Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Nói với con”

Đang tải...

Tìm hiểu bài thơ “Nói với con”

(Y Phương)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Nói với con là lời tâm sự của tác giả với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con cũng là tâm sự với chính mình. Nhà thơ không chỉ nói với con về tình yêu thương con của cha mẹ, mà còn về truyền thống và bản lĩnh của “người đồng mình”, tức là của quê hương, dân tộc mình. Bài thơ cũng thể hiện niềm mong mỏi và niềm tin thế hệ sau sẽ kế tục xứng đáng và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống của quê hương, dân tộc.

– Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, có bố cục hai đoạn khá mạch lạc:

+ Đoạn 1(từ đầu đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): Con lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ của cha mẹ và sự đùm bọc nghĩa tình của quê hương, làng bán.

+ Đoạn 2 (phần còn lại): Niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về những truyền thống văn hoá của quê hương và lòng mong ước con sẽ kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

Bố cục như vậy thể hiện sự phát triển hợp lí và tự nhiên của tình cảm và tư tưởng trong bài thơ: từ tình cảm gia đình mở rộng ra tình yêu quê hương, đất nước; từ những tình cảm gần gũi nâng thành ý chí, nghị lực; từ lời người cha “nói với con”, bài thơ để cập đến vấn đề mang ý nghĩa rộng lớn và chung cho mọi người: vấn để đạo lí, lẽ sống làm người.

– Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là lối tư duy và cách biểu đạt mang đậm bản sắc dân tộc:

+ Lối tư duy mang tính cụ thể, xuất phát từ những sụ vật, hiện tượng gần gũi trong đời sống nhưng lại có khả năng khái quát được bản chất. Lối tư duy ấy gắn chặt với cách diễn đạt bằng hình ảnh vừa cụ thể, sinh động vừa giàu sức tưởng tượng. Có thể gọi đó là lối tư duy bằng hình ảnh. Bài thơ đề cập tới những vấn đề như truyền thống quê hương, đạo lí, lẽ sống nhưng không dùng những khái niệm trừu tượng mà nói bằng những điều gần gũi, những hình ảnh, những sự việc trong đời sống của gia đình và quê hương. Cách diễn đạt bằng hình ảnh như vậy cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ:

+ Về giọng điệu: là lời người cha nói với con nên giọng điệu chủ đạo của bài thơ là giọng trìu mến, tha thiết mà lắng sâu. Giọng diệu này thể hiện rõ nhất ớ những lời gọi có tính chất cảm thán: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, “Người đồng mình thương lắm con ơi”, ở những lời tâm tình dặn dò: “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn – Sống trên đá không chê đá gập ghềnh – Sống trong thung không chê thung nghèo đói”, “Người đồng mình thô sơ da thịt – Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”.

Những lời nói với con cũnq cho thấy lòng tự hào của người cha về quê hương, về dân tộc mình nên giọng điệu của bài thơ còn là giọng tự hào, tin tưởng. Giọng điệu ấy được thể hiện trong những lời khẳng định về phẩm chất, truyền thống của “người đồng mình”, của quê hương.

II – LUYỆN TẬP

1. Con lớn lên trong tình yêu của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương. Nội dung ấy đã được thể hiện như thế nào trong đoạn 1 (từ đầu đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”) của bài thơ?

2. Nhà thơ đã ca ngợi những đức tính cao đẹp nào của “người đồng mình” qua lời người cha nói với con?

3. Nét đặc sắc của bài thơ là lôi tư duy và cách diễn đạt giàu hình ảnh mang bản sắc dân tộc miền núi. Hãy làm rõ điều đó.

Gợi ý

1. – Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ: “Chân phải bước tới cha – Chân trái bước tới mẹ – Một bước chạm tiếng nói – Hai bước tới tiếng cười”. Bằng các hình ảnh cụ thể, bốn câu thơ đầu tạo được không khí gia đình đầm ấm, tràn đầy tiếng nói, tiếng cười và niềm hạnh phúc của cả cha, mẹ và con. Từng bước đi chập chững của con đều được cha đỡ, mẹ nâng. Nhịp 2/ 3 của cả bốn câu thơ cùng với những điệp ngữ chân phải – chân trái, một bước – hai bước, tới cha – tới mẹ, tiếng nói – tiếng cười vừa diễn tả được bước đi chập chững của đứa con vừa diễn tả được tình cảm nâng niu, chở che của cha mẹ.

Đứa con ra đời là niềm mong mỏi, là kết quả hạnh phúc của cha mẹ nên nhìn đứa con mà “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới – Ngày đầu tiên đẹp nhất trẽn đời”.

– Đứa con còn được lớn lên trong sự nuôi dưỡng, đùm bọc của quê hương: “Người đồng mình yêu lắm con ơi – Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát – Rừng cho hoa – Con đường cho những tấm lòng”. Con người của quê hương mình không chỉ cần cù, chăm chỉ lao động mà còn tài hoa, khéo léo, gửi cả tâm hồn vào những việc làm, những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày của họ: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”. Rừng núi quê mình đẹp lắm (Rừng cho hoa); con người quê mình sống nghĩa tình, biết chia sẻ (Con đường cho những tấm lòng). Người cha muốn nói vói con ràng: con không chỉ được lớn lên bằng tình yêu thương của cha mẹ, mà còn giữa thiên nhiên tươi đẹp của quê hương, trong một dân tộc giàu bản sắc văn hoá, giàu nghĩa tình.

Xem thêm: Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Viếng lăng Bác”

2. Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, từ đó nhắc nhở con những điều cần nhớ:

– “Người đồng mình thương lắm con ơi”: con người quê hương mình tuy vất vả, khổ cực nhưng giàu tình yêu thương và thật đáng tự hào. Họ lấy cái cao của trời để đo nỗi buồn, cái xa của đất để đo chí lớn, điều đó thể hiện tầm vóc lớn lao về tinh thần, ý chí của con người quê hương. Vì vậy, cha mong con biết trân trọng nơi mình sinh thành, sống tình nghĩa thuỷ chung với quê hương, làng bản, không được coi khinh dân tộc mình nghèo đói (Sống trên đủ không chê đá gập ghềnh – Sống trong thúng không chê thung nghèo đói). Con phải biết “Sống như sông như suối”, nghĩa là sống mạnh mẽ, dùng nội lực của chính mình để vượt qua gian nan, thử thách (Lên thác xuống ghềnh – Không lo cực nhọc).

– “Người đồng mình thô sơ da thịt” nhưng “Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”: niềm tự hào về con người của dân tộc mình. Họ có thể thô sơ, mộc mạc nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về tinh thần.

– “Người đồng mình” giàu lòng tự tôn dân tộc, có ý thức về bản sắc dân tộc, có nền văn hoá, phong tục riêng biệt, độc đáo: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương – Còn quê hương thì làm phong tục”.

– Từ đó, người cha mong con hãy tự hào về “người đồng mình”, về quê hương, dân tộc mình, hãy tự tin và vững bước trên đường đời: “Con ơi tuy thô sơ da thịt – Lên đường – Không bao giờ nhỏ bé được – Nghe con”.

Lời người cha “nói với con” trong bài thơ càng có ý nghĩa lớn hơn đối với những ai còn tự ti vì thấy mình nhỏ bé, yếu kém hoặc đánh mất gốc rễ, quên đi truyền thống tốt đẹp của cha ông mình, dân tộc mình.

3. Tham khảo phần Kiến thức cơ bản ở trên để làm bài.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận