Nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích nhân vật người đàn bà trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Trên cơ sở hiểu được quan điểm nghệ thuật của nhà văn và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, học sinh phân tích nhân vật người đàn bà để thấy được đây là một người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh vì thương con, vì sự ổn định của cuộc sống gia đình. Từ đó thấy được cái nhìn nhân đạo của nhà văn đã phát hiện ra bên trong cái lấm láp của đời thưòng là vẻ đẹp lấp lánh tình mẫu tử, sự can đảm, lòng bao dung của người phụ nữ. Đó là “hạt ngọc ẩn giấu” trong tâm hồn mỗi người mà nhà văn cần phải “đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử” để kiếm tìm, để ngợi ca, nâng đỡ.

Học sinh có thể xác lập luận điểm như sau:

+ Hình ảnh ngươi đàn bà hàng chài và sự nhẫn nhục, cam chịu.

+ Câu chuyện ở toà án huyện và những suy nghĩ, cách ứng xử của bà.

+ Những vỡ lẽ của Đẩu và Phùng.

=> Rút ra chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh và bình luận.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

Đọc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, một trong những nhân vật để lại ấn tượng khó quên cho độc giả, đó là nhân vật người đàn bà hàng chài. Nhà văn không đặt cho nhân vật một cái tên cụ thế bởi có lẽ bà là tiêu biểu, là đại diện cho bao người phụ nữ Việt Nam vẫn đang phải sống trong cảnh đông con, thất học, lam lũ nhọc nhằn và đặc biệt phải chịu nạn bạo hành gia đình từ người chồng thiếu hiểu biết, vũ phu, độc ác. Tuy nhiên trong sâu thẳm tâm hồn của người đàn bà ấy vẫn tỏa ra vẻ đẹp lấp lánh của đức hi sinh, lòng vị tha, bao dung cao cả.

Thân bài

*Hình ảnh người đàn bà hàng chài và sự nhẫn nhục, cam chịu

  • Xuất hiện trước mắt người đọc đó là hình ảnh người đàn bà thân hình cao lớn, đưòng nét thô kệch, rỗ mặt. Khuôn mặt hằn sâu sự mệt mỏi, tái ngắt sau một đêm thức trắng kéo lưới. Dáng đi mệt mỏi, chậm chạp như một bà già. Tấm lưng áo bạc phếch, rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng. Hình ảnh ấy là hiện thân của sự nghèo khổ, vất vả và cam chịu.
  • Khi bị người chồng rút thắt lưng của lính ngụy ngày xưa ra quật tái tấp xuống lưng, vừa đánh hắn vừa thở hồng hộc vừa chửi: “Mày chết đi cho ông nhờ…”, bà vẫn nhẫn nhục chịu đựng “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”.
  • Khi thằng Phác (con trai bà) nhảy xổ vào lão đàn ông, giằng lấy thắt lưng quật lại cha… thì người đàn bà lúc này dường như mới cảm thấy đau đớn, vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã. Bà mếu máo gọi: “Phác, con ơi!” rồi ngồi xệp xuống “chắp tay vái lấy vái để”. Bà ôm con vào lòng, nước mắt chan chứa trên khuôn mặt đầy những nốt rỗ chằng rỗ chịt. Thế rồi bà lại phải đẩy con ra chạy theo lão đàn ông về thuyền.
  • Ba ngày sau vẫn trên bãi biển ấy, bà lại tiếp tục chịu đòn chồng như thế mà vẫn không có một thái độ phản ứng nào.

=> Thái độ cam chịu đầy nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài khiến người ngoài cuộc phải kinh ngạc và bất bình. Nhưng ở trong hoàn cảnh đông con và cuộc sống lênh đênh trên mặt nước lại đầy những nhọc nhằn, bất trắc cùng nỗi lo cơm áo hàng ngày, thì chỉ có người đàn bà này mới hiểu được. Con đường duy nhất để bà lựa chọn là sự cam chịu, nhẫn nhục đế bảo vệ cuộc sống gia đình bình yên.

*Câu chuyện ở toà án huyện và những suy nghĩ, cách ứng xử của người đàn bà

  • Tại toà án huyện, người đàn bà trình bày sự thật về cuộc sống của gia đình, những suy nghĩ và sự chịu đựng của bà khiến Phùng và Đẩu phải ngạc nhiên, cảm thông và cảm phục.

+ Trước chánh toà Đẩu, lúc đầu thái độ người đàn bà còn sợ sệt, lúng túng đến tội nghiệp. Bà xưng hô lễ phép “con — quý toà”.

+ Sau khi được chánh án khuyên bà li hôn, thái độ của bà đột nhiên thay đổi. Bà chủ động trình bày ý kiến của mình, cách xưng hô cũng thay đổi “chị — các chú”.

+ Nguyên nhân của sự thay đổi ấy là người đàn bà cảm nhận được thiện ý của Đẩu và “tôi” — Phùng người nghệ sĩ: “Chị cám ơn các chú!”; đồng thời bà cũng cảm thông cho phần nào đó còn nông nổi, thiếu thực tế của họ: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu phải là người làm ăn… nên các chú đâu có hiểu được cái việc của người làm ăn lam lũ, khó nhọc”. “Bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”. Thế có nghĩa, người đàn bà gián tiếp muốn nói với Phùng và Đẩu: Cuộc sống vất vả, khó nhọc, chúng tôi rất cần một ngưòi đàn ông.

+ Người đàn bà nói về ngươi chồng: trước kia lão là “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Đôi mắt của bà bỗng lộ ra cái vẻ sắc sảo “như đang nhìn thấu suốt cuộc đời mình”’. “Giá tôi đẻ ít đi”, “Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ…”. Trong buồn đau nhưng lời lẽ của bà vẫn đầy sự bao dung, bà ví người chồng tàn bạo, dã man của mình cũng như biển kia có khi nổi giông tố nhưng cũng có lúc biển hiền hoà, lặng sóng. Bà thấy vui nhất là lúc “ngồi nhìn đàn con chúng tôi được ăn no” và “cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”. Cho nên những người đàn bà trên biển “phải cần có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con”, “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình…”. Đó là lí do người đàn bà “mong các chú lượng tình… Các chú đừng bắt tôi phải bỏ nó”.

=> Thế ra đó chẳng phải là người đàn bà xấu xí, vụng về, đần độn, dở hơi đế bị người chồng đánh đập, hành hạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Bà là người thất học, quê mùa nhưng lại thấu đáo lẽ đời. Lí lẽ của bà mang triết lí của con người từng trải, bà chấp nhận chịu thiệt thòi, khổ đau để cho những đứa con tội nghiệp khỏi bị tổn thương và chúng có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Từ cái nhìn nhân đạo, nhà văn đã phát hiện ra đằng sau câu chuyện buồn là vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự can đảm, đức hi sinh và tấm lòng bao dung của ngưòi phụ nữ. Đó là “hạt ngọc ẩn giấu” trong những cái lấm láp đời thường mà người nghệ sĩ phải kiếm tìm ngợi ca và nâng đỡ.

*Những vỡ lẽ của Đẩu và Phùng

  • Đẩu — vị Bao Công phổ biến có lòng tốt nhưng xa rời thực tế, anh bảo vệ luật pháp bằng sự thông hiểu của sách vở nên trước cuộc sống đích thực, anh trở thành người ngây thơ, nông nổi. Anh không thể hiểu được “tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thăng trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra ngoài”. Sau buổi nói chuyện với người đàn bà, có lẽ Đẩu đã “vỡ ra” những nghịch lí của cuộc sống: không thể nhìn cuộc đời từ bề ngoài mà phải nhìn từ bản chất bên trong nó. Muốn con người thoát ra khỏi cảnh đau khổ, tăm tối, man rợ, cần có những giải pháp thiết thực chứ không phải là những thiện chí hoặc lí thuyết sách vở.
  • Với Phùng – người nghệ sĩ tài hoa và tâm hồn nhạy cảm – từ câu chuyện của ngưòi đàn bà, anh cũng nhận ra chân giá trị của con người và đòi sống, nghệ thuật và đời sống. Chính độ chênh của bức ảnh “toàn bích” và cuộc sống nhọc nhằn, khắc nghiệt trong gia đình hàng chài kia đã đem đến những thay đổi trong quan niệm nghệ thuật của người nghệ sĩ: Bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Cái đạo đức không phải nằm trong cái đẹp của nghệ thuật mà ở trong tấm lòng, đức hi sinh cao cả của con người.

Kết bài

Nhân vật người đàn bà hàng chài không phải là nhân vật trung tâm của tác phấm, nhưng lại là nhân vật đóng góp vai trò quan trọng trong việc thể hiện cách nhìn đa diện, nhiều chiều của Nguyễn Minh Châu. Người ta không thể nhìn con người, sự vật, hiện tượng từ bên ngoài mà phải phát hiện được cái bản chất thực sự bên trong của nó. Với người nghệ sĩ, ông khắng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử.”. Trước khi người nghệ sĩ biết rung động trước cái đẹp hãy là con ngưòi biết yêu, ghét, buồn, vui trước mọi lẽ đời. Biết hành động để có cuộc sống xứng đáng với con người vì nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ con người.

» Xem thêm : Cảm nhận về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) tại đây.

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận