Ôn tập về tả người – tuần 33 – tiếng việt 5

Đang tải...

Ôn tập về tả người

1. Lập dàn ý chi tiết cho một bài văn tả người.

Khi trình bày dàn ý, chú ý giới thiệu được người định tả, nêu được nghề nghiệp, tính cách của người được tả và tình cảm của em với người ấy.

M:

a) Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy dỗ em và để lại cho em nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

Mở bài:

– Từ khi học lớp bốn, em không còn nhút nhát và tự ti như trước, đó là nhờ cô giáo chủ nhiệm của em.

Thân bài:

– Da cô rám nắng, mái tóc ngắn và quăn quăn, đỏ vì cháy nắng.

– Cô rất gầy, bàn tay xương xẩu và nổi đầy gân tiềm ẩn tình thương dịu dàng, sức mạnh để dìu dắt học sinh thành người.

– Đôi mắt cô nhìn chúng em trìu mến nhưng cũng trở nên nghiêm khắc khi chúng em lười học, không nghe lời.

– Cô thường động viên em học hành, phát huy khả năng viết văn của em.

– Cô đến tận nhà xin bố mẹ cho em tham gia học đội tuyển Văn mà không thu học phí.

– Ngoài dạy trên lớp, dạy đội tuyển, buổi tối cô chong đèn đến khuya để chấm bài và sửa những bài văn mà chúng em làm. Từ đấy em tự tin, học hành tiến bộ.

– Cô đến tận nhà đón em đi thi học sinh giỏi, dặn dò em kiểm tra kỹ bài. Biết tin em được giải Nhì văn cấp thành phố, cô cười rất tươi và thưởng cho em chiếc cặp sách mới.

Kết bài:

– Em thật may mắn vì đã được cô dìu dắt, kèm cặp.

– Em thầm hứa sẽ tự tin, cố gắng học hành hơn để không phụ lòng cô.

b) Tả một người ở địa phương em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng…).

Mở bài:

– Bác Thọ là trưởng thôn của thôn em.

– Bác vừa năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ bà con, vừa là tấm gương sáng về làm kinh tế.

Thân bài:

– Bác khoảng năm mươi tuổi, dáng gầy và xương, da sạm đen.

– Bàn tay bác rất to, chai sần, thô ráp vì đã phải trải qua nhiều gian nan, cực nhọc.

– Trán bác có nhiều nếp nhăn, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh và miệng lúc nào cũng cười vui vẻ.

– Bác rất thân thiện nên ai cũng biết và yêu quý bác.

– Trước kia, nhà bác rất nghèo. Nhưng nhờ quyết đoán, năng động và chăm chỉ, cần cù lao động, sau vài năm bác đã dư dả, xây được nhà và có một trang trại vải thiều xanh tốt.

– Bận làm kinh tế nhưng bác vẫn làm việc cho thôn, cho xã, hướng dẫn làng xóm cùng làm giàu.

– Ai khó khăn bác sẵn sàng giúp đỡ. Có bác nên thôn em ngày càng no ấm, bình yên.

Kết bài:

– Khi có ai hỏi đến trưởng thôn, bố em lại kể về bác giọng đầy tự hào: Bác vừa làm kinh tế giỏi, vừa nhiệt tình giúp đỡ mọi người.

c) Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.

Mở bài:

– Khi đang đi chợ cùng mẹ, em thấy có một tên cướp.

– Anh thanh niên rất nhanh chóng đã bắt được tên cướp, lấy lại đồ trả cho người bị cướp.

Thân bài:

– Anh có dáng người hơi gầy nhưng khỏe mạnh, tóc cắt gọn gàng.

– Mắt anh sáng và nụ cười luôn nở trên môi.

– Bác bị giật đồ cảm ơn rối rít, móc ví lấy ít tiền đưa cho anh nhưng anh từ chối.

– Anh giao lại tên cướp cho bác bảo vệ rồi đi chợ như chưa có gì xảy ra.

– Mọi người trầm trồ khen anh dũng cảm, nhahh nhẹn, lại tốt bụng.

– Cô bác trong chợ kể rằng anh là Phong, con bà Tư ở cuối xóm, học rất giỏi, đã từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học.

– Anh đã đỗ thủ khoa trường Đại học cảnh sát Nhân dân.

– Anh còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, thường xuyên giúp đỡ bà con và dạy chữ cho trẻ em lang thang.

– Bận học nhưng anh vẫn giúp mẹ đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà, nhiệt tình giúp đỡ những ai khó khăn.

– Anh đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người.

Kết bài:

– Tuy mới chỉ gặp anh Phong một lần nhưng em đã có ấn tượng rất sâu sắc với anh.

– Anh là tấm gương cho mọi người noi theo.

2. Dựa theo dàn ý đã lập, trình bày miệng một đoạn trong bài văn.

Trình bày ngắn gọn, lưu loát theo những ý chính đã viết trong phần làm dàn ý.

Xem thêm Sang năm con lên bảy

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận