Phương pháp và thực hành ôn luyện dạng văn nghị luận – Ngữ Văn 7 nâng cao

Đang tải...

THỰC HÀNH ÔN LUYỆN VĂN NGHỊ LUẬN 

V – LUYỆN TẬP VỀ CÁCH LÀM BÀI VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP LUẬN TRONG VĂN NGHỊ LUẬN 

1. Ghi nhớ

Muốn làm tốt một bài văn nghị luận cần rèn luyện các thao tác sau : tìm hiểu đề, hướng lập ý, lập bố cục (dàn bài). Triển khai dự kiến phương pháp lập luận và cuối cùng là tạo lập văn bản.

– Tìm hiểu đê : gồm 2 bước :

– Đọc kĩ đề, gạch dưới các từ quan trọng.

– Dựa vào các từ đã gạch trong đề, tìm ra :

+ Đề yêu cầu bàn luận vấn đề gì ? Trong đời sống hay trong văn học ? Trong đời sống thì ở mặt nào ? (văn hoá, sức khoẻ, nhà trường…)

+ Đề yêu cầu dùng phép lập luận nào ? Phạm vi đến đâu ?

– Hướng lập ý : đi theo trình tự nào ? (dựa vào yêu cầu của đề)

  • Từ nhận thức đến hành động.
  • Từ giảng giải đến chứng minh.
  • Lập ý theo hướng đối lập.

– Lập ý theo trình tự thời gian, không gian… Lập dàn ý (bố cục) cho bài văn nghị luận.

I – Mở bài: Nêu vấn đề cần bàn luận

II – Thân bài : Trình tự các luận điểm đã chọn để làm rõ và hướng tới giải quyết vấn đề đã nêu trên.

III – Kết bài : Khẳng định vấn đề vừa bàn luận.

                        Nêu bài học, liên hệ bản thân.

  • Tập viết từng đoạn (chú ý câu chuyển tiếp giữa các đoạn khiến lập luận chặt chẽ, khúc chiết).
  • Lập luận là đưa ra luận cứ hợp lí nhằm dẫn dắt người nghe, người đọc đến một kết luận hay chấp nhận một kết luận mà kết luận đó là tư tưởng (quan điểm, ý định) của người nói, người viết.

2. Bài tập

Bài tập 15. Tìm một câu tục ngữ trái ngược với “Sống chết mặc bay” và giải thích, chứng minh cho câu tục ngữ mà em đã chọn.

a) Tìm hiểu đề.

b) Lập dàn ý chi tiết.

c) Tập viết từng đoạn tạo thành văn bản.

Bài tập 16. Giải thích câu tục ngữ “Thì giờ là vàng bạc”.

a) Tìm hiểu đề.

b) Lập dàn ý chi tiết (lập ý).

VI – TÌM HIỂU CHUNG VỂ PHÉP LẬP LUẬN CHỨNG MINH

1. Những điểu cần chú ý

Khái niệm “chứng minh” học sinh cần hiểu là dùng sự thật để chứng tỏ một sự vật, sự việc là thật hay giả. Trong toà án, người ta dùng bằng chứng, vật chứng, nhân chứng để chứng minh ai đó có tội hay không có tội. Ví dụ : phát hiện vân tay để chứng minh ai đó đã mở chìa khoá vào ăn trộm…

Trong tư duy suy luận, khái niệm “chứng minh” có một nội dung khác : dùng những chân lí, lí lẽ, căn cứ đã biết để suy ra cái chưa biết và xác nhận cái đó có tính chân thực.

Ví dụ : Tam đoạn luận

+ Mọi kim loại đều dẫn nhiệt. Sắt là kim loại, vậy sắt dẫn nhiệt.

+ Hoặc : A = B ; C = B. Vậy suy ra : A = C, đó là cách suy lí để chứng minh.

Trong văn nghị luận, chứng minh là cách sử dụng lí lẽ, dẫn chứng để chứng tỏ một nhận định, luận điểm nào đó là đúng đắn.

Trong toán học thì có việc chứng minh cho một định lí nào đó.

Cũng với tinh thần đó, sách giáo khoa thí điểm có lấy đoạn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để minh hoạ. Muốn tố cáo chế độ thực dân dã man thì phải chứng minh đó là chế độ dã man, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó kí tên là Nguyễn Ái Quốc, đã dẫn ra rất nhiều dẫn chứng (những câu chuyện có thật, do chính báo chí công khai của thực dân Pháp đã đăng tải) để chứng tỏ tính chất dã man đó. Những câu chuyện đó phải chăng chỉ chứng tỏ những con người cụ thể đó có tính dã man, chứ không phải do chế độ dã man ? Nguyễn Ái Quốc đã lường trước suy nghĩ đó, và đã nói rõ, chính chế độ thực dân đã dung túng, cho phép các hành động đó được thực hiện, mà không hề trừng trị.

Trong đời sống, văn chứng minh rất cần thiết và gần gũi đối với mỗi con người. Khi bị nghi ngờ, hoài nghi, chúng ta đều có nhu cầu chứng minh sự thật. Khi đưa ra tấm chứng minh thư là chứng minh tư cách công dân ; khi đưa ra giấy khai sinh là đưa ra bằng chứng về ngày sinh ; khi chứng minh một điều ta nói là thật, thì ta dẫn sự việc ấy ra, dẫn người đã chứng kiến việc ấy Tóm lại, chứng minh là đưa ra bằng chứng để chứng tỏ một ý kiến (một luận điểm) nào đó là chân thực.

2. Ghi nhớ

Trong đời sống, người ta dùng sự thật (chứng cứ xác thực) để chứng tỏ một điều gì đó là đáng tin.

Trong văn nghị luận, chứng minh là một phép lập luận dùng những lí lẽ, bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ luận điểm mới (cần được chứng minh) là đáng tin cậy.

Các lí lẽ, bằng chứng dùng trong phép lập luận chứng minh phải được lựa chọn, thẩm tra, phân tích mới có sức thuyết phục.

3. Bài tập

Bài tập 17. Đọc đoạn văn nghị luận sau đây và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới :

“Những hiện tượng tàn khốc mà chúng tôi sắp kể ra đây, nếu không phải là đã được chứng minh bằng những tài liệu không thể chối cãi được, nếu không phải do chính những người Âu kể lại, thì người ta khó mà tin được.

Một nhà buôn Pháp ở Ma-đa-ga-xca, thấy trong két bạc củạ hắn có bị mất trộm, đã dùng điện tra tấn nhiều người bản xứ (1) làm việc cho hắn, mà hắn ngờ là đã lấy trộm. Sau đó ít lâu, người ta phát hiện ra rằng chính con hắn lấy trộm…

Một tên thực dân nọ hổi giận vì không thể bắt hai người đầy tớ bản xứ làm không công cho hắn, đã đem trói hai người đó vào cọc, dội dầu hoả lên và thiêu sống…

Một tên viên chức kia khoe là mình hắn đã giết 150 người bản xứ, chặt 60 bàn tay, đóng trên cây thập tự rất nhiều đàn bà và trẻ em, và treo rất nhiều xác người đã bị băm lên tường các làng mà hắn được cai trị.

Một công ti khai khẩn đồn điền đã làm chết 4.500 người lao động bản xứ tại đồn điền của hắn.

Trường hợp ngoại lệ ư ? Không phải. Đó là “tục lệ” của họ. Nhưng chúng ta có thể kể một vài tội ác giết người hàng loạt mà không thể đổ tại bản tính dã man của một vài cá nhân người nào cả, nhưng là những tội ác mà toàn bộ chế độ thực dân phải chịu trách nhiệm trước lịch sử”.

(Trích Hồ Chí Minh tuyển tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1960)

a) Nêu luận đề của văn bản trích trên.

b) Nêu hệ thống các luận điểm, luận cứ mà tác giả đã dùng để chứng minh cho luận đề đã nêu.

c) Luận cứ cuối cùng của văn bản trích trên có ý nghĩa quan trọng như thế nào với văn bản nghị luận này ? Luận cứ đó là các lí lẽ hay dẫn chứng ?

Bài tập 18. Đọc hai đoạn văn sau và cho biết:

a) Đoạn văn nào đã dùng phép nghị luận chứng minh (có nhiều dẫn chứng cụ thể) ?

b) Đoạn còn lại tuy không có nhiều dẫn chứng nhưng yếu tố nào đã thuyết phục người đọc ?

Đoạn 1 : “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu ; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta ; bởi kinh nghiệm, đấu tranh lâu đời và phong phú, kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm ; bởi những kinh nghiệm sống của bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước…”.

(Phạm Văn Đồng)

Đoạn 2 : “Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó, thật sự có những đặc sắc của một thứ tiếng khá đẹp. Nhiều người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta, đã có thể nhận xét rằng : tiếng Việt là một thứ tiếng rất giàu chất nhạc… Một giáo sĩ nước ngoài… đã có thể nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”.

(Đặng Thai Mai)

Bài tập 19. Cô giáo cho đề văn sau :

“Bằng các bài ca dao đã học và đọc thêm, em hãy chứng minh : ca dao đã thể hiện rõ tình cảm gia đình sâu sắc của người Việt Nam”.

Một bạn học sinh đã chọn các câu ca dao sau để sử dụng làm các dẫn chứng (luận cứ) cho bài làm theo đề văn trên :

1.

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần…

2.

Ra đi mà gặp bạn hiền

Khác nào ăn quả đào tiên trên trời.

3.

Làng ta phong cảnh hữu tình

Dân cư đông đúc như hình con long.

4.

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

5.

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

a) Em hãy tìm hiểu đề văn.

b) Theo em, bạn học sinh chọn dẫn chứng làm luận cứ cho bài làm đã đạt yêu cầu chưa ? Vì sao ? Nếu chưa được, theo em phải bổ sung thêm hoặc bớt như thế nào ?

c) Em hãy lập một hệ thống luận điểm, luận cứ cho đề bài trên và thiết lập dàn bài chi tiết.

d) Dựa trên dàn bài đã lập, em hãy viết thành bài văn hoàn chỉnh.

VII – CÁCH LÀM BÀI VĂN LẬP LUẬN CHỨNG MINH

1. Ghi nhớ

Làm bài lập luận chứng minh phải thực hiện các bước : tìm hiểu đề; tìm ý ; lập dàn bài; viết bài; đọc và sửa chữa.

*Dàn bài:

– Mở bài : Nêu vấn đề cần được chứng minh.

– Thân bài: Nêu lí lẽ và dẫn chứng để chứng tỏ luận điểm là đúng đắn.

– Kết bài : Nêu ý nghĩa của luận điểm đã được chứng minh. Chú ý lời văn phần Kết bài nên hô ứng với lời văn phần Mở bài.

Giữa các phần và các đoạn văn cần có phương tiện liên kết.

2. Bài tập

Bài tập 20. Cho đề văn sau :

Bằng những hiểu biết của mình, hãy chứng minh : “Đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn, nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường”.

a) Tìm hiểu đề văn.

b) Lập dàn ý chi tiết.

c) Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

Bài tập 21. Dựa vào các bài ca dao đã học và đọc thêm, hãy chứng minh :

“Ca dao Việt Nam đã biểu hiện đa dạng tình yêu quê hương, đất nước”.

a) Tìm hiểu đề.

b) Dự kiến các luận điểm, luận cứ. Thiết lập dàn ý ehi tiết.

c) Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.

VIII – LUYỆN TẬP LẬP LUẬN CHỨNG MINH

1. Ghi nhớ

Việc luyện tập viết văn nghị luận chứng minh là dịp giúp học sinh không chỉ nắm chắc hơn, mà còn vận dụng thành thục hơn những kiến thức và kĩ năng mà các em đã học.

Mỗi khâu trong quá trình luyện tập nên nhớ lại các kiến thức lí thuyết tương ứng để tránh sự luyện tập trở thành mò mẫm hay tuỳ tiện.

Muốn làm bài luyện tập về văn nghi luận chứng minh phải có sự chuẩn bị : phạm vi vấn đề (trong đời sống hay văn học ; trong đời sống thì ở khu vực nào ; trong văn học thì lưu ý mảng tác phẩm nào) ; phải có đủ dẫn chứng để làm sáng tỏ luận đề.

Chú ý luyện tác thao tác hợp lí để tiến tới viết bài tự luận.

2. Bài tập

Bài tập 22. Chứng minh : Văn chương đã làm cho tình yêu quê hương, đất nước sẵn có trong ta thêm phong phú và sâu sắc.

a) Tìm hiểu đề.

b) Tìm các dẫn chứng để dùng trong bài văn – thiết lập dàn ý phần thân bài.

c) Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

Bài tập 23. Qua bài Một thứ quà của lúa non : CốmMùa xuân của tôi, hãy chứng minh : Dù có viết về một thứ quà bình dị hay về kỉ niệm của một người xa quê thì chỗ hay nhất của những áng văn xuôi ấy vẫn là tấm tình sâu nặng, thiết tha đối với quê hương đất nước.

a) Tìm hiểu đề.

b) Lập dàn bài chi tiết.

c) Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn hoàn chỉnh.

IX- ÔN TẬP VỀ VĂN NGHỊ LUẬN

1. Ghi nhớ

Nghị luận là một hình thức hoạt động ngôn ngữ phổ biến trong đời sống và giao tiếp của con người để nêu ý kiến đánh giá, nhận xét, bàn luận về các hiện tượng, sự vật, vấn đề xã hội, tác phẩm nghệ thuật, hay ý kiến của người khác.

Văn nghị luận phân biệt với các thể loại tự sự, trữ tình chủ yếu ở chỗ nghị luận là dùng lí lẽ, dẫn chứng và bằng cách lập luận xác đáng nhằm thuyết phục người đọc hiểu và tin. Bài văn nghi luận nào cũng có đối tượng hay đề tài) để nghị luận, các luận đề, luận điểm và luận cứ.

Các phương pháp lập luận chính thường gặp là : chứng minh, giải thích.

2. Bài tập

Bài tập 24. Cho văn bản sau :

“Thế là từ nay, hằng năm, các nhà thơ và bạn đọc yêu thơ có một ngày Tết thơ ngay sau Tết Nguyên đán : Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức ở tất cả các thành phố, thị xã và các địa phương trong cả nước vào dịp rằm tháng giêng. Tại sao không tổ chức vào một ngày rằm nào khác ? Vì để ta nhớ Bác – Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu, để nhớ đến truyền thống văn hoá của cha ông.

Chúng ta có hai ngày rằm thật nhiều ý nghĩa : rằm tháng bảy – tháng mưa sụt sùi, không chắc gì có vầng trăng sáng, là rằm xá tội vong nhân. Một cộng đồng có nhân bản, nhân văn, nhân đạo lắm mới để dành một ngày riêng để thương người đã khuất, quên đi cái xấu, cái ác. Còn rằm tháng tám (Trung thu) là dành cho trẻ nhỏ. Tại xã hội hiện đại này, nước Việt Nam ta là một trong những nước đầu tiên kí vào công ước Quyền trẻ em, thì từ xa xưa, rằm Trung thu là công ước dân tộc cho trẻ nhỏ ngàn đời. Để đến bây giờ, nước Việt Nam văn hiến lại có thêm một ngày trăng tròn nữa, ngày trăng tròn dành cho thi ca.

… Nhớ một câu nói đùa của một ông tổng giám đốc kinh tế, một vị tiến sĩ : “Một chính khách không yêu thơ thì dễ thành kẻ độc tài, một nhà buôn không yêu thơ thì dễ thành một tên lừa đảo”. Ông tiến sĩ nói có lí. Thơ, về một phía nào đó, là sự thăng hoa của phần cao đẹp nhất trong tâm hồn người. Một dân tộc yêu thơ là một dân tộc chứa sẵn tố chất yêu thơ, trân trọng cuộc sống.

Tại sao đến tận rằm tháng giêng của năm Quý Mùi này, Việt Nam ta mới có Ngày Thơ ? Phải chăng vì bao thế kỉ gian truân, chiến tranh liên miên, thằng giặc to, thằng giặc bé muốn dìm ta xuống đất đen. Rồi bão lụt. Rồi bao vất vả do ta tự hành ta. Mà vì thế chăng, vầng trăng thơ không thể nhất loạt nhìn thấy tròn đều ?

Rồi mỗi thành phố, mỗi thị xã, mỗi thôn làng sẽ có thêm những sáng kiến để Ngày Thơ Việt Nam hằng năm sẽ có bao nhiêu cách sinh hoạt phong phú. Mới chỉ phát động được hơn một tháng mà đã có trên 40 thành phố và thị xã mở hội thơ lần đầu. Lá cờ Thơ màu đỏ, in hình chim Lạc – cánh chim bất diệt của dân tộc sẽ được kéo lên ở Trung tâm văn hoá của đất nước – Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Vầng trăng thơ toả sáng, không chỉ một đêm nguyên tiêu, mà toả sáng mãi mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt.”

(Theo Phạm Tiến Duật, báo Văn nghệ trẻ, số 7, 16-2-2003)

a) Đặt đầu đề cho văn bản trên.

b) Tác giả đã có những luận điểm, luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) nào để giảng giải cho việc xuất hiện Ngày Thơ Việt Nam hằng năm : rằm tháng giêng ?

c) Viết cảm xúc, suy nghĩ về bài viết trên, đặc biệt là câu cuối của văn bản.

Bài tập 25. Cho đề sau :

Làm rõ bản chất xấu xa của bọn thực dân phong kiến dưới chế độ cũ (những năm đầu thế kỉ XX), qua hai văn bản Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn và Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc (Ngữ văn 7, tập hai).

a) Tìm hiểu đề.

b) Lập dàn ý chi tiết (các luận điểm, luận cứ).

c) Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

X – TÌM HIỂU CHUNG VỀ PHÉP LẬP LUẬN GlẢl THÍCH

*Những điều cần chú ý

– Trong đời sống của con người, nhu cầu giải thích rất lớn. Gặp một hiện tượng mới lạ, con người chưa hiểu, thì nhu cầu giải thích nảy sinh. Chẳng hạn, từ những vấn đề xa xôi như : vì sao có mưa, vì sao có lụt, vì sao có núi, vì sao có sông, vì sao mất mùa, được mùa, vì sao có dịch bệnh… đến những vấn đề gần gũi như : vì sao hôm qua em không đi học, vì sao dạo này em học kém hơn trước… đều cần giải thích.

– Giải thích một hiện tượng nào đó có nghĩa là chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật đã làm nảy sinh ra hiện tượng đó (ví dụ : lụt là do mưa nhiều, ngập úng tạo nên). Giải thích một sự vật còn là vạch ra nội dung, ý nghĩa của sự vật đó đối với thế giới và con người (ví dụ : đèn là dụng cụ để thắp sáng) ; là chỉ ra loại sự vật mà nó thuộc vào (ví dụ : con người là một động vật biết nói, biết tư duy). Mọi sự giải thích đều tạo thành một hành vi phán đoán, đều sử dụng các từ như “là do…”, “là…”, “là cái để…”.

Muốn giải thích được sự vật thì phải hiểu, phải học hỏi, phải có kiến thức nhiều mặt.

– Trong văn nghị luận, giải thích là một thao tác nhằm làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của một khái niệm, một từ, một câu, một hiện tượng xã hội,… hoặc hiện trạng lịch sử nào đó – thường là một tư tưởng, một nhận định, một quan điểm. Thao iác giải thích cũng cần thiết để giải thích những hành động, động cơ, hiện tượng trong đời sống con người. Người ta giải thích bằng cách nào ? Đôi khi, có người quan niệm : Xem giải thích là vận dụng lí lẽ, còn chứng minh thì là vậri dụng dẫn chứng. Đó là một quan niệm máy móc, sơ lược. Sự thực, để giải thích một khái niệm trừu tượng, nhiều khi người ta chỉ nêu ví dụ cụ thể là đủ thấy rõ – tức là vận dụng dẫn chứng để giải thích. Giải thích là chỉ ra các nội dung của hiện tượng cần được giải thích, hay nói cách khác là phân tích nội dung ấy ra.

– Như vậy, mục đích, của giải thích là để nhận thức, hiểu rõ sự vật hiện tượng. Nhưng để đạt được hiệu quả giải thích, làm người nghe đồng tình chấp nhận thì đồng thời với giải thích, người ta cũng chứng minh điều mình giải thích, sao cho người nghe tin, phục. Do đó, giải thích thường kết hợp với chứng minh, cũng như ngược lại giải thích cần cho chứng minh, khi người ta muốn chứng minh một điều gì, thì người ta phải hiểu rõ điều cần chứng minh, do đó lại cần đến giải thích.

– Yếu tố của phép lập luận giải thích

a) Điều cần được giải thích : vấn đề, hiện tượng, nhận định, ý kiến, câu, chữ…

b) Cách giải thích : Chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật, nội dung hay mục đích, ý nghĩa của cái cần được giải thích. Cũng có thể dùng ví dụ, cái tương đồng, cách so sánh, hay cách cụ thể hoá để giải thích. Cách giải thích rất đa dạng.

1. Ghi nhớ

Trong đời sống, giải thích là cách làm rõ những điều chưa biết trong mọi lĩnh vực.

Giải thích trong văn nghị luận là làm cho rõ các tư tưởng, đạo lí, phẩm chất, quan hệ của con người, xã hội, văn hoá,… nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người.

Người ta thường giải thích bằng nhiều cách : nêu định nghĩa, kể ra các biểu hiện, so sánh, đối chiếu với các hiện tượng khác, chỉ ra các mặt lợi, hại; nguyên nhân, hậu quả, cách đề phòng hoặc noi theo,… của vấn đề được giải thích.

Bài văn giải thích phải mạch lạc, có thứ tự, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu. Không nên dùng những điều khó hiểu để giải thích những điểu người ta chưa hiểu.

Muốn làm bài giải thích tốt, phải học nhiều, đọc nhiều, vận dụng tổng hợp các thao tác và cách giải thích phải phù hợp.

2. Bài tập

Bài tập 26. Cho văn bản sau :

“… Đã có một thời, chúng ta coi hầu hết phần lễ nghi là mê tín, khiến cho nhiều đình chùa hương tàn khói lạnh. Đến nay, khi có cái nhìn đổì mới thì khắp nơi lại đua nhau phục hồi nguyên xi tất cả các lễ nghi xưa cũ, bày vẽ cúng tế linh đình, tốn kém. Những cách nghĩ, cách làm ấy đều khiến cho lễ hội truyền thống không thể phát huy bản sắc tốt đẹp trong cuộc sống hôm. nay. Một vài địa phương thấy việc này khó và phức tạp bèn dẹp bỏ luôn cho nhẹ gánh. Đó là thái độ thiếu trách nhiệm đối với truyền thống, song không vì thế mà mọi người quên đi, lễ hội vẫn trỗi dậy như sức sống mùa xuân, chỉ có điều chắc chắn nó sẽ phát triển tự phát và không đúng hướog như nhân dân mong mỏi… Trong thực tế đã có nhiều buổi tế lễ ngắn gọn, tước bỏ những phần rườm rà, sì sụp, gây được không khí trang nghiêm, kính cẩn ; đã có những đám rước đẹp mắt tạo ra không khí hào hùng của ngày lễ hội… Tuân thủ phương châm xây dựng một nền văn hoá dân tộc và hiện đại, chúng ta tổ chức lễ hội với một tinh thần mới, tìm ra tất cả những hạt ngọc trong truyền thống văn hoá của cha ông để lưu truyền mãi mãi, đồng thời phải rũ bỏ ngay những cái gì là hủ tục và lạc hậu.”

(Theo báo Nhân Dân)

a) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản ?

A – Tự sự

B – Nghị luận

C – Miêu tả

b) Đặt đầu đề cho văn bản trích trên.

c) Chỉ ra cách lập luận của tác giả.

d) Để tăng thêm sức mạnh bình giá, người viết có sử dụng một số biện pháp tu từ và một số từ ngữ hội thoại giàu màu sắc tu từ. Hãy phân tích cụ thể.

Bài tập 27.Ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, bên bờ sông Hồng có một công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng rất sớm. Đó là một ngôi chùa có tên gọi theo địa danh là chùa Phú Gia. Chùa hiện nay thuộc phường Phú Thượng (quận Tây Hồ), song nhân dân vẫn gọi là Chùa Bà Già. Em hãy tìm hiểu và viết đoạn văn giải thích vì sao chùa có tên gọi là “Chùa Bà Già” ?

Bài tập 28. Giải thích vì sao Nguyễn Ái Quốc lại đặt nhan đề tác phẩm của mình là Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu ?

Bài tập 29. Cho đề văn : Giải thích câu tục ngữ “Thì giờ là vàng bạc”.

a) Khai thác các luận điểm, luận cứ. Lập dàn ý chi tiết (dựa vào dàn ý đã làm ở Bài tập 16, trang 71 trong sách này).

b) Viết bài văn hoàn chỉnh.

XI – CÁCH LÀM BÀI VĂN LẬP LUẬN GlẢl THÍCH

1. Ghi nhớ

Muốn làm bài văn lập luận giải thích, phải thực hiện các bước : tìm hiểu đề ; tìm ý ; lập dàn bài; viết bài; đọc lại và sửa chữa.

Dàn bài:

-Mở bài : Giới thiệu điều cần giải thích và gợi ra phương hướng giải thích.

-Thân bài : Lần lượt trình bày các nôi dung giải thích. Cần sử dụng các cách lập luận giải thích phù hợp.

-Kết bài: Nêu ý nghĩa của điều được giải thích đối với mọi người.

Lời văn giải thích cần sáng sủa, dễ hiểu. Giữa các phần, các đoạn cần có liên kết.

2. Bài tập

Bài tập 30. Nhiều người sống ở miền Bắc cứ băn khoăn : Tai sao xã Cẩm Nam (Hội An) lại được đạt một biệt danh đẹp “Xã văn hoá bên sông Hoài”. Hãy đọc phần giải thích của báo Nhân Dân, số ra ngày 15-2-2003 :

“Cẩm Nam như một cô gái dịu dàng, lặng lẽ mà cuốn hút mọi người từ nét đẹp lan toả bên trong. Cái chất hương lan toả từ bên trong ấy chính là lối sống, phong cách sống rất riêng của cẩm Nam, không thể nào lẫn được. Cán bộ làm việc nghiêm túc, lịch sự, niềm nở, không qua loa, sơ sài, cũng không hách dịch, quan liêu. Còn người dân ở đây từ em bé đến cụ già đều hiền hoà, dễ mến… Nay cẩm Nam đã là xã văn hoá đầu tiên trong lòng người dân phố cổ, trong mắt du khách. Cẩm Nam đã xứng đáng là một xã văn minh, lịch sự, đường làng sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, cây xanh toả bóng mát, gió sông lồng lộng. Và quan trọng là những người dân nơi đây vẫn bình dị, hiền hoà và ngày càng ý thức được từng việc làm, từng lời nói của mình đều dệt nên một diện mạo, một phong cách cẩm Nam văn hoá, từng ngày, từng giờ làm đẹp quê hương”.

Vì sao đoạn trích trên lại dễ hiểu và có sức thuyết phục cao ?

Bài tập 31.

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

a) Tìm hiểu đề

b) Lập dàn ý : Nêu các luận điểm, luận cứ.

c) Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

Bài tập 32.

Giải thích ý nghĩa lời dạy của Lê-nin : “Học, học nữa, học mãi”.

a) Tìm hiểu đề.

b) Lập dàn ý : Nêu các luận điểm, luận cứ.

c) Dựa vào dàn ý, viết bài văn hoàn chỉnh.

XII – LUYỆN TẬP LẬP LUẬN GIẢI THÍCH

1. Ghi nhớ

Muốn làm bài văn nghị luận theo hướng lập luận giải thích, trước hết cần ôn và nhớ lại : văn nghị luận theo hướng lập luận giải thích là một phương phấp lập luận, trong đó người viết chủ yếu dùng lí lẽ kết hợp dẫn chứng nhằm làm sáng tỏ một vấn đề nào đó (trong cuộc sống hay trong văn học), thuyết phục mọi người chấp nhận ý kiến trên.

Cần nhớ mô hình dàn ý của kiểu bài này :

*Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.

*Thân bài : Gồm một số lập luận phát triển theo một hệ thống trình tự hợp lí mà người viết chọn.

-Em hiểu vấn đề cần nghị luận ấy như thế nào ? (các luận cứ)

-Vì sao em hiểu như vậy ? (các luận cứ)

-Hiểu vấn đề, em sẽ hành động ra sao ? (các luận cứ)

*Kết bài :

-Khái quát các vấn đề vừa bàn luận.

-Liên hệ bản thân… (các luận cứ)

Trước khi lập dàn ý, cần tìm hiểu kĩ đề bài.

Cuối cùng là việc tạo lập văn bản dựa vào dàn ý vừa thiết lập.

(Lưu ý :

– Nếu vấn đề đơn giản thì giảng giải theo hiểu biết của mình.

-Nếu vấn đề sâu sắc gồm nhiều lớp nghĩa thì phải khai thác nghĩa chính, nghĩa chuyển, sau đó tổng hợp giá trị chung).

2. Bài tập

Bài tập 33. Giải thích câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

a) Tim hiểu đề.

b) Lập dàn ý : Khai thác các luận điểm, luận cứ nào ?

c) Hướng lập luận của đề trên ra.sao ?

d) Dựa vào a, b, c viết thành bài văn hoàn chỉnh.

Bài tập 34. Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), vua Lí Thái Tổ (Lí Công Uẩn) đã viết bài Chiếu dời đô để bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay), trong đó có đoạn :

“… Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương[1]: ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây ; lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng ; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt ; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước ; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Phân tích hướng lập luận của Lí Công Uẩn nhằm thuyết phục mọi người trong việc dời đô qua đoạn trích trên.

Bài tập 35. Giải thích câu ca dao :

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

XIII – LUYỆN NÓI: BÀI VĂN GlẢl THÍCH MỘT VẤN ĐỀ

1. Ghi nhớ

Luyện nói văn nghị luận giải thích gồm có các thao tác sau :

a) Tìm hiểu đề bài: tìm ra luận đề cần bàn luận.

b) Lập dàn ý chi tiết cho đề bài (gồm các luận điểm, luận cứ…).

     Lập dàn ý chi tiết cho đề bài nếu đề yêu cầu viết đoạn văn (gồm các luận cứ làm rõ luận điểm…).

c) Sau đó, dựa vào dàn ý vừa thiết lập để luyện nói.

Khi nói, cần chú ý các yêu cầu sau :

a) Tác phong : nhanh nhẹn, tự nhiên, tự tin.

b) Nội dung nói: đủ, đúng.

c) Diễn đạt : nói to, rõ, có lập luận, biểu cảm trong lập luận (khúc chiết, thuyết phục).

2. Bài tập

Bài tập 36. Giải thích trước nhóm học tập của em : Vì sao trong tháng qua, em hay đi muộn, bài tập làm không đầy đủ, trong lớp không tập trung, kết quả học tập sa sút ?

Bài tập 37. Giải thích câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” trong một đoạn văn ngắn (dàn ý luyện nói).

Bài tập 38. Giải thích câu ca dao (lập dàn ý để luyện nói thành bài văn) :

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

[1] Cao Vương : tức Cao Biền, là viên quan cai trị nhà Đường, từng làm Đô hộ sứ Giao Châu (tức nước ta ngày xưa) từ năm 864 đến năm 875.

Xem thêm chi tiết và tải về file word tại đây. 

=> Xem thêm:

Hướng dẫn làm dạng bài văn nghị luận (tiếp) tại đây. 

Kiến thức cần ghi nhớ về văn bản hành chính – Ngữ Văn lớp 7 nâng cao tại đây. 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận