về thăm nhà cuối cùng của ông Sáu). Nhận xét về việc xây dựng tình huống truyện của tác giả.

2. Phân tích diễn biến tâm lí, hành động của bé Thu trong lần ông Sáu về thăm nhà. Nhận xét về tính cách nhân vật bé Thu và nghệ thuật miêu tả nhân vật này của tác giả.

3. Em cảm nhận như thế nào về nỗi lòng của người cha ở nhân vật ông Sáu?

4. Đoạn trích gợi cho em những cảm nghĩ gì về tình người trong chiến tranh?

Gợi ý

1. Tình huống chính trong nửa đầu của đoạn trích chính là sự việc bé Thu kiên quyết không nhận ông Sáu là cha. Tình huống ấy là đầu mối gây ra cảnh ngộ éo le và nỗi day dứt ở ông Sáu, cũng như ở mọi người trong sia đình, suốt những ngày ông Sáu được về phép thăm nhà. Tình huống ấy chỉ được giải toả ở thời điểm cuối cùng khi ông Sáu sắp từ biệt gia đình trở lại chiến khu. Chiến tranh gắn liền với xa cách, li tán, với những cảnh ngộ éo le. Tình huống bé Thu không chịu nhận cha trong truyện cũng là một trong những éo le do hoàn cảnh chiến tranh gây ra. Tình huống ấy đầy bất ngờ, xuất hiện ngay từ khi ông Sáu vừa về đến đầu xóm, cha con được gặp nhau sau bao năm xa cách. Để tạo sự hợp lí cho tình huống ấy, tác giả đã sáng tạo một chi tiết: khuôn mặt ông Sáu có một vết sẹo dài do bị đạn bắn làm biến dạng, khác với khuôn mặt trong tấm hình chụp cùng vợ. Vì thế bé Thu, với suy nghĩ còn non nớt của một đứa trẻ, đã nhất quyết không nhận cha. Tình huống này cũng gợi nhớ đến tình huống đứa con nhỏ không nhận cha trong Chuyện người con gái Nam Xương, chỉ có điều diễn biến và kết cục của mỗi truyện thì khác nhau.

2. – Diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu:

Khi mới gập ông Sáu, trái ngược với sự xúc động và tình cảm nồng nhiệt của người cha, bé Thu lại hoảng sợ, ngơ ngác lạ lùng rồi vụt bỏ chạy. Từ đó, trong những ngày ông Sáu ở nhà, con bé nhất quyết không nhận cha, “nó không gọi ba” khi phải xưng hô với ông và chỉ nói trổng. Một lần, khi một mình loay hoay với nổi cơm to đang sôi trên bếp, cần phải chắt nước, trong tình thế ấy nó vẫn không gọi “ba” mà chỉ nói trổng: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!“. Chi tiết này thật thú vị và đặc sắc, lại rất tự nhiên, thể hiện rõ nét tính cách cứng cỏi với một vẻ ương ngạnh rất trẻ con của cô bé. Đến bữa cơm hôm ấy, khi ông Sáu gắp một miếng trứng cá to bỏ vào bát cơm của Thu thì con bé đã phản ứng lại sự chăm sóc ấy một cách quyết liệt và rất trẻ con: Nó lấy đũa xoi vào bát cơm rồi bất ngờ hất cái trứng cá ra, làm cơm vãi tung toé ra cả mâm. Ông Sáu giận quá, nổi nóng mắng con và phát vào mông nó. Thu bỏ sang nhà bà ngoại, khóc và mách với bà. Xung đột giữa hai cha con đã lên tới đỉnh điểm và đó cũng là cao trào của tình tiết truyện. Tinh cảm cha con của ông Sáu đã bị tổn thương và nếu không lấy lại được thì chuyến về phép sum họp với gia đình sau bao nhiêu năm xa cách sẽ chỉ để lại một kỉ niệm buồn trong ông.

Câu chuyện đến đây tưởng như bế tắc và có thể dẫn đến một kết cục bi thương. Nhưng với sự am hiểu đời sống, hiểu biết tâm lí trẻ em và tấm lòng nhân ái, đồng cảm sâu sắc với những nỗi đau của con người, nhà văn đã tìm được cách mở nút cho câu chuyên. Chỉ ở bên bà ngoại, bé Thu mới tin tưởng giãi bày mối thắc mắc và sự nghi ngờ của mình vế người nhận là ba nó sao không giống với người trong tấm hình chụp chung với má. Bà ngoại đã hiểu ra và giải toả mối nghi ngờ ở đứa cháu. Từ lúc ấy, bé Thu như thành một người khác hẳn: “Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Sáng hôm sau, khi trở về nhà, nhìn cảnh má nó chuẩn bị hành lí cho ba và mọi người đến chia tay ba nó, “vẻ mặt của nó có gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu...”. Sự im lặng khác thường của bé Thu dường như dồn chứa những cảm xúc đang trỗi lên trong nó, để rồi tới lúc sẽ bùng nổ mãnh liệt. Cái giây phút ấy đã tới, đó chính là lúc ba nó nói lời từ biệt: “Thôi! Ba đi nghe con!”, nhưng không tiến lại để ôm lấy nó. Tình cảm với người cha mà nó đã nén lại bấy lâu nay, cùng với niềm ân hận về thái độ của mình với ba trong những ngày qua và cả sự hoảng hốt khi thấy lại phải chia xa với ba khiến con bé bật lên tiếng kêu “ba”. “Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm’ nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”. “Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: “Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!“. Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”.

– Tính cách của nhân vật bé Thu: Qua biểu hiện tâm lí và hành động của bé Thu, tác giả đã làm nổi rõ một số nét tính cách của nhân vật. Đó là cô bé có tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Bên cạnh đó, ở Thu còn có nét cằ tính cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh, nhưng dù sao bé Thu vẫn là một đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ.

Qua những diễn biến tâm lí của bé Thu được miêu tả trong truyện, với tấm lòng yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ, ta thấy tác giả tỏ ra am hiểu và diễn tả rất sinh động tâm lí trẻ em.

3. – Trong phần đầu của đoạn trích, tình yêu thương và nỗi nhớ mong con của ông Sáu trong lần về phép thăm nhà sau tám năm xa cách đã biểu hiện chân thực và cảm động từ lúc mới được gặp mặt con cho đến lúc ông từ biệt gia đình, trở lại khu căn cứ. Tình yêu thương ấy biến thành nỗi khổ tâm, day dứt khi đứa con nhất quyết không chịu nhận cha. Và ngay trong hành động không kiếm chế được, ông đã phát vào mông con vì tức giận cũng vẫn chứa đựng tình yêu pha lẫn nỗi đau xót của người cha. Tinh cảm của người cha đã được đền đáp khi bé Thu nhận ra ba và biểu lộ tình cảm hết sức nồng nhiệt. Nhưng đó cũng là lúc cha con phải chia li, để rồi tình yêu con trở thành nỗi nhớ mong khắc khoải, xen lẫn sự ân hận ở ông Sáu, trong những ngày tháng ở khu căn cứ.

– Ông Sáu ở khu căn cứ trong rừng sâu, dồn nỗi nhớ thương đứa con gái vào việc kì công tự tay làm chiếc lược ngà để gửi cho con, như lời hứa lúc giã từ. Qua nhiều ngày tháng, chiếc lược ngà đã làm xong, nhưng chưa có cách nào gửi cho con thì ông đã hi sinh trong một trận địch càn vào khu căn cứ. Dù ở phần cuối truyện, nhân vật bác Ba – người bạn chiến đấụ của ông Sáu – đã gặp được Thu, nay là cô giao liên dũng cảm và đã trao được tận tay cô kỉ vật thiêng liêng của người cha, nhưng những mất mát và nỗi ‘đau do chiến tranh đem lại cho nhân vật trong truyện thì đâu có dễ xoá mờ được và nó cũng để lại niềm cảm thương, xót xa ở người đọc.

Xem thêm: Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9: Đoạn trích “Lặng lẽ Sa Pa”

4. Chú ý hai khía cạnh sau:

– Chiến tranh đem lại những nỗi éo le, sự xa cách, tác động đến cả những tính cảm và quan hệ gần gũi, thân thiết nhất của con người như tình cảm gia đình trong đó có tình cha con.

– Nhưng chiến tranh dù đem lại nhiều đau thương vẫn không thể tiêu diệt được tình người, tình cảm gia đình. Trong hoàn cảnh chiến tranh, những tình cảm ấy càng sáu nặng, tha thiết, cháy bỏng và càng thêm cao đẹp.

Học sinh cần nêu cảm nghĩ thực của mình. Có thể huy động cả những hiểu biết thực tế hay liên hệ với nhũng tác phẩm vặn học khác cũng nói vể tình cảm của con người trong chiến tranh.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận