Phân tích tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc – Ngữ Văn 11

Đang tải...

VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Hoàn cảnh sáng tác bài văn tế

Trong bối cảnh thực dân Pháp xâm lược nước ta và sự lúng túng của triều đình trước sức tấn công của kẻ thù, thậm chí phe chủ trương hoà hoãn trong triều càng tăng lên thì vẫn có nhiều nhà nho và nhân dân nhiều nơi đứng lên đánh giặc. Đêm 16 tháng 12 năm 1861, những người nông dân – nghĩa sĩ đã tập kích đồn Cần Giuộc của quân Pháp, thu được một số thắng lợi nhất định như giết được tên quan hai Pháp và một số lính đánh thuê, làm chủ đồn hai ngày, nhưng cuối cùng bị phản công và thất bại. Nghĩa quân hi sinh khoảng hai chục người. Đây là cuộc chiến đấu của người nông dân bảo vệ quê hương, làng xóm của mình, đầy tinh thần tự nguyện, tự giác.

Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là bài văn Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của Đỗ Quang, tuần phủ Gia Định, để tế những nghĩa sĩ đã hi sinh trong trận tập kích nói trên.

2.Thể loại văn tế

Văn tế là bài văn khóc người đã chết. Tiếng khóc không phải là điều xa lạ đối với con người vì nó là một trong những cách thức bày tỏ cảm xúc quan trọng (vui thì cười, buồn thương thì khóc). Tuy vậy, trong văn học thòi trung đại, tiếng khóc không phải ở thòi đại nào cũng được đưa vào thơ văn. Có những giai đoạn văn học hầu như vắng bóng tiếng khóc. Nghĩa là đã có những lúc, tiếng khóc không được các tác giả coi là đối tượng đáng được đưa vào văn học. Dường như các tác giả văn học thời xưa đề cao sự kiềm chế cảm xúc. Từ thế kỉ XVIII trở đi, mới bắt gặp nhiều tiếng khóc trong thơ : Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh trong bài Độc Tiểu Thanh kí, Phạm Thái khóc ngưòi yêu trong bài Văn tế Trương Quỳnh Như, Ngô Thì Sĩ khóc vợ qua tập thơ Khuê ai lục,… Đây là thời đại văn học đề cao cảm xúc, tình cảm. Tiếng khóc của văn học giai đoạn này có tính cách cá nhân, riêng tư. Cuối thế kỉ XIX, trong bối cảnh cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược nhưng bị thất bại, đã xuất hiện khá nhiều tiếng khóc trong thơ văn. Những tiếng khóc qua các bài thơ tuyệt mệnh của sĩ phu yêu nước chống Pháp, tiếng khóc các vị anh hùng bỏ mạng trong chiến trận qua các bài thơ gọi là khốc, điếu. Bản thân Nguyễn Đình Chiểu có thơ khóc các tướng lĩnh như Trương Định, Phan Tòng,… Nhưng điểm độc đáo của Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là tác giả khóc những người nông dân bình thường đã chết trong trận chiến bảo vệ quê hương chống lại quân xâm lược. Lần đầu tiên trong văn học trung đại từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, vói bài văn tế này, ngưòi nông dân đã đi vào văn học với tư cách là một đối tượng miêu tả độc lập.

3.Lựa chọn sống – chết trong truyền thống văn hoá phương Đông

Bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu có một điểm đặc sắc là luận về lẽ sống – chết. Vì thế, cũng cần nói lại, dẫu là hết sức ngắn gọn, quan niệm về sống chết trong truyền thống văn hoá phương Đông. Con người sinh ra ai cũng muốn sống, hưởng thụ trọn vẹn cuộc sống của mình. Nhưng khi con người đứng trước một tình thế buộc phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, chết để bảo vệ nhân phẩm, đạo đức thì chết vinh còn hơn sống nhục. Nhà nho có tinh thần sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa (chết để thành người có đạo nhân, hi sinh thân mình để bảo vệ đạo nghĩa). Truyền thống này thể hiện rất rõ trong khi Nguyễn Đình Chiểu luận về lẽ sống – chết trong bài văn tế, lại tiếp tục được phát huy trong văn học yêu nước, cách mạng : bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” ; bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ – Đèo Lũng Lô anh hò chị hát – Dù bom đạn xương tan thịt nát – Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Kết cấu bài văn tế

 Có nhiều cách phân đoạn bài văn tế tuỳ theo quan niệm của người đọc muốn nhấn mạnh vấn đề nào trong bài. Chúng tôi xin giới thiệu một cách phân đoạn, theo đó thì bài văn tế có 4 đoạn chính :

-Đoạn 1 (từ đầu đến “dốc ra tay bộ hồ” : kể về thân phận và tấm lòng vì quê hương, đất nước của ngưòi nông dân nghĩa sĩ trước khi diễn ra trận đánh.

-Đoạn 2 (tiếp theo đến “tàu đồng súng nổ”) : miêu tả hành động của những người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc Pháp xâm lược.

-Đoạn 3 (tiếp theo đến “con bóng xế dật dờ trước ngõ”) : lí giải nguyên nhân hành động hi sinh vì nghĩa của những người nghĩa sĩ nông dân.

-Đoạn 4 (phần còn lại) : luận về lẽ sinh tử, ghi nhận ý nghĩa của sự hi sinh và thể hiện tình cảm tiếc thương của tác giả đối vói nghĩa sĩ đã hi sinh cao cả.

Tất nhiên, không nên quan niệm rằng nội dung của mỗi phần tách biệt, riêng rẽ so với các phần khác mà việc nội dung các phần đan xen nhau là một thực tế. Việc phân loại nói trên chỉ nhằm mục đích tách các nội dung chính để có định hướng phân tích.

2.Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ

Có thể nói rằng toàn bộ hình tượng ngưòi nông dân nghĩa sĩ và cả bài văn tế được triển khai trên một loạt những cặp đối lập. Khai thác đặc điểm đối lập này sẽ thấy được tài năng nghệ thuật của tác giả.

a.Người nông dân trước khi xảy ra sự kiện tấn công đồn cần Giuộc

Những người nông dân hiền lành, chất phác, lam lũ, nghèo khó, không phải là ngưòi lính chuyên nghiệp. Sau câu mở đầu có tính chất nhận định tổng quát, ấn tượng này được chuyển tải rất thành công bằng biện pháp đối ngẫu :

1. Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ
2. Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm

 

Nhận xét : Cặp đối 1 là đối lập về không gian sống và hoạt động. Người nông dân chỉ sống với vườn ruộng, trâu bò, ở trong làng xóm ; chưa biết thao trường tập luyện, chưa biết vũ khí cung nỏ, ngựa,… Cặp đối 2 là đối lập về việc làm (những việc nhà nông là những việc quen tay làm, còn việc nhà binh thậm chí mắt chưa từng thấy, nói gì tói tay quen làm).

Tác giả không dừng lại lâu ở chi tiết bề ngoài; sau cặp đối lập trên, tác giả chuyển sang thể hiện tâm tư, tình cảm của ngưòi nông dân. Trong bối cảnh giặc Pháp xâm lược đất nước ta, những ngưòi nông dân như đã có sự chuẩn bị về tinh thần, thái độ. Người nông dân nhưng cũng biết lo lắng việc quốc gia đại sự, nghe tin quân Pháp xâm lược đã tỏ lòng căm giận. Sự căm giận thể hiện bằng những từ ngữ rất mạnh, cụ thể chứ không chung chung : “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”. Tác giả nhấn mạnh tinh thần tự nguyện, tự giác ở họ : “Nào đợi ai đòi ai bắt”, “chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi”. Đó là động lực tinh thần mạnh mẽ, quyết định sự xả thân của họ trong việc công đồn, biến họ từ người nông dân trở thành người nghĩa sĩ. Không cần bất cứ một sức ép nào, người nông dân đã sẵn sàng cho hành động đánh giặc. Nghệ thuật đối lập ở cuối đoạn nhằm mục đích tô đậm tinh thần tự nguyện của ngưòi nông dân :

Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình ; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.

Vế trước nhìn sự tự nguyện từ phía khách quan, từ bên ngoài (không cần đợi các sức ép đó) ; vế sau nhìn từ hành động chủ quan của người nông dân. Như vậy, cái nhìn toàn diện cho thấy tinh thần tự nguyện cao cả của họ.

b.Người nông dân trong sự kiện công đồn

Phần này chiếm một vị trí quan trọng trong bài văn tế. Những ngưòi nông dân “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Họ đi vào trận đánh mà thiếu rất nhiều điều kiện chủ quan của người làm việc nghĩa, ngoại trừ tinh thần vì nghĩa, tinh thần “sát thân thành nhân”, “xả thân thủ nghĩa”. Trong Truyện Lục Vân Tiên mà giói nghiên cứu cho là đã sáng tác trước khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu đã đề cập đến điều kiện chủ quan của người làm việc nghĩa (hành nghĩa). Để làm được việc nghĩa, người hành nghĩa cũng cần có một số điều kiện chủ quan nhất định. Nhân vật Lục Vân Tiên được giói thiệu là người văn võ song toàn “Văn đà khỏi phụng đằng giao – Võ thêm ba lược sáu thao ai bì”. Nghe tín hai nữ nhi bị đảng cướp Phong Lai bắt, Vân Tiên nói “Tôi xin ra sức anh hào – Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”. Nhưng mọi người can ngăn “Dân rằng lũ nó còn đây – Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành – E khi hoạ hổ bất thành – Khi không mình lại xô mình xuống hang”. Bởi lẽ nếu muốn làm việc nghĩa mà không đủ tài năng thì rất có thể sẽ không giúp ích được cho người mà bản thân còn mắc hoạ. May mắn là Lục Vân Tiên đủ tài năng, trí dũng song toàn. Điều Nguyễn Đình Chiểu nêu lên thoáng qua đã thành sự thật trong cuộc hành nghĩa đánh Pháp của những nghĩa binh cần Giuộc. Nếu như Lục Vân Tiên văn võ song toàn thì các nghĩa binh nông dân chỉ có tinh thần quyết đánh kẻ thù mà thiếu rất nhiều thứ. Đây là nguồn cội của âm hưởng bi tráng trong bài văn tế. Họ không được học binh thư, không được luyện tập sử dụng vũ khí; họ không được trang bị chuyên nghiệp ; vũ khí của họ chỉ là những vật dụng quen thuộc với nghề nông. Nhưng họ đã khiến cho kẻ thù kinh hoàng, đã lập được nhiều kì tích đáng khâm phục.

Nghệ thuật đối ngẫu đã được tác giả khai thác thành công. Nghệ thuật đối cho phép nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau, vẽ nên một bức tranh toàn cảnh. Nhìn ngườii nghĩa binh nông dân từ bên ngoài, so sánh với người lính chuyên nghiệp:

Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; / chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Và nhìn từ góc độ “quan quản” và góc độ “thằng Tây” :

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; / nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Có cách nhìn người nghĩa binh chuyển từ trang phục đến vũ khí:

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; / trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Có cách nhìn chuyển từ hành động này sang hành động khác trong các không gian hành động khác nhau : đốt nhà dạy đạo / chém đầu quan hai; đạp rào lướt tói / xô cửa xông vào; đâm ngang chém ngược / hè trước ó sau.

Đáng chú ý là đoạn này sử dụng dày đặc các động từ, tạo nên ấn tượng nhanh gấp, khẩn trương, quyết liệt. Các chi tiết miêu tả có tính chất tĩnh như áo vải, ngọn tầm vông, rom con cúi, lưỡi dao phay xen kẽ, kết họp vói miêu tả hành động góp phần tạo nên vẻ đẹp tạo hình của người nghĩa binh nông dân.

c.Lí giải hành động xả thân vì nghĩa

Những nông dân nghĩa sĩ đã chấp nhận một cái chết anh hùng, đầy tinh thần xả thân và hết sức bình dị: “Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây; trăm năm âm phủ ấy chữ quy, nào đợi gươm hùm treo mộ”.

Họ chấp nhận cái chết lẽ ra không thuộc về bổn phận, chức trách của họ : “Chẳng phải án cướp án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm ; vốn không giữ thành giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số”.

Lí giải nguyên nhân, động lực đã dẫn đến sự hi sinh, xả thân của những người nông dân nghĩa sĩ bao gồm quan niệm về lựa chọn cuộc sống có ý nghĩa và nhận thức về kẻ thù, sống mà theo kẻ thù – kẻ thù lúc này được ông và khống ít nhà nho nhận thức còn ở mức độ hạn chế nhất định – là những kẻ đến can thiệp vào “bát cơm manh áo” của nhân dân ta, là kẻ có những khác biệt về văn hoá (không thờ tổ tiên), thì sống như thế là khổ nhục. Một dân tộc kiêu hùng thà thác chẳng đầu hàng giặc Tây là một tinh thần được Nguyễn Đình Chiểu nhấn mạnh trong các sáng tác về những người nghĩa sĩ đánh Pháp : “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh ; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở vói man di rất khổ”. Câu này có cùng nghĩa với hai câu trong một bài thơ điếu Phan Tòng:

Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây,

Một giấc sa trường phận cũng may.

Là ngưòi đi tiên phong của dòng văn học yêu nước chống Pháp, tất nhiên những hiểu biết về kẻ thù của Nguyễn Đình Chiểu không khỏi còn hạn chế nào đó mà với thời gian, các nhà yêu nước ở đầu thế kỉ XX sẽ nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về chúng. Chỉ có lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược, tinh thần hi sinh tất cả để bảo vệ độc lập, tự do của những người nông dân nghĩa sĩ là luôn mới mẻ, thiêng liêng Nguyễn Đình Chiểu khẳng định tình cảm của toàn dân trước sự hi sinh quả cảm của họ. Đặt đối xứng giữa sông (thiên nhiên) và chợ (người) để thấy cả trời đất và con người đều cảm động trước cái chết đó (đây là quan niệm phổ biến của người xưa về mối quan hệ thống nhất giữa trời và người) : “Đoái sông cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng ; nhìn chợ Trường’ Bình, già ttẻ hai hàng luỵ nhỏ”.

d.Luận về lẽ sinh tử và ghi nhận ý nghĩa của sự hi sinh, tình cảm của nhân dân với những người nghĩa sĩ

Bài văn tế còn có một đặc sắc khác nữa là sự hiện diện của hình tượng tác giả ở phần cuối cùng. Nếu ba phần trên, người nông dân nghĩa sĩ hiện lên qua những miêu tả trực tiếp thì ở phần này, những bình luận trữ tình của tác giả lại đưa ra một cách khắc hoạ gián tiếp, tạo nên một cái nhìn đa chiều về họ.

Nhà thơ viết bài văn tế bằng xúc cảm mạnh mẽ. Ông như thấy rõ nỗi đau thương mất mát nghẹn ngào nơi những con người còn sống cũng rất đáng thương. Cái chết bao giờ cũng gây nên xúc cảm thương tiếc :

Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy ! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều ; não nùng thay / Vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế dật dờ trước ngõ.

Có cảm giác như ngưòi sống gục xuống vì đau đớn, mất mát. Nhưng hai cặp câu đối trên chỉ là sự chuẩn bị cho những cảm xúc tích cực. Sự xả thân, hi sinh có sức sống sánh cùng trời đất, bền vững với thời gian :

Ôi!

Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ.

Cái chết của những nghĩa binh nông dân trước hết là lời kêu gọi những người còn sống tiếp tục sự nghiệp yêu nước thương dân :

Binh tướng nó hãy đóng sông Bến Nghé, ai làm nên bốn phía mây đen ; ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ.

Họ vốn là người nông dân chất phác, không định làm người anh hùng, không định nổi danh nhưng cái chết đầy khí phách hào hùng của họ đã đưa họ đến vị trí được tôn vinh. Danh thom truyền đi xa, được thờ noi đình miếu, tiếng hay lưu lại đến muôn đòi :

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Hồn thiêng của họ như vẫn dõi theo sự nghiệp đánh giặc của người đang sống:

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia ; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.

Trong quan niệm của nhà nho, vua chính là nước, không thể tách rời vua và nước. Thờ vua chính là thờ nước, trung với vua chính là trung vói nước. Những khái niệm tấc đất ngọn rau ơn chúa, thiên dân, vương thổ là cách diễn đạt phổ biến các khái niệm đất nước, nhân dân của văn học nhà nho thời xưa (phải đợi đến đầu thế kỉ XX, các nhà nho Duy tân mới bắt đầu tách đất nước ra khỏi vua, mới nói đến nước là của dân). Đặt hành động công đồn cần Giuộc của những người nghĩa binh nông dân vào tương quan thiên dân, vương thổ, thờ vua là cách ghi nhận tầm vóc quốc gia của một hành động vốn chỉ ở quy mô địa phương. Ý nghĩa của sự hi sinh không chỉ còn là bảo vệ mảnh đất quê hương mà đã ở trên bình diện quốc gia, dân tộc rồi.

Nhìn chung, nếu so sánh vói các sáng tác trong thời trung đại thì hình tượng người nông dân nghĩa sĩ là một đóng góp đột xuất của Nguyễn Đình Chiểu. Bởi vì người nông dân trong văn học các giai đoạn trước chỉ đóng một vai trò bị động, là đối tượng quan tâm săn sóc của người lãnh đạo, thậm chí là đáng thương (bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du viết về mấy mẹ con người ăn mày đói khổ). Người dân nghèo trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là lực lượng tham gia vào sự nghiệp đánh quân Minh nhưng không có chân dung cụ thể nào ngoài vẻn vẹn mấy từ manh lệ chi đồ tứ tập (nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới). Manh lệ là ngưòi làm ruộng và ngưòi đi ở, tức là những ngưòi ở nấc thang thấp nhất của xã hội. Nhưng rõ ràng họ bị động, ra đi theo một ngọn cờ tập họp của đấng minh chủ. Người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc đã có hình tượng mang tính tạo hình khá hoàn chỉnh, vói những nét vẽ chân dung và hành động cụ thể, vói tâm hồn, tình cảm sâu sắc, chiếm được tình cảm thương mến, trân trọng của tác giả. Các nhà phê bình đã có lí khi nói đây là bức tượng đài bất hủ về ngưòi nông dân.

3.Thể văn tế

Bài văn tế được viết theo thể phú, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã có những cách tân quan trọng về thể loại. Hai cách tân quan trọng nhất là :

-Đối tượng thể hiện của phú thường là con người tầng lớp trên, vua chúa, trí thức nho sĩ (xem lại Bạch Đằng giang phú), còn Nguyễn Đình Chiểu hướng về những ngưòi nông dân nghèo khó vói tấm lòng trân trọng.

-Ngôn từ của phú thường có tính chất khoa trương, cách điệu, ước lệ cao. Nguyễn Đình Chiểu đã đưa vào bài văn tế ngôn ngữ mộc mạc, tả thực :

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vồng, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Hay:

Hoả mai đánh bằng rom con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Ông cũng đưa các xúc cảm chân thành, nồng đượm của mình vào khiến bài văn tế sinh động, lôi cuốn được sự đồng cảm của ngưòi đọc.

XEM THÊM PHÂN TÍCH TÁC PHẨM BÀI CA PHONG CẢNH HƯƠNG SƠN-NGỮ VĂN 11 TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận