Thúy Kiều thương mình – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng bài thơ “Thúy Kiều thương mình” (Nguyễn Du) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

THÚY KIỀU THƯƠNG MÌNH

(Truyện Kiều)

NGUYỄN DU

         1. Mắc lận Sở Khanh, bị đánh đập tàn nhẫn, Thúy Kiều đành khuất phục Tú bà và nhận lời tiếp khách. Tú bà truyền cho nàng một số mánh khoé hành nghề. Nàng nghe mà thẹn thùng, đau xót, nhưng nghĩ mình đang ở trong tay Tú bà nên đành liều. Liều nhưng rồi sao? Đoạn thơ này sẽ nói lên tâm trạng của nàng trong cảnh ngộ mới.

         Đây là một sự thử thách lớn đối với phẩm chất con người. Xã hội áp bức bóc lột xấu xa đẩy con người vào cảnh sống ô nhục. Buộc phải sống trong cảnh ấy, con người khó giữ mình trọn vẹn. Nhưng kẻ có phẩm chất trong sạch như Thúy Kiều vẫn tự ý thức được mình, biết chỗ nào mình đành sống theo hoàn cảnh và xót thương cho phận mình chỗ đó, nhưng đặc biệt là không chịu để hoàn cảnh bùn dơ hoen ố tâm hồn minh, ráo cạn trái tim mình, giảm sút phẩm giá mình, mà trái lại, càng làm cho chất men trong người mình càng thêm thắm tươi nồng đượm. Tuy rằng sự tự ý thức này chỉ mới có tự xót thương, chứ chưa có thoáng nào căm giận, nhưng cùng với nghị lực giữ vững phẩm giá, nó vẫn đáng quí bao nhiêu.

         2. Ở đây để cho tiện phân tích, chúng tôi coi như đoạn trích có năm đoạn:

         Đoạn I (các câu 1227 – 1232): Cảnh ăn chơi ở lầu xanh.

         Đoạn II (các câu 1233 – 1238): Thúy Kiều tỉnh giấc và thương mình.

         Đoạn III (các cảu 1239 – 1252): Tâm trạng thường có của Thúy Kiều.

         Đoạn IV (các câu 1253 – 1264): Thúy Kiều nghĩ đến cha mẹ, người yêu.

         Đoạn V (các câu 1265 – 1268): Tâm trạng triễn miên, không lối thoát của Thúy Kiều.

         3. Đoạn I: Sau hai câu mở đầu:

“Lầu xanh mới rủ trướng đào,

Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người”.

giới thiệu một cách thanh nhã ở chốn lầu xanh này vừa có thêm một cô gái mới mà mụ chủ đang khoe khoang tài sắc và treo giá thật cao, như món hàng phẩm chất tốt thì giá bán phải đắt, để quyến rũ khách chơi xa gần, bốn câu tiếp mô tả cảnh ăn chơi ở nơi đó:

“Biết bao bướm lả ong lơi!

Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lả gió cành chim

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh”.

         Đoạn thơ nêu ra: ong bướm, gió chim, lả lơi, say cười, sớm đưa, tối tìm. Không phải là những người, những việc của đời sống thông thường, trong lành mà đích là cảnh sinh hoạt của một ổ ăn chơi: chỉ có ong và bướm, chim và gió và chuyện ong bướm lả lơi, chim gió dập dìu, cười say, đưa tìm. Lời thơ chải chuốt, lịch sự, hầu như bọc lụa là lên hết thảy. Cả hai nhân vật Tống Ngọc, Trường Khanh, có tiếng đẹp trai, tài  hoa, lại nổi tiếng về phú, cũng được mượn tên đưa vào đây cho bọn làng chơi được thanh nhã. Nhưng làm sao che lấp được những bọn người nhốn nháo, những bản chất bướm ong chim gió, làm sao át được tiếng cười, giọng say, mùi rượu, làm sao xoá mờ được những cảnh lả lơi thô bỉ?

         Bấy nhiêu cũng đã nhộn nhịp, rộn ràng rồi, nhưng nào phải chỉ bấy nhiêu!

         Có cái gì dữ dội hơn nhiều, xô bồ, gấp gáp hơn nhiều. Không chỉ là những cảnh lả lơi mà biết bao cảnh lả lơi. Không chỉ là cuộc say mà cuộc say đầy tháng; không phải chỉ là tiếng cười, chuỗi cười mà trận cười. Xưa nay người ta nói trận gió, trận mưa… chứ chưa ai nổi trận cười. Mà lại trận cười suốt đêm. Đó là hình bóng của một cảnh ăn chơi nổ trời: say không phải một buổi, mà đấy cả tháng, cười vang trời, ngặt nghẽo suốt đêm, rồi đưa rước, tìm kiếm, hết sớm đến tối, hết tối đến sớm, liền liền, không ngớt, như hối hả gấp gáp, sợ có cái gì mất đi, bay đi, không kịp.

         Tất cả các cảm giác ấy càng được nhân lên gấp bội bởi một hình thức ngôn ngữ đặc biệt: xé các nhóm từ ra rồi đan chéo lại.

         “Biết bao ong bướm là lơi” thì đã là nhiều sự lả lơi, nhưng “Biết bao bướm lả ong lơi” thì biết bao sự lả lơi ấy lại như nhân lên gấp bội. Cũng như “Dập dìu cành lá gió chim” thì gió chim cũng đã dập dìu rồi, nhưng “Dập dìu lả gió cành chim” thì sự dập dìu tăng lên không biết đến bao lần. Bởi từ một chủ thể, một vị thể đã nhân lên thành hai chủ, hai vị.

         Cũng không đơn thuần chỉ có sự nhân lên. Ong bướm lả lơi với bướm lả ong lơi là khác nhau về chất chứ không phải chỉ về lượng. Có phải ở đây là cảnh không còn nền nếp, khuôn khổ gì nữa không? Mà chỉ là cảnh gái buông thả mình và trai tha hồ đùa cợt? Cho nên, theo một sự trùng hợp tài tình trong ngôn ngữ, chữ nghĩa cũng coi như buông lỏng ra, bỏ khuôn phép đi, “say” đi, ong bướm rồi ra thành ong và bướm, lả lơi thành lả và lơi, để mà đan vào nhau?

         Như thế rất phải. Cảnh sống ở lầu xanh nơi Thúy Kiểu là như vậy. Làm gì còn khuôn phép? Chỉ có buông lỏng. Làm gì có lý trí sáng suốt, có tình cảm trong sạch? Chỉ có đồng tiền và thú tính. Vậy Thúy Kiều ra sao?

         Trong bốn câu thơ này không thấy trực tiếp bóng dáng nàng đâu cả. Nàng có trong những đội ong bướm kia không? Nàng có dự vào những cuộc say, những trận cười ấy không? Gió chim đến với cành lá, nhưng có đến với nàng không? Ai đưa và ai tìm? Có phải nàng không? Các câu thơ không có chủ từ. Nhưng có ai nghĩ khác. Đó là cảnh chung. Và đâu cũng có nàng. Nàng chỉ như bọt bèo cuốn vào trận lốc. Chắc chán nàng cũng buộc mình phải lả lơi, phải say, phải cười, phải đón đưa, chiều rước. Như vậy suốt đêm suốt tháng. Trong không khí rộn ràng, gấp gáp, trong tiếng cười hơi men, như điên như dại: “Chơi cho liễu chán hoa chê, Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”. Làm sao khác được?

         Nhưng tác giả có tấm lòng nhân đạo cao cả lại thêm khiến thẩm mỹ tế nhị vô vàn, đã vì muốn chân thật với bản chất duyên dáng, đạo đức của nhân vật mình, và cũng vì muốn quý trọng tình cảm độc giả đối với nhân vật ấy, nên không để nàng lộ mặt trực tiếp trong cảnh sống bẩn thỉu đối với nàng vốn là một sự oan nghiệt này. Nhưng làm lơ không để nàng cố tí dính dáng gì với cuộc sống ấy có được không? Nhất định không. Như vậy sẽ thiếu chân thật với tính cách của nàng; tưởng nâng cao thật ra là hạ thấp, và nàng thành giả tạo. Chỗ này cũng như nhiều chỗ khác, tác giả đã biết lách ngòi bút của mình. Chỉ một cái vẫy tay nhẹ tênh mà tránh được bao nhiêu ghễnh thác. Hết đoạn thơ này, bắt sang đoạn sau, Nguyễn Du mới gài nhẹ vài chữ: Khi tỉnh rượu: Như thế là không nói mà nói, nói mà thoảng qua, kín đáo như không nói. Thật là tài tình và thâm thuý.

         Đoạn II. Đoạn hai là sự giật mình ngạc nhiên, đau xót cho mình sao lại đến nông nỗi này, là sự tự ý thức chua chát về tình hình nhục nhã, đau khổ của mình trên cơ sở sự  trỗi dậy của nhân phẩm, của bản chất tốt đẹp của mình.

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa”!

         “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” là lúc con người tỉnh táo trong sạch. Bấy giờ nàng mới “giật mình¨¨. Chao ôi! Quí giá bao nhiêu cái giật mình này! Ví thử tỉnh dậy mà không có cái giật mình này, thì nàng cũng chỉ là hạng tầm thường như mọi người tầm thường mà thôi. Có thể ta vẫn thương, nhưng chẳng có gì đáng quí trọng. Bởi vì có trở về được với mình, với bản chất trong trắng thơm tho, với phẩm chất cao quí của mình thì mới giật mình: sao mình lại đến nông nỗi này. Cảnh sống xô bồ kia không phải là của mình, con người mình tới lui trong đó cũng không phải là mình. Câu thơ nói lên sự giày vò với ba lần chữ “mình” nhưng tưởng đến trăm lần, cũng không nói hết được sự xót xa này.

         Đây là sự suy nghĩ mình với mình, một mình suy nghĩ, một mình trăn trở, một mình xót xa trong đêm yên tĩnh: ba mình nhưng vẫn cô đơn vắng lặng biết bao nhiêu! Cô đơn ngay ở nơi không phút nào, không kẻ nào mở mồm ra lại không một hai yêu thương mình, nhưng rút cục chỉ có mình thương mình. Và càng vắng lặng thì nỗi xót xa ở cuối câu mới nổi bật lên, nhói lên như một vết thương đột nhiên chảy máu, và những nông nỗi ở các câu thơ sau mới càng nổi bật lên thành những lời than.

         Cũng không thể bỏ qua chữ mình thứ hai. Câu thơ này là loại ngôn ngữ nửa trực tiếp. Coi là lời của Thúy Kiêu tự nói với mình thì mình ấy là Thúy Kiều và như vậy là logic và phì hợp với hoàn cảnh một mình, vắng lặng trong đêm. Coi là lời tác giả kể chuyện thì bình thường có thể dùng nàng: Giận mình, nàng lại thương mình xót xa; vậy mà cứ rùng mình. Giật mình, mình lại thương mình xót xa; hơi khác một chút nhưng lại là sự biến hóa trong thơ văn để tập trung mô tả kỳ được nét cô đơn, một mình này. Nhưng hình như không phải chỉ có thế! Ai cấm được người đọc cứ nghĩ rằng trong chỉ mình này còn có cả tác giả? Và tuy đang kể chuyện, ở đây cũng như nhiều chỗ khác, bỗng dưng tác giả như lồng mình vào như xông vào chuyện, xông vào cảnh đoạn trường để chia sẻ cảm thương, xót xa hộ người đang đau khổ? Người ta có thể bàn cãi, nhưng độ sâu câu thơ, sức lay động của chữ nghĩa quí nhiên tầng lên gấp bội.

         Một loạt từ sao trong bốn câu thơ tiếp theo “khi sao phong gấm rủ là” gợi lên một âm hưởng kỳ lạ: cái gì như là một câu hỏi, một sự ngạc nhiên, một lời than, một sự dằn vặt, và ẩn đằng sau là một nỗi tủi thân chua xót cùng cực.

         Tủi thân vì mới đây thôi, chưa lâu la gì, mình hãy còn sống trong cảnh “‘phong gấm rủ là”, tức mình như một vật gì quý phải phong giữ bằng gấm, phải rủ là để che. Bỏ đi phần văn chương hoa mỹ thì ít nhất cũng còn đây là một cảnh sống được quí yêu, chiều chuộng chung quanh đều là ấm êm, hạnh phúc và con người như cái gì còn tinh khôi, nguyên vẹn, e ấp, nõn nà, thơm tho, cao quí.

         Thế mà nay mình chỉ còn như một bông hoa lìa cành mất cội vứt ra giữa đường: “Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” Hoa thì phải ở trên cành, khoe sác khoe hương đủ làm đẹp cảnh trời và lòng người; nếu cắt đi thì cũng cắm ở nơi trang trọng. Sao hoa lại vứt ra giữa đường cho ngàn bước chân hữu tình hay vô tình giày đạp? Đến nỗi phải lấm lấm cát bụi, rã rời, tan tác? Nếu trước kia là cảnh sống quí yêu, chiều chuộng, và con người như cái gì còn nõn nà thơm tho, thì bây giờ chỉ còn là cảnh sống phũ phàng, khinh bỉ, chung quanh đều giày đạp, dãi dầu và con người thì như đã bẩn thỉu, rách nát, ê chề, ai giày vò cũng được, ai khinh cũng được. Bởi vì đó là thân phận một gái làng chơi.

Thúy Kiều thương mình

         So sánh như thế nàng đã đau xót bao nhiêu. Nhưng nào chỉ có thế. Bởi vì ở đây không phải có so sánh. Hai từ sao đặt liền nhau câu trước câu sau gây thành một sự cách biệt trời vực giữa hai thân phận: Khi sao phong gấm rủ là tức cảnh sống xưa sao lại phong gấm rủ là đến thế kia? Còn giờ sao tan tác như hoa giữa đường, tức cảnh sống nay sao lại tan tác như hoa giữa đường đến thế này?. Và hai từ khi, giờ là hai khoảng thời gian để đem ra so nhau, nâng cái xưa (khi) lên chừng nào thì càng thấy cái nay (giờ) thê thảm chừng nấy. Ngạc nhiên chăng? Than thở chăng? Dằn vặt mình chăng? Tất cả đều có và cộng thành một sự tủi thân chua xót: mình lại thương mình xót xa.

“Mặt sao dày gió dạn sương…”

         Con người ta, tiêu biểu nhất là nét mặt vì nét mặt phản chiếu tâm hồn, nói nét mặt là nói tâm hỗn, nói phần tinh thần của con người. Bên trên là nói chung cả thân phận. Bây giờ nghĩ tách bạch hơn, Thúy Kiều mới nhớ đến mọi hành vi cử chỉ của mình. Tiếng vang của cuộc đời trác táng mới ngày qua, tối qua, vọng đến tai nàng, vẽ lại trong óc nàng bao nhiêu cảnh tượng, lạ lùng, dơ dáy, ô nhục. Thế mà nàng buộc phải cuốn mình theo, bị động sống theo mọi người, trong những cảnh tượng lạ lùng, dơ dáy, ô nhục ấy. Tác giả đã tước bỏ tất cả, lại dùng cách diễn đạt văn chương hóa đi rất nhiều, mà có người còn nhìn thấy ở câu thơ đầy chất tạo hình mô tả thân thể Thú Kiều, cái chứng cớ của bao nhiêu hành động lạ lùng gắn liền với cái nghề thảm hại mà nàng đang phải làm lúc này. Coi người phải tha hóa đến mức        nào mới hành động được như vậy.

         Nói cách khác, phải mặt dày mày dạn lắm trước bao nhiêu gió sương như vậy mới được. Phải tê dại đi, hoặc phải lì lợm đến không còn biết e lệ, xấu hổ là gì nữa, phải làm ra mặt mo mó được. Và ở đây cũng như ở trên lại một câu hỏi ngạc nhiên lại một lời than, một sự dằn vặt mình, tất cả nhồi lại thành một sự tủi hổ xót xa cùng cực: Không phải mặt sao dày dại gió sương mà “Mặt sao dày gió dạn sương”, nghĩa là dày dại gấp bao nhiêu lần.

         Tâm hồn tê dại đi, lì lợm đi, chết đi, đã là một đường nhưng giá như chỉ có thế thì cái đau khổ mới một mặt. Đằng này, ở cái nghề của nàng hiện nay thì cái chết của tâm hồn lại dẫn đến cái chết của thể xác, đúng hơn, chính tâm hồn phải chết đi để cho thể xác chết theo thì mình mới “sống” được với kẻ chủ nhà chứa. Cho nên tiếp theo “Mặt sao dày gió dạn? sương” là “Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”.

         Có lời nào nói sâu, nói hết, nói thực cái đau xót của người làm nghề gái chơi bằng một câu kiểu này? Thân đây không phải là thân phận, mà là thân mình, thể xác, phần vật chất của con người. Khi Thúy Kiều ngăn Kim Trọng lại trong lúc sóng tình muốn làm xiêu, nàng nói “Còn thân ắt hãy dần bồi có khi”, hoặc khi bị thằng lưu manh họ Mã làm ô nhục, nàng thương xót cho mình “Thân nghìn vàng để ô danh má hồng” thì chính là nàng nói đến cái thân này. Về sau, khi gặp Từ Hài, trả lời Từ quí khen mình biết chọn khách mà chơi “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”, nàng đáp: “Người dạy quá lời, Thân này còn dám xem ai làm thường” thì đúng là nàng đã nói đến cái thân của nàng. Đã là gái chơi thì dù tâm hồn mình còn có thể coi thường người ta, chứ đến tấm thâm mình thì nó chỉ là món hàng, ai có tiền là mua được, còn dám coi thường ai. Sự thực phũ phàng như vậy. Cho nên tấm thân nghìn vàng, trong sạch, thơm tho của thời còn “phong gấm rủ là” kia nay đã nhơ nhuốc biết dường nào! Cái mình giữ gìn thành một cái gì thiêng liêng cho xứng đáng với mối tình thiêng liêng của trái tim mình, nay trở thành một thứ đồ chơi cho phường “ong bướm”. “Ong bướm” thì còn biết gì kiêng nể, xót thương; chúng nó chỉ biết đòi hỏi sao cho vừa thú tính của chúng. Mà có biết bao nhiêu loại bướm ong? biết bao nhiêu loại thú tính? Trách chi mà tấm thân không hóa chán chường?

         Thân sao bướm chán ong chường bấy thân? Cái gì chán chường? Tấm thân chán chường ong bướm, hay ong bướm chán chường tấm thân? Có lẽ cả hai, hai nhưng rồi chỉ cò một. Bởi vi ong bướm có chán chường tấm thân kia đi nữa nghĩa là đã biết quá rõ tấm thân kia – từ chán chường như thế là hiểu ở nghĩa thứ hai – thì chung quy điều đó vẫn tụ lại ở sự chán chường của tấm thân và sự đau khổ não nề. Ở đây cũng như ở trên, sự đan chéo từ, không những chỉ tăng hiệu lực diễn đạt lên bội phần: bướm chán ong chường thì cái chán chường của chuyện ong bướm gấp trăm nghìn lần ong bướm chán chường, mà còn góp phần tạo ra cho câu thơ sức gợi cảm đặc biệt về mặt vật chất cũng như tinh thần. Thêm vào những từ thân sao, bấy thân thì một lần nữa, đây lại là một câu hỏi, một sự ngạc nhiên, một lời than, một sự dằn vặt đến hai lần – vi hai lần nói đi láy lại từ thân – đưa lại thành một khối tủi nhục nặng nề như quả núi.

         Bốn câu thơ với bốn chữ sao: khi sao, giờ sao, mặt sao, thân sao, nếu hiểu là bốn lời than thì cũng chỉ là lời than thầm, mình than với mình trong đêm cô đơn tĩnh mịch, lời than không một ai cùng chia sẻ nên nỗi xót xa còn nguyên, chẳng chút nào vơi, nếu hiểu là bốn câu hỏi thì vút lên giữa quãng không, trong đêm vắng lặng, để rồi cùng tắt giữa quãng không, chẳng một lời đáp lại, nên nỗi đau thương cứ còn nguyên như kết lại thành một khối hận nghìn đời.

         Thật ra, khi giật mình tỉnh dậy, thì nỗi xót thương đến làn đắng miệng đắng lòng là xót thương chung cha số phận Giậ mình, mình lại thương mình xót xa”. Nhưng trong cái xót thương chung ấy, trong phút bấy giờ, nổi nhất là cái xót thương chỉ tấm thân con gái. Bốn câu thơ thành bốn lời than, bốn câu hỏi đều xoắn vào, nhói lên một nỗi xót thương ấy. Bởi đây là nỗi xót thương mang tính đặc thù phụ nữ; vì thực chất vấn đề buôn phấn bán son trong xã hội cũng là vấn đề xô người con gái đến chỗ đem bán tấm thân mình.

         Đoạn III. Quả nhiên nỗi xót xa của Thúy Kiều không chỉ dừng ở đó. Tấm thân nàng, người ta có thể giày vò, ong bướm có thể chán chường, nhưng tâm hồn nàng, trái tim nàng thì dễ ai đã hoàn toàn chinh phục được. Đành rằng môi trường, thói quen và bức bách của chủ làm cho con người nàng ít nhiều phải sống theo thời, phải thay đổi thích nghi, khôn hơn, từng trải hơn. Điều này cứ nghe lời nàng trao đổi với Thúc Sinh khi tay này định cưới nàng ở đoạn sau thì rõ. Nhưng đúng là về mặt tinh thần, nàng vẫn có đời sống riêng:

“Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì”.

         Người ta đến đây tìm thú vui trong chuyện mây mưa, riêng nàng thì nào biết cái gì là vui, cái gì là mùa xuân, tuổi trẻ nàng chỉ thường xuyên có mỗi một tâm trạng: buồn nào cô đơn.

         Tám câu thơ tiếp theo đêu nói lên tâm trạng ấy, một sự lạc điệu thường xuyên so với chung quanh.

         Đây vẫn là cảnh lầu xanh, mặc dù không còn cái ồ ạt, xô bồ như ở trên. Cũng có thể nói đây là một mặt khác của cảnh ăn chơi,  có vẻ thanh tao lịch sự, nói cho đúng, chừng nào cũng theo khuôn khổ những thú vui công thức: phong hoa tuyết nguyệt và cầm kì thi hoạ. Điều này không phải không giảm đi ít nhiều chất sống hiện thực, và người đọc, ban đầu mới tiếp xúc với lời thơ cũng không tránh được cảm tưởng có cái gì hơi sáo mòn. May mà đó chỉ là một cảm tưởng thoáng qua. Bởi vì đi sâu vào lời thơ thì lại thấy bao nhiêu cái gọi là công thức ở đây đã được tác giả truyền lại cho sức sống và tâm tình con người gửi vào đố không hề thiếu phong phú dạt dào.

         Bốn câu trước nói về cảnh:

“Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thầu”.

         Cảnh vốn vô tri. Nhưng thực tế cuộc đời, truyền thống văn thơ xưa nay ở ta vẫn chọn cảnh thiên nhiên làm bầu bạn với tâm tình con người, ở đây cũng không ngoài quy luật ấy. Với tâm trạng cô đơn, buồn não của mình, Thúy Kiều vẫn muốn có lúc được khuây. Nàng tìm đến cảnh, hơn nữa, nàng muốn tựa vào cảnh, muốn mình gần kề bên cảnh: Gió tựa, hoa kề. Hãy gạt đi cái cảm tưởng có người cùng chung chạ với nàng rất dễ có trong hoàn cảnh bấy giờ gợi lên do những từ kè, tựa này. Chỉ nên biết nàng muốn nương tựa, gần gũi cảnh vật thiên nhiên để tìm chút an ủi cho dịu bớt tâm trạng nặng nề. Mà cảnh không phải không có gì lý thú: gió vuốt ve hoa và hoa ngửa nghiêng theo gió là cái gì lặng im mà xao xuyến; tuyết phủ nửa rèm và trăng sáng bốn bề là cái gì bát ngát và vắng lặng; cảnh có cuộc sống riêng lặng lẽ của mình. Lại không phải không có hơi ấm của người truyền vào – tựa, kề, ngậm. Tưởng như thế chắc con người tìm được ở cảnh nếu không có một cái gì vui thì cũng là một niềm an ủi cho đỡ cô đơn buồn não Nhưng nào có được?

         Bởi cảnh cũng buồn: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Mà cảnh buồn mà căn nguyên tại mình buồn: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Cuối cùng, cô đơn buồn não vẫn nguyên, cảnh không những chẳng giúp gì mình mà còn làm mình thêm khổ.

         Nhưng đến khi cùng người khác – đây là khách chơi bày trò chơi thanh lịch “cầm kỳ thi hoạ” thì sự so le giữa tâm hồn Thúy Kiều với việc làm của mình, với chung quanh mới thật đáng thương. Cầm kỳ thi hoạ vốn là những món sở trường của nàng, hơn nữa, đó là khía cạnh tài hoa gắn với phần sâu xa nhất của tâm hồn nàng. Trước kia, Kim Trọng kính phục nàng: quí trọng nàng, một phần lớn là ở chỗ này. Bây giờ cảnh bày cũng xiết bao thanh tao: không rõ như thế nào, nhưng có thể là kẻ vẽ người bình, rồi kẻ xướng người hoạ; còn như cùng nhau họa đàn dưới trăng, hoặc đấu nhau cao thấp một ván cờ bên hoa thì lời thơ đã rõ:

“Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa”.

         Cùng nhau thưởng thức chung được những thú vui tao nhã này thì ít nhiều cũng là khách chơi chốc lát gạn sạch được nhiều thô bạo. Cho nên, nếu không thật mặn mà, gán bó với nhau thì ít ra cũng sống với nhau được những phút vui tao nhã. Thế mà Thúy Kiều có vui nhưng chỉ là vui gượng, kẻo mất lòng khách, kẻo bẽ cuộc chơi: “Vui là vui gượng kẻo là”. Bởi vì khách chơi nào phải tri âm mà lòng mình có thể mặn mà: “Ai tri âm đó mặn mà với ai”? Té ra những thú chơi kia đòi hỏi khách tri âm, nghĩa là người hiểu nổi tâm tư, tài nghệ mình. Tìm đâu cho ra một người như thế trong một ổ làng chơi!

         Cũng có thể đôi người có trình độ đó, nhưng làm sao họ là tri âm của mình được? Nói chuyện làm thơ thì Thúy Kiểu đâu phải là người lúc nào cũng làm thơ được. Ngay trong chốn ăn chơi này, nàng cũng từ chối không hoạ vần Thúc Sinh và trong lòng nàng đang có một nông nỗi riêng không ăn khớp gì với những vần thơ xác thịt của anh chàng ấy. Mấy lần nàng làm thơ là mấy lần rứt ra từng khúc ruột mình: với viễn cảnh của số kiếp, với xúc cảm trước tài hoa của người yêu, với thân phận lạc loài ở lầu Ngưng bích… Thế thì nay làm sao bảo nàng phải mặn mà được…

         Trong đêm thanh váng, một mình lướt qua tỉnh cảnh hiện tại của mình, những mẩu sinh hoạt như trên đây lần lượt hiện ra trong trí nhớ. Những sinh hoạt  ấy diễn ra không phải một lần mà nhiều lần, đòi phen, rồi đòi phen. Mà đây là những sinh hoạt trong sạch nhất, phần nhỏ nhất trong toàn bộ cuộc  sống ở đây. Ở đó, ít ra con người đau khổ cũng tạm tìm được chút nguôi quên, xao lãng.

         Ai ngờ Thúy Kiều vẫn một sự lạc điệu thường xuyên như vậy trong tâm hồn: cảnh nào cũng buồn, vì lòng mình chẳng bao giờ khuây và chơi gì cũng nhạt vì lòng mình chẳng bao giờ có bạn tri âm.

         Cho nên, một đằng thì thờ ơ với mọi sự ở đời, dù là cảnh đẹp thanh tao như gió trúc, mưa mai, một đằng thì tấm   thân như bị dùi, bị mài, cho thủng đi, mòn đi, tấm lòng như ngẩn như ngơ ra vì trăm nghìn nỗi xót thương, cay cực. Đến nỗi trong lòng chứa chất không biết bao nhiêu đau thương, trở thành như một mớ bòng bong, như một thân bệnh trầm trọng:

“Thờ ơ gió trúc mưa mai,

Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân.

Ôm lòng đòi đoạn xa gần,

Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau”.

         Đó là tâm trạng thường xuyên của nàng. Trải ra trong thời gian, không gian rộng rãi, hàng tháng hàng năm, nơi đây chốn đó cũng được, mà thu lại trong phút giây giật mình tỉnh giấc giữa đêm thanh cũng được. Bởi vì nào phải hễ có tâm trạng như kia thì cuộc sống cụ thể cho phép mình chọn lấy cách sống của mình. Đâu dễ như thế: “Dẫu sao cũng ở tay người biết sao”. Thúy Kiều đã tự bảo thế! Cho nên có tủi hổ mà không thể không liều thân, có thờ ơ mà không thể không gắng gượng. Cơn lốc không ngừng cho nên hạt bụi cứ phải cuốn theo. Vì phút giật mình kia trở thành như một cơn đau buốt, rợn cả mình trong cái chuỗi dài tâm trạng thường xuyên tủi nhục, buồn thương, không vò mà đã rối sẵn, không động tới mà đã thấy buốt đau.Truyện Kiều

         Đoạn IV. Trên hàng phím đau thương ấy thử ấn vào phím nhớ người thân mà xem. Trong cuộc đời lưu lạc của mình, nhiều lần Thúy Kiều nhớ nhà, nhớ người yêu, nhưng mỗi lần mỗi khác vì tâm trạng chẳng bao giờ giống nhau, tuy không lần nào không thấm thìa.

         Cũng nên nhớ ba lần nhớ thương thành lời như thế này đều xảy ra ở lầu xanh. Lần thứ nhất ở Lầu Ngưng bích tức cũng là một nơi trong nhà cửa của Tú bà. Lần thứ ba ở Châu thai. Có khác một điều là lần này nàng vừa mới phải đi vào cái nghề ô nhục, mọi xót xa, tủi hổ, mọi đớn đau, giày vò như đang rớm máu trong người. Và tấm trạng đó đã hằn vào nỗi nhớ thương.

“Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Dặm nghìn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.

Sân hoè đôi chút thơ ngây,

Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình”.

         Cũng như các lần khác, nhớ cha mẹ là thương cha mẹ ngày càng già yếu. Có điều ở đây trong hình ảnh tuổi già có dấu thời gian đi và đi dần tới chỗ chấm dứt “bóng dâu tà tà” nên nhớ thương chừng có pha chút lo sợ. Và như vậy nỗi đau xót về bổn phận làm con mà không phụ dưỡng cha mẹ tuổi già lại càng da diết. Đành rằng đã có hai em. Nhưng tấm lòng thương em của chị, một mặt vì cứ dừng lại ở điểm lúc ra đi, nên vẫn thấy hai em hãy còn như hai “chút thơ ngây” cứ đòi về cho mình, chứ không chịu để cho em cái nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ, nên cứ khàng khăng coi đó là “việc mình”, và do đó, mình càng thấy thiếu sót và đau lòng.

         Đang đớn đau đến chết cả người mà còn dành được một chỗ trong lòng để nhớ thương cha mẹ, nhớ thương chứ không phải kêu cứu, đã là quí bao nhiêu. Nhưng đáng trọng đáng phục hơn không phải là lo lắng cha mẹ thiếu người chăm sóc như mình – ôi, cái chủ quan đáng quí! – mà lo lắng cho tấm  lòng cha mẹ nhớ thương mình: Cha mẹ ơi! Nơi xa xôi nghìn dặm chắc cha mẹ vẫn thương nhớ con, trông mong con hạnh phúc yên lành, cha mẹ có ngờ đâu thân con lại ra nông nỗi này; ấy chính là vì con không biết giữ mình trong sạch nên phải rơi vào cảnh ô nhục này, bây giờ thì con không xứng đáng với tấm lòng trông nhớ của cha mẹ nữa, con có tội với cha mẹ biết bao nhiêu!

         Cũng một nếp nghĩ như vậy trong thương nhớ người yêu:

“Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu Chương đài,

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?”

         Lần thứ nhất nhớ người yêu tấm lòng tụ lại ở mỗi một niềm son sắt “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”, lần thứ ba thì xa nhau đã mấy mươi năm, mối tình đã trở thành “chút nghĩa cũ càng” duy có mối lo cho Kim Trọng được nối duyên thì bền chặt. Lần này cũng thế. Điều lo thiết thực nhất là phù hợp với quan niệm xây dựng gia đình thời xưa là lo cho Kim Trọng có con nối dõi. Đó là cái nghĩa dày đối với Kim Trọng, mà Thúy Kiều muốn nhờ em lấy cái tình sâu ruột thịt chịu thay mình đền đáp. Nhưng nổi bật lên trên tất cả vẫn là cái ý nghĩ thấy mình như có tội với người yêu. Đêm tâm sự với Thúy Vân trước khi lìa nhà, một hai nàng cứ cho tại mình mà Kim Trọng phải “dở dang”, Phải “rẽ cửa chia nhà”. Ở đây cũng vậy. Trên thực tế cuộc sống, lời hẹn ước đối với Kim Trọng giải quyết như nàng đã giải quyết trong đêm kia, coi như đã xong. Nhưng mối tình trong tim nàng thì làm sao có thể trao cho ai được? Mà nào nàng có định trao? Cho nên nàng vẫn nhớ thương, nàng vẫn “nhớ lời nguyện ước”. Nàng cũng có thể còn lo, còn thương Kim Trọng, không biết chàng có “thấu” cho lòng nàng là đã đành phải phụ bạc chàng để cứu cả gia đình không. Nhưng ở đây chắc không phải chỉ là lời lo âu, thương xót cũ. Mà chính là một mối hận thương xót mới: cái “tình” nàng mang được người yêu “thấu” cho đây là cái tình cảnh phải sống cuộc đời ô nhục hiện nay, phải bẻ “cành xuân” để “chuyên tay” hết kẻ này sang kẻ khác. Và nàng thương, nàng lo cho chàng khi trở về cảnh cũ lại phải nghe tình cảnh thê thảm ấy của nàng hiện nay. Nàng không những đau xót mà còn thấy mình có tội bao lần với người yêu. Bởi lẽ nghe đến vậy, chàng chắc đau khổ hơn nhiều, cha mẹ mình thấy đau lòng thì đó là tội của mình, mình đã làm cho người thân của mình đau khổ. Cao quí thay tấm lòng vị tha ấy!

         Đoạn V. Ấy, trong cái tâm trạng chỗ nào cũng rối, chỗ nào cũng đau của Thúy Kiều, chỉ thử động đến có mỗi một dây sầu mà đã lắm nỗi đau thương như vậy. Đau thương mà quằn quại, rối bời không gỡ ra được khi tâm hồn tưởng nhớ về chuyện quê nhà: “Mối tình đòi đoạn vò tơ, Giấc hương quan luống lần mơ canh dài”. Và hai câu vừa than vừa hỏi kia “Nghĩ đâu thân phận con ra thế này”, “Xa xôi ai có thấu tình chăng ai” như rơi vào quãng không, không có tiếng đáp lại. Tâm trạng con người một chốc xáo trộn lên nhưng rồi lại vẫn không gì thay đổi, vẫn cô đơn, buồn não, vẫn luôn luôn tẻ nhạt với xung quanh, ngày nào cũng như ngày nào, luẩn quẩn chẳng có lối ra, tựa như một buổi hoàng hôn vĩnh viễn một mầu ảm đạm, chẳng bao giờ có ánh bình minh “Song sa vò võ phương trời, Nay hoàng hôn lại mai hôn hoàng”.

         4. Nỗi đoạn trường của Thúy Kiều lúc ở lầu xanh lần đầu là như vậy.

         Nguyễn Du đã vận dụng sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời, cái biệt tài xây dựng tính cách, khám phá nội tâm, cũng như nghệ thuật sử dụng từ ngữ chính xác, sáng tạo, lựa chọn hình ảnh thích hợp, súc tích, khai thác nhiêu hình thức ngôn ngữ đặc biệt, đổng thời Nguyễn Du cũng sáng tạo hầu như hoàn toàn tất cả nội dung tâm trạng của Thúy Kiều lúc này, so với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, để dựng lên được đoạn thơ bi thương thấm thìa này.

         Tất cả đều nhằm vẽ ra được tính cách của Thúy Kiều trong hoàn cảnh nàng đang sống. Đó là một con người thông minh, có tâm hồn hết sức vang ngân; mảy may của cuộc đời cũng vang dội tận đáy lòng. Đó cũng là một con người còn ý thức sâu xa về phẩm chất của mình và ý chí giữ gìn phẩm chất ấy. Cuộc đời muốn vùi dập, giày xéo tấm thân nàng, biến nàng thành cỗ máy cười nói, lả lơi đi nữa, cũng không sao xoá bỏ được ý thức ấy, ý chí ấy. Nàng sống ở lầu xanh đó, nàng làm gái chơi thật đấy, nhưng đọc đoạn thơ này, có ai có thể nói nàng không phải là một con người có lương tâm, một cô gái có tâm hồn trong trắng, một người con vô cùng hiếu thảo, một người chị rất mực thương em, một người yêu vô hạn quí mến người yêu, một con người có phẩm chất thực sự tốt đẹp, một con người bị vùi dập đến tột cùng mà không chịu để bị hoen ố “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, một con người đồng thời rất “người”, mà rất đạo đức.

         Nếu như tác già không có một tâm hồn “trông thấu sáu cõi” và thông cảm với nghìn đời, có cái giận buộc tội trước muôn thủa cái xã hội tàn ác buộc con người phải từ bỏ phẩm giá của mình, đồng thời có cái thương bao dung vạn kiếp khổ đau về nhân danh cái khổ đau  ấy, nhân danh con người dũng cảm vươn lên trên, bất chấp các giáo điều phong kiến, thì không sao có cái lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ, có cái rung cảm sâu xa kỳ tế để viết nên đoạn thơ đủ sức khiến mọi người, không những không coi khinh mà trái lại quý mến vô vàn cô gái họ Vương tội nghiệp như đoạn thơ này. Đành ràng đây mới là tiếng thương chưa phải lời giận, nhưng thương đến mức ấy thì tất cũng dễ dàng cảm cho cái nguồn gốc xã hội đã gây ra cảnh thương ấy. Và như vậy giá trị tố cáo sâu sắc, giá trị nhân đạo lớn lao của đoạn thơ thật đã sáng ngời và bài học đạo đức cho mọi người về sự giữ gìn phẩm chất, trong hoàn cảnh xấu xa cũng tự nó bật ra. Đúng là một đoạn thơ vào loại hay nhất của Truyện Kiều.

>> Xem thêm: Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận