Tập đọc: Dế mèn bênh vực kẻ yếu (tiếp theo) – Tiếng việt 4

Đang tải...

A – Mục tiêu bài học

         – Đọc lưu loát cả bài, biết ngắt nghỉ đúng, biết thể hiện ngữ điệu phù hợp với tình huống của truyện và phù hợp với lời nói, suy nghĩ của nhân vật.

         – Hiểu được nội dung của bài: Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng nghĩa hiệp, ghét áp bức bất công, bênh vực chị Nhà Trò

B – Tìm hiểu nội dung

         Bài văn Dế mèn bênh vực kẻ yếu chia làm ba đoạn:

         – Đoạn 1 (Từ đầu đến “coi vẻ hung dữ“): Bẫy của bọn nhện.

         – Đoạn 2 (Tiếp… đến “cái chày giã gạo”): Dế Mèn ra oai với bọn nhện.

         – Đoạn 3 (Đoạn còn lại): Lời cảnh cáo của Dế Mèn và thái độ hoảng sợ của bọn nhà nhện trước bản lĩnh của Dế Mèn.

I – Hướng dẫn luyện đọc

         – Ở đoạn 1 đọc chậm với giọng căng thẳng, hồi hộp; đoạn 2 giọng đọc nhanh hơn; đoạn 3 đọc với giọng hả hê, thoải mái. Đọc đúng các từ sau: lủng củng, nặc nô, co rúm lại, béo múp béo núp, quang hẳn.

         – Chú ý nhấn giọng ở một số từ gợi tả, gợi cảm. Ví dụ:

         Từ trong hốc đá,/ một mụ nhện cái cong chân nhảy ra,/ hai bên có hai nhện vách nhảy kèm.// Dáng đây là vị chúa chùm nhà nhện.// Nom cũng đanh đá,/ nặc nô lắm.// Tôi quay phắt lưng,/ phóng càng đạp phanh phách ra oai.// Mụ nhện co rúm lại / rồi cứ dập đầu xuống đất như cái chày giã gạo.// Tôi thét://

         – Các ngươi có của ăn của để,/ béo múp béo míp mà cứ đòi mãi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi.// Lại còn kéo bè kéo cánh đánh đập một cô gái yếu ớt thế này.// Thật đáng xấu hổ!// Có phá hết các vòng vây đi không?//

II – Hướng dẫn trả lời câu hỏi

1. Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ như thế nào?

         Trận địa mai phục của bọn nhện rất đáng sợ, chúng chăng tơ kín ngang đường, giữa lối đi có nhện gộc canh gác, chúng núp kín trong các hang đá với bộ mặt hung dữ.

2. Dế mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ?

         – Để bọn nhện phải sợ, đầu tiên Dế Mèn cất tiếng hỏi, lời hỏi của Dế Mèn rất oai với giọng thách thức của một kẻ mạnh muốn nói chuyện với tên cầm đầu (- Ai đứng chóp bu bọn mày? Ra đây ta nói chuyện). Cách dùng từ xưng hô cũng tỏ rõ khí phách của mình (ai, bọn này, ta). Có thể nói Dế Mèn đã chủ động tấn công.

         – Khi thấy nhện cái xuất hiện với vẻ đanh đá, nặc nô, Dế Mèn ra oai với hành động tỏ rõ sức mạnh uy phong của mình (quay phắt lưng lại, phóng càng đạp phanh phách).

3. Dế Mèn đã nói thế nào để bọn nhện nhận ra lẽ phải?

         – Dế Mèn đã đưa ra cách nói so sánh để bọn nhện thấy hành động đê tiện, hèn hạ của chúng và bọn nhện đã nhận ra lẽ phải.

         Các người có của ăn của để, béo múp béo míp >< một tí tẹo nợ đã mấy đời.

         Kéo bè kéo cánh >< đánh đập một cô gái yếu ớt. Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không?

         – Trước lời nói và hành động của Dế Mèn, bọn nhện dường như cũng hiểu ra được hành động ỉ mạnh hiếp yếu của chúng là bẩn thỉu và đã phá hết các mạng nhện.

4. Em thấy có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu nào trong số các danh hiệu sau đây: võ sĩ, tráng sĩ, chiến sĩ, hiệp sĩ, dũng sĩ, anh hùng?

         Ở đây ta có thể tặng cho Dế Mèn tất cả các danh hiệu trên bởi vì Dế Mèn đã có hành động dũng cảm, kiên quyết chống lại áp bức bất công, bảo vệ, che chở, bênh vực, giúp đỡ kẻ yếu. Tuy nhiên, mỗi danh hiệu có nghĩa riêng của nó:

         – Võ sĩ: Người có sức mạnh và chí khí mạnh mẽ, đi chiến đấu cho một sự nghiệp cao cả.

         – Chiến sĩ: Người lính, người chiến đấu trong một đội ngũ.

         – Hiệp sĩ: Người có sức mạnh và lòng hào hiệp, sẵn sàng làm việc nghĩa.

         – Dũng sĩ: Người có sức mạnh, dũng cảm đương đầu với khó khăn, nguy hiểm.

         – Anh hùng: Người lập được công trạng lớn đối với nhân dân, đối với đất nước.

         Trong các danh hiệu trên, thích hợp nhất với hành động của Dế Mèn là danh hiệu hiệp sĩ.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận