Hình ảnh cô bé bán diêm trong tâm trí em – Bài văn hay lớp 8

Đang tải...

ĐỀ BÀI

Hình ảnh cô bé bán diêm trong tâm trí em.

Bài làm

Những ngày Tết sắp đến, được theo bố mẹ đi sắm sửa đồ trang hoàng cho căn nhà, được mẹ mua cho những bộ quần áo mới, trong tôi không hiểu sao luôn nhơ đến hình ảnh em bé bán diêm trong truyện cổ tích của nhà văn An-đéc-xen. Một câu chuyện cảm động dường như được viết lên bằng những giọt nước mắt của niềm yêu thương, của một tấm lòng nhân đạo cao cả.

Đó là một cô bé nghèo khổ mà đáng thương. Em mồ côi mẹ, sống với cha và các em trong một căn gác sát mái tồi tàn. Nơi mà mùa đông ở lại nhiều nhất : “mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ. hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà”. Cô bé đáng thương đó xuất hiện trong truyện vào một đêm giao thừa. Đó là thời khắc quan trọng của một năm. Mọi người đều quây quần trong nhà, quanh bếp lửa ấm áp với những món ăn thịnh soạn để chia tay một năm cũ, hồi hộp chờ đợi một năm mới. Đó là thời điểm của sự hạnh phúc, yêu thương. Nhưng cô bé bán diêm xuất hiện chỉ có một mình và trong một không gian giá buốt. “Đêm giao thừa, trời rét mướt. Một cồ bé bán diêm nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đi đất, bụng đói, đang dò dẫm trong bóng tối”. Em xuất hiện thật đáng thương. Cái nhỏ bé, đơn độc, nghèo khổ, giá lạnh của em đối lập với tiết trời rét buốt của đêm giao thừa. Em phải đi bán diêm. Cha bắt em đi bán diêm suốt cả ngày 30 và đêm giao thừa. Trời gió rét, tuyết rơi, lạnh thấu xương, đường không một bóng người. Một mình em bé phong phanh, chân trần, đi lang thang đói khát. Đến tận đêm mà vẫn không bán được bao diêm nào và không dám về nhà vì sợ bố đánh. Tất cả các chi tiết đó đã phác hoạ lên số phận của một đứa trẻ nghèo khổ, đơn độc, trần trụi giữa cuộc đời.

Một chỗ dựa tinh thần mà bất cứ em bé nào trên thế gian này cũng có – người cha, thì với cô bé bán diêm tội nghiệp này người cha lại là một nỗi sợ hãi. Cô khao khát trong một nỗi tuyệt vọng để đến được với tình yêu thương. Không có gì thương tâm bằng hình ảnh của một đứa trẻ cô đơn trong giá buốt, không có một nơi trú ngụ, không một bàn tay che chở. Hình ảnh đó đọng lại trong kí ức độc giả khắp thế giới như một nỗi đau, một vết thương khi giờ đây, quyền trẻ em được quan tâm hơn bao giờ hết.

Nhưng đó không phải là một cô bé bình thường trong tâm trí tôi. Cô bé ấy đối diện với cái giá buốt, tuyết lạnh của đêm giao thừa, đối diện với sự giá băng của lòng người, của những người qua đường bằng một tâm hồn giàu trí tưởng tượng và ngập tràn tình yêu thương. Trong sự giá lạnh đó, em đã vượt qua nỗi sợ hãi và đắn đo để quyết tâm quẹt diêm vào tường hơ ấm những ngón tay. An-đéc-xen đã tạo ra một hành động thật giàu ý nghĩa. Em bé quẹt diêm để được sưởi ấm phần nào, nhưng quan trọng hơn em tự làm ấm cõi lòng mình, để được chìm đắm trong thế giới áo ảnh do chính em tưởng tượng ra, để câu chuyện phát triển đan xen giữa thực vào ảo. hệt như trong truyện cổ tích. Không thể có chi tiết truyện nào hay hơn, độc đáo và hấp dẫn hơn trong hoàn cảnh đó với nhân vật ấy. Vì khi ánh lửa nhỏ bé bừng sáng lên cũng là lúc thế giới tưởng tượng mở ra trong đầu em. Dù ngay sau dó, diêm tắt, thực tại lại ập về nhung thế giới đó dường như càng lúc căng nâng tâm hồn cô bé đến gần hơn với những điều mơ ước, ước nguyện của cuộc đời em.

Lần quẹt diêm thứ nhất, hiện ra lò sưởi toả hơi nóng ấm dịu dàng, cảnh thực và cảnh ảo đan xen nhau. Ngón cái cầm diêm cháy gần sát làm nóng bỏng lên, cô bé ngồi trước lò sưởi bằng đồng bóng loáng. Đó là hình ảnh tưởng tượng đầu tiên của em. Người đọc có thể hiểu được vì sao hình ảnh lò sưởi lại xuất hiện đầu tiên. Khi người ta đối diện với cái rét, khi xung quanh là cái lạnh đang bao phủ thì ước mơ về hơi ấm, ánh lửa là điều tất yếu sẽ hiện lên trong tâm trí cô bé. Điều mong ước đầu tiên của em là được sưởi ấm, được cứu thoát khỏi cái lạnh buốt của đêm giao thừa.

Que diêm thứ hai lại bùng lên vượt lên cả nỗi sợ “đêm nay về nhà thế nào cũng bị cha mắng”, nó đem lại cho em cả một thế giới sống động và ấm áp. Bàn ăn sang trọng, thức ăn ngon lành toá ra mùi thơm ngào ngạt. Con ngỗng quay là hình ảnh gợi ra từ cảnh thực. Nhưng cảnh con ngỗng quay, lưng cắm thìa, dĩa tiến về phía em bé thì thật ngộ nghĩnh và kì diệu. Nó hoàn toàn là tưởng lượng của em bé. Vì giờ đây, sau cái rét là cái đói. Cái mơ ước cháy bỏng nhất của những em bé nghèo đói và của chính em lúc này là khao khát có được cái ăn. Và món ăn làm em thèm nhất là ngỗng quay, một món ăn ngon phổ biến của đất nước Đan Mạch. Nhưng que diêm không thể mãi mãi cháy. Khi que diêm thứ hai này tắt, hiện thực lại phũ phàng bao phủ. Chỉ có phố xá váng tanh, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xoá, gió bấc vi vút và khách qua đường thì vội vã, lạnh lùng.

Lần thứ ba em bé quẹt diêm, cây thông Nô-en xuất hiện. Cây thông Nô-en là ước mơ vui chơi trong đêm Giáng Sinh – mới diễn ra cách đêm giao thừa hôm nay không lâu. Cây thông được trang trí lộng lẫy, với hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi… Trí tưởng tượng của em bé thật phong phú. Có lẽ lâu rồi, gia đình em không có nổi một cây thông Nô-en nhưng vẫn tiềm ẩn trong trái tim em một cây thông của riêng mình, một cây thông được làm nên bằng trí tưởng tượng. Nhưng cây thông đó cũng như lò sưởi, bàn ăn không ở lại với em mãi mãi. Khi em đưa tay về phía nó, thì cây thông biến mất.

Lần quẹt diêm thứ tư mang đến cho em nhiều điều kì diệu. Lần này, em nhìn thấy rõ “bà em đang mỉm cười với em”. Và lần này, em không im lặng như những lần quẹt diêm trước. Em bé reo lên cất tiếng nói với bà. “Xin bà đừng bỏ cháu… Cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà”. Không phải ngẫu nhiên hình ảnh bà lại xuất hiện. Với em bé, bà và mẹ là hai người quan trọng nhất, hết lòng yêu thương em. Nhưng họ đã qua đời. Trong đêm giao thừa lạnh buốt, hình ảnh người bà hiện lên trong một trái tim bé nhỏ đang khao khát tình yêu thương. Ước nguyện được đi theo bà là ước nguyện được yêu thương, che chở của em. Nhưng rồi diêm lại vụt tắt. Và giờ đây, em tiếp tục quẹt diêm như làm trong vô thức. “Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày”. Em muốn níu bà em ở lại. Một que diêm có thể tắt, nhưng với cô bé cứ quẹt thật nhiều thì hình ảnh bà sẽ không biến mất. Và kì lạ thay ! “Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa”. Em bé đã thực hiện được ước nguyện của cuộc đời mình. Em đã ra đi vĩnh viễn trong đói khát, trong đêm rét buốt, trong niềm hi vọng tan biến và ảo ảnh về một người thân yêu đã mất. Hình ảnh một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười trong buổi sáng đầu năm lạnh lẽo ấy thật đặc biệt. Em bé đã chết. Nhưng hình ảnh em đối lập với cái không khí ảm đạm, với “bầu trời xanh nhợt”. Đó là hình ảnh đẹp, ngây thơ, hồn nhiên như “tiên đồng, ngọc nữ”. Nụ cười trên đôi môi nhỏ bé là sự hạnh phúc của em khi được đi theo bà về với Thượng đế, trút bỏ tất cả khổ đau của cuộc sống này.

Hình ảnh em bé bán diêm chết trong đêm giao thừa làm ta vô cùng xúc động, Những chi tiết ở cuối truyện lại làm trái tim ta không thôi trăn trở về một xã hội ghẻ lạnh tình người. Cha em nghiệt ngã và vô tình với đứa con gái. Xã hội vô tình, lạnh lùng trước cái chết của một em bé bán diêm nghèo khổ. Chỉ có cái nhìn đầy cảm thông, tấm lòng đầy nhân đạo của nhà văn mới có thể viết nên một câu chuyện cảm động, có thể làm người đọc bớt đi cảm giác bi thương để tiễn đưa cô bé lên trời với niềm vui và niềm hi vọng chợt bùng, chợt loé sáng sau những lần đánh diêm. Nhưng từ trong hiện thực cay đắng, vẫn phải thừa nhận rằng, cái chết em thật thương tâm và cảm động. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh : Hãy cứu lấy trẻ thơ, trả lại cho các em nụ cười hồn nhiên và một cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập niềm vui và mơ ước.

NGUYỄN THỊ THUÝ

Lời nhận xét :

–    Người viết đã tái hiện lại hình ảnh của nhân vật bằng nhiều đặc điểm. Điều quan trọng là người viết đã biết đi sâu vào những đặc điểm nổi bật làm nên sức sống của nhân vật trong tâm hồn người đọc. “Nhưng đó không phải là một cô bé bình thường trong tâm trí tôi. Cô bé ấy đối diện với cái giá buốt, tuyết lạnh của đêm giao thừa, đối diện với sự giá băng của lòng người, của những người qua đường bằng một tâm hồn giàu trí tưởng tượng và ngập tràn tình yêu thương”.

–    Văn viết bộc lộ tư duy thẩm bình tốt: “Em bé đã thực hiện được ước nguyện của cuộc đời mình. Em đã ra đi vĩnh viễn trong đói khát, trong đêm rét buốt, trong niềm hi vọng tan biến và ảo ánh về một người thân yêu đã mất”.

–    Bạn Nguyễn Thi Thuỷ đã tạo một ấn tượng ám ảnh với bời viết của mình, đặc biệt là câu kết bài : “Nhưng từ trong hiện thực cay đắng, vẫn phải thừa nhận rằng, cái chết của em thật thương tâm và cảm động. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh : Hãy cứu lấy trẻ thơ, trả lợi cho các em nụ cười hồn nhiên và một cuộc sống hạnh phúc, tràn ngập niềm vui và mơ ước”. Đó cũng là điều mà đến xã hội hôm nay vẫn đang nỗ lực thực hiện.

Đang tải...

>> Tải về file word  TẠI ĐÂY.

Xem thêm : 

Phân tích tâm trạng nhân vật lão Hạc trong cuộc nói chuyện với ông giáo sau khi bán cậu Vàng trong truyện ngắn Lão Hạc – Nam Cao.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận