Thực Hành Đọc Bài 1- Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức

Đang tải...

Trong phần Thực hành đọc Bài 1, sách Ngữ Văn 6 bộ Kết nối tri thức giới thiệu đến các em đoạn trích Những người bạn (trích trong tác phẩm Tôi là Bê-tô) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa của tình bạn.

Thực Hành Đọc Bài 1

Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau:

  • Người kể chuyện, ngôi kể và nhân vật trong truyện đồng thoại.
  • Lời đối thoại, cử chỉ, hành động của hai nhân vật Lai-ca và Bi-nô.
  • Cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật “tôi” (Bê-tô) về hai người bạn.
  • Thông điệp về tình bạn mà em nhận được từ văn bản.

Những người bạn(1)

Trích Tôi là Bê-tô(2), NGUYỄN NHẬT ÁNH(3)

Ngay lần đầu gặp gỡ, tôi và thằng Lai-ca đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương. Tại hai đứa tôi giống nhau quá sức, đến nỗi chúng tôi có thể đọc thấu tâm hồn của nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Hôm hắn đến nhà tôi, tôi vừa xúi hắn nhai chiếc giày của ba chị Ni, hắn đã vội giục tôi nhằn chiếc dép của mẹ chị Ni. Trong một tiếng đồng hồ, hai đứa thi nhau xem đứa nào gặm nát được nhiều thứ hơn đứa nào và phần thắng luôn luôn thuộc về hắn.

Hắn còn lẻn vào phòng tắm đánh cắp cục xà phòng và hớn hở tha vào dưới gầm tủ. Hắn hào hứng rủ tôi gặm, và khi thấy tôi nhăn mũi thì hắn tỉnh bơ gặm một mình cái món hôi rình đó.

Sau mười lăm phút thì xà phòng không còn là thứ để làm sạch mà để bôi bẩn bất cứ ai đụng đến: đó là một cục đen sì, nhớp nháp, đầy những vết rỗ và vết xước như vừa vớt ra từ một cuộc chiến.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở nhà tôi, thằng Lai-ca cũng kịp bày cho tôi cái trò nhảy chồm chồm trong giờ ăn.

[…] Thằng Bi-nô đến, bổ sung cho tôi một cách nhìn khác về bạn bè. Lai-ca dĩ nhiên vẫn còn là một đứa bạn hấp dẫn, cho dù vì hắn mà tôi thường xuyên bị mắng.

Lai-ca sống ở nhà bà cố chị Ni nhưng khoảng cách không gian không ngăn cản hắn bày cho tôi vô số những trò nghịch ngợm mỗi khi chúng tôi có dịp gặp nhau.

Và tôi phải thú thật rằng sau tất cả những phiền toái mà Lai-ca gián tiếp gây ra cho tôi, tôi vẫn giữ nguyên những thiện cảm mà tôi đã trót dành cho hắn.

Với cách nhìn đời mới mẻ do Bi-nô mang lại, hình ảnh thằng Lai-ca trong mắt tôi hẳn nhiên không còn như cũ. Nhưng ngay cả khi hình ảnh đó tan vỡ thì tôi vẫn không tìm thấy lí do gì để không yêu những mảnh vỡ đó.

Một đứa bạn như Lai-ca là một đứa bạn hấp dẫn. Nhưng một đứa bạn thông thái cũng hấp dẫn không kém.

Không chỉ loài người, bọn cún chúng tôi cũng bị chinh phục bởi sự thông tuệ. Bạn nhớ lại đi, có phải trò chuyện với một người thông minh bao giờ cũng thú vị? Và sau mỗi cuộc đàm đạc(4), chắc chắn bạn sẽ học được một điều gì đó?

Bi-nô mở ra cho tôi những kích thước mới của cuộc sống bằng bản liệt kê dài dằng dặc của nó về những cái thú ở đời.

Nhìn thấy nắng sau những ngày mưa là một điều thú vị. Nhưng ngay cả trong những ngày mưa, nếu ta chịu mở ra mọi giác quan như một ngôi nhà mở tung các cửa sổ, ta cũng sẽ đón nhận được những cảm xúc tuyệt vời! Bi-nô bảo tôi thế và nó dẫn tôi đến dưới mái tôn che dọc hành lang chạy xuống bếp, chui vào dưới chạn thức ăn, nằm nghe mưa.

Mưa, đối với tôi không phải là cái gì xa lạ.

Nhưng tôi chưa bao giờ nghe mưa dưới mái tôn.

Những hạt mưa gõ vào mái tôn tạo ra một âm thanh khác hẳn khi chúng rơi trên mái ngói.

Rầm rầm. Rầm rầm. Rầm rầm.

Nghe như có hàng ngàn con ngựa phi ngay trên đầu. Nghe như ông trời đứng rải đá từ trên cao. Nghe như ai đó đang thét gào giận dữ. Cuối cùng là nghe như mái nhà sắp sập xuống và đè bẹp chúng tôi.

Tai ù như xay lúa, tôi rúm người lại, run bần bật, đuôi cụp vào giữa hai chân.

Bi-nô gãi mõm vào tai tôi:

– Mày sao thế? Sợ à?

– Ừ! – Tôi lắp bắp.

– Sợ nhưng mà thích chứ?

Bi-nô lại hỏi. Câu hỏi thật kì cục, nhưng tôi gật đầu ngay:

– Thích.

Được sợ hãi, đúng là một cái thú. Hèn gì chị Ni thích nghe chuyện ma và thằng Bi-nô ngày nào cũng trèo lên căn gác gỗ.

Khi nỗi sợ qua đi, tôi sung sướng bắt gặp mình nằm dán vào bộ lông dày và ấm của Bi-nô. Hai đứa thò đầu ra khỏi gầm chạn, lặng lẽ ngắm mưa rơi.

Mưa nhẹ hạt dần, những tiếng lộp độp trên mái tôn càng lúc càng thu nhỏ lại, nghe như tiếng vó ngựa đang rời đi và chuẩn bị khuất đâu đó đằng sau dãy núi xa.

Nhìn màn mưa lướt thướt kéo ngang qua tầm mắt, thỉnh thoảng chao đi như bức rèm bị gió thổi, tôi lười nhác buông mình vào một cảm giác thư thái và êm đềm, cảm thấy cuộc đời bỗng dưng đáng sống biết bao.

Những khoảnh khắc như thế thật là quý giá.

Bạn cũng vậy thôi. Một lúc nào đó, tâm trí bất chợt lãng đi những bon chen thường nhật để ngẩn ngơ trước tiếng chim hót đầu ngày hay xúc động trước một bông hồng nở muộn bên bậu cửa, bạn sẽ thấy hạnh phúc đôi khi đơn sơ, giản dị biết chừng nào.

Rồi đến một ngày mưa dứt hạt và trời thôi tù mù. Mặt trời ló ra sau những áng mây như gương mặt rực rỡ ló ra khỏi tấm khăn voan tươi cười ngó xuống.

Tôi vẫn cọ mình vào tấm chăn Bi-nô, nghe hơi đất ẩm ngoài vườn xộc vào mũi, trong lòng chợt dậy lên một nỗi nhớ xa xăm.

Mùi đất nồng, mùi hoa không rõ tên, tiếng lá rơi, tiếng những chổi nấm xuyên qua mặt đất sau mưa, tiếng chim gù từ một gò xa mơ hồ vẳng lại, tất cả không biết đã sống trong tôi từ bao giờ – dường như chúng đã ngủ thiếp đi từ lâu lắm và bây giờ đột nhiên bị hơi đất ẩm thoảng vào từ ngoài vườn đánh thức.

Tôi không nhớ tôi đã nghe tiếng chồi non tách vỏ vào lúc nào, tôi cũng không nhớ tôi đã nghe tiếng chim lích chích mổ hạt từ đâu, nhưng tôi cảm nhận tất cả một cách rõ rệt trong từng mạch máu đang phập phồng bên dưới làn da. Có phải từ xa xưa tôi đã sinh ra và lớn lên trong những âm thanh ấy?

Có lần nào đó trong đời nếu bạn bất chợt bắt gặp điều gì vừa xa xôi lại vừa gần gũi và cái điều rất đỗi mơ hồ đó khiến bạn đâm ra bồi hồi khó tả thì chắc chắn bạn đang rơi vào tầm trạng giống như tôi.

Lúc đó, hẳn là bạn cũng đang nhìn thấy nắng sau những ngày mưa.

(Nguyễn Nhật Ánh, Tôi là Bê-tô, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr. 90 – 106)

*Chú thích:

(1) Nhan đề do người biên soạn đặt.

(2) Tôi là Bê-tô gồm 10 chương, kể về cuộc sống của chú chó Bê-tô cùng hai bạn Bi-nô và Lai-ca. Chủ của Bê-tô và Bi-nô là chị Ni, còn Lai-ca sống ở nhà của bà cố chị Ni. Đoạn trích Những người bạn được trích từ chương 4 và chương 5, kể về tình cảm yêu mến, gắn bó Bê-tô dành cho Lai-ca và Bi-nô.

(3) Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, là nhà văn được độc giả lứa tuổi thiếu niên rất yêu thích.

(4) Đàm đạo: nói chuyện, trao đổi với nhau một cách thân mật.

>> Xem thêm: Bài 1: Củng cố, mở rộng về truyện đồng thoại – Ngữ Văn 6

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận