Phân tích tâm trạng nhân vật lão Hạc trong cuộc nói chuyện với ông giáo sau khi bán cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao.

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Phân tích tâm trạng nhân vật lão Hạc trong cuộc nói chuyện với ông giáo sau khi bán cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao.

Bài làm

Nam Cao là một nhà văn có biệt tài miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật. Các nhân vật của ông hiện lên trong tác phẩm với tất cả những nét tâm trạng rất thực của con người. Tâm trạng của lão Hạc sau khi bán cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao giúp ta hiểu hơn về phẩm chất và tính cách của lão, và thấy rõ nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.

Trong thiên truyện ngắn này, nhân vật cậu Vàng có mối quan hệ đặc biệt với nhân vật chính lão Hạc. Nó không chỉ đơn thuần là con vật nuôi trong nhà mà nó còn là một người bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với ông lão trong cảnh sống một thân một mình. Quan trọng hơn, với lão Hạc, cậu Vàng giống như một người cháu, là sợi dây duy nhất nối lão với người con trai bất hạnh ở nơi xa. Chính vì vậy, ta nhận ra tình cảm đặc biệt mà ông lão dành cho cậu Vàng. “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự” ; “Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu” ; “Lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn” ; “Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó”,… Những tháng ngày xa con, lão sống trong tình yêu thương và niềm hi vọng về con trai. Niềm động viên để lão đỡ cô đơn là cậu Vàng. Nhưng cuộc sống nghèo khổ, đã từng cướp đi của lão đứa con trai duy nhất giờ đây lại cướp nốt cậu Vàng của lão. Lão buộc phải bán cậu Vàng bởi : “Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được ?” ; “Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó”.

Trước khi bán cậu Vàng, ta thấy tâm trạng của lão Hạc cũng đầy những đắn đo : “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ !”. Sự đắn đo ấy xuất phát từ tình yêu thương với con chó mà thực ra là một người bạn đặc biệt của lão. Bởi trong lòng lão không muốn phải rời xa cậu Vàng. Lão đã tâm sự với ông giáo hết lí lẽ vì sao lão lại bán cậu Vàng. Như vậy, trong lão cũng đầy những sự khổ tâm, dằn vặt trước quyết định của mình.

Tâm trạng đó được đẩy lên đến đỉnh điểm sau khi lão bán cậu Vàng. Người đọc không khỏi xúc động khi Nam Cao tả lại cảnh lão Hạc sang nhà ông giáo kể lại việc lão bán con chó. Nam Cao đã sử dụng hàng loạt từ ngữ, hình ảnh để diên tả thái độ, tâm trạng của lão Hạc sau khi đã buộc lòng phải bán cậu Vàng. “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Tác giả đã lột tả được sự đau đớn, hối hận, xót xa, thương tiếc của ông lão dành cho cậu Vàng… Tất cả đang trào dâng và chỉ chực vỡ oà khi có người hỏi đến. Đối với một người bình thường thì việc bán con chó mình nuôi để người ta giết thịt chỉ là một việc làm hết sức bình thường, nhưng với lão Hạc – một người nông dân giàu tình thương và đôn hậu thì đó là một vết thương lòng đau đớn tự mình gây nên. Lão khóc – những giọt nước mắt của một con người mà cả đời đã quá nhiều đau khổ. Cuộc đời của lão Hạc là dòng nước mắt chảy dài của những nỗi đau bất lực. Nước mắt lão đã cạn kiệt, cho nên khi khóc, “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít”. Không biết đây là cái tài miêu tả của Nam Cao hay là cái tình của nhà văn đối với sự tủi cực của kiếp người đã hoá thành cái tài ấy ?

Cái hay trong nghệ thuật miêu tả tâm lí lão Hạc của nhà văn Nam Cao là ở chỗ nhà văn đã thể hiện chân thật, cụ thể và chính xác, tuần tự diễn biến tâm trạng đau đớn cứ dâng lên như không thể kìm nén nổi của lão, tất cả đều rất phù hợp với tâm lí, hình dáng và cách biểu hiện của những người già. Tất cả từ đầu, từng nét, từng nét, để dẫn tới xung đột đỉnh điểm của tâm trạng và cuối cùng oà vỡ ra thành tiếng khóc hu hu như con nít. Từ tâm trạng đau khổ tột cùng khi phải xa cậu Vàng, thái độ của lão Hạc chuyển sang day dứt, ân hận, xót xa. Lão trách mình đã có tội với con Vàng, là kẻ phản bội, bất nhân đã lừa một con chó. Lão tưởng tượng cậu Vàng trách mình : “A ! Lão già tệ lắm ! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à ?”. Lão tưởng tượng ra lời cậu Vàng trách lão mà thực chất là lão đang trách mình, đang tự sỉ vả mình khi đã bán cậu Vàng. Sự ân hận này là biểu hiện rất cao của ý thức. Với lão, cậu Vàng không phải là một con vật nuôi bình thường mà giống như một con người cụ thể đã yêu thương và gắn bó với lão. Sự ân hận này là biểu hiện cao của tình yêu thương tha thiết đối với cậu Vàng.

Theo đà câu chuyện giãi bày, thái độ lão Hạc chuyển sang chua chát, ngậm ngùi. Những câu nói : “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn !” ; “kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng ?” đượm màu triết lí dân gian dung dị của những người nông dân nghèo khổ, thất học nhưng đã bao năm tháng trải nghiệm và suy ngẫm về số phận con người qua số phận của chính bản thân mình. Những câu nói thể hiện nỗi buồn, sự bất lực của họ trước hiện thực và tương lai không một màu hi vọng.

Như vậy tâm trạng của lão Hạc sau khi bán cậu Vàng là tâm trạng đau khổ tột cùng, ân hận, oán trách bản thân và kết đặc lại là một sự ngậm ngùi, chua xót cho kiếp sống khốn khổ của phận người. Từ chi tiết bán con Vàng, lão Hạc đã phải sống những giây phui đau khổ như khi phải dứt ruột chia tay thằng con trai. Nam Cao như đang dừng ống kính máy quay của mình để quay cận cảnh, phát hiện ra’chiều sâu trong đời sống nội tâm của nhân vật. Qua đó người đọc càng thấy được những nét nhân cách rất Người, rất đáng trọng của một lão nông nghèo khổ nhưng bất hạnh.

Truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí người đọc hình ảnh một ông già nghèo khổ đang vuốt ve, cưng nựng cậu Vàng như một người cháu nhỏ. Người đọc mãi day dứt với hình ảnh một ông già khóc “hu hu” như một đứa trẻ vì thấy mình đã trót lừa một con chó. Câu chuyện về lão Hạc và cậu Vàng còn đó như một niềm ám ảnh khôn nguôi…

ĐẶNG QUẾ CHI

Lời nhận xét :

–    Người viết đã biết thâm nhập vào tâm trạng của nhân vật, nên những phân tích của người viết khá sâu sắc và giàu cảm xúc : “tâm trạng của lão Hạc sau khi bán cậu Vàng là tâm trạng đau khổ tột cùng, ân hận, oán trách bản thân và kết đặc lại là một sự ngậm ngùi, chua xót cho kiếp sống khốn khổ của phận người”.

–    Văn phong mạch lạc. Có sự liên kết chặt chẽ giữa các ý, làm nổi bật : tâm trạng lão Hạc trước và sau khi bán cậu Vàng.

–    Kết bài có sức gợi lớn “Câu chuyện về lão Hạc và cậu Vàng còn đó như một niềm ám ảnh khôn nguôi…

Đang tải...

>> Tải về file word  TẠI ĐÂY.

Xem thêm : 

Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận