Phân tích bài “Tây Tiến”- (P3) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12

Đang tải...

TÂY TIẾN

Quang Dũng

2. Đoạn 2: Cảnh đêm liên hoan lửa trại và cảnh chiều sương trên sông nước. 

a. Cảnh đêm liên hoan lửa trại.

– Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới mới mẻ của Tây Bắc. Cảnh núi rừng hoang vu, khắc nghiệt lùi dần để bất ngờ hiện ra vẻ đẹp thơ mộng, mĩ lệ. Hồn thơ Quang Dũng đắm say với vẻ đẹp nơi phương xa, xứ lạ nên đã dẫn người đọc đến với thế giới của vũ điệu và âm thanh, khiến cảnh vật và con người hiện lên lung linh, huyền ảo trong đêm liên hoan lửa trại:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”

– Trong đêm sương ở Mường Lát, người chiến sĩ nhìn ngọn đuốc soi đường lung linh như “hoa về” trong đêm lửa trại, người lính trẻ nhìn ánh lửa bập bùng như “đuốc hoa”. Động từ “bừng” là một nốt nhấn tươi sáng trong câu thơ, gợi cảm giác đột ngột, bất ngờ. “Bừng lên”có thể hiểu đó là ánh sáng bừng lên từ những bó đuốc trong đêm, cũng có thể hiểu đó là không khí tưng bừng, sôi nổi thắm tình quân dân ở doanh trại. Không phải giống như một đêm hội ta thường gặp có đèn đuốc sáng trưng, cờ hoa rực rỡ, ở đây chỉ có tiếng khèn, điệu múa cùng những bó đuốc dân dã nhưng không khí cũng vui tươi, náo nhiệt như một đêm hội vậy.

– Trong bức tranh lửa trại, nhân vật trung tâm tạo nên bất ngờ, thú vị, thu hút hồn vía những chàng trai Tây Tiến đó chính là các cô gái vùng cao lộng lẫy trong trang phục (xiêm áo), vừa e thẹn, tình tứ (e ấp) trong dáng điệu, vừa tài hoa, duyên dáng trong điệu múa, lời ca (man điệu) làm say đắm lòng người. Hai tiếng “kìa em” là tiếng reo vui ngạc nhiên, sung sướng, say mê của các anh lính trẻ trước vẻ đẹp duyên dáng, tình tứ của các cô gái vùng cao. Trong không khí tươi vui ấy còn có “tiếng khèn” với âm thanh vi vu, réo rắt, những “man điệu” – điệu nhạc, điệu múa của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi lôi cuốn tâm hồn của tất cả mọi người.

– Qua câu thơ, Quang Dũng thể hiện một nét đẹp của phong tục, tập quán, sinh hoạt và văn hóa của người vùng cạo. Đồng thời khắc họa nét lãng mạn, hào hoa trong tâm hồn người chiến sĩ. Các anh bước vào cuộc chiến chống quân thù không chỉ có gươm, đao, súng, đạn mà còn có cả đời sống tinh thần phong phú, cao đẹp. Trong tiếng khèn réo rắt, các anh trở về ngày mai chiến thắng. Bốn câu thơ chan hòa màu sắc, âm thanh và rất tình tứ.

b. Cảnh chiều sương trên sông nước.

– Nếu cảnh đêm liên hoan đem tới không khí vừa hiện thực, vừa mộng ảo thì cảnh sông nước lúc hoàng hôn lại gợi cảm giác mênh mông, xa vắng:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Xuôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

– Không gian “chiều sương, dòng nước” gợi cảm giác mờ nhòe, ảo mộng. Thiên nhiên Tây Bắc giăng mắc một màn sương lặng lờ, hoang dại như thời tiền sử xa xăm. Thời gian “chiều sương ấy” gợi sự cố kính, mang theo nỗi buồn man mác.

Lời thơ Quang Dũng bỗng mênh mang, êm mượt như gió thoảng hương rừng, cảnh vật mờ nhòe gợi hoài niệm bâng khuâng, vương vấn trong lòng người. Hai câu hỏi “có thấy, có nhớ” luyến láy như một khúc nhạc lòng đong đầy thương nhớ.

– Từ tâm trạng ấy, người chiến sĩ Tây Tiến đã tinh tế lắng nghe được tiếng xôn xao của hồn lau phơ phất. Hoa lau bình bị, tự nhiên thường mọc nơi rừng núi hoang vu, heo hút nay bỗng trở nên gợi cảm trong câu thơ của Quang Dũng. “Hồn lau” ở đây có thể là hồn của Quang Dũng đã hóa thân thành cây lau, sống nơi rừng núi biên cương tổ quốc để tưởng nhớ lại khoảng thời gian lịch sử hào hùng của đoàn quân Tây Tiến. Có người cho rằng “hồn lau” là hóa thân tâm hồn của các người lính vô danh đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Các anh ra đi anh dũng, thân xác anh đã trở về an nghỉ nơi đất mẹ vĩnh hằng nhưng các anh gửi hồn ở lại mảnh đất Tây Tiến để nhìn lại những gì mình đã làm, đã cống hiến và chứng kiến nhũng người lính còn sống sẽ tiếp tục chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Và cuối cùng, có người nghĩ “hồn lau” là hồn của cỏ cây, hoa lá, sông suối – những nhân chứng sống của lịch sử hào hùng, cùng đồng hành với đoàn binh Tây Tiến vượt qua gian khổ.

– Hai chữ “hồn lau” gợi ta nhớ tới những câu thơ đầy tâm trạng của Chế Lan Viên:

“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với

Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình

Bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi

Suốt một đời cùng với gió giao tranh.”

(Chiều biên giới – Chế Lan Viên)

– Nếu thi sĩ họ Chế chú ý đến sắc trắng trải dài không gian của những bông lau thì Quang Dũng lại quan tâm tới hồn lau xào xạc trong gió núi.

– Trên dòng sông đậm sắc màu cổ kính, nổi bật lên “dáng người” mang vẻ đẹp khỏe khoắn, vững chãi trôi theo thời gian và dòng hoài niệm. Dẫu bước chân của người chiến sĩ vẫn tiến về phía trước nhưng tâm hồn anh gửi lại phía sau đế nhận ra những bông hoa rừng đang “đong đưa”. Quang Dũng đã thổi linh hồn để bông hoa đong đưa như làm duyên, làm dáng, khoe sắc thắm trên dòng nước lũ. Đây là sáng tạo từ mới mẻ, thế hiện đậm nét chất lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng.

Cảnh và người được thấy và nhớ với cảm giác man mác, bâng khuâng. Bút pháp thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn đế lại dấu ấn tài hoa qua đoạn thơ này.

– Như vậy, chỉ bằng vài nét chấm phá tài hoa, Quang Dũng đã đưa người đọc đến không gian sông nước miền Tây để cảm nhận vẻ đẹp của cảnh, của người. Đọc những câu này, Xuân Diệu cho rằng: “Ông như lạc vào thế giới của âm nhạc và hội họa.”

Xem thêm: Phân tích bài “Tây Tiến”- (P4) – Tài liệu ôn thi THPTQG Văn 12 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận