Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Ánh trăng”

Đang tải...

Tìm hiểu bài thơ “ÁNH TRĂNG”

(Nguyễn Duy)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Nguyễn Duy viết bài thơ Ánh trăng năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ba năm sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ. Sau chiến tranh, tác giả cũng như nhiều người kháng chiến đã từ rừng trở về thành phố, quen dần với cuộc sống đô thị trong thời bình. Qua biểu tượng vầng trăng, tác giả gợi lại kỉ niệm về những năm tháng quá khứ gian khổ và nghĩa tình với nhân dân, đất nước, đồng đội. Bài thơ là lời tâm sự, tự vấn, tự nhắc nhở của nhà thơ về nghĩa tình thuý chung với quá khứ gian lao, với đồng đội và nhân dân.

– Bài thơ có hai hình tượng chính: nhân vật trữ tình và vầng trăng. Hai hình tượng ấy có mặt trong suốt câu chuyện, cùng đi qua nhiều chặng thời gian; mối quan hệ khi thì gắn bó thân thiết, khi lại trở nên xa lạ và cuối cùng soi chiếu vào nhau để thức tỉnh cho nhân vật trữ tình.

– Bài thơ được bố cục theo mạch kể về quan hệ của nhân vật trữ tình với vầng trăng ở hai thời đoạn:

+ Hồi nhỏ rồi thời chiến tranh, con người sống ở đồng, ở bể, ở rừng, gần với thiên nhiên, “hồn nhiên như cây cỏ” thì vầng trăng thật gần gũi: “thành tri kỉ”.

+ Sau chiến tranh về thành phố, con người quen dần với tiện nghi và không gian đô thị, vầng trăng trở thành xa lạ “như người dưng qua đường”. Một tình huống bất ngờ xảy ra; mất điện. Tinh huống ấy đã tạo ra bước ngoặt trong mạch tự sự và dòng tâm tư của nhân vật trữ tình. Anh đẩy cửa sổ và bắt gặp vầng trăng tròn. Vầng trăng ấy gợi về hình ảnh quá khứ với nghĩa tình đồng đội, nhân dân.

Kết cấu bài thơ vừa dựa theo mạch tự sự, vừa triển khai theo dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Mạch tự sự và mạch trữ tình không tách rời mà thâm nhập, hoà quyện; ở phần đầu, yếu tố tự sự trội hơn, còn ở phần sau (từ tình huống bất ngờ đèn điện tắt) thì yếu tố trữ tình là chủ đạo.

– Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:

+ Kết hợp tự sự với trữ tình: Bài thơ được triển khai như lời tâm sự của nhân vật trữ tình về quan hệ giữa mình với vầng trăng theo dòng thời gian. Chất tự sự thể hiện ở các yếu tố: lời kể xen kẽ với miêu tả, thuật kể theo dòng thời gian, có tình huống bất ngờ tạo bước ngoặt của câu chuyện và tâm trạng nhân vật. Chất trữ tình hoà quyện với chất tự sự thể hiện ở thái độ, cảm xúc khi kể, miêu tả và bộc lộ trực tiếp tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

+ Thủ pháp đối lập được sử dụng triệt để, tạo được hiệu quả nghệ thuật cao: đối lập trong quan hệ giữa con người với vầng trăng ở hai thời kì trước và sau khi về thành phố; đối Ịập giữa bóng tối của căn phòng khi mất điện với vầng trăng sáng ngoài cửa sổ; đối lập khi con người soi mình vào vầng trăng, thấy rõ sự thuỷ chung, tròn đầy của vầng trăng và sự hờ hững, phai nhạt nghĩa tình trong lòng mình; đối lập giữa cái bình thản “im phăng phắc” của vầng trăng với cái “giật mình” thức tỉnh của nhân vật trữ tình.

+ Sáng tạo hình ảnh vầng trăng mang ý nghĩa biểu tượng phong phú (như đã phân tích ở trên).

II – LUYỆN TẬP

1. Phân tích mối quan hệ giữa nhân vật trữ tình và vầng trăng trong bài thơ theo diễn biến dòng thời gian. Tình huống nào tạo bước ngoặt trong tâm trạng của nhân vật trữ tình?

2. Phân tích hình ảnh vầng trăng trong bài thơ. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ấy.

3. Em cảm nhận như thế nào về hai câu thơ kết bài: “ánh trăng im phăng phắc – đủ cho ta giật mình”?

4. Nhận xét về sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình, về sự chuyển đổi giọng điệu trong bài thơ.

Gợi ý

1. Mối quan hệ giữa người và trăng được trình bày theo diễn biến ở hai thời kì: hồi nhỏ và thời chiến tranh; sau hoà bình.

– Hồi nhỏ và thời chiến tranh: “Hồi nhỏ sống với đồng – với sông rồi với bể – hồi chiến tranh ở rừng – vầng trăng thành tri kỉ”. Thời ấy con người sống chan hoà, gần gũi với thiên nhiên, còn thiên nhiên thì rộng lớn, khoáng đạt và xiết bao thân thiết với con người: “Trần trụi với thiên nhiên”. Con người có thể mở lòng mình với thiên nhiên, không phải e dè, không chút ngăn cách. “Hồn nhiên như cây cỏ” là giữ nguyên được sự trong sáng, vô tư, thành thực như thiên nhiên, cỏ cây cứ hồn nhiên sống mà bền bỉ vô tận. Trăng như là biểu tượng kết tinh của thiên nhiên, của mọi vẻ đẹp trong trẻo, dung dị -và trọn vẹn của cuộc sống nên trăng với con người trở thành “tri kỉ”, hơn thế nữa, trăng còn là “vầng trăng tình nghĩa”.

– Ngỡ như sự gắn bó tình nghĩa giữa con người và vầng trăng sẽ mãi mãi bền chặt, chẳng thể nào phai nhạt. Ấy vậy mà khi hoàn cảnh sống thay đổi, khi con người từ rừng vể thành phố, mối quan hệ ấy đã đổi khác. Sống ở đô thị, con người bị vây bọc trong những không gian chật hẹp, ngăn cách của nhà cửa, phố xá; quen với những tiện nghi đô thị, xa cách dần với thiên nhiên, hững hờ ngay cả với vầng trăng dù nó vẫn hiện diện trên bầu trời thành phố. “Quen ánh điện, cửa gương” nghĩa là quen với cuộc sống đô thị, những cái hào nhoáng, bóng lộn, sang trọng của tiện nghi vật chất, con người dường như không còn cần đến thiên nhiên, hờ hững với vầng trăng tri kỉ, “vầng trăng tình nghĩa” một thời nên nhìn vầng trăng qua ngõ mà “như người dưng qua đường”. Sự đổi thay của mối quan hệ giữa người và trăng hoàn toàn là do con người.

Tình huống bất ngờ làm cho nhân vật trữ tĩnh phải thức tỉnh, gây nên những xúc cảm mạnh mẽ ở anh chính là sự kiện: “Thình lình đèn điện tắt – phòng buyn-đinh tối om”. Nhân vật trữ tình “vội bật tung cửa sổ” và thật bất ngờ, cái mà anh bắt gặp ở bên ngoài là một vầng trăng tròn. Vầng trăng ấy trong một lúc như gọi về trong anh bao nhiêu là cảnh tượng rộng lớn của thiên nhiên “như là đồng là bể – như là sông là rừng”, cùng với những kỉ niệm quá khứ của tuổi trẻ, của thời chiến tranh. Nhân vật trữ tình được sống trong trạng thái cảm xúc dâng tràn cao độ: “có cái gì rưng rưng”. Gặp lại vầng trăng như được gặp lại ngựời bạn tri kỉ, nghĩa tình gắn bó suốt một thời mà láu nay mình đã vô tình lãng quên, hờ hững. Vầng trăng thuỷ chung, tình nghĩa vẫn cứ lặng lẽ mà khiến nhân vật trữ tình phải “giật mình” thức tỉnh, cũng là tự nhìn lại mình, thấy rõ sự thờ ơ, vô tình với quá khứ của chính mình. Đó cũng chính là sự nhắc nhở về thái độ sống nghĩa tình với nhân dân, đồng đội, đất nước.

Xem thêm: Chuyên đề Thơ hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”

2. Trong cả 6 khổ của bài thơ đều có hình ảnh vầng trăng. Trăng vừa là hình ảnh thực, lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng.

– Trăng là một phần của hình tượng thiên nhiên rộng lớn, đồng thời lại là biểu tượng của thiên nhiên, kết tinh những vẻ đẹp của thiên nhiên.

– Trăng còn là biểu tượng của những con người giản dị, trong sáng, thuỷ chung, tình nghĩa – đó là nhân dân, là đồng đội của người kháng chiến – những người một thời đã từng cưu mang, che chở, từng gắn bó, chia sẻ mọi gian lao, hi sinh và những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo.

– Vầng trăng còn là biểu tượng cho lương tâm, cho phần trong sáng ở mỗi con người. Soi vào vầng trăng cũng chính là soi vào lương tâm, nhận ra mình, nhận ra sự đổi thay đáng trách của mình để mà “giật mình” thức tỉnh.

Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng trong bài Ánh trăng vừa là sự kế thừa, vừa có sự bổ sung cho ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh trăng trong thơ ca từ xưa đến nay. Trăng từ xưa vẫn được xem là biểu tượng của sự bền vững, không đổi dời, của sự trong sáng, thuỷ chung. Cuộc thề nguyền của Kim – Kiều có sự chứng giám của vầng trăng nên với họ đó là “trăng thề”: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời – Đinh ninh hai miệng một lời song song” (Truyện Kiều). Trong bài Việt Bắc của Tố Hữu, vầng trăng cũng nhắc nhở về những kỉ niệm kháng chiến, về nghĩa tình của đồng bào Việt Bắc với người cán bộ cách mạng khi trở về thành thị: “Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?”. Trăng không chỉ là biếu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên mà cũng thường là biểu tượng cho nghĩa tình thuỷ chung, là người bạn tâm tình của thi nhân, nhất là những khi cô đơn, tha hương (trăng trong thơ Lí Bạch, Tản Đà,…). Ảnh trăng của Nguyễn Duy tiếp nối và làm phong phú thêm ý nghĩa biểu tượng của vầng trăng trong thi ca.

4. Tham khảo phần Kiến thức cơ bản ở trên để làm bài.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận