Phân tích tác phẩm Chiếu Cầu Hiền – Ngữ văn lớp 11

Đang tải...

CHIẾU CẦU HIỀN

(Cầu hiền chiếu)

I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1.Về thể loại “chiếu cầu hiền”

Hiền là người có đức có tài. Hầu như triều đại mới thành lập nào cũng dùng hình thức xuống chiếu kêu gọi những người hiền tài ra làm việc. Ở thế kỉ XV, Lê Lợi sau khi đánh thắng quân Minh cũng có chiếu với nội dung cầu hiền. Một bài chiếu thường có nội dung trực tiếp kêu gọi những người có tài có đức ra cộng tác, hoặc kêu gọi tiến cử (hình thức giới thiệu người tài đức). Người viết chiếu thường dùng lòi lẽ khiêm tốn, khơi gợi tình cảm vì nước vì dân ở người được kêu gọi và những hứa hẹn về công danh, địa vị.

2.Hoàn cảnh lịch sử của Chiếu cầu hiền

Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Thừa Thiên – Huế vào ngày 25 tháng chạp (tháng 12) năm 1788, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi tiến quân ra Bắc Hà đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Trưa ngày 5 tháng giêng năm Kỉ Dậu (1789), đạo quân chiến thắng tiến vào Thăng Long. Tên vua bán nước Lê Chiêu Thống bỏ chạy cùng quân Thanh. Đất nước bước vào giai đoạn hoà bình, xây dựng. Trong rất nhiều công việc bề bộn của buổi đầu, có vấn đề về nhân tài cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước. Chúng ta cần ghi nhận một sự thật lịch sử là có không ít ngưòi Bắc Hà không cộng tác với Quang Trung, thậm chí còn chống lại triều đại mói. Cầu hiền là cách để Quang Trung bày tỏ tinh thần trân trọng tài năng, hợp tác đồng thời cũng nhằm bổ sung thêm lực lượng quan chức có học cho bộ máy chính quyền.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Kết cấu bài chiếu

Một tác phẩm văn chính luận, với mục đích mời gọi các hiền sĩ cộng tác, phải được xây dựng trên một hệ thống kết cấu họp lí, lôgíc chặt chẽ. Phân tích tác phẩm loại này, cần chú ý đến các phần và chức năng của mỗi phần cũng như mối liên kết giữa chúng.

Có thể chia bài chiếu thành 4 phần chính :

Phần 1 (từ đầu đến “ý trời sinh ra người hiền vậy”) : trình bày vai trò và sứ mệnh của người hiền ở đời, đặc biệt nhấn mạnh việc người hiền phải phụng sự cho thiên tử (tức vua, đại diện cho xã hội) thì mới có ý nghĩa. Phần này chuẩn bị cơ sở lí luận cho sự kêu gọi người hiền ra làm việc cho triều đại mới. Phần này có ba câu với ba ý nhỏ, gắn kết chặt chẽ, lập luận tinh vi, dùng hình ảnh sắc sảo. Câu đầu tiên khẳng định vị trí của người hiền : đây là tinh hoa của xã hội, cũng như những vì sao sáng trên trời. Câu thứ hai : dùng hình tượng sao Bắc Đẩu để ví với vua (hình tượng sao Bắc Đẩu hay Bắc Thần để chỉ vua đã xuất hiện trong Luận ngũ) và các vì sao châu tuần về sao Bắc Đẩu để chỉ các hiền tài châu tuần quanh vua. Câu thứ ba tiếp tục triển khai hình tượng “sao sáng” đang dùng ở câu một và hai : nếu sao che mất ánh sáng thì mất vẻ đẹp, có tài mà không thi thố tài năng, không được sử dụng thì không đúng vói quy luật (ở đây, “ý trời” là quy luật).

-Phần 2 (tiếp theo đến “của trẫm hay sao ?”) : Phần này có hai ý, đề cập đến ứng xử của ngưòi hiền trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau, quá khứ và hiện tại. Trước đây, vì xã hội loạn lạc, kẻ sĩ ẩn mình để giữ thân dưới nhiều hình thức khác nhau. Nay là thời bình nhưng nhiều người vẫn tiếp tục lối sống ẩn mình giấu tiếng, đó là cách ứng xử không đúng đắn. Ý thứ hai phân tích những lí do cho thấy vì sao hiện nay trong thời bình, người hiền cần phải tham gia chính sự : lúc khó khăn là lúc cần sự trổ tài của ngưòi quân tử, nhiều công việc chung của đất nước nhà vua không thể giải quyết được. Bên cạnh những lập luận sắc bén, là những lo toan, tâm sự riêng của nhà vua về công việc của đất nước, cần được sự đồng cảm và chia sẻ : đức của vua chưa đủ thấm nhuần khắp nơi – tức là uy tín của vua chưa đủ thuyết phục toàn dân, một cá nhân đơn độc như vua không thể gánh vác thay thế cho công việc của nhiều người… Phần thứ hai này kết hợp khéo léo lí và tình. Người viết đã thể hiện ý thức trách nhiệm và sự lo lắng, quan tâm đến công việc chung, sự khiêm tốn, dễ tạo được sự đồng cảm ở ngưòi hiền.

-Phần 3 (tiếp theo đến “vì mưu lợi mà phải bán rao”) : trình bày cụ thể cách thức tiến cử và tự tiến cử của người hiền. Những ngưòi có tài năng học thuật, có mưu kế hay, có nghề nghiệp giỏi đều có thể tự tâu bày hay qua các quan văn võ tiến cử để xem xét sử dụng Triều đình khuyến khích mọi sáng kiến hay lòi hiến kế, không bắt tội nếu như lời nói có sai sót, sơ xuất. Bài chiếu cũng động viên những ngưòi tự tiến cử, “chớ hiềm vì mưu lợi mà phải bán rao”.

-Phần 4 (phần còn lại): nhắc lại rằng thời bình, hiền tài không nên ẩn náu mà nên thi thố tài đức để được tôn vinh và hưởng hạnh phúc. Hàm ý : có đóng góp và cống hiến cho đất nước, triều đại thì tất được đãi ngộ xứng đáng.

Tóm lại, xét kết cấu bài chiếu, có thể nói đây là một bài luận thuyết mẫu mực : chặt chẽ, mạch lạc, nhất quán, có sức thuyết phục, kết hợp hài hoà thái độ trân trọng hiền tài và sự khiêm tốn chân thành của người viết chiếu ; tình và lí; những lời kêu gọi, khơi gợi trách nhiệm và những lời hứa hẹn về quyền lợi, đãi ngộ.

2.Đối tượng của bài chiếu

Một bài văn luận thuyết bao giờ cũng nhằm đến một đối tượng nhất định. Đối tượng cần thuyết phục quy định bút pháp, phong cách của tác phẩm. Bài chiếu này nhằm gửi đến chủ yếu là các nho sĩ – trí thức (hiền tài tất nhiên phải có trí tuệ, học thức nhất định). Điều này có thể xác nhận qua các từ ngữ dùng trong bài chiếu như “kẻ sĩ”, “những ngưòi học rộng tài cao”, “ngưòi nào có tài năng học thuật”,… Do vậy, ngưòi viết đã sử dụng lối viết uyên bác, nhiều điển tích, điển cố lấy từ văn học Trung Quốc để đối tượng vốn là những người học rộng phải “tâm phục khẩu phục”. Những điển cố chỉ khó hiểu đối vói người không có vốn Hán học cần thiết, nhưng lại hết sức súc tích, dễ hiểu đối vói những người học rộng, tác giả không cần trình bày dài dòng mà chỉ dẫn điển tích, điển cố là đạt được điều cần trình bày. Chẳng hạn, chỉ cần nói “ra biển vào sông” là diễn đạt được ý “các ẩn sĩ mỗi ngưòi đi một phương”. Những điển cố rút từ nhiều nguồn khác nhau của văn học Trung Quốc cho thấy ngưòi có văn tài viết được tác phẩm như thế (ở đây là Ngô Thì Nhậm) đã được Quang Trung trọng dụng, tin cậy. Điều này cũng có thể cổ vũ, khích lệ các hiền tài khác ra cộng tác vói triều đại của vua Quang Trung. Như vậy, nghệ thuật sử dụng điển cố cũng là một điểm đặc sắc của bài chiếu.

3.Ngôn ngữ nghệ thuật

Trong bài chiếu, ta bắt gặp những từ ngữ gợi cảm giác về sự trang nghiêm của sự nghiệp mà những người hiền tài sẽ có thể tham dự. Đó là: “nền đại định”, “nghiệp trị bình”, “dải đất văn hiến rộng lớn”, “trong khoảng trời đất”, “hội gió mây”. Những từ này ngầm so sánh sự nghiệp xây dựng đất nước có tầm cỡ vũ trụ, nghĩa là ngầm đặt những bậc hiền tài vào tương quan vũ trụ, vì thế ẩn chứa một sắc thái tôn vinh, trân trọng đối với người hiền. Đó là một phương diện đáng chú ý của nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong tác phẩm.

4.Tình cảm, tư tưởng và nhân cách của vua Quang Trung

Bài chiếu được Ngô Thì Nhậm viết thay vua Quang Trung. Tất nhiên văn tài của Ngô Thì Nhậm phải phục tùng tư tưởng chỉ đạo của vua Quang Trung. Vì thế, cần nói đến con người của Quang Trung thể hiện qua bài chiếu. Một con người khiêm tốn : “trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng”, “kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết”, “mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình” ; con người khiêm nhường này lo lắng cho đất nước, cho nhân dân : “Nay trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến”, “Dân còn nhọc mệt chưa lại sức, mà đức hoá của trẫm chưa kịp nhuần thấm khắp nơi. Trẫm nơm nớp lo lắng”. Tư tưởng đúng đắn về sự nghiệp xây dựng đất nước là sự nghiệp chung của toàn dân được diễn đạt thành công bằng hình ảnh “Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một ngưòi không thể dựng nghiệp trị bình”. Qua một số từ ngữ, tác giả dựng lên chân đung của một ông vua có trí tuệ, có tấm lòng lo cho dân cho nước, một người chân thành và khiêm tốn. Một con người như vậy dễ dành được thiện cảm và sự ủng hộ của quần chúng.

XEM THÊM PHÂN TÍCH VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC TẠI ĐÂY

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận