Phân tích nhân vật Chiến, Việt trong Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi là tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, yêu cách mang. Hãy phân tích nhân vật Chiến, Việt trong đoạn trích để làm sáng tỏ điều đó.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích nhân vật Chiến, Việt trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi để thấy được phẩm chất của những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, yêu cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm, học sinh có thể xác lập luận điểm như sau:

+ Nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.

+ Nhân vật Chiến.

+ Nhân vật Việt.

=> Rút ra chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Nguyễn Thi là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thòi kháng chiến chống Mĩ. Ông rất xứng đáng với danh hiệu Nhà văn của nông dân Nam Bộ. Bởi nhân vật tiêu biểu trong sáng tác của ông là những người nông dân vùng đất này, những con người bản chất hồn nhiên, bộc trực, giàu lòng yêu nước, yêu cách mạng, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
  • Mang trong mình dòng chảy truyền thống cao đẹp ấy là nhân vật Chiến, Việt trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc được nhà văn viết trong những ngày chiến đấu ác liệt chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Thân bài

*Nét đặc sắc của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.

  • Nhà văn đã xây dựng được hình tượng những người con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, yêu cách mạng. Những con người này đều mang trong mình những nét chung thống nhất, thể hiện rõ đặc điểm nhân vật trong tác phẩm của ông. Đó là lòng căm thù giặc sâu sắc; gan góc dũng cảm, khao khát chiến đấu giết giặc; giàu nghĩa tình, thuỷ chung son sắt với quê hương, với cách mạng. Tuy nhiên trong dòng sông truyền thống của gia đình “mỗi người một khúc” vẫn có những nét riêng. Đó chính là điểm nói lên tài năng của Nguyễn Thi.
  • Trong dòng sông truyền thống gia đình nếu ba má Việt, chú Năm là khúc thượng nguồn, nơi kết tinh mọi truyền thống gia đình thì Chiến, Việt là những khúc kế tiếp truyền thống tốt đẹp ấy. Bởi: “Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó” thành sự tích gia đình, ghi lại những chiến công của mỗi thành viên và những tội ác tày trời của giặc đối với gia đình, quê hương, đất nước để truyền lại cho con cháu mai sau phải ghi nhớ mà trả thù.

* Nhân vật Chiến

  • Hình ảnh ngưòi mẹ của những đứa con trong gia đình ngã xuống nhưng dòng sông kia vẫn chảy. Hình ảnh người mẹ bất tử trong những đứa con trong gia đình, đó là Chiến — người con gái trẻ mang dáng vóc của mẹ từ ngoại hình cho đến giọng nói, tính cách. Nguyễn Thi đã cố ý tô đậm nét kế thừa người mẹ ở nhân vật Chiến.

+ Ngoại hình khoẻ khoắn: “Hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch”.

+ Tính cách: gan góc, đảm đang, tháo vát. Chiến đã thừa hưởng ở mẹ phẩm chất của người phụ nữ từng “vượt sông, vượt biển” — sinh ra để gánh vác, chống chọi và chiến thắng.

+ Ngày bộ đội tuyển quân, Chiến giành nhau với Việt đi bộ đội trước, một lòng theo Đảng với ý thức trả thù cho ba má, giải phóng quê hương, đất nước.

+ Đêm trước ngày tòng quân, Chiến lo liệu, tính toán trước sau: thằng Út ở với chú Năm, cái nhà thì cho các anh ở xã mượn mở trường học; giường ván cũng cho các anh mượn luôn; ruộng đất trao lại cho chi bộ, đồ đạc, bàn thờ tổ tiên, ba má sang gửi nhờ chú Năm. Chiến “nói in như má vậy”, có khác là chỉ khác Chiến “không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” như má mà thôi. Và Chiến nghĩ nếu má còn sống thì chắc má cũng tính vậy.

  • Chiến hơn Việt chừng một tuổi nhưng Chiến tỏ ra người lớn hơn hẳn, Chiến có thể bỏ cả bữa cơm để đánh vần cuốn sổ gia đình. Chiến không chỉ “nói in như má” mà còn có cách nói “trọng trọng’’ như chú Năm; Chiến đi bộ đội với quyết tâm như dao chém đá: “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”“đã làm thân con gái…” thì ra ở đời này không chỉ có đàn ông mới có chí làm trai! Một đất nước liên tục có ngoại xâm thì không loại trừ ai — “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”,“còn cái nai quần cũng đánh” (chị Út Tịch). Câu nói của Chiến là ý thức về dân tộc của người người, lớp lớp con trai, con gái bốn ngàn năm lên đường ra trận bảo vệ Tổ quổc. Họ sống giản dị mà mạnh mẽ, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước.

*Nhân vật Việt

  • Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều nhất trên trang văn. Dường như tác giả đã “trao ngòi bút” cho Việt để qua dòng hồi ức, Việt có thể tự viết về mình bằng một ngôn ngữ, giọng điệu riêng. Bằng cách ấy, Việt hiện lên trước mắt người đọc vừa sinh động vừa cụ thể; vừa là một cậu con trai lộc ngộc, vô tư mới lớn, vừa là một chiến sĩ dũng cảm kiên cường.
  • Trước hết, Việt có cái nét riêng dễ mến của cậu con trai lộc ngộc, vô tư, ngây thơ, hiếu động.

+ Chị Chiến hay nhường nhịn em nhưng Việt lại thích tranh phần hơn. Việt thích đi câu cá, bắt chim, khi đi bộ đội mà vẫn mang theo chiếc ná thun trong túi.

+ Mọi công việc ở nhà Việt đều phó thác cho chị Chiến. Đêm trước ngày lên đường, chị Chiến lo toan, cắt đặt mọi công việc thì Việt vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì”, mắt dõi theo những con đom đóm rồi chụp lấy một con, úp vào hai lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết.

+ Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con “giấu chị như giấu của riêng”, vì sợ mất chị trước những lời đùa tếu của anh em.

+ Việt bị thương, nằm lại chiến trường, khi đồng đội tìm được thì Việt khóc như con nít, khóc đấy rồi cười đấy! Thật đúng là một chàng trai sống hồn nhiên vô tư.

  • Ngoài mặt trận, khi phải đối mặt với kẻ thù, Việt không còn là cậu con trai ngây thơ, hồn nhiên nữa, mà ngược lại chững chạc như một người lính trẻ dũng cảm, gan góc, kiên cường. Phẩm chất ấy là dòng máu truyền thống của gia đình luôn chảy trong Việt, không biết sợ trước sự tàn bạo nào.

+ Khi Việt còn nhỏ, Việt đã dám xông thẳng vào thằng giặc vừa giết chết cha mình mà đá.

+ Khi chưa đủ tuổi tòng quân, Việt đã nằng nặc đòi đi cầm súng trả thù cho ba má.

+ Khi xung trận, Việt chiến đấu rất dũng cảm, dùng thủ pháo tiêu diệt xe bọc thép của giặc và nhiều tên khác.

+ Khi Việt bị trọng thương, một mình nằm giữa chiến trường hoang vắng, mắt không còn thấy gì chỉ còn cảm giác. Người đói khát, kiệt sức, Việt vẫn nằm trong tư thế chờ giặc, lúc nào ngón tay trỏ cũng để nơi cò súng và đạn đã lên nòng. Việt nghĩ: “Tao sẽ chờ mày, trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn thì tao cũng bắn được mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày chỉ là thằng chạy”.

=> Cứ vậy người con trai giản dị ấy thấy việc đi đánh giặc là một việc bình thường, nó giống như đi bắn chim, bắt ếch ở nhà vậy, có gì phải nghĩ, phải bàn, phải sợ. Có lẽ Việt là người đi xa hơn cả dòng sông truyền thống, không chỉ vì Việt đã lập công lớn nhất, mà ngay cả khi đã bị trọng thương, Việt vẫn đi tìm giặc để đánh. Việt đúng là nhân vật tiêu biểu cho lớp trẻ, nòng cốt của thời đại cách mạng. Có thể nói hành động giết giặc để trả thù nhà đền nợ nước đã trở thành một trong những thước đo quan trọng về phẩm chất con người trong các tác phẩm của Nguyễn Thi.

Kết bài

Qua việc xây dựng hình tượng hai nhân vật Chiến, Việt trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã cho người đọc thấy rõ tài năng của ông trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật vừa cụ thể vừa sống động. Và rõ nhất là phẩm chất của Chiến, Việt tiêu biểu cho tấm lòng yêu thương, gắn bó sâu sắc của người nông dân Nam Bộ đối với gia đình, quê hương, đất nước; gắn bó sâu sắc giữa truyền thống gia đình với truyền thống quê hương, dân tộc. Điều đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc vệ quốc vĩ đại. Nguyễn Thi thật xứng đáng với danh hiệu: Nhà văn của nông dân Nam Bộ.

» Xem thêm : Nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) tại đây.

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận